Chuyện rất nhỏ
Hằng ngày có chừng 150 xe hơi mới tham gia lưu thông; điều đó có nghĩa hằng ngày có ít nhất 150 “người đô thị” chuyển từ phương tiện di chuyển khác, chủ yếu là xe gắn máy, sang chạy xe hơi. Không hiếm người trong số này đem theo cùng họ tâm lý và cách hành xử chạy xe gắn máy sang điều khiển ô tô cho nên không có gì lạ khi đường phố có nhiều cảnh chướng mắt do người lái xe hơi gây ra mà trước đây vài năm không hề có. Nào là chen lấn chạy hàng đôi, hàng ba, dồn thành dòng lấn sang làn đường dành cho xe gắn máy; nào là vội vàng ôm cua rẽ trái bất kể dòng xe cùng đường đang được quyền ưu tiên chạy thẳng, rồi bóp còi inh ỏi bất kỳ lúc nào thấy thích. Ngày xưa, lái xe hơi chủ yếu là người được đào tạo chuyên làm tài xế nên các bác tài lúc đó chạy xe rất nghiêm chỉnh, chấp hành luật lệ giao thông như một phản xạ nghề nghiệp. Nay có nhiều người học vội, lấy bằng nhanh và lái xe của chính họ như thể họ đang chạy xe gắn máy trên đường làng.
Xin nêu một chuyện rất nhỏ như thế để nói rằng: quản lý trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải đi từng điểm tưởng chừng nhỏ nhặt như phải nghiêm khắc trong việc thi và cấp bằng lái xe hơi mới mong ngăn chận sự hỗn loạn trong giao thông đô thị mà chắc chắn sẽ diễn ra cùng với con số “người đô thị” chuyển từ xe gắn máy sang xe hơi ngày càng tăng. Phải phạt thật nặng những người lái xe cố tình vi phạm luật giao thông, như kiểu thòi xe ra khỏi dòng xe đang nối đuôi thành hàng một, lấn lên chạy song song một đoạn, rồi chen ngang, thụt xe vào khi gần tới ngã tư vì sợ có cảnh sát giao thông!
Quản lý đô thị cũng phải được làm một cách khoa học từ những chuyện vặt vãnh khác: Đường phố đang được kẻ vạch bất kể quy luật. Rất nhiều con đường có vạch phân luồng cho xe gắn máy chút xíu, vạch cho xe hơi rộng thênh thang. Dĩ nhiên, người lái xe gắn máy, với nhiều tật xấu cố hữu, sẽ đời nào chịu khuôn phép bởi lằn vạch này. Vì sao không nghiên cứu kẻ vạch cho hợp lý hơn, để người chạy xe gắn máy vẫn chạy được trong luồng của mình và tự dưng thấy hình như mình đang chấp hành luật giao thông một cách tự nguyện, lâu ngày trở thành thói quen. Nhiều người hồ nghi rằng các biện pháp quản lý giao thông đô thị được nhập nguyên xi từ nước ngoài, nơi chủ yếu chỉ có xe hơi nên không phù hợp với các thành phố của Việt Nam. Rồi không biết hệ thống đèn xanh đèn đỏ có được điều khiển theo một nghiên cứu nào không hay chỉ ước đoán lưu lượng xe để cài đặt một cách võ đoán. Cứ thử quan sát mà xem, lúc nào ở ngã tư nào có anh cảnh sát giao thông một hôm tự bật tắc đèn xanh, đèn đỏ, dòng xe ứ lại sẽ dài hơn vì sự chủ quan của con người.
Giải quyết vấn đề tai nạn giao thông ắt sẽ phải tốn chi phí; vấn đề là chi tiêu tiền ngân sách vào đâu cho có hiệu quả nhất. Cũng tương tự như các câu chuyện nhỏ ở trên, thiết nghĩ nên tiêu tiền vào những chuyện rất sơ đẳng, tưởng chừng rất nhỏ. Chiến dịch buộc người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm xem như đã thành công về mặt chấp hành. Vì sao không tiếp tục tiêu tiền ngân sách vào các chiến dịch tuyên truyền (bằng quảng cáo, bằng pano, áp phích, tài liệu…) cách đội mũ bảo hiểm đúng, chỉ rõ đội mũ như thế nào là sai, hình ảnh các vụ tai nạn do đội mũ sai… Vì sao không kiểm tra, xử phạt và công bố thật rộng rãi tên nhà sản xuất loại mũ không đảm bảo chất lượng. Con số tai nạn giao thông những tháng đầu năm, những cảnh báo trong mấy tuần gần đây cho thấy đội mũ bảo hiểm chưa giải quyết được vấn đề. Không lẽ chính quyền chỉ hài lòng thấy ai ai chạy xe ngoài đường đều có đội mũ bảo hiểm – còn họ đội mũ dỏm, đội mũ sai cách thì mặc kệ người dân?
Nguyễn Vạn Phú
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét