Không thể khu trú để tránh bão
Nguyễn Vạn Phú
Hiện nay tình hình kinh tế thế giới đang chuyển biến từng ngày, từng giờ. Không chỉ là tin tức lên xuống thất thường của các chỉ số chứng khoán mà còn là giá cả hàng hóa biến động, tỷ giá thay đổi, sức mua tăng giảm…
Hơn ai hết doanh nghiệp là nơi tiếp nhận, xử lý thông tin và liên tục tìm cách ứng phó. Giả định một nhà nhập khẩu nếu chọn nhập hàng từ Nhật Bản sẽ phải mua hàng với giá cao hơn trước nhiều vì đồng yên đang lên giá; còn nếu quay sang nhập từ Hàn Quốc, khả năng mua được hàng với giá rẻ do đồng won đang tụt dốc không phanh, chắc hẳn họ phải cân nhắc, suy tính và liên tục dọ hỏi, tìm nguồn hàng mới. Một nhà xuất khẩu khác, nhìn thấy dấu hiệu thắt lưng buộc bụng ở người tiêu dùng các nước đang bị khủng hoảng, bèn thay đổi dòng hàng, chọn loại hàng mà sức cầu ít chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhất, loại ra các dòng hàng thuộc loại xa xỉ… Ban điều hành các doanh nghiệp lớn đang cật lực tìm lời giải tối ưu để đối phó với giai đoạn khó khăn này.
Thế nhưng, những định hướng lớn như thế từ các bộ, ngành ở cấp quốc gia hầu như đang thiếu vắng. Thay vào đó là những thông tin mang tính trấn an dễ dẫn đến sự chủ quan rất nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay. Thay vì khẳng định tỷ giá tiền đồng sẽ ổn định ở một mức nào đó, tại sao không nhìn rộng ra các nước trong khu vực để thấy hầu như đồng tiền của nước nào cũng đang sụt giá so với đô-la Mỹ. Dù xu hướng này là ngắn hạn hay dài hạn, cũng phải có những chiến lược phòng tránh rủi ro: làm sao hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể cạnh tranh nổi khi hàng của nước khác giảm giá đến 20%-30%; nên định hướng như thế nào để hạn chế nhập khẩu nhằm tiết kiệm ngoại tệ đang rất cần để ổn định kinh tế; hỗ trợ các nhà xuất khẩu như thế nào khi các kênh thanh toán quốc tế đang biến động, người mua vẫn có nhưng hàng không bán được vì ngân hàng bên mua không thể mở tín dụng thư…
Ở góc độ đầu tư, chẳng hạn, cũng có vô số thông tin mới cần xử lý và thông báo cho các địa phương hay đối tác trong nước để chủ động ứng xử. Đầu tư vào địa ốc với những dự án hàng tỷ đô-la chắc chắn sẽ không thể triển khai như đăng ký vì hiện nay cả thế giới đang thiếu vốn lưu động, nhất là những nước như Hàn Quốc. Các địa phương phải vạch ra nhiều phương án để tránh cảnh dồn sức giải tỏa dân rồi phải nhìn dự án đóng băng như những năm cuối thập niên 1990. Chúng ta thường nói phải sản xuất cái gì thế giới cần chứ không phải cái gì chúng ta đang có. Thế nhưng nhu cầu của thế giới đang thay đổi – liệu chúng ta đã biết rõ, đã nghiên cứu kỹ nhu cầu ngắn hạn và trung hạn của thế giới hay chưa. Có rất nhiều lãnh vực cần nghiên cứu như thế, từ du lịch đến nông sản, từ lương thực, thực phẩm đến quản lý dòng vốn tài chính… Ngay cả những động thái mới như Singapore vừa ký Hiệp định Thương mại Tự do với Trung Quốc cũng cần được phân tích để thấy cơ hội hay thách thức mới, trực tiếp hay gián tiếp, từ hiệp định này.
Mỉa mai thay, trong bối cảnh đó có bộ lại lao vào những chuyện không đâu vào đâu như Bộ Y tế với các quy định thiếu căn cứ khoa học về chuyện tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng, vòng ngực… trong cấp phép lái xe. Theo dõi nhưng có biện pháp ứng phó chưa cũng là một yêu cầu cấp bách chưa được đáp ứng như quản lý giá xăng dầu, giá thuốc, xuất khẩu khoáng sản…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét