Tiền lệ

Tiền lệ

Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, cùng Bộ Khoa học và Công nghệ có hình thức xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS” đã vượt ra khuôn khổ Quyết định 97 vì đã tạo ra một tiền lệ mà các bộ phận khác trong bộ máy hành chính có khả năng bắt chước làm theo.

Ở đây tôi không đề cập đến Quyết định 97, chuyện IDS tự giải thể để phản đối.

Chỉ xin lưu ý đến khả năng lan tràn hiện tượng yêu cầu “xử lý thích hợp” mỗi khi có “những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng”.

Lấy ví dụ báo chí mà một trong những chức năng quan trọng là tạo diễn đàn cho người dân nói lên tiếng nói của họ. Đã là diễn đàn, tức sẽ có những tiếng nói phê bình các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những trường hợp nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, những câu chuyện bất công nơi này nơi khác. Với tiền lệ nói trên, rất dễ xảy ra chuyện người đứng đầu một địa phương, một ngành nào đó ra chỉ thị yêu cầu một cấp hành chính nào đó bên dưới “có hình thức xử lý” với những phát biểu mà họ cho là “thiếu tinh thần xây dựng” trên mặt báo. Trong quá khứ chuyện này đã xảy ra nhưng khá hiếm hoi và đa số các cấp lãnh đạo chọn con đường “im lặng là vàng” để lãnh tránh công luận. Nay, một khi họ thấy có thể xử dụng bộ máy hành chính để buộc các ý kiến “thiếu tinh thần xây dựng” phải im tiếng, khả năng họ sẽ sử dụng tiền lệ này, công cụ mới này là rất cao.

“Thiếu tinh thần xây dựng” làm một cảm nhận mang tính chủ quan vì không thể lượng định bằng các tiêu chí cụ thể. Phát biểu của học sinh với thầy hiệu trưởng về chuyện trường không có phòng vệ sinh đúng tiêu chuẩn, với người thầy chăm lo cho học sinh thì bình thường nhưng với một ông vừa nhận tiền “lại quả” từ nhà thầu xây dựng phòng học chắc chắn sẽ bị nhìn nhận như mũi dùi chỉa thẳng vào ông – thế là “thiếu tinh thần xây dựng”, phải giao cho giáo viên chủ nhiệm “xử lý”.

Tiền lệ này cũng có khả năng triệt tiêu mọi nỗ lực chống tham nhũng trong từng đơn vị, cơ quan nhà nước bởi nhãn “thiếu tinh thần xây dựng” sẽ được người đứng đầu chuẩn bị sẵn để dán cho bất kỳ ai phát biểu chống đối. Nó cũng làm nản lòng những phát biểu cải tiến quy trình làm việc, những sáng kiến tại các công sở…

Viết đến đây, tôi phải đọc lại thật kỹ những gì đã viết, xem nó có “thiếu tinh thần xây dựng” không! Thấy nó phản ánh đúng suy nghĩ của mình là góp ý xây dựng bộ máy hành chính của nước nhà, sao cho đừng để tạo ra một tiền lệ có thể bị hiểu nhầm từ một chỉ thị mà cấp dưới có thể lợi dụng. Như vậy, nó hoàn toàn mang tính xây dựng đấy chứ.

Hóa ra một tác dụng khác của chỉ thị này và những chủ trương tương tự là đẩy con người vào thế phải “nhìn trước trông sau” mỗi khi muốn nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề của xã hội – và chắc chắn dần dà mọi người sẽ chọn con đường im lặng cho khỏe thân – và đó là dấu chấm hết cho một xã hội bình thường, một đất nước bình thường.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét