Nghiệp vụ kém???

Nghiệp vụ kém hay vô cảm trầm trọng?

Người ta thường rao giảng về bản lĩnh chính trị của nhà báo, về sự nhạy cảm chính trị của cơ quan báo chí. Nhưng thử đối chiếu những lời rao giảng ấy với bản tin sau, đăng trên website của Đảng Cộng sản Việt Nam thì người đọc phải lý giải sao đây? Phải chăng những người làm tin này quá yếu kém về nghiệp vụ (xử lý tin dịch trên báo nước ngoài) hay không hiểu gì hết về tình hình chính trị hiện nay?

Càng suy nghĩ càng thấy bực; bực giùm cho các tờ báo từng bị phạt vì có đăng quảng cáo mà người quảng cáo có sử dụng bản đồ Việt Nam nhưng quên vẽ thêm hai cụm đảo Hoàng Sa va Trường Sa cho dù bản đồ chỉ nhỏ xi1u bằng hai ngón tay hay chỉ là lô gô cách điệu của doanh nghiệp. Hãy thử đợi đến bao giờ tin này mới được gỡ bỏ.

Cập nhật: Tin này cuối cùng cũng đã được gỡ xuống.

Nhân đây cũng xin bàn sơ qua về việc đính chính trên các báo điện tử. Cách làm hiện đang được nhiều ấn bản điện tử có uy tín trên thế giới áp dụng là mỗi khi phải đính chính một chi tiết nào đó trong bản tin đã đăng, họ sẽ cập nhật ngay phần đính chính ở đầu hay cuối tin (kèm theo giải thích) và vẫn giữ nguyên bản tin gốc ở dưới. Một cách khác (nhất là đối với các đính chính nhỏ) là gạch ngang từ muốn xóa và chêm từ mới vào. Ít thấy ai lột bài, xóa bài như các báo điện tử ở Việt Nam.

--------------------------------------------------
Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông

(ĐCSVN) - Ngày 16.8.2009, đội tàu hộ tống của Trung Quốc sau khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống hàng hải đã đi vào khu vực biển Đông và tiến hành diễn tập với khoa mục tiếp tế theo đội hình hàng ngang. Theo tinh thần hoạt động ''đi một bước, luyện tập một bước, nghiên cứu một bước''. Đội tàu hộ tống trên đường quay trở về căn cứ đã tiến hành các cuộc diễn tập và nghiên cứu đấu pháp quân sự, tập trung thử nghiệm và nâng cao khả năng chỉ huy tác chiến, khoảng cách bảo đảm, phòng vệ cơ động.

Ngày 18.8.2009, đội tàu hộ tống gồm hơn 100 sĩ quan và binh lính đã cập bến bãi đá Vĩnh Thử (đảo Chữ Thập) thuộc quần đảo Trường Sa để tiến hành tiếp tế, hậu cần, thăm quan cơ sở công tác và sinh hoạt của binh lính trên đảo, đồng thời đưa 2 tàu chở trực thăng là ''Thâm Quyến'' và ''Hoàng Sơn'' cập đảo, tiến hành diễn tập cho trực thăng lên xuống và lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không.

Phát biểu với binh lính trên đảo, chỉ huy đội tàu hộ tống Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh: ''Bất kể là binh sĩ hộ tống hàng hay binh sĩ bảo vệ đảo, đều có chung một sứ mệnh đó là bảo vệ lợi ích quốc gia, hy vọng các binh sĩ tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam Tổ quốc”. Đến 9 giờ 30' ngày 18.8.2009, đội tàu đã rời đảo, tiếp tục hành trình quay trở về căn cứ.

Ngày 24.8.2009, lực lượng Hải quân Trung Quốc bắt đầu giai đoạn huấn luyện nhảy dù kéo dài 2 tháng, các hoạt động huấn luyện này được bắt đầu từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa. Đây được coi là một hoạt động tập dượt kịch bản đổ bộ bằng đường không của Hải quân Trung Quốc. Một trong những nội dung mới đáng lưu ý trong các hoạt động huấn luyện quân sự năm 2009 là hoạt động huấn luyện nhảy dù từ máy bay trực thăng và từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét