Ngắn và dài, lợi và hại

Ngắn và dài, lợi và hại

+ Đến nay ai cũng thấy có hiện tượng doanh nghiệp vay bằng đô-la Mỹ, bán ra lấy tiền đồng để sử dụng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Doanh nghiệp lúc nào cũng nhạy bén, tìm mọi cách giảm chi phí, tăng lợi nhuận miễn sao không trái với pháp luật là được. Hiện tượng này lại góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá, biểu sao mọi người không hài lòng!

Thế nhưng chuyện gì cũng có giá của nó và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là lường trước mọi hệ quả của các xu hướng trong nền kinh tế để có chính sách thích hợp.

Việc chuyển dịch nói trên chỉ xảy ra bên trong nền kinh tế Việt Nam nên nó chỉ có tác động ngắn hạn nếu các mất cân đối trong cán cân thanh toán chưa được giải quyết. Nói cách khác, đây là hiện tượng carry trade (tận dụng chênh lệch lãi suất giữa hai nước để kiếm lợi) nhưng nằm hoàn toàn bên trong một nước. Thông thường tỷ giá đồng tiền giữa hai nước sẽ dịch chuyển theo hướng đồng tiền của một nước sẽ phải mất giá để bù đắp vào lãi suất cao. Nếu thị trường diễn biến theo quy luật như thế, doanh nghiệp vay bằng đồng đô-la, bán ra, lấy tiền đồng sẽ chịu rủi ro tỷ giá để cuối cùng chênh lệch lãi suất sẽ bị triệt tiêu.

Doanh nghiệp ắt biết rõ điều đó nhưng họ lại được “bảo lãnh” bởi các tuyên bố của giới có thẩm quyền về việc ổn định tỷ giá nên mới dám chấp nhận rủi ro. Một môi trường như thế đã khuyến khích việc liều lĩnh, kể cả của người vay và của ngân hàng. Có thể xem đây như một dạng bao cấp gián tiếp cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Cũng theo quy luật, một khi có người hưởng lợi (ở đây là chênh lệch lãi suất) thì ắt phải có người bị thiệt hại. Một chuyên gia tài chính cho rằng người bị thiệt hại ở đây là nhà nước khi phải đối diện với khả năng tung dự trữ ngoại tệ ra để bình ổn tỷ giá sau này. Người viết thì cho rằng thiệt hại sẽ rơi vào người dân có một khoản tiết kiệm bằng đô-la hiện nay. Vì sao? Nếu doanh nghiệp biết vay bằng đô-la để hưởng chênh lệch lãi suất thì người dân có tiết kiệm bằng đô-la sẽ cũng tính toán bán đô-la, lấy tiền đồng gởi ngân hàng, cũng để hưởng chênh lệch lãi suất. Trong ngắn hạn, tiền đồng sẽ càng tăng giá khi xu hướng này lan tỏa. Đến lúc áp lực tỷ giá quay về hướng cũ, nhà nước không thể bình ổn tỷ giá mãi, thì người chịu thiệt chính là người dân.

Xu hướng diễn tiến thị trường ngoại hối hiện nay là tích cực nhưng cũng phải nhìn ra những tác động ngoài ý muốn như trên để có biện pháp lường trước ngay từ bây giờ.

* * *

+ Ai cũng đồng ý để duy trì sự ổn định của nền kinh tế, điều cần làm là giải quyết vấn đề lạm phát, bội chi và nhập siêu. Rất nhiều giải pháp đã được các nhà kinh tế đưa ra nhưng ít ai chú ý những yếu tố dài hạn sẽ tác động mạnh và càng làm những vấn đề này trầm trọng hơn trong tương lai.

Đó là những dự án trị giá hàng chục tỷ đô-la đang được nhiều ngành, nhiều địa phương ấp ủ, vận động và tìm mọi cách thông qua và triển khai.

Ngành đường sắt có dự án đường sắc cao tốc Bắc – Nam, trị giá 55 tỷ đô-la, tức là hơn một nửa GDP của Việt Nam. TBKTSG đã từng đăng bài viết của một chuyên gia kinh tế chứng minh một dự án như thế là không khả thi về mặt kinh tế. Nhưng giả thử dự án vẫn triển khai, cứ hình dung xem nó sẽ “đóng góp” như thế nào vào nhập siêu, vào bội chi, nợ nước ngoài và lạm phát. Ngành hàng không có dự án sân bay Long Thành, 7 tỷ đô-la; Hà Nội thì đề xuất với Chính phủ cho phép vay vốn nước ngoài “vài” tỷ đô-la để thực hiện các dự án lớn. Còn nhiều dự án khác như thế đang được soạn thảo hay trình duyệt.

Khi nói đến việc chú trọng chất lượng tăng trưởng hơn là số lượng hay tốc độ thì ai cũng đồng tình. Nói chuyển dịch tăng trưởng từ chỗ dựa vào đầu tư sang cải thiện năng suất hay hiệu quả thì ai cũng đồng ý. Nhưng cái khó là áp dụng trong thực tế bởi những mối quan hệ, những lợi ích đan xen khó gỡ. Đây chính là vai trò nhạc trưởng của người điều hành kinh tế vĩ mô, có tạo được sự nhất quán giữa chủ trương và thực tế, lúc đó mới giải quyết các vấn đề nhập siêu, bội chi, lạm phát và tỷ giá nói trên.

* * *

+ Thực tế cho thấy sau khi Nghị định 01/2010 về việc chào bán cổ phần riêng lẻ của các công ty cổ phần ra đời từ đầu năm nay, việc đăng ký hồ sơ ở các sở Kế hoạch-Đầu tư bị ách tắc. TBKTSG trong hai số gần đây đã đăng bài phân tích của các chuyên gia luật về tính bất khả thi của Nghị định này, thực chất là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biên soạn nhằm phục vụ mục đích quản lý của cơ quan này.

Nay chính Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã soạn văn bản đề nghị Chính phủ bãi bỏ Nghị định này vì cho rằng nó “khá phức tạp, có thể gây phiền hà, tốn kém thêm cho doanh nghiệp, chưa phù hợp với cam kết cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Đề án 30 của Chính phủ”, thậm chí “một số quy định hướng dẫn của Nghị định số 01 là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp”. Nên biết Bộ này đang soạn thảo một nghị định thay thế Nghị định 139 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Lẽ ra Ủy ban nên phối hợp với Bộ để cùng nhau biên soạn và tích hợp nội dung chào bán cổ phần riêng lẻ vào dự thảo này. Một sự phối hợp như thế mới đúng tinh thần của Đề án 30, cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.

Việc soạn thảo, lấy ý kiến cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định 139 đang được tiến hành khá bài bản, được sự góp ý của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, cách tốt nhất là dự thảo này nên có phần bao quát chuyện chào bán cổ phần riêng lẻ, và sau đó có điều khoản tuyên bố thay thế cho Nghị định 01. Và có lẽ việc cuối cùng là các cơ quan nhà nước cùng nhau rút kinh nghiệm để tránh tình trạng văn bản pháp luật không đi vào cuộc sống.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét