Câu hỏi chưa có câu trả lời
Các thành viên của Chính phủ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối tuần trước và đầu tuần này. Nhiều vấn đề được nêu lên, nhiều giải pháp và lời hứa hẹn được đưa ra. Nhưng dường như cảm nhận chung từ các phiên chất vấn này là nội dung chất vấn bị lập lại và cách trả lời cũng giống như các phiên họp trước đây. Hàng chục triệu cử tri ắt sẽ có hàng triệu câu hỏi, không thể trông chờ các câu hỏi và trả lời ở các phiên chất vấn sẽ thỏa mãn hết mọi người.
Vậy cái thiếu ở những phiên chất vấn này là gì, có cách làm nào khác hay hơn để thỏa mãn được đa số cử tri hơn? Theo chúng tôi, điều cần nhất ở các thành viên đang đảm đương những nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy Chính phủ là một tầm nhìn giúp xác định được vấn đề cần giải quyết, cả ngắn hạn và dài hạn, cũng như quyết tâm theo đuổi, đấu tranh để thực hiện các giải pháp đi liền với tầm nhìn này.
Cho đến nay không ai không ý thức được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề xã hội, từ nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường đến chất lượng giáo dục, tham nhũng của công, giá cả tăng vọt… Vấn đề là ở cương vị người đứng đầu các ngành, các bộ trưởng đã xây dựng cho mình tầm nhìn như thế nào về các vấn nạn xã hội đang phải đương đầu, giải pháp nào để vượt qua chúng, những trở ngại nào khi thực hiện các giải pháp ấy. Tất cả phải xuất phát từ một sự bức xúc của người chịu trách nhiệm để chuyển tải tinh thần tập trung giải quyết vấn đề theo đúng nguyện vọng của cử tri đến tận mọi cấp trong bộ máy của mình.
Phiên chất vấn không chỉ là lúc người bộ trưởng phải chật vật tìm cách trả lời thắc mắc của cử tri hay vượt qua sự truy hỏi của đại biểu Quốc hội. Cũng phải xem đây là dịp người bộ trưởng trình bày quan điểm, lộ trình và kế hoạch của mình, thuyết phục Quốc hội cung cấp đủ cho mình những công cụ, kể cả tài chính hay sửa đổi luật lệ, để thực hiện tầm nhìn đó. Xin lấy ví dụ, phiên chất vấn không thể là nơi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đôi co với đại biểu Quốc hội về trọng lượng của cặp học sinh, 3 ký hay 4 ký! Đây cũng không phải là nơi người đứng đầu ngành giáo dục than phiền về chất lượng đào tạo tiến sĩ của nước nhà. Điều cử tri trông đợi là ngành giáo dục sẽ làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, hay xa hơn, chất lượng đó gắn với cách sử dụng tiến sĩ của xã hội như thế nào. Kêu gọi người không có điều mới không nên “làm tiến sĩ” là lạc hướng giải quyết vì bộ máy ngành giáo dục hoàn toàn có thể đánh giá và phải có trách nhiệm đánh giá một luận án tiến sĩ có đóng góp gì mới cho xã hội không. Hoặc một Bộ trưởng Giao thông Vận tải không thể nào trả lời chính xác vì sao một dự án cụ thể có công trình cầu đường không đồng bộ. Nhưng người bộ trưởng phải có giải pháp xóa bỏ sự không đồng bộ này ở mọi dự án, thậm chí bằng cách đề nghị Quốc hội sửa đổi cơ chế, quy định có thể gây ra tình trạng này.
Chúng ta trông đợi các phiên chất vấn tương lai sẽ là diễn đàn để các thành viên Chính phủ cho cử tri thấy họ đã trăn trở với các vấn đề của đất nước thuộc trách nhiệm của họ như thế nào. Lúc đó, không cần chất vấn, đại biểu hay cử tri đối chiếu câu hỏi của mình với tầm nhìn hay giải pháp chung đã được trình bày ắt sẽ tự mình tìm thấy ngay câu trả lời cần có.
Ai chịu trách nhiệm?
Thủ đoạn lừa đảo của cái gọi là tập đoàn Colony Invest và những đường dây tương tự rất đơn giản, thậm chí thô thiển vì đánh vào lòng tham của con người với mức lãi suất hứa hẹn lên đến 3%/ngày. Vì thế ngay khi nhóm lừa đảo này bắt đầu mồi chài người dân, báo chí đã phát hiện và đã lên tiếng cảnh báo ngay từ những tháng đầu năm nay. Điều đáng nói là từ đó cho đến cuối tuần trước, không hề có một cơ quan chức năng chính thức nào đưa ra phát biểu mang tính cảnh báo cho người dân. Và có lẽ đến khi kết thúc vụ án lừa đảo quy mô hàng vạn người này, cũng sẽ chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này để cuối cùng nạn nhân vẫn là những người dân nghèo, cả tin và dễ bị lường gạt.
Thử nhìn lại những tháng qua, sau khi báo chí đã có những bài điều tra về loại hình lừa đảo này, có thể có cơ quan nào đứng ra làm nhiệm vụ cảnh giác cho xã hội? Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo cho Chính phủ ban hành Nghị định 74 về việc chống rửa tiền, trong đó các tổ chức tín dụng phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên trong ngày. Nhóm lừa đảo này bị báo chí ghi rõ tên tuổi; giao dịch cũng thực hiện qua nhiều ngân hàng với các khoản tiền tỉ đồng trở lên. Sao chẳng thấy ai lên tiếng? Ngân hàng Nhà nước lẽ ra đã có thể sử dụng các kênh truyền thông, nhất là truyền hình hay phát thanh để phân tích một cách đơn giản nhất cho người dân thấy bản chất của sự lừa đảo, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực cơ quan này phụ trách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư ở các tỉnh thành ắt biết rõ mình chưa bao giờ cấp phép cho loại hình kinh doanh này, cũng như chưa bao giờ cấp phép cho Colony Invest, tại sao không họp báo nói rõ sự thật để giúp giảm bớt số người bị lừa. Cơ quan an ninh mạng, từng phối hợp rất nhanh chóng với cơ quan điều tra trong những vụ như truy tìm thủ phạm tung phim sex lên mạng, sao không thấy phản ứng gì, để mặc cho đường dây này “lòe mắt” những người nông dân với những kỹ xảo như username (tên để truy cập) hay password (mật mã).
Đáng nói nhất là chính quyền cơ sở ở các địa phương, lẽ ra khi nắm được sự việc đang diễn ra tại địa phương mình, phải nhanh chóng tìm hiểu vấn đề, liên lạc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ về kiến thức hay nghiệp vụ chuyên môn. Chỉ khi cán bộ cơ sở làm việc với tinh thần “chức trách” cao như thế, họ mới có đủ khả năng ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trên địa bàn của mình.
Vụ Colony Invest rồi cũng sẽ trôi qua với những bản án dành cho những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thiếu cơ hội làm ăn của người dân nghèo. Vấn đề là các cơ quan nhà nước rút ra được bài học gì để trong tương lai có thể ngăn chặn ngay một vụ tương tự, không để hàng vạn người bị mất tiền như lần này? Cần tập huấn những gì cho cán bộ địa phương bên cạnh các bài giảng chính trị? Cần có cơ chế phối hợp như thế nào giữa các cơ quan nhà nước để định rõ trách nhiệm của từng cơ quan? Và cuối cùng, phải làm gì để khắc phục một não trạng phổ biến hiện nay tại nhiều cơ quan: Chuyện đó không thuộc trách nhiệm của chúng tôi?
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét