Di tim mo hinh kinh doanh Internet

Đi tìm mô hình kinh doanh Internet

Vân Cầm

Từ lúc ra đời cho đến nay, hầu như tất cả các mô hình kinh doanh dựa vào Internet đều xuất phát từ giả định người tiêu dùng được hưởng miễn phí mọi dịch vụ, nhà kinh doanh tìm cách thu tiền từ quảng cáo hay từ nguồn khác. Nhiều công ty thay nhau ra đời và thay nhau tụi tàn – trong khi cộng đồng doanh nghiệp loại này vẫn loay hoay tìm lối ra.

Cho đến nay, đã định hình một tâm lý: người ta vào Internet để hưởng các sản phẩm và dịch vụ miễn phí, từ tin tức, email, lưu trữ đến chia sẻ hình ảnh, chia sẻ nội dung... Không ai nghĩ mình phải trả tiền để đọc tin trên các báo điện tử chẳng hạn. Vì thế, trong thời kỳ dot.com vào cuối những năm 1990, các công ty đủ loại hình mọc lên như nấm, tiền đầu tư từ các quỹ mạo hiểm rót vào, nhà kinh doanh không bận tâm lắm đến việc thu phí vì họ nghĩ cứ thu hút người ta vào với mình trước đã, chuyện lời lỗ tính sau. Sự sụp đổ của phong trào công ty dot.com như thế vào đầu những năm 2000 chỉ làm lắng dịu tham vọng của những người lắm ý tưởng nhưng thiếu óc kinh doanh. Sau mấy năm, ý tưởng Web 2.0 lại trổi lên, nhất là khi kết nối băng thông rộng giúp người dùng truy cập Internet dễ dàng và thường trực. Tuy nhiên, tâm lý “của chùa” trên mạng vẫn ngự trị. Hiện nay, trừ một số trường hợp hãn hữu như Google, hầu hết các công ty kinh doanh trên Internet vẫn không thể đưa ra một mô hình phát triển bền vững, không dựa vào việc cân đối thu chi mà chỉ trông cậy vào các nguồn đầu tư rót tiền cho họ duy trì hoạt động.

Sự thành công của Google và các loại hình dịch vụ miễn phí tương tự như Facebook, Twitter, YouTube, MySpace làm nhiều người tưởng nhầm doanh thu quảng cáo trên các trang miễn phí như thế sẽ là động lực phát triển lâu dài. Thật ra, chúng vẫn đang lỗ nặng nhưng nhờ bán lại cho các hãng lớn (như MySpace bán cho News Corporation, YouTube bán cho Google) nên vẫn tồn tại.

Khó khăn nhất vẫn là các tờ báo. Trong khi doanh thu từ báo in giảm mạnh do giảm lượng phát hành và quảng cáo, doanh thu từ báo mạng hầu như không đáng kể, nhiều tờ báo phải lâm vào cảnh phá sản, đóng cửa. Họ lại không thể tính tiền với người đọc qua mạng bởi tâm lý mọi thứ trên Internet đều phải miễn phí từ thời dot.com.

Có lẽ sai lầm lớn nhất của mô hình này là xem Internet chính là cứu cánh chứ không phải phương tiện. Nếu nhìn lại những hoạt động kinh doanh mà trong đó Internet là phương tiện thì lợi ích của nó đem lại là vô cùng lớn lao. Ngay cả trong các khu vực phi kinh doanh như giáo dục, điều hành nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận, Internet đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Từ chuyện nhỏ như phí tem thư, phí in ấn catalog, đến chuyện lớn như hiệu quả công việc tăng lên cả trăm lần.

Bởi vậy, mô hình kinh doanh sắp tới là phải làm sao tận dụng ưu thế Internet như một phương tiện kinh doanh chứ không phải xem nó là nơi làm ra tiền. Ngành công nghệ âm nhạc, phim ảnh, sách đã đi theo hướng đó và đã dần dần định hình được thị trường như Apple với iStores, Amazon với chuyện bán sách, cho thuê phim...

Cứ hình dung thế giới không thể sống thiếu báo chí cho nên báo chí không bao giờ sụp tiệm. Vấn đề là phương thức đưa tin tức đến người sử dụng đầu cuối. Nếu trước đây là báo in phát hành theo con đường cổ điển đến tay người đọc thì nay Internet là phương tiện chuyển tin nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vấn đề còn lại là làm sao tính tiền nội dung được chuyển tải này, còn chuyển tải đến máy tính để bàn, máy tính xách tay hay điện thoại di động, thậm chí dụng cụ đọc chuyên biệt như Kindle không phải là yếu tố cốt lõi.

Ở khía cạnh này, có lẽ các nước châu Á như Việt Nam lại có thể đi nhanh hơn các nước phương Tây. Đã xuất hiện các loại hình kinh doanh dựa vào chiếc máy điện thoại di động làm phương tiện thanh toán dễ dàng tiện lợi như tải nhạc chuông, tải hình ảnh. Sắp tới ắt sẽ có chuyện bán hàng trả tiền bằng điện thoại di động. Ví dụ vào trang mua hoa giao tận nhà, người ta chọn hoa, chọn mã hàng, xong rồi điền thông tin địa chỉ cần gởi, còn đến khâu thanh toán, họ sẽ dùng điện thoại di động bấm vào số mà chủ trang web cung cấp để được trừ tiền mua hoa. Mô hình như thế có thể áp dụng cho mọi loại giao dịch thông thường như mua sách, thuê DVD, mua pizza, đủ loại.

Nếu ngày xưa thương mại điện tử không thể cất cánh ở những nước như Việt Nam vì hệ thống chi trả không bảo đảm, không phổ biến thì ngày nay hàng chục triệu chiếc điện thoại di động có thể đóng vai trò tài khoản chuyển dịch dễ dàng từ người mua đến người bán. Có lẽ sẽ đến ngày chúng ta sẵn lòng bị trừ một khoản tiền rất nhỏ bằng một tin nhắn để được đọc một tin nóng hổi, độc quyền của một tờ báo nào đó.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét