Tiền cho giáo dục đi về đâu?
Nguyễn Vạn Phú
Báo cáo “Giáo dục Việt Nam – Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp những con số thú vị mà nếu phân tích kỹ, có lẽ các nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ thay đổi quan điểm đang theo đuổi.
Số học sinh trung học sẽ giảm mạnh
Mặc dù dân số Việt Nam nhìn chung tăng từ 77,6 triệu năm 2000 lên 84,2 năm 2006 nhưng dân số trong độ tuổi 6-10 đã giảm mạnh, năm 2000 là trên 9 triệu thì đến năm 2006 chỉ còn 6,8 triệu. Chính vì thế số lượng học sinh tiểu học đã giảm mạnh trong những năm qua, từ 9,7 triệu năm 2000 còn 7 triệu năm 2006, một mức giảm gần 3 triệu học sinh (xin nói thêm báo cáo có giải thích tỷ lệ đi học ở cấp tiểu học còn cao hơn số lượng các em trong độ tuổi này vì có nhiều em quá 10 tuổi vẫn còn học tiểu học).
Trong lúc đó, dân số trong độ tuổi 11-14 có giảm trong những năm qua nhưng tỷ lệ giảm không đáng kể, còn số lượng dân số trong độ tuổi 15-17 hầu như không thay đổi. Như vậy, rất có thể số lượng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trong những năm sắp tới sẽ giảm mạnh nếu vẫn duy trì số học sinh tronh độ tuổi đi học như hiện nay. Không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến đặc điểm cơ cấu dân số này chưa khi lập kế hoạch cho những năm sắp tới, kể cả đội ngũ giáo viên, trường lớp, ngân sách và các nguồn lực khác. Nếu số học sinh giảm mà ngân sách cho ngành giáo dục vẫn tăng đều như những năm qua, tại sao Bộ vẫn khăng khăng đòi tăng học phí? Đó là chưa kể xu hướng thành lập các trường ngoài công lập đang tăng, những trường này chia sẻ bớt số học sinh mà không đụng đến ngân sách giáo dục. Ở đây, cũng có một khả năng là trong những năm tới, khi mức sống người dân tăng lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học (năm 2006 là 90,33% ở cấp phổ thông cơ sở và 55,51% ở cấp phổ thông trung học) sẽ tăng. Nhưng mức tăng này, nếu xảy ra, sẽ không bằng mức giảm con số tuyệt đối gần 3 triệu học sinh nói trên.
Chi ngân sách giáo dục tăng nhanh
Theo số liệu trong báo cáo, chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đã tăng nhanh trong những năm qua, tăng đến trên 2,7 lần trong vòng sáu năm. Nếu như ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 19.747 tỷ đồng năm 2001 thì con số này đến năm 2006 đã đạt mức 54.798 tỷ đồng (xem bảng 1). Trong chi ngân sách, có hai khoản gồm chi thường xuyên (trên dưới 82%) và chi đầu tư (trên dưới 18%). Cả hai khoản này đều tăng nhanh và tỷ trọng hầu như không thay đổi trong những năm qua.
Ngược lại, số học sinh phổ thông cùng trong thời gian này đã giảm 1,5 triệu em, từ 17,8 triệu năm 2000 còn 16,3 triệu năm 2006. Còn tính hết tổng số từ mầm non cho đến nghiên cứu sinh, mức tăng không đáng kể, từ 22,3 triệu người năm 2000 lên 22,9 triệu người năm 2006. Điều đáng chú ý là trong khi tiền chi ra tăng trên 270% mà đối tượng nhận lợi ích từ ngân sách này không tăng bao nhiêu thì thật khó giải thích các khoản tiền tăng này đi về đâu. Chắc chắn mức thụ hưởng của học sinh ở góc cạnh tài chính ngân sách không thể tăng 270% được rồi. Mức tăng học phí, nếu có thực hiện theo đề án của Bộ Giáo dục & Đào tạo, cũng không thể nào bằng một phần rất nhỏ của mức tăng ngân sách giáo dục hằng năm, làm sao có thể kỳ vọng vào nó để xoay chuyển chất lượng giáo dục khi thực tế đã cho thấy ngân sách ưu ái cho giáo dục như thế mà ngành này đã duy trì được chất lượng hay chưa?
Mơ hồ ngân sách giáo dục
Một đặc điểm của ngân sách giáo dục, theo báo cáo, là đến 95% được chi trực tiếp cho các địa phương hay bộ ngành khác; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nắm trong tay 5% thôi. Đây chính là một vùng xám cần làm rõ để biết ngân sách được cho là dành cho ngành giáo dục được sử dụng như thế nào. Thường xuyên có chuyện tỉnh hay huyện cứ tạm sử dụng phần ngân sách giáo dục vào việc khác rồi trả lại sau – từ đó mới có chuyện nợ lương giáo viên, nợ tiền đầu tư xây dựng cơ bản cho trường lớp.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã phải than: “Tôi ở Quốc hội 2 khóa, Trung ương 3 khóa, ở cấp thứ trưởng rồi bộ trưởng, tổng cộng 21 năm cho đến lúc về hưu đã rút ra một điều là tài chính là một trong những bí hiểm nhất của các bí hiểm. Tiền Nhà nước cho bao nhiêu, ghi thế thôi chưa chắc chi đã đúng. Về đến địa phương thì bao nhiêu số đó thực chi cho giáo dục? Không ai biết.”
Thay vì loay hoay soạn thảo và bảo vệ cho đề án tăng học phí, lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tìm cách giải mã “hộp đen” này. Không phải bộ giành hết ngân sách về tay mình để chi – vì đó là điều không tưởng – mà phải “lật bài ngửa” công khai hết cho người dân biết, phải đào tạo cán bộ ở cấp sở và phòng giáo dục, sao cho họ biết cách đấu tranh để địa phương phải chi đúng, chi đủ phần ngân sách đã phân bổ, phải dùng báo chí, đại biểu Quốc hội để làm sao đồng tiền ngân sách, tức cũng là tiền đóng thuế của người dân, đến đúng địa chỉ.
Cách làm tương đối khả thi là chọn một hai địa phương làm trọng điểm kiểm tra việc chi ngân sách cho ngành giáo dục, từ đó xây dựng mô hình mẫu về lương giáo viên, các khoản chi thường xuyên khác và chi đầu tư cho từng trường, tính trên số lượng học sinh… (có người tính toán rằng với mức chi thường xuyên như hiện nay, lương bình quân của giáo viên phải ở mức 3,6 triệu đồng/tháng). Người dân và ngành giáo dục ở các địa phương khác có thể đối chiếu để chất vấn lãnh đạo địa phương mình tiền chi cho giáo dục đi về đâu.
Còn đó nhiều câu hỏi khác
Những con số được trích dẫn trên đây là giả định báo cáo ““Giáo dục Việt Nam – Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” hoàn toàn chính xác. Tuy thế, khi đọc báo cáo, người ta không thể không đặt ra những câu hỏi cho nhiều con số được đưa ra.
Xin lấy ví dụ, báo cáo viết: “Năm 2006, số trẻ 6 đến 10 tuổi là 6,81 triệu em, số học sinh tiểu học là 7,029 triệu em, chiếm tỷ lệ 103%. Tức là hầu như tất cả trẻ em ở độ tuổi tiểu học đều đi học, ngoài ra có một số trẻ em quá 10 tuổi vẫn đi học tiểu học (3%)”. Không thể nào tin được 100% học sinh trong độ tuổi đều đi học tiểu học. Báo chí đã nói khá nhiều về hiện tượng học sinh bỏ học ở các vùng khó khăn về kinh tế; chúng ta đều đã nghe nói về các nỗ lực đưa trẻ em đường phố vào các lớp học tình thương; thực tế có bao nhiêu em vì bệnh tật, vì khuyết tật và vì nhiều lý do khác đã không thể đến trường. Nếu trừ đi con số này, không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy đâu ra học sinh để cho đủ con số 100%. Nếu tính số học sinh tiểu học trên số lớp thì bình quân mỗi lớp chỉ có 26 em, một con số lý tưởng và không có trong thực tế. Tình hình cũng tương tự khi tính chung số học sinh phổ thông trên số lớp phổ thông thì mỗi lớp chỉ có bình quân 32,4 em!
Báo cáo cho biết nguồn vốn vay ODA cho ngành giáo dục hằng năm khoảng từ 4.200 đến 4.600 tỷ đồng – tức ở mức 260 triệu đến 280 triệu đô-la Mỹ (riêng năm 2006 chỉ còn 1.200 tỷ đồng tương đương với chừng 75 triệu đô-la Mỹ). Cứ tạm cho con số này là chính xác, và lấy số liệu năm 2005 cho dễ hình dung, chúng ta thấy nguồn vốn vay ODA (4.640 tỷ đồng) chiếm trên 10% tổng chi ngân sách cho giáo dục (42.943 tỷ đồng); chiếm trên 60% khoản chi đầu tư cho giáo dục (7.226 tỷ đồng). Đây là một tỷ lệ không nhỏ chút nào nhưng hầu như không thấy Bộ Giáo dục & Đào tạo phân tích, giải trình trong báo này hay các báo cáo trước người dân.
Cách so sánh chi phí học tập trên thu nhập của hộ gia đình của báo cáo cũng không ổn vì chỉ dùng các phép tính đơn giản để kết luận thu nhập bình quân hộ gia đình 3 người (có 1 người đi học) ở thành thị là 3,2 triệu/tháng và ở nông thôn là 1,5 triệu/tháng; hộ 4 người (có 2 người đi học) ở thành thị là 4,2 triệu/tháng và ở nông thôn là 2 triệu/tháng. Hai vợ chồng ở nông thôn làm sao có thu nhập 2 triệu đồng mỗi tháng? Bình quân thu nhập GDP đầu người là chia đều, nếu có những người thu nhập cả mấy trăm triệu mỗi tháng thì sẽ có những người hầu như không có thu nhập. Hơn nữa, chỉ nhìn những con số trên cũng đã thấy cực kỳ phi lý, thu nhập ở gia đình gồm bố mẹ và 2 con đang đi học tăng nhiều so với gia đình gồm bố mẹ và 1 con đang đi học, khoảng tăng 1 triệu đồng này lấy ở đâu ra?
Xin ngưng tính toán đơn thuần trên giấy mà hãy tổ chức khảo sát thực tế để có thể đưa ra những nhận định chính xác và chính sách hợp lòng dân.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét