Kinh tế 6 tháng đầu năm
Không thể chủ quan
Nguyễn Vạn Phú
Nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2008 với những triệu chứng lâm trọng bệnh. Nhờ những biện pháp tích cực, các triệu chứng này đã được đẩy lùi trong ngắn hạn nhưng về dài hạn các nguyên nhân gây bệnh phải được giải quyết rốt ráo mới mong trị hẳn căn bệnh hiện nay.
Điều chỉnh chính sách
Từ thời điểm tháng 7-2008 này nhìn lại 6 tháng qua, có thể thấy một trong những đặc điểm của việc điều hành kinh tế vĩ mô là sự điều chỉnh chính sách – một sự điều chỉnh cần thiết và diễn ra khá nhanh ở lãnh đạo Chính phủ nhưng lại dùng dằng, không nhất quán ở cấp bộ, ngành và địa phương.
Cho đến gần hết quý 1-2008, quan điểm chỉ đạo điều hành kinh tế vẫn là nỗ lực chống lạm phát nhưng không hy sinh mục tiêu tăng trưởng; song song với các giải pháp thắt chặt tiền tệ, chi tiêu công lại khẳng định ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục cho vay chứng khoán, bất động sản. Lúc đó, vẫn còn ý định “cứu chứng khoán” bằng các biện pháp hành chính như chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước mua cổ phiếu… Bước sang quý 2-2008, tình hình lạm phát, nhập siêu cao đã buộc Chính phủ điều chỉnh chính sách, đặt lại ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát với những biện pháp đúng theo bài bản chống lạm phát kinh điển như thắt chặt đầu tư công để giảm cung tiền, áp dụng cơ chế lãi suất thực dương, giảm nhập siêu, giảm mức tăng GDP…
Đáng tiếc là trong suốt những tháng đầu năm nay, nhiều bộ, ngành vẫn còn sự lúng túng đã để trôi qua nhiều cơ hội, nhất là cơ hội về mặt thời gian. Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ mức trần lãi suất 12% mà Hiệp hội ngân hàng ấn định với sự đồng tình của Ngân hàng Nhà nước kéo dài trong nhiều tháng. Lẽ ra nếu Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn và thực thi sớm hơn việc dùng lãi suất cơ bản làm công cụ để tác động lên thị trường tiền tệ, việc ổn định hệ thống ngân hàng có lẽ đã diễn ra nhanh hơn. Nay nhìn lại mới thấy đề xuất của Ngân hàng Nhà nước với Quốc hội đòi nâng tỷ lệ tính mức cho vay nặng lãi trong Bộ Luật Dân sự thay vì tự mình điều chỉnh lãi suất cơ bản là một đề xuất lúng túng đến mức nào. Ngân hàng Nhà nước cũng đã bỏ qua cơ hội điều chỉnh tỷ giá linh hoạt khi đô-la Mỹ mất giá trên thị trường Việt Nam và lại lúng túng một thời gian dài (mãi cho đến tuần trước) khi xuất hiện chênh lệch tỷ giá quá lớn giữa thị trường chính thức và thị trường tự do.
Sự biến chuyển ở lãnh đạo Chính phủ trong việc xác định ưu tiên chính sách vẫn chưa thể hiện ở cấp thấp hơn, việc xác định các dự án đầu tư công cần cắt giảm, hoãn vẫn chưa xong, các địa phương vẫn còn tìm cách nâng mức đầu tư này lên nữa để đạt con số tăng trưởng GDP mang tính thành tích. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vẫn chưa có động thái gì giải quyết việc đầu tư dàn trải, ra khỏi ngành nghề chính (trừ Vinashin với một tỷ lệ cắt giảm ít ỏi).
Nhìn một cách tổng quát, ba triệu chứng nổi bật của kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay là lạm phát cao, nhập siêu tăng, tỷ giá không ổn định đã phần nào được giải quyết nhờ một loạt các giải pháp cụ thể thực hiện 8 biện pháp mà Chính phủ đã đưa ra trước đó (xem các biểu đồ số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm). Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đã xuất hiện một tâm lý cho rằng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam chỉ mang tính ngắn hạn, giải quyết được triệu chứng, nền kinh tế sẽ tiếp tục đi lên như năm ngoái. Các thông tin mang tính lạc quan cũng dễ làm mọi người chủ quan, không muốn tiếp tục các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do chúng đang gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách… Những biểu hiện này sẽ làm cuộc chiến chống lạm phát gay go hơn trong những tháng cuối năm.
Vượt qua khó khăn trong trung hạn
GS. David Dapice, một trong những tác giả chính của báo cáo nghiên cứu “Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam” trở lại thăm Việt Nam vào giữa tháng 6-2008. Trong một dịp tiếp xúc với TBKTSG, ông nhận xét: Vấn đề chính của Việt Nam là đã quá thành công! Ý ông cho rằng khó khăn kinh tế hiện nay xuất phát từ việc năm ngoái Việt Nam thu hút quá nhiều vốn từ bên ngoài trong khi tỷ giá vẫn được duy trì ở mức ổn định trong thời gian dài. Tiền đổ vào nhiều đã tạo ra những mức tăng kỷ lục, cả về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhập khẩu, lạm phát, giá cả trên thị trường chứng khoán và địa ốc.
Nay với những giải pháp đã đề ra, không chỉ riêng GS Dapice mà nhiều ý kiến khác của các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để giải quyết khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là những liều thuốc này sẽ có những tác dụng phụ, bắt đầu thể hiện và sẽ thể hiện mạnh trong trung hạn. Đó là nền kinh tế sẽ thiếu vốn, vốn ngày càng đắt vì chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó, nhiều doanh nghiệp khác sẽ phải giảm quy mô sản xuất nên chẳng lạ gì cựu Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nhận định khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Việt Nam cần phải chấp nhận mức giảm tăng trưởng nhiều hơn nữa.
Một khó khăn khác trong trung hạn là tình hình kinh tế thế giới vẫn biến động theo chiều hướng xấu. Giá dầu thô vẫn tăng, vượt hết mốc kỷ lục này đến mốc kỷ lục khác. Tình hình này sẽ tạo ra áp lực lạm phát ngoại nhập mạnh hơn 6 tháng đầu năm, làm xuất khẩu khó tăng như mong muốn và không hỗ trợ nổi thị trường chứng khoán trong nước, ít nhất là về mặt tâm lý.
Việc cắt giảm đầu tư công hay việc các tổng công ty, tập đoàn nhà nước sẽ phải đình hoãn các dự án đầu tư theo lệnh của Chính phủ, dù là biện pháp đúng, phải tiến hành mạnh mẽ, nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho công ăn việc làm địa phương, cho các doanh nghiệp đối tác liên quan.
Cái khó nhất là các giải pháp hiện nay đều mang tính đánh đổi và tạo tâm lý khác nhau ở các nhóm dân cư khác nhau. Lấy ví dụ chuyện tỷ giá: ổn định tỷ giá là điều cần thiết nhưng vấn đề là ở mức nào. Nếu quá thấp, người ta sẽ tiếp tục nhập hàng về bán, kể cả hàng xa xỉ, làm nhập siêu tiếp tục gia tăng và giảm lượng dự trữ ngoại tệ; nếu quá cao, dù có tác dụng kích thích xuất khẩu nhưng sẽ tạo áp lực lên lạm phát, gây tâm lý đồng tiền mất giá. Hay chuyện lãi suất: lãi suất ắt phải còn tăng thêm để chống lạm phát, hút tiền vào ngân hàng nhưng đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp khi vay vốn. Tình hình đó đòi hỏi Chính phủ phải linh hoạt trong chính sách nhưng đồng thời phải thông tin kịp thời, công khai cho người dân và doanh nghiệp biết định hướng để ổn định tâm lý và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đồng thời nó đòi hỏi sự nhất quán trong chính sách vì chắc chắn sẽ có những tiếng nói yêu cầu bơm thêm tiền vào lưu thông để giúp nền kinh tế vận hành với tốc độ như cũ, giảm dự trữ bắt buộc để giảm khó khăn cho ngân hàng… Hiện vẫn còn tâm lý “nghiện” đồng tiền dễ, một hiện tượng phổ biến trong năm 2007.
Chiến lược dài hạn
Có lẽ không phải là quá sớm khi nêu yêu cầu cần có một chiến lược dài hạn cấu trúc lại cơ cấu nền kinh tế để Việt Nam tránh được những khó khăn phải đương đầu trong năm nay. Lấy ví dụ chuyện nhập siêu, nếu vẫn chủ trương sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu thì khó lòng giảm nhập siêu bởi những nghiên cứu gần đây cho thấy các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu đã duy trì được mức tăng trưởng cao sau khi Việt Nam vào WTO trong khi các lĩnh vực thay thế nhập khẩu lại có mức tăng trưởng thấp (xem thêm bài “…..” của Phạm Chi Lan, trang….).
Một điểm mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đồng tình là phải xem xét lại hiệu quả của các dự án đầu tư công mà chúng ta từng có nhiều bài học thất bại. GS Dapice nêu dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mà Việt Nam đang nghiên cứu thực hiện như một dẫn chứng về sự lãng phí, thiếu hiệu quả. Chưa kể hiệu quả của một tuyến đường sắt như thế, chỉ riêng chi phí lên đến 30-35 triệu đô-la cho mỗi cây số đường sắt cao tốc cũng đã quá lãng phí so với mức chi phí 3 triệu đô-la mỗi cây số mà các nước đang xây dựng. Ông cho rằng nếu không thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công thì nền kinh tế sẽ đi đến chỗ tín dụng bị thu hẹp, khu vực kinh tế tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Thời gian sắp tới Việt Nam cần tiếp tục cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, không để chúng trở thành những “con voi trắng” nặng nề tạo sức ỳ cho cả nền kinh tế. Cũng may là khó khăn kinh tế hiện nay đã kịp thời ngăn lại một xu hướng nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, hoặc trực tiếp hoặc thông qua con đường phát hành trái phiếu quốc tế. Những món nợ như thế chính là ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Cuối cùng, một bài học chúng ta có thể rút ra sau 6 tháng đầu năm 2008 là vấn đề minh bạch trong thông tin. Đây vừa là bài học trước mắt mà tác dụng đã được minh chứng trong tháng 6-2008 vừa phải là một cơ chế được xây dựng dài hạn và bài bản vì một khi thông tin được cung cấp đầy đủ, thị trường sẽ không còn phải dựa vào những thông tin mang tính đồn đoán, phân tích dựa vào dữ liệu thiếu thốn hay do những người không nắm rõ tình hình trong nước đưa ra.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét