Vấn đề không nằm ở GDP
Một trong những nội dung tranh luận giữa đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM và chính quyền thành phố tại cuộc họp kết thúc vào giữa tuần trước là mức độ tăng trưởng GDP của TPHCM: giữ nguyên 10% như kế hoạch cũ hay điều chỉnh giảm xuống.
Khái niệm GDP địa phương là khái niệm dễ gây hiểu nhầm vì việc tính toán chồng lấn, thừa thiếu, rất khó tách bạch. Ví dụ xuất khẩu dầu thô hiện được tính vào kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Hay nhập khẩu thông qua các cảng ở TPHCM nhưng hàng hóa được tiêu thụ khắp cả nước.
Cho nên nếu GDP trên bình diện cả nước liệu có phải là một tiêu chí đánh giá về kinh tế chính xác hay không vẫn còn đang được tranh luận thì con số tăng trưởng GDP của TPHCM càng không có ý nghĩa gì nhiều.
Quan trọng hơn, chính quyền thành phố rất ít có khả năng tác động vào tăng trưởng GDP của thành phố. Khác với ngày xưa khi mỗi quận huyện đều có những doanh nghiệp trực thuộc và thành phố có trong tay hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có thể huy động vào việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn, ngày nay loại hình doanh nghiệp quận huyện đã không còn tồn tại, các doanh nghiệp quốc doanh lớn phần đông là doanh nghiệp trung ương thì lấy gì để thành phố tác động lên tăng trưởng GDP?
Trong các thành phần cấu thành GDP, tiêu dùng của người dân cũng không nằm trong vòng ảnh hưởng của các chính sách mà thành phố có thể ban hành. Các đợt bán hàng khuyến mãi chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tiêu dùng. Chi tiêu của chính quyền cũng có giới hạn, không thể có chuyện sử dụng ngân sách thành phố để “kích cầu” như chính quyền trung ương. Đầu tư của doanh nghiệp hay tăng giảm kim ngạch xuất nhập khẩu cũng nằm ngoài vòng cương tỏa của thành phố. Vậy đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho riêng thành phố liệu có ý nghĩa gì chăng?
Thật ra, nêu một con số cụ thể GDP tăng 10% chẳng hạn cũng có ý nghĩa nếu cách tiếp cận vấn đề được nhìn nhận một cách khác hẳn.
Lấy ví dụ chuyện “lô cốt” do đào đường làm các dự án hạ tầng gây ắch tắc giao thông như thế nào, ai cũng đều đã trải nghiệm. Tìm biện pháp hạn chế “lô cốt”, làm cho giao thông thông thoáng chính là thành phố đã góp phần nâng cao mức tăng trưởng GDP một cách rất thiết thực. Hàng hóa có luân chuyển trôi chảy từ thành phố về các tỉnh hay ngược lại thì GDP thành phố mới tăng; cảng có thông quan nhanh, kim ngạch xuất nhập khẩu mới được cải thiện...
Hay ở góc độ doanh nghiệp, nếu thành phố tập trung cải tiến công tác hành chính liên quan đến cấp phép thành lập, triển khai dự án đầu tư, tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động thì đó chính là những nỗ lực làm tăng trưởng GDP hữu hiệu hơn cả.
Hiện nay tư duy về công tác quản lý đô thị đã khác trước nhưng quán tính làm theo cách cũ muốn bao quát mọi chuyện, lo hết mọi chuyện vẫn còn khá phổ biến. Thiết nghĩ chính quyền thành phố nên xác định nhiệm vụ chính yếu của mình là quản lý đô thị sao cho cuộc sống của người dân, trong đó có cả doanh nghiệp, ngày càng tốt lên chứ không phải lo chuyện GDP năm nay phải đạt bao nhiêu phần trăm tăng trưởng. Đó là hệ quả chứ không phải là cứu cánh. Cuộc sống tốt lên đó bao gồm chuyện đường sá, an ninh trật tự, chuyện rác thải, ngập nước, chuyện hành chính, giáo dục... Đến lượt mình, người dân và doanh nghiệp sẽ đóng đúng vai trò của mình trong một môi trường tốt hơn và GDP dù không ai đặt chỉ tiêu cho nó, cũng sẽ tăng trưởng bền vững hơn nhiều lần.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét