Đủ loại lãi suất

Đủ loại lãi suất

Cuối cùng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã bày tỏ thái độ dứt khoát, không chịu chìu theo những ý kiến khuyên ngược đời “giảm mạnh lãi suất để chống lạm phát”. Thông điệp chính thức đã được phát ra: không đặt mục tiêu giảm lãi suất trong ngắn hạn nữa. Thay vào đó là áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công, giảm chi ngân sách, để tập trung giảm lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, người bình thường như chúng ta nghe các cụm từ như “lãi suất tái cấp vốn”, “lãi suất tái chiết khấu” chắc cũng lùng bùng lỗ tai, không hiểu chúng là gì, chúng tác động đến túi tiền của chúng ta như thế nào.

Các quan chức khi trả lời cho giới báo chí, không chịu dùng những từ ngữ dễ hiểu để chuyển tải thông điệp cần chuyển tải đến người dân vì họ quen với các khái niệm này rồi cũng như đã quen nhìn các vấn đề dưới góc độ người quản lý. Giới báo chí nghe sao viết vậy chứ cũng ít khi chịu khó viết tin bài từ góc độ người dân tiếp cận thông tin để diễn giải sao cho dễ hiểu.

Thôi chúng ta đành tự tìm hiểu với nhau vậy. Quan trọng là để xem tác động của các chính sách sắp tới sẽ như thế nào.

Để chống lạm phát, cần phải rút bớt tiền trong lưu thông về. Muốn rút tiền về thì phải tăng lãi suất. Nhưng lãi suất có nhiều loại.

Cách đây một tuần Ngân hàng Nhà nước tuyên bố nâng “lãi suất tái cấp vốn” lên 11% từ mức cũ là 9%.

Nghe cụm từ “tái cấp vốn”, ắt chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện trước đó cấp vốn rồi, bây giờ vì sao đó nên cấp vốn lại. Thêm nữa, nghe “lãi suất tái cấp vốn” áp dụng cho giới ngân hàng, chắc ai cũng tin cách hiểu trên là đúng. Thật ra không phải.

Ngân hàng A cho doanh nghiệp vay 1 tỷ đồng để kinh doanh, chưa đến hạn nhưng ngân hàng A gặp khó khăn trong thanh khoản thì có thể lấy bộ hồ sơ cho vay nói trên đến Ngân hàng Nhà nước vay tiền, thế chấp bằng bộ hồ sơ này. Lãi suất phải trả cho Ngân hàng Nhà nước là “lãi suất tái cấp vốn” (refinancing rate).

Cũng vay tương tự như vậy nhưng đem trái phiếu chính phủ đã mua trước đó, thế chấp để vay vốn Ngân hàng Nhà nước thì phải áp dụng “lãi suất tái chiết khấu”. Lãi suất tái chiết khấu này vẫn giữ nguyên là 7%.

TS Phạm Thế Anh đã bình luận trên tờ SGTT rằng “quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, sẽ tiếp tục duy trì cầu về trái phiếu chính phủ. Và thực chất, nó chỉ hạn chế tín dụng đối với khu vực tư nhân chứ không hạn chế tín dụng đối với chính phủ, hay đằng sau đó là các tập đoàn kinh tế lớn”.

Như thế, có lẽ chúng ta đã hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước nâng “lãi suất tái cấp vốn” trong khi vẫn giữ nguyên “lãi suất tái chiết khấu”. Ngoài ra, dư luận hiện chưa phải đã đồng tình chuyện tăng lãi suất nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải thận trọng tăng lãi suất từ từ, tăng loại lãi suất ít có tác dụng lên thị trường trước, các loại khác tính sau.

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước lại tăng lãi suất chào mua các loại giấy tờ có giá (như trái phiếu chính phủ, chẳng hạn) trên thị trường mở lên 12% cho loại có kỳ hạn 7 ngày (báo chí nước ngoài gọi đây là lãi suất repo ngược, gọi tắt là lãi suất nghiệp vụ thị trường mở). Theo TS Lê Hồng Giang (trên blog của anh) thì đây chính là lãi suất chủ yếu để các ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ. Hai loại lãi suất trên (tái cấp vốn với tái chiết khấu) chỉ có chức năng trợ giúp thanh khoản cho các ngân hàng riêng lẻ.

Thế còn “lãi suất cơ bản”? Sao không thấy động chạm gì đến loại lãi suất chúng ta thường nghe nhắc đến trong những năm trước?

Về loại lãi suất này, tôi đã có viết trong bài “Lại chuyện lãi suất cơ bản”. Xin trích lại mấy đoạn có liên quan:

Nước nào cũng phải sử dụng một số công cụ để thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được những mục tiêu nào đó, như kiềm chế lạm phát chẳng hạn. Lãi suất là một công cụ như thế bên cạnh công cụ tăng giảm dự trữ bắt buộc. Thông thường ngân hàng trung ương một nước tác động lên lãi suất bằng con đường gián tiếp, có nghĩa thông qua nghiệp vụ thị trường mở để tăng hay giảm tổng phương tiện thanh toán. Ví dụ, ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu chính phủ, tức làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông thì lãi suất thị trường sẽ giảm. Cũng có thể tác động trực tiếp bằng cách tăng hay giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu – là những loại lãi suất ngân hàng trung ương ấn định trong quan hệ mua bán các loại giấy tờ có giá với ngân hàng thương mại.

Nói cách khác, lãi suất cơ bản như đang được định nghĩa (là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh) hoàn toàn không phải là một công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đúng nghĩa như thông lệ quốc tế.

Chính vì thế mà thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã giảm nhẹ tầm quan trọng của loại lãi suất này.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét