Liên quan đến ý kiến có nên bỏ kì thi tuyển sinh đại học, tôi xin giới thiệu một ý kiến khác của anh Nguyễn Tấn (là sinh viên của một đại học lớn ở Hà Nội). Bấy lâu nay, người ta ra chính sách chẳng những thiếu chứng cứ mà còn chẳng tham vấn người trong cuộc. Anh là người trong cuộc, nên tôi nghĩ cũng cần lắng nghe ý kiến của anh. Xin nói thêm rằng lâu lắm rồi tôi mới nhận được một bài “phản hồi” rất chỉnh chu của một sinh viên, và nhân đây xin có một lời khen. NVT
Thưa Giáo sư,
Vấn đề thi đại học là một trong những vấn đề gây mệt mỏi nhất cho xã hội ở VN. Hôm nay nhân đọc bài của GS bàn về vấn đề này, cháu xin mạn phép được bàn thêm vài lời cũng như đưa ra một vài quan điểm của bản thân.
Đầu tiên, cháu rất đồng tình với GS rằng hiện tại không thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp để làm điểm xét tuyển đại học được bởi chất lượng của kỳ thi này quá thấp. Cháu được nghe nói rằng một số nước khác họ có sử dụng kết quả học tập của các năm phổ thông để xét tuyển vào đại học, nhưng theo cháu thì cách này ở VN cũng không ổn vì chúng ta đều biết bệnh thành tích ở VN nặng nề thế nào. Do vậy nên việc bỏ hẳn kỳ thi đại học đi là dường như không thể làm được trong thời gian này. Và như GS nói là có lẽ chúng ta phải chờ, nhưng thưa GS cháu sợ chờ lắm vì ở VN bảo chờ thì chẳng biết phải chờ tới khi nào.
Cháu nghĩ rằng với tình hình hiện tại thì không nên chờ, mà nên cải tiến từng bước một để cho kỳ thi đại học không trở thành gánh nặng của xã hội nữa. Theo cháu thì việc thi đại học gây tốn kém và áp lực cho xã hội, một phần lớn là do thời gian tổ chức của nó. Việc trong một thời gian ngắn, học sinh phải tham gia thì tốt nghiệp PTTH, rồi sau đó tất cả tập trung về các tỉnh thành lớn để thi đại học đã gây tâm lý nặng nề cho thí sinh, đồng thời xã hội phải chịu áp lực và lãng phí lớn do sự quá tải về nhu cầu đi lại, nhu cầu ăn ở … trong một thời gian ngắn.
Thi tuyển sinh: tốn kém, mất thì giờ, và căng thẳng (hình chỉ có tính cách minh họa)
Do vậy nếu có cách nào làm dãn thời gian thi đại học ra thì sẽ làm áp lực của nó giảm đi rất nhiều. Ví dụ thay vì tổ chức thành một kỳ thi toàn quốc, thì cho các trường tự tổ chức thi, và các trường được phép tự chọn thời gian bất kỳ trong năm. Như vậy một năm có thể có tới vài chục đợt thi đại học, sẽ làm giảm việc tập trung quá lớn trong một thời gian ngắn. Thêm nữa thí sinh cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, vì rất có thể thi rải rác trong một năm nên thí sinh thi đỗ các trường theo nguyện vọng của mình rồi sẽ không cần phải tham gia các kỳ thi vào trường khác nữa. Còn nếu thí sinh trượt một trường cao, có thể đăng ký thì tiếp một trường thấp hơn để phù hợp với khả năng của mình.
Tuy nhiên hiện nay cách làm này sẽ gặp khó khăn do quy định thí sinh phải tốt nghiệp PTTH rồi mới được phép thi đại học. Mà các trường đều bắt đầu năm học vào khoảng tháng 9, do vậy muốn tuyển sinh thì bắt buộc phải thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp, tức là thời gian chỉ khoảng 1, 2 tháng. Nhưng cháu thấy quy định bắt học sinh tốt nghiệp rồi mới được thi đại học hoàn toàn có thể thay đổi được. Bởi mục đích của hai kỳ thi là khác nhau. Mục đích của thi tốt nghiệp là đảm bảo học sinh đã học đủ kiến thức phổ thông. Còn mục đích của kỳ thi đại học là đánh giá khả năng nhận thức của thí sinh xem có đủ khả năng tiếp thu chương trình đại học hay không. Mà để đánh giá khả năng nhận thức thì đâu cứ nhất thiết phải sử dụng kiến thức lớp 12.
Do vậy có thể cho phép các trường đại học tổ chức thi tuyển sinh cho các thí sinh đã học xong lớp 11, tất nhiên với những thí sinh chưa tốt nghiệp PTTH này, dù có đỗ đại học rồi nhưng vẫn phải qua được kỳ thi tốt nghiệp sau đấy thì mới được phép tham gia học đại học. Như vậy thời gian tuyển sinh có thể kéo dài từ khi bắt đầu nghỉ hè của lớp 11, và việc tuyển sinh đại học có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Nếu làm được như thế cháu thấy sẽ có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất là do không còn hai kỳ thi liên tiếp nhau nữa, cộng với việc thi đại học trước tốt nghiệp sẽ làm giảm đáng kể áp lực lên thí sinh. Thứ hai học sinh và phụ huynh không bị tập trung quá đông trong một thời gian ngắn sẽ giảm đáng kể lãng phí cho xã hội do sự quá tải gây ra. Thứ ba là các trường đại học có thể tự chọn thời gian tổ chức thi sao cho hợp lý nhất. Thứ tư là do không còn phụ thuộc vào đề thi chung, các trường có thể tự ra đề để chọn các thí sinh phù hợp với đặc điểm riêng của trường mình, thậm chí có thể bỏ luôn các khối thi (A,B,C,D..) để các trường tự chọn những môn thi mình thấy phù hợp. Ví dụ như nơi cháu đang học cao học là trường đại học lớn tại Hà Nội, thì với lợi thế về Tiếng Anh từ trước, trường hiện có hệ thống kiểm tra Tiếng Anh đầu vào theo chuẩn IELTS cho các thi sinh các chương trình liên kết. Nhưng đáng tiếc với các thí chính quy thì nhà trường vẫn phải tuyển sinh theo hệ thống đề chung (mà chất lượng đề thi tiếng anh cho đại học thì hình như GS cũng có lần phân tích rồi) . Về lâu dài, việc các trường tự ra đề theo đặc điểm riêng cũng sẽ giúp giảm tải việc học tủ, học nhồi nhét ở cấp 3 bởi khi đó hình thức này không còn phù hợp.
Trên đây là một vài suy nghĩ cá nhân mà cháu mong muốn được chia sẻ với GS, người mà cháu luôn coi là thầy. Có thể những gì cháu viết ở trên vẫn còn những điểm chưa hợp lý, nhưng cũng có thể nó sẽ có ích phần nào cho những nỗ lực cải cách việc thi đại học hiện nay.
Cảm ơn giáo sư,
Học trò NTT
===
Bình luận của tôi: tôi cũng nghĩ giảm thi cử là một điều tốt. Nhưng chúng ta cần phải xem xét đến hai khía cạnh: mục tiêu và chứng cứ. Mục tiêu là đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo người được tuyển sinh xứng đáng là người được theo học đại học. Đảm bảo điều này cũng có nghĩa là giúp cho sinh viên và nhà trường. Trong bối cảnh chất lượng giáo dục trong tình trạng vàng thau lẫn lộn, và có thể nói là thấp như hiện nay, thì tôi nghĩ kì thi tốt nghiệp THPT và có khi ngay cả kì thi tuyển sinh cũng không tốt. Ít ra là chúng ta chưa có bằng chứng cho thấy hai kì thi này tốt. Nhưng dùng điểm của hai kì thi thì chắc chính xác hơn là dùng điểm một kì thi.
Kế đến là vấn đề chứng cứ. Chính sách nào cũng phải dựa vào bằng chứng khoa học. Ra chính sách mà không dựa vào bằng chứng khoa học thì có khác gì "người mù sờ voi"! Nhưng tiếc thay, chúng ta thiếu dữ liệu khoa học về mối tương quan giữa các kì thi. Câu hỏi rất thực tế đặt ra là: điểm kì thi tốt nghiệp trung học, điểm kì thi tuyển sinh, và điểm thi tốt nghiệp đại học có tương quan với nhau hay không? Bằng chứng từ dữ liệu của thầy Nguyễn Thiện Tống thì câu trả lời là "không". Chúng ta cần thêm dữ liệu. Nếu câu trả lời là "có" thì chúng ta có thể bỏ kì thi tuyển sinh đại học. Nếu câu trả lời là không, thì chúng ta phải tìm cách nâng cao chất lượng học tập và thi cử, trước khi nói đến chuyện bỏ kì thi tuyển sinh.
Yếu tố thời gian cũng quan trọng (như em nói), nhưng chúng ta thà chờ đợi để nâng cao chất lượng giáo dục, hơn là hấp tấp để hứng chịu thêm hậu quả.
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét