Wikipedia

Từ điển bách khoa “nhân dân”
Nguyễn Vạn Phú
Wikipedia là một hiện tượng lạ - trong vòng năm năm, trang web này đã trở thành một cuốn từ điển bách khoa lớn nhất thế giới với hàng chục ngàn người tình nguyện viết bài không công. Nhưng cũng từ cơ chế mở này, Wikipedia cũng chứa nhiều sai sót – như kiểu David Beckham là một thủ môn người Hoa sống ở thế kỷ 18 – gây nỗi hoài nghi vào sự thành công của mô hình “nhà nhà cùng viết từ điển bách khoa”.

Khởi đầu thuận lợi
Wikipedia được thành lập vào tháng Giêng năm 2001 như một thể nghiệm về tính dân chủ của mạng Internet. Thoạt tiên, một nhóm các chuyên gia về từ điển bách khoa làm việc cho công ty Bomis hợp tác với nhau tổ chức một dạng từ điển bách khoa trực tuyến dưới sự điều hành của trưởng nhóm Jimmy Wales. Sau khi tiêu của Bomis chừng 100.000 đô-la, Wales thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để đảm trách dự án này chỉ với ba nhân viên chính thức. Thế nhưng Wikipedia lớn nhanh như thổi, với khoảng 1.000 người tình nguyện làm việc không ăn lương để quản lý website, thêm chừng 13.000 cộng tác viên thường xuyên lo chuyện biên tập chỉnh sửa nội dung. Cơ chế của Wikipedia là mở hoàn toàn, bất kỳ ai cũng có thể tham gia viết bài và sửa bài đã có. Nhóm Wikipedia chủ trương thông tin có thể tiến hóa theo thuyết Darwin để ngày càng tự hoàn thiện hơn. Họ cho rằng càng có nhiều người chỉnh sửa, những bài sau sẽ càng hay hơn, càng chính xác hơn bài trước.
Khoan nói đến tính chính xác, về mặt quy mô, suy nghĩ này là chính xác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Wikipedia phát triển thành cuốn bách khoa đa ngôn ngữ có 2,6 tỷ bài viết bằng 200 thứ tiếng, mỗi tháng thu hút đến 2 tỷ lượt người vào xem. Chỉ tíng riêng tháng 12-2005, bản tiếng Anh có thêm 45.000 mục từ và con số ngày đang tăng ở mức độ 7% mỗi tháng. Đến nay bản tiếng Anh có trên 950.000 mục từ (nên nhớ cuốn Bách khoa toàn thư Britannica nổi tiếng chỉ có 120.000 mục từ). Thành công buổi đầu của Wikipedia là nhờ sự nhiệt tình của cộng tác viên khắp thế giới. Năm ngoái, độc giả tặng cho trang web này 1 triệu đô-la để bù đắp chi phí. Giai đoạn đầu cuốn từ điển “nhân dân” này được mọi người tin dùng vì thông tin khá chính xác. Một khảo sát của tạp chí Nature vào năm ngoái kết luận thông tin trên Wikipedia chỉ thua Britannica một chút thôi. Nature cho rằng mỗi mục từ chỉ có bình quân bốn lỗi thiếu chính xác so với ba lỗi trên Britannica. Một tạp chí tin học của Đức cho Wikipedia 3,6 điểm về tính chính xác so với 3,1 điểm cho Encarta của Microsoft. Gõ vào ô tìm kiếm của Wikipedia cụm từ “trận đánh Waterloo”, người ta sẽ đọc được những trang viết sống động về một sự kiện đánh dấu sự sụp đổ của Napoleon. Ngay cả những sự kiện nhỏ, những địa danh ít ai biết, những nhân vật chỉ nổi lên một thời cũng được đề cập.

Sai sót và bị lợi dụng
Sự đời lúc nào “ăn nên làm ra” cũng dễ sinh chuyện. Đầu tiên là trò đùa nghịch ngợm của nhiều người thiếu ý thức. Họ vào Wikipedia, chỉnh sửa tiểu sử của nhiều nhân vật nổi tiếng, biến David Beckham thành một thủ môn người Hoa sống vào thế kỷ 18, cho rằng chữ lót của Thủ tướng Anh Tony Blair là “Whoop-dee-do”, rằng thời trai trẻ ông này còn dán hình Adolf Hitler lên tường.
Loại phá phách này dễ bị phát hiện và trong thực tế, ít xuất hiện và mỗi lần xuất hiện đều bị độc giả xóa ngay. Jimmy Wales từng trả lời phỏng vấn báo chí rằng ban đầu nhóm sáng lập Wikipedia cứ tưởng trò đùa nghịch này sẽ làm họ đau đầu nhưng “hóa ra có nhiều người làm việc tốt hơn loại người phá hoại”.
Thế nhưng loại tin tặc bất ngờ nhất cho Wikipedia là các ông nghị trên điện Capitol Hill của Quốc hội Mỹ. Một số chính khách Mỹ đã cho “hiệu đính” tiểu sử của mình, như nhân viên nghị sĩ Marty Meehan xóa đi đoạn nói về lời hứa của ông này chỉ làm nghị sĩ trong bốn nhiệm kỳ, thêm đoạn khen ngợi các lần bỏ phiếu có trách nhiệm của ông ta. Nhân viên Thượng nghị sĩ Tom Harkin xóa nhiều đoạn thông tin bất lợi cho sếp còn nhân viên Thượng nghị sĩ Norman Coleman “đánh bóng” tiểu sử ông ta để hình ảnh Coleman ít “cấp tiến” hơn. Ngược lại, có người vào sửa tiểu sử của thượng nghị sĩ Tom Coburn, chêm thêm nhận xét ông này được bầu là ông nghị khó chịu nhất.
Trò này lan rộng đến nỗi ban quản lý Wikipedia phải khóa không cho các máy tính từ khu vực Quốc hội Mỹ truy cập trang web này nguyên một tuần vào tháng Giêng và thêm ba tiếng vào tháng 2 này.
Sự cố ầm ĩ nhất về Wikipedia xảy ra vào tháng 12-2005 khi nhà báo John Seigenthaler phát hiện mục từ về ông trên Wikipedia cáo buộc ông có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John Kennedy và cả người em - Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy. Hóa ra, đây là trò đùa của một người muốn lừa đồng nghiệp.
Nhiều lúc, Wikipedia là nơi diễn ra những tranh chấp mang tính tôn giáo hay chính trị. Ví dụ mục từ “Muslim” (Hồi giáo) hiện bị phá cả chục lần mỗi ngày, nhất là sau vụ báo chí Đan Mạch và một số nước khác đăng trang biếm họa về nhà tiên tri Mohamed. Mục từ Tony Blair cũng là nơi bị tấn công nhiều vì người đọc cứ vào bổ sung nghề của Tony Blair như là “bạn nối khố của George Bush”.
Với đại đa số thông tin khác trên Wikipedia, nhận xét của nhiều chuyên gia là nó “nhàn nhạt”, thiếu tính chuyên nghiệp. Sử gia Antony Beevor nhận xét: “Với các mục từ của Wikipedia, có cảm giác đọc không đã, không hẳn vì thiếu chính xác mà vì có nhiều câu chung chung, không thể bảo là sai nhưng cũng không ích lợi gì”.
Robert McHenry, cựu tổng biên tập Bách khoa toàn thư Britannica nhận xét: “Quan điểm của tôi là, trái với ý tưởng hoàn thiện liên tục của Wikipedia, rất dễ xảy ra chuyện bài tệ trở nên khá hơn, bài hay bị sửa thành ra dở và đại đa số bài ở mức thường thường bậc trung... Vấn đề ở chỗ người dùng bình thường khó lòng phân biệt bài đúng bài sai”.
Ngay chính Wikipedia cũng nói rõ điểm yếu của mình, xác nhận ngay trong mục từ “Wikipedia” rằng trang web này hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề từ định kiến, dùng nguồn không thẩm quyền, khó kiểm chứng thông tin đến phá hoại, xâm phạm đời tư, cuồng tín và kiểm duyệt.
Có lẽ chỉ nên xem Wikipedia là nguồn thông tin tham khảo thô. Ý tưởng của Wikipedia là một ý tưởng tuyệt vời trong một thế giới hoàn hảo: mọi người cùng nhau chia sẻ thông tin, mỗi người đóng góp một phần, kể cả kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng, hình ảnh minh họa và liên kết đến trang web khác. Tuy nhiên, thế giới ngày nay vẫn còn nhiều kẻ phá hoại và nhiều người muốn dùng thông tin cho ý đồ lợi ích cá nhân. Wikipedia vì thế là một chỉ dẫn tốt nhưng người dùng phải tỉnh táo để kiểm chứng thông tin để chúng có thể thật sự hữu ích cho mình.


Box

Sẽ có nhiều loại Wiki khác
Từ thành công (dù cũng đầy tai tiếng) của Wikipedia, người ta đang dự tính cho ra đời nhiều loại Wiki khác, cũng dựa vào mô hình hợp tác cùng làm. Nhà sáng lập Jimmy Wales đang triển khai Wiktionary, một loại từ điển đa ngữ do nhiều nhà làm từ điển biên soạn. Những người thích các câu danh ngôn, lời hay ý đẹp đang cùng soạn Wikiquote bằng 30 thứ tiếng. Trong dự án Wikibook, bất kỳ ai cũng có thể tham gia soạn sách giáo khoa cho học sinh. Tổ chức Wikipedia Foundation cũng đã bắt đầu dịch vụ Wikinews, bằng cách tổng hợp đủ mọi nguồn tin tức trên khắp thế giới.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét