Nuôi con bằng sữa mẹ

Kể từ khi làm mẹ, mình càng thêm yêu thích những câu thơ đầy tình cảm của thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ:

"Đôi làn môi con
Nghiêng về vú mẹ
Như cây lúa nhỏ
Nghiêng về phù sa
Như hương hoa thơm
Nghiêng về ngọn gió

Đôi làn môi con
Ngậm đầu vú mẹ
Như búp hoa huệ
Ngập tia nắng trời..."

Dòng sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho bé yêu mà còn đem lại những giây phút thăng hoa cho tình mẫu tử. Cảm giác ôm con vào lòng là cảm giác rất đỗi êm ái và thân thương, chắc hẳn sẽ luôn khắc sâu trong trái tim của mẹ cùng năm tháng.

Làm mẹ, hẳn ai cũng muốn được nuôi con bằng chính dòng sữa của mình. Tuy vậy, không phải ai cũng gặp thuận lợi trong việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Công việc này không chỉ dừng lại ở vấn đề bản năng, mà còn là phương pháp.

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được sách báo đề cập rất nhiều nên mình không nói nữa. Trong bài viết này, mình chỉ chia sẻ một số vấn đề thuộc về kĩ năng và phương pháp dựa trên các kiến thức đã tìm hiểu được từ giới chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế của bản thân đã cho cả hai con bú mẹ hoàn toàn.

1. Tăng lượng và chất cho sữa mẹ

Lượng sữa nhiều hay ít một phần phụ thuộc vào cơ địa của người mẹ, cụ thể là tuyến sữa hoạt động có tốt hay không; phần khác phụ thuộc vào chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng như tần suất cho con bú mẹ. Một số nguyên tắc chung để tăng lượng và chất cho sữa mẹ là:

- Cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt để kích thích tuyến sữa. Đây là điều rất quan trọng vì sữa mẹ tiết ra theo cơ chế cung cầu. Bé bú nhiều thì sữa mẹ sẽ tăng dần theo nhu cầu của bé, ngược lại, nếu ít cho bé bú, sữa mẹ cũng kém đi. Ngay ngày đầu tiên sau khi sinh, mẹ nên cho bé bú nhiều lần, dù mẹ có cảm giác là mình đang rất ít sữa hoặc thậm chí chưa có sữa. Thực ra, sinh bé xong là mẹ đã có chút ít sữa non, phải có bé kích thích thêm thì sữa mẹ mới mau về được. Nhiều mẹ sợ con không đủ no, vội vàng đi pha cho bé một bình sữa bột, kết quả là bé đã no nên tỏ ra thờ ơ với vú mẹ, mẹ không được kích thích nên sữa lại càng ít đi, buộc mẹ phải cho bé bú thêm sữa ngoài và rốt cuộc là mẹ không đủ sữa cho bé bú. Mình thì trong cả hai lần sinh đều cho bé bú ngay sau khi từ phòng sinh trở về phòng nội trú, tức khoảng 2-3 tiếng sau khi sinh, và cứ cho bé bú liên tục bất cứ lúc nào bé có dấu hiệu muốn bú, vì thế mà sữa của mình về khá nhanh.

- Ăn uống đầy đủ các nhóm thực phẩm; kiêng các đồ sống, tái, đồ để quá lâu và không tươi. Quan niệm kiêng khem quá mức sau khi sinh đã không còn phù hợp với y học hiện đại. Để chăm sóc nguồn sữa mẹ thì quan tâm đến lượng thôi chưa đủ mà còn phải quan tâm đến chất. Sữa mẹ nhiều nhưng lại nghèo vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thì con vẫn chậm lớn như thường. Do đó, mẹ phải có chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp đầy đủ các nhóm thực phẩm, chỉ cần kiêng một số món có thể làm mất sữa như lá lốt, măng tre, ngọn bí đỏ, dâu ta; đồng thời kiêng những đồ ăn có nghi vấn là không an toàn sức khỏe (chưa chín, không tươi, quá hạn sử dụng, nuôi trồng không bảo đảm...)

- Uống nhiều nước, nhất là nước ấm.

- Massage ngực bằng nước nóng khi tắm.

- Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc.

Bên cạnh đó, có một số món ăn, thức uống được cho là có tác dụng lợi sữa. Mình liệt kê ra đây những món đã đọc được hoặc đã dùng:

Món ăn: 

- Cá diếc (chiên hoặc nấu canh)
- Móng giò (nấu cháo, nấu canh đu đủ xanh, canh đậu phộng...)
- Thịt gà, canh gà
- Chân dê, chân chó (cháo hoặc lẩu)
- Cháo mè đen, xôi đậu phộng, bắp luộc
- Canh mướp đậu phộng, mướp xào tôm, măng tây xào thịt bò, rau lang luộc, canh rau đay, mồng tơi, rau ngót
- Hỗn hợp gạo nếp, gạo tẻ, đậu đỏ, hạt sen đem nấu nước uống
- Xương heo nấu với nước cơm rượu (xương hầm lửa nhỏ để ra hết chất xương sau đó mới bỏ nước cơm rượu hoặc cơm rượu)

Thức uống:

- Các loại nước từ ngũ cốc và đậu như gạo lứt, bắp, mè đen, đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu phộng... (có thể kết hợp trong món ăn hàng ngày). Bản thân mình thường xuyên uống ngũ cốc sữa tươi và sữa lúc nào cũng tràn trề.
- Bia không độ
- Sữa nóng (tốt nhất là sữa tươi hâm nóng)
- Sữa hột gà
- Sữa bắp (tốt nhất là sữa bắp trộn sữa tươi theo tỉ lệ 2 sữa bắp + 1 sữa tươi)
- Trà lá vằng hoặc trà cao lá vằng

Bài thuốc lợi sữa:

- 15gr hạt rau diếp cá + 10gr cam thảo cùng gạo nếp, gạo tẻ nấu cháo loãng dùng trong 5 ngày
- Rau húng quế sắc lấy nước uống
- Hạt thì là ngâm nước nóng uống như uống trà
- 1kg đậu đỏ nấu nước uống liên tục trong 3 ngày

Một vài mẹo nhỏ:

- Dùng thì là nấu canh thịt nạc, uống trà thì là hoặc trà gạo lứt/gạo lứt nảy mầm rang sẽ có sữa thơm
- Uống 1 ly sữa nóng trước khi cho bé bú khoảng 30 phút và massage ngực nhẹ nhàng sữa sẽ nhanh về
- Dùng các loại cốm lợi sữa

Tùy cơ địa từng người mà những món ăn thức uống trên đây hiệu quả nhiều hay ít, hoặc có món hợp có món không hợp. Nếu hiệu quả chưa được như ý, mẹ đừng vội nản lòng. Phải kiên trì và giữ tinh thần thật thoải mái. Sữa mẹ có nhiều thì tốt, nếu không cứ cho con bú thêm sữa công thức cũng chẳng sao.

Bản thân mình thì hợp với thịt gà, sữa bắp, sữa tươi và các loại nước đậu. Nói chung mình thích uống hơn ăn để bổ sung lượng nước cho cơ thể, đỡ mất thời gian và đỡ mệt cái bụng (với lại còn phải giữ dáng nữa chứ, hihi). Riêng món chân giò thì mình hổng mê. Hiện tại, mình cho con bú mẹ hoàn toàn và có thêm cho con gái lớn khoảng 200-300ml sữa mỗi ngày.

2. Cho bú đúng cách

Cho con bú mẹ không chỉ quan trọng ở việc cho bú bao nhiêu mà còn cho bú như thế nào. Khi cho bé bú, mẹ nên lưu ý một số điểm sau:

- Nên ngồi cho bé bú, giữ tư thế thoải mái và miệng bé phải ngậm sâu vú mẹ. Tránh để bé nuốt hơi khi bú. Tránh nằm cho bú vì bé có thể bú sai tư thế và mẹ dễ ngủ quên dẫn đến tình trạng thiếu an toàn.

- Nếu sữa mẹ quá nhiều, hãy cho chảy bớt những tia sữa mạnh ban đầu rồi cho bé bú để đỡ bị sặc.

- Cho bé bú trọn vẹn một bên ngực, nếu bé còn đói thì cho bú tiếp bên kia và lần sau đổi chiều. Nếu sữa mẹ quá nhiều, bé bú một lần không hết một bên ngực thì mẹ nên điều chỉnh lại lượng sữa phù hợp với nhu cầu của bé, hoặc lần sau cho bú tiếp phần sữa cuối. Tránh cho bú một ít bên này, một ít bên kia vì như vậy bé sẽ không có điều kiện thu nạp hết dưỡng chất trong sữa mẹ, khiến bé chậm lớn ngay cả khi mẹ nhiều sữa. Thực tế, sữa mẹ bao gồm sữa đầu (foremilk) giàu vitamin và kháng thể để giúp bé giải khát và tăng sức đề kháng, và sữa cuối (hindmilk) giàu chất béo để giúp bé tăng trưởng. Bé có được bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối thì cơ thể mới khỏe mạnh, phát triển tốt. Nếu bé chỉ bú sữa đầu thì rất chậm tăng cân. Ngược lại, một số mẹ quan niệm rằng nên vắt bỏ sữa đầu đi, chỉ cho bé bú sữa cuối để tăng cân cũng không đúng vì như thế lại vô tình tước bỏ đi tính ưu việt của sữa mẹ là tăng sức đề kháng cho bé.

3. Khi bé không chịu hợp tác

Không phải bé nào cũng có thể hợp tác một cách dễ dàng khi bú mẹ. Thực tế, nhiều bé tỏ ý "chê" vú mẹ và đam mê với cái bình hơn, cũng có bé bỏ luôn sữa mẹ khi đã được bú sữa công thức. Quan điểm của mình: cho con ăn thêm sữa bột hoàn toàn không có gì xấu, mình ủng hộ điều này khi mẹ ít sữa hoặc vì lý do gì đó không tiện nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi mẹ có khả năng đủ sữa cho con bú và mong muốn cho con bú mẹ lại vội vàng cho con dùng thêm sữa bột ngay trong tuần đầu. Rất nhiều mẹ cảm giác ban đầu mình không đủ sữa, sợ con đói nên cho con dặm thêm sữa bột, kết quả là bé no lâu, ít bú mẹ và hình thành thói quen bú mẹ để giải trí, không phải để nạp năng lượng, và khi ngậm vú mẹ là bắt đầu câu giờ, ngủ gà ngủ gật...

Thực tế thì sữa mẹ thường ít năng lượng hơn sữa công thức, và thời gian đầu sữa chưa về nhiều nên con nhanh đói là đương nhiên. Nhưng con nhanh đói thì mẹ chịu khó cho bú dày lên chứ không phải cho thêm sữa bột trừ khi mẹ không có sữa (chứ không phải ít sữa). Trong một vài tuần đầu, trẻ bú mẹ 1-2 tiếng sau bú lại là chuyện thường, nhưng bé sẽ nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi và sau mấy ngày bé sẽ bắt đầu bú lâu hơn (2-3 tiếng). Cho bé bú 1 bình sữa bột giúp bé no lâu hơn nhưng đồng thời cũng khiến bé dần trở nên phụ thuộc vào sữa bột. Đành rằng người mẹ nào cũng sốt ruột vì sợ con đói, tuy nhiên nếu thực sự muốn cho con bú hoàn toàn thì mẹ phải kiên trì và vững tâm.

Ngày xưa sinh Anh Thi khi vừa ở BV về, đêm đầu tiên bé dậy bú 5 lần trong 1 đêm, làm mình mới sinh con mà cứ phải dậy hoài. Chồng thương vợ bảo hay để chồng pha sữa bột cho con bú thêm để vợ được ngủ tròn giấc, nhưng mình kiên quyết nói không. Chịu khó như vậy vài ba hôm rồi bé cũng đi vào khuôn khổ, đêm chỉ dậy bú 1-2 lần và không bú lắt nhắt nữa. Hồi có bầu Anh Thi mình cũng nghiên cứu nhiều tài liệu nước ngoài (không phải mình sính ngoại đâu mà thực tế hồi đó có rất ít tài liệu Việt Nam viết chi tiết về vấn đề nuôi dưỡng con dưới góc độ khoa học mà lại gần gũi với cuộc sống, trừ cuốn "Nuôi con trong năm đầu" của BS Đỗ Hồng Ngọc), và mình nhớ nhiều tài liệu viết rằng trẻ bú bình xen kẽ với bú mẹ dễ có xu hướng lơ là khi bú mẹ vì nhiều lý do: sữa mẹ không no lâu, cảm giác ngậm vú mẹ luôn là cảm giác êm ái - khi bé đã có ý thức phân biệt vú mẹ và núm vú bình thì bé cũng dễ hình thành ý thức giờ xài núm vú là giờ ăn còn giờ xài vú mẹ là giờ chơi, khác với trẻ bú mẹ hoàn toàn là tất cả các cữ bú đều là "lao động kết hợp tận hưởng". Ngoài ra, khi bú mẹ thì được mẹ ôm vào lòng, cơ thể bé áp sát cơ thể mẹ rất ấm nên bé hay ngủ, bú bình thì bé chỉ nằm trên tay chứ không áp sát. Mình biết một số trường hợp ở Mỹ các cô y tá khi ẵm em bé đến để mẹ cho bú còn lột trần truồng bé ra để bé không quá ấm mà ngủ gà ngủ gật . Và kinh nghiệm đơn giản của các bác Tây là: Không nhất thiết cởi quần áo khi cho bú nhưng hãy lột vớ chân của bé và xoa hoặc bấm vào gan bàn chân của bé từ nhẹ đến mạnh dần để bé thức mà vẫn an toàn cho bé.

Nếu mẹ thực sự muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà con lại thiếu hợp tác thì hãy cố gắng quên hộp sữa bột đi, chỉ cho bú mẹ thôi. Khi loài người chưa sản xuất ra cái bình nhân tạo cũng như sữa công thức thì hầu hết các bà mẹ đều có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và cho bú trực tiếp. Con còn nhỏ thì còn dễ tập, đừng để đến khi bé lớn rồi, phụ thuộc sữa bột rồi mà mẹ cũng ít sữa đi do thói quen của con, lúc đó muốn quay lại chế độ sữa mẹ hoàn toàn cũng khó. Mẹ có thể vất vả trong mấy ngày đầu, nhưng hãy yên tâm là sự "xáo trộn" đó của bé kéo dài không lâu và sau này mẹ sẽ nhàn hơn. Còn nếu thấy quá cực thì hãy vắt sữa mẹ ra cho bé bú bình để con được tận hưởng sự ưu việt của nguồn sữa mẹ.

4. Bú bình hay đút muỗng?

Đa số các mẹ đều phải đi làm trở lại sau 4 tháng, thậm chí sớm hơn. Nếu không muốn cho con dùng sữa công thức, mẹ vẫn có thể cho con bú mẹ hoàn toàn bằng cách vắt/ hút sữa để tủ lạnh, khi cần thì hâm ấm và cho bé bú bình hoặc đút muỗng. Hầu hết những người mẹ đều chọn phương án cho bú bình vì sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, xét dưới góc độ khoa học, thì đút muỗng là phương pháp có lợi hơn cho sức khỏe cũng như sự phát triển của bé vì những lý do sau:

- Núm vú bình có thể gây hô răng cho bé và ức chế sự phát triển hàm sang hai bên nên dễ dẫn đến tình trạng hẹp hàm. Chính vì nhược điểm này mà nhiều hãng bình sữa đã nghiên cứu ra các loại núm vú không gây tác hại cho hàm, tuy nhiên trên thực tế, những núm vú này chỉ có thể hạn chế nguy cơ chứ không hoàn toàn loại bỏ nguy cơ. Vì thế, bú mẹ trực tiếp hoặc đút muỗng là giải pháp tốt hơn cho sự phát triển răng và xương hàm của bé.


- Khác với bú mẹ là bú quầng (miệng bé mở to) thì bú bình là bú chúm (miệng bé chúm lại). Trong giai đoạn mọc răng, việc bé cắn không khít vùng răng cửa và có thói quen đẩy lưỡi sẽ dẫn đến nguy cơ bị lệch lạc răng và cấu trúc răng không được đẹp, đồng thời ảnh hưởng đến hệ thống nhai của trẻ sau này. Nếu không thể cho bé bú mẹ thì đút muỗng là giải pháp tốt hơn cho bé.

- Đút muỗng để hạn chế nguy cơ đầy hơi của bé, cho dù các hãng bình sữa luôn quảng cáo sản phẩm của họ chống đầy hơi.

- Đút muỗng luôn vệ sinh hơn cho bú bình ngay cả khi tất cả các dụng cụ đều được tiệt trình (riêng cái này thì mình không rõ lắm nhưng các bác sĩ cũng như tài liệu y khoa đều bảo thế, mà không giải thích cụ thể tại sao).

- Đút muỗng dễ hình thành thói quen tốt cho bé. Bé đã quen với việc đút muỗng nên khi chuyển tiếp sang giai đoạn ăn dặm sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Bé đã quen bú bình thì thời gian đầu thường rất hay ngậm khi ăn. Điều đó không chỉ làm mẹ mệt mỏi mà cũng dễ khiến bé bị sâu răng nữa.

Mặc dù bú bình không phải là giải pháp tối ưu cho bé, nhưng nó lại là giải pháp tiện lợi, hơn nữa các tác hại chỉ nằm ở mức độ nguy cơ chứ không phải chắc chắn nên chiếc bình sữa vẫn là lựa chọn của đông đảo các mẹ. Nếu không thì các hãng sản xuất bình sữa và núm vú biết bán cho ai??? Nếu thấy bình sữa thực sự tiết kiệm thời gian và công sức thì mẹ không cần phải lo lắng quá, chỉ cần cho bé bú đúng cách là được. Cũng cần lưu ý là dù cho bú bình hay đút muỗng thì nên tập cho bé hình thành thói quen từ khi còn nhỏ (sơ sinh đến 2 tháng). Chờ khi mẹ đi làm rồi mới nhét bình sữa hay muỗng vào miệng con thì chuyện bé phản ứng mạnh là lẽ đương nhiên.

5. Sự tăng trưởng của bé

Ở Việt Nam, rất nhiều mẹ than thở con mình còi quá trong khi bé không hề còi nếu so với chuẩn quốc tế. Tâm lý muốn bé nặng cân ám ảnh các bà mẹ đến mức họ trở nên stress khi thấy bé không tăng cân nhiều như mong muốn, hoặc thậm chí, không tăng nhiều như con người khác. Áp lực từ ông bà và quan niệm xã hội cũng khiến mẹ cho rằng con mình còi một cách hoàn toàn cảm tính, để rồi ép con ăn bằng mọi cách và dần dần hình thành những sai lầm có tính hệ thống. Nên nhớ: bé tăng trưởng có tốt hay không là căn cứ vào tiêu chuẩn của các tổ chức uy tín về y tế và sức khỏe, chứ không phải căn cứ vào việc so sánh với cân nặng của con người khác. Mình từng thấy những người mẹ có con đầy năm nặng 10kg (hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh) lại tỏ ra ngưỡng mộ người mẹ có con mới 4-5 tháng tuổi đã nặng 10kg (dư cân quá nhiều, cần can thiệp) và "ước gì mình được như cô ấy", để rồi xót xa cho con mình, tâm lý lúc nào cũng căng thẳng.

Thực ra, cân nặng chỉ là một yếu tố cần quan tâm chứ không phải là tất cả. Để biết bé phát triển có tốt hay không, hàng tháng mẹ nên để ý những điểm sau:

- Cân nặng của bé: Có nằm trong mức chuẩn bình thường không? Có phát triển tương ứng với chiều cao không?

- Chiều cao của bé: Có nằm trong mức chuẩn bình thường không? Có phát triển tương ứng với cân nặng không?

- Chỉ số BMI: Có phù hợp với lứa tuổi của bé không?

- Sự phát triển về thể chất và trí tuệ: Sự vận động, phát triển tâm lý, tính cách, hành vi... có tương ứng với từng giai đoạn phát triển của bé không?

Khi nói đến chuẩn, thì chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) luôn là số liệu tin cậy nhất để đối chiếu. Mình đã có bài viết tổng hợp các số liệu về tiêu chuẩn tăng trưởng của bé để mẹ có thể dễ dàng đối chiếu: Cân nặng, chiều cao ở trẻ thế nào là vừa? Hiện tại, máy tính của mình đã cài phần mềm WHO Anthro để có thể theo dõi tình hình tăng trưởng của bé bất cứ lúc nào. Phần mềm này cho phép mình nhập các chỉ số của bé theo từng giai đoạn và sẽ xuất biểu đồ phát triển tương ứng của bé theo chuẩn của WHO bất cứ lúc nào.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét