Tri thuc cong?

Trí thức công?

Tôi vừa phỏng vấn GS Paul Krugman và đang dịch bài phỏng vấn từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Mới thấy có nhiều từ tiếng Anh có hàm ý khác hẳn tiếng Việt. Ví dụ từ “public intellectual” – tiếng Anh dùng với nghĩa một trí thức thường xuyên tham gia ý kiến vào những vấn đề lớn mà xã hội đang quan tâm. Trong khi đó, nếu dịch thành “trí thức công” trong tiếng Việt thì có nguy cơ bị hiểu nhầm thành những trí thức đang làm việc trong khu vực nhà nước. Mà thật ra tiếng Việt chưa thấy dùng cụm từ này.

Loại từ này có khá nhiều, chắc lúc nào rảnh phải thu gom chúng vào một bài để mọi người cùng thảo luận và cùng tìm cách dùng thỏa đáng nhất. Chẳng hạn, từ “individualism” khi dùng ở tiếng Anh nó không mang hàm ý gì xấu, thậm chí còn có hàm ý tích cực theo nghĩa độc lập, tự chủ. Thế nhưng cụm từ “chủ nghĩa cá nhân” trong tiếng Việt thì hoàn toàn ngược lại: hàm ý xấu thấy rất rõ. “Bureaucracy” cũng là một từ như vậy.

Cũng chính vì vậy mà cụm từ “xã hội hóa” khi dịch sang tiếng Anh, người không rành sẽ dùng từ “socialize, socialization” và tạo ra hiệu ứng hiểu hoàn toàn ngược với cách hiểu của người Việt. Ở Việt Nam, xã hội hóa đang được hiểu là mở rộng cho tư nhân và người dân tham gia các khu vực trước đây do nhà nước đảm trách (còn chuyện mấy quan chức cố tình hiểu theo nghĩa thu tiền là chuyện khác!). Nhưng socialize trong tiếng Anh, nghĩa đầu tiên là quá trình hội nhập vào văn hóa xã hội của một cá nhân; và nghĩa thứ hai là chuyển thành sở hữu của nhà nước hay của tổ chức! Ví dụ khi người ta chủ xướng “the socialization of medical services” tức là buộc nhà nước phải lo các dịch vụ y tế. Nên chú ý khi dùng vì ngược hẳn với tiếng Việt. 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét