“Lỗi và sai sót” gì mà đến 12,84 tỷ USD!

“Lỗi và sai sót” gì mà đến 12,84 tỷ USD!

Giả thử có một ông chủ một tiệm ăn. Ông ta có ba ngăn tủ: ngăn thứ nhất để tiền ra tiền vào hàng ngày, tức là tiền thu vào của thực khách, tiền chi ra mua thực phẩm…, ngăn thứ hai để tiền ra vào dài hạn hơn, như các món bạn bè hùn hạp làm ăn và ngăn thứ ba là một khoản tiền dự trữ phòng lúc khó khăn.

Giả thử tiếp đến cuối năm ông thấy ngăn thứ nhất, vì tiệm mới mở nên thu không đủ bù chi, hụt mất 100 đồng. Ngăn thứ hai có 110 đồng do ông bạn bỏ vào. Như vậy ông còn dư ra 10 đồng khi bù qua sớt lại giữa hai ngăn đầu tiên. Nhưng thực tế kiểm tra ngăn thứ ba, thay vì khoản tiền dự trữ còn nguyên, ông lại thấy hụt mất 10 đồng. Hóa ra ông bạn hứa đóng vào 110 đồng nhưng thực tế mới đưa có 90 đồng. Vậy là ổng kết luận, còn một khoản “lỗi và sai sót” -20 đồng trong sổ sách của mình!

Cán cân thanh toán của một quốc gia nhìn một cách đơn giản hóa cũng tương tự như vậy. Nó gồm tài khoản vãng lai (ngăn đầu – chủ yếu là tiền mua bán hàng hóa, dịch vụ với nước ngoài, dư ra gọi là thặng dư thương mại, thiếu gọi là thâm hụt thương mại; tiền kiều hối…). Cái thứ nhì là tài khoản vốn và tài chính (chủ yếu là đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, vốn vay…) Cân đối hai tài khoản này lại nếu dôi dư thì làm tăng dự trữ ngoại tệ, nếu thiếu hụt sẽ làm giảm dự trữ này.

Vấn đề ở chỗ, số liệu mới nhất về cán cân thanh toán Việt Nam trong năm 2009 cho thấy tài khoản vãng lai năm 2009 thâm hụt 7,1 tỷ USD; tài khoản vốn thặng dư 11,13 tỷ USD.

Cân đối hai tài khoản này lại, lẽ ra cán cân thanh toán vẫn còn thặng dư 4,03 tỷ USD để đưa vào dự trữ ngoại tệ. Nhưng thực tế, không những không có khoản 4,03 tỷ USD này mà cán cân thanh toán còn thâm hụt khoảng 8,8 tỷ USD nữa.

Vì vậy cho nên, trong bảng cân đối cán cân thanh toán năm 2009 có một khoản mục “lỗi và sai sót” đến âm 12,84 tỷ USD!

Cũng giống trường hợp của ông chủ tiệm ăn nói trên, giảm dự trữ ngoại tệ 8,8 tỷ USD là chuyện tính toán chính xác được, còn hai khoản thặng dự và thâm hụt ở tài khoản vãng lai và tài khoản vốn không thể nào biết chính xác nên mới có mục “lỗi và sai sót” này để cán cân thanh toán cân bằng.

Những năm trước mục lỗi và sai sót chỉ là con số nhỏ (2006 là 1,4 tỷ, 2007 là 0,3 tỷ, 2008 là -0,9 tỷ USD), chủ yếu cũng như ông chủ tiệm ăn, bạn hứa góp, ghi sổ rồi mà thực tế góp chưa đủ. Ở đây có thể là do chênh lệch tỷ giá, ghi nhầm món này, ghi sai món kia…

Nhưng khi “lỗi và sai sót” lên đến âm 12,84 tỷ USD thì câu chuyện không còn đơn giản như thế. Trong kế toán, âm có nghĩa là có nhưng không biết đang nằm ở đâu. Một tài liệu của World Bank vào cuối năm ngoái (lúc đó họ ước tính lỗi và sai sót chừng -9,4 tỷ USD) cho rằng: “Việc bố trí lại danh mục của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, chuyển sang các loại tài sản bằng ngoại tệ là căn nguyên của vấn đề “lỗi và sai sót” trong cán cân thanh toán”. Ý họ muốn nói doanh nghiệp thì găm giữ ngoại tệ, người dân cất đô-la ở nhà…

Nhưng, trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, phần đông đều nói, “lỗi và sai sót” này có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Nó có thể cho thấy nhập siêu trong thực tế cao hơn nhiều hoặc nhà xuất khẩu không chuyển tiền bán hàng về nước, có thể buôn lậu qua biên giới cũng cao hơn nhiều. Nó cũng có thể là do con số giải ngân FDI thấp hơn thống kê hay có hiện tượng đào hối mà không ai biết (ví dụ kiều hối gởi về 6 tỷ nhưng tiền từ trong nước chuyển ra nước ngoài cao hơn nhiều không chừng).

Cái này thì các chuyên gia dù dày dạn kinh nghiệm đến đâu cũng không thể nào biết chính xác được. Chỉ biết con số “lỗi và sai sót” -12,84 tỷ USD là hiển hiện trong sổ sách và Quốc hội phải là nơi truy nguyên cho bằng được vì sao lỗi và sai sót gì mà lớn đến thế.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét