Xin giới thiệu một bài viết mới của Nhà văn Ngô Thế Vinh về đập Xayaburi. Đây là một đập gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Mới đây, các nhóm đấu tranh cho môi trường và Ủy hội sông Mekong (MRC) yêu cầu các lãnh đạo ASEAN dùng diễn đàn thượng đỉnh ASEAN (hiện diễn ra ở Nam Vang) tạm ngưng xây đập Xayaburi. Thế nhưng công trình vẫn tiến hành. Việc xây con đập Xayaburi sẽ gây nên một hiệu ứng domino và thể hiện một khúc quanh quan trọng đối với sông Mekong. Con đập thứ hai Pak Beng do China xây cũng đang chờ đèn xanh để khởi công và dự trù sẽ hoàn tất 2018 đồng thời với con đập Xayaburi. Bài viết có nhắc đến Viraphonp Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào (từng tốt nghiệp từ Đại học Victoria của Úc), một nhân vật bản lãnh và trí tuệ. N.V.T
LỄ ĐỘNG THỔ ĐẬP XAYABURI MỘT NGÀY ẢM ĐẠM TRÊN SÔNG MEKONG VÀ ĐBSCL
NGÔ THẾ VINH, M.D.
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long và VN 2020 Mekong Group
“Thông thường, theo tập tục nhà Phật, trước khi bắt đầu khai phá một con sông, chúng tôi cầu nguyện thần linh trong vùng tha thứ cho chúng tôi là đã gây rối loạn dòng sông.” Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào, Kỹ sư trưởng Kỹ thuật Dự án.
“Pak Beng, là con đập dòng chính thứ hai, sau đập Xayaburi vùng hạ lưu Mekong. Các nhà xây đập Trung Quốc cho biết họ đã hoàn tất phần thiết kế và lượng giá ảnh hưởng môi sinh / EIA của con đập, và nay chỉ còn chờ đèn xanh của chánh phủ Lào chuẩn thuận và sẽ khởi công xây dựng.”
XAYABURI: CON DOMINO ĐÃ ĐỔ XUỐNG
Thứ Tư ngày 7 tháng 11, 2012, Rewat Suwanakitti, Phó Giám Đốc dự án công trình thủy điện Xayaburi cho biết Lào đã làm lễ động thổ để khởi công xây con đập thủy điện Xayaburi. “ Chánh quyền Lào bảo chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng công trình.” Trước đó một ngày [thứ Ba 6/11/12], Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đã lại nói với phóng viên Wall Street Journal rằng dự án đang tạm ngưng để chờ thêm khảo sát. (11)
Rõ ràng đây là một động thái một thách đố với thỏa thuận vùng và với các quốc gia Mekong lân bang. Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào nói với nhóm phóng viên một ngày trước đó, “Con đập ấy đã được lượng giá, đã được tranh cãi suốt hai năm qua. Chúng tôi đã đáp ứng hầu hết những mối quan tâm.” Sau lễ động thổ, các chuyên gia xây đập bắt đầu xây “con đập tạm / coffer dam” nhằm đổi dòng con sông Mekong, dự trù hoàn tất vào tháng 5, 2013 và “con đập cố định / permanent dam” được xây tiếp theo.
Lễ động thổ chỉ là hình thức “công khai hóa” những vi phạm cam kết của chánh phủ Lào với các quốc gia Mekong sau Hội nghị Siem Reap ngày 8 tháng 12, 2011. Giới báo chí ghi nhận, trong lễ động thổ ấy, ngoài các viên chức cao cấp chánh phủ Lào còn có sự hiện diện của các nhà ngoại giao Việt Nam và Cam Bốt. Sự hiện diện của giới chức Việt Nam và Cam Bốt rất khó hiểu vì đó là hai quốc gia chống đối mạnh mẽ dự án đập Xayaburi và nay chỉ có thể giải thích là “gió đã đổi chiều” từ chống đối nay đã chuyển sang thỏa hiệp hay đồng thuận.
Xayaburi là con đập đầu tiên trong chuỗi 11 con đập dòng chính hạ lưu [Hình IV), và dự án đã được âm thầm triển khai trước đó giữa ngổn ngang những mối quan tâm của các tổ chức bảo vệ môi sinh do ảnh hưởng tác hại lâu dài và vĩnh viễn trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trên nguồn phù sa, nguồn cá và ngư nghiệp, cũng là nguồn protein chính của ngót 70 triệu cư dân ven sông Mekong.
Điện sản xuất từ Xayaburi sẽ được xuất cảng sang Thái Lan, và giới chức Lào cho rằng con đập sẽ mang về hàng tỉ lợi nhuận cho đất nước Lào.
Giới quan sát theo dõi đã có ghi nhận trước đó từ nhiều tháng, các công trình xây cất cơ sở hạ tầng nơi hiện trường xây đập Xayaburi đã tiến những bước rất xa. Công ty Thái Lan CH. Karnchang đã mở những con đường vào các khu rừng sâu đem tới các trang thiết bị nặng. Trong khi các nhà hoạt động môi sinh thì vẫn tiếp tục lên án chánh phủ Lào đã bất chấp những quan tâm về tác hại của con đập và vẫn cứ tiến hành công trình xây đập.
Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Mạng Lưới Sông Quốc Tế phát biểu: “Cộng đồng quốc tế sẽ không thể để cho chánh phủ Lào tránh né một vi phạm trắng trợn đối với luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ kêu gọi các chánh phủ tài trợ / donor governments, và các quốc gia Thái Lan, Việt Nam và Cam Bốt có một lập trường kiên định đối với chánh phủ Lào. Xayaburi là con đập đầu tiên trong chuỗi đập dòng chính sẽ gây tác hại nghiêm trọng đối với những nỗ lực phát triển vùng. An ninh lương thực và công ăn việc làm của hàng triệu người trong vùng đang bị đe dọa.” (10)
Pianporn Deetes, điều hợp viên Thái Lan cũng từ Mạng Lưới Sông Quốc tế phát biểu: “Lào đang chơi trò roulette với con sông Mekong, biến con sông như một nơi thử nghiệm những kỹ thuật mới. Khi mà Ủy Hội Sông Mekong tiếp tục im lặng và chấp nhận cho một quốc gia hy sinh sự bền vững của con sông Mekong và cả tương lai hợp tác vùng, thì phải nói đây là một sai lầm trầm trọng.” Cô Pianporn tiếp: “Chính phủ Thái Lan phải có trách nhiệm kêu gọi ngưng ngay xây đập và hủy bỏ hợp đồng mua điện cho tới khi đạt được một thỏa thuận toàn vùng về công trình xây đập. Hành động của Lào đã đưa tới một tiền lệ nguy hiểm. Nếu Lào được phép tiến hành mà không bị ngăn cản thì trong tương lai mọi chánh phủ thành viên khác cũng sẽ đơn phương tiến hành các dự án trên sông Mekong. Hiệp định sông Mekong 1995 sẽ trở thành một mớ giấy lộn vô dụng.” (10)
XAYABURI MỘT TIẾN TRÌNH LIÊN TỤC
Nhiều tháng trước ngày lễ động thổ, công trường đập Xayaburi đã hoạt động ồn ào với hàng ngàn nhân công, hàng chục cỗ xe ủi liên tục hoạt động ngày đêm để hoàn tất công trình đúng thời hạn 2018. Với các con đường mới dẫn tới vùng xây đập, các khu nhà công nhân, và các trụ dẫn điện được tạo dựng. Một số dân làng trong vùng đã phải di tản và tái định cư. Một khúc sông được mở rộng ra, và nơi một khúc khác con đê cắt sâu vào lòng sông. Kỹ sư trưởng của dự án, thuộc tập đoàn Poyry, đã thông báo cho đoàn ngoại giao thăm viếng là công trình “đập tạm / coffer dam” để đổi dòng con sông – sẽ được hoàn tất vào tháng 5 năm 2013, sau đó đập cố định / permanent dam” sẽ được xây. Và rồi rất sớm, cấu trúc và hình hài con đập Xayaburi sẽ bắt đầu xuất hiện. [9]
Hình I. Hình hài con Đập Xayaburi 1,260 MW kinh phí 3.5 tỉ MK, dự trù hoàn tất và hoạt động phát điện vào tháng 3 năm 2018. Sơ đồ con đập: [1] Kênh Giao Thông_ Navigation locks, [2] Đường Thoát Nước_ Spillway, [3] Trạm Phát Điện_ Power House, [4] Thang Cá_ Fish Passage. (Nguồn: trình bày của Tập đoàn Poyry ngày 16-07-2012 về các bước xây dựng Đập Xayaburi, July 16, 2012)
Tiến trình xây đập rất nhanh của Lào đã gây lo ngại cho các quốc gia lân bang. Sông Mekong là nguồn tài nguyên chung, và điều gì xảy ra trên thượng nguồn ở Lào có thể ảnh hưởng tới nước láng giềng như Thái Lan và nhất là 2 quốc gia hạ nguồn như Cam Bốt và Việt Nam. Theo thỏa ước 1995 về điều hợp xử dụng Sông Mekong, các chánh phủ Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam phải cùng nhau quyết định xem con đập Xayaburi sẽ tiến hành hay không. Lào vẫn tiến hành công trình cho dù chưa có một quyết định chung nào đạt được.
[Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây là Việt Nam một quốc gia cuối nguồn nhưng đã vi phạm một sai lầm chiến lược các đây 17 năm (1995) tại Chiang Rai Thái Lan, khi Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã đặt bút ký tên trên bản “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Hạ Lưu Sông Mekong” với một danh xưng mới là Ủy Hội Sông Mekong / Mekong River Commission thay vì Ủy Ban / Mekong River Committee như trước đây. Một điều lệ thay đổi cơ bản là không một quốc gia nào có “quyền phủ quyết / veto power” như quy định của Ủy Ban Sông Mekong trước kia. Người viết đã đưa ra nhận định cách đây hơn một thập niên trong một Hội nghị ở Nam California là Ủy Hội Sông Mekong đã là một “biến thể và xuống cấp”so với Ủy Ban Sông Mekong_ The 1999 Conference on the Mekong River at Risk: The Impact of Development on the River, her Delta, and her People.] (7)
Cả hai nước Cam Bốt và Việt Nam đều yêu cầu Lào thực hiện những cuộc nghiên cứu ảnh hưởng xuyên quốc gia / transboundary của con đập, nhưng Lào đã trả lời là sẽ không có thêm những cuộc khảo sát nào nữa.
DIỄN TIẾN TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐÂP XAYABURI:
- Tháng 05, 2007 chánh phủ Lào ký kết với công ty Ch. Karchang Thái Lan để thực hiện dự án đập Xayaburi.
- Tháng 11, 2008 công ty AF Calenco Thụy Sĩ kết hợp với toán tham vấn Thái khảo sát tính khả thi của con đập.
- Tháng 02, 2010 bản tường trình EIA / Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh được đệ trình cho Chánh phủ Lào.
- Tháng 07, 2010 Chánh phủ Lào chính thức ký kết hợp đồng bán điện từ đập Xayaburi cho Thái Lan qua công ty EGAT / Electricity Generating Authority of Thailand.
- Tháng 04, 2011 Ủy Ban Liên Hợp Ủy Hội Sông Mekong / MRC Joint Committee ra thông cáo báo chí là các thành viên chưa đạt được một thỏa thuận để tiến hành dự án Xayaburi.
- Tháng Tư, 2011 hai chánh phủ Cam Bốt và Việt Nam yêu cầu chánh phủ Lào khảo sát thêm về những ảnh hưởng xuyên biên giới của dự án.
- Tháng 06, 2011 chánh phủ Lào đơn phương “bật đèn xanh”cho công ty Thái Lan Ch.Karnchang triển khai dự án.
- Tháng 12, 2011 tại Hội nghị Siem Reap cả 4 nước thành viên Ủy Hội Sông Mekong cùng thỏa thuận là cần thêm những cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng con đập Xayaburi và 10 con đập dòng chính hạ lưu.
- Tháng 8, 2012 nhóm cư dân Thái chống lại con đập Xayaburi đã nộp đơn khiếu kiện chánh phủ Thái yêu cầu không mua điện từ con đập cho tới khi có thêm những cuộc khảo sát, nhưng đã không được hồi đáp.
- Tháng 9, 2012 Bộ trưởng Năng lượng Soulivong Daravong cho biết chánh phủ Lào không hoãn kế hoạch xây con đập Xayaburi 3.5 tỉ MK. Nhưng hai tháng trước đó 07, 2012 Ngoại Trưởng Lào thông báo trong Hội nghị ASEAN là dự án Xayaburi sẽ được hoãn lại để có thêm những cuộc khảo sát.
- Giới truyền thông chánh thức của Lào lại được thông báo chánh phủ cho phép công ty Ch. Karnchang được phép tiến hành các hoạt động theo kế hoạch, bao gồm cả việc tái định cư dân làng khu xây đập. [13]
- Tháng 10, 2012 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang đã gặp Thủ tướng Lào với yêu cầu là mọi công trình xây đập Xayaburi cần hoãn lại cho tới khi thực hiện được các cuộc khảo sát lượng giá cần thiết về ảnh hưởng con đập trên sông Mekong.
- Cho đến nay chưa có một thỏa thuận cấp vùng nào về thời điểm khởi công xây con đập Xayaburi, cho dù tinh thần thỏa ước 1995 của Ủy Hội Sông Mekong có quy định như vậy.
Lào tuyên bố là sẽ hợp tác với các quốc gia láng giềng, nhưng điều ấy không có thực. Thực vậy, dự án được liên tục tiến hành theo lịch trình và không hề bị trì hoãn. Những mối quan tâm về môi trường và xã hội của Cam Bốt và Việt Nam đã không được nghiêm túc quan tâm tới. Lào cũng không bao giờ thu thập những thông tin cơ bản về mối phụ thuộc của người dân đối với con sông, như vậy thì làm sao nói được rằng con đập sẽ không có ảnh hưởng?
Lào tiếp tục phủ nhận ảnh hưởng xuyên biên giới của con đập do áp dụng những biện pháp giảm thiểu tác hại của hai công tham vấn Phần Lan Poyry và Pháp Công ty Quốc gia Rhône (Compagnie Nationale du Rhône / CNR) , trong khi thực chất thì không hề có các cuộc khảo sát ảnh hưởng xuyên biên giới. Hai chánh phủ Cam Bốt Việt Nam và các nhà khoa học trong vùng đều không đồng ý với việc làm của cả hai công ty này.
Cho dù theo nội dung của Hiệp Định 1995 của Ủy Hội Sông Mekong / MRC tuy không một quốc gia thành viên nào còn có quyền phủ quyết nhưng các dự án trên sông Mekong cũng phải trải qua ba giai đoạn PNPCA như: (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement. Có thể nói, Xayaburi thực sự là dự án đầu tiên phải trải qua tiến trình quyết định PNPCA trên quy mô vùng / a regional decision-making process.
Tưởng cũng nên nói thêm về những quy định và khung thời gian / time frame cho từng bước trong tiến tình PNCPA theo tinh thần Hiệp Định Ủy Hội Sông Mekong 1995: khi có một dự án Sông Mekong, quốc gia thành viên sẽ phải đệ nạp và thông báo cho Ủy Hội Sông Mekong để khởi đầu tiến trình PNPCA;
Với Con Đập Xayaburi (a) Ủy Hội Sông Mekong đã được chánh phủ Lào Thông Báo chính thức về dự án Xayaburi / Procedures for Notification từ tháng 09, 2010. (b) Bước thứ hai là Tham-Vấn- Trước / Prior Consultation, và thời gian dành cho Tham Vấn Trước là 6 tháng kể từ ngày nhận được Thông Báo. Nhưng cũng có thêm một điều khoản khác là nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian 6 tháng này có thể được Ủy Ban Liên Hợp Ủy Hội Sông Mekong gia hạn thêm.
Chánh phủ Lào thì cho rằng các tác động xuyên biên giới / transboundary impacts của đập Xayaburi đối với các quốc gia hạ lưu là “không chắc sẽ xảy ra” nên cũng không thực tế và cần thiết khi yêu cầu kéo dài thời gian Tham-Khảo-Trước và cho dù có thêm thời gian lâu hơn nữa, thì cũng không thể nào thỏa mãn hết các mối quan tâm của mỗi thành viên.
Cảnh “đồng sàng dị mộng” với những tranh cãi và chia rẽ, khởi đầu một khủng khoảng niềm tin trong nỗ lực hợp tác vùng giữa các thành viên để bảo vệ hệ sinh thái của con sông Mekong. Một câu hỏi nữa được đặt ra với Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong là thực sự có hay không chức năng điều hợp cũng là lý do hiện hữu rất tốn kém của tổ chức này?
NHỮNG TÁC HẠI TRƯỚC MẮT
Mekong là một con sông quốc tế, công pháp quốc tế sẽ phải được áp dụng giữa các nước, khi mà ảnh hưởng tác hại có tính cách xuyên quốc gia, như trường hợp Xayaburi. Thỏa ước Mekong 1995 không có sự phân biệt giữa xây dựng vĩnh viễn/ permanent và tạm thời / temporary khi mà các hoạt động này đều có thể gây “hậu quả tác hại” đối với hệ sinh thái con sông Mekong. (9)
Theo ghi nhận của Ủy Hội Sông Mekong trong phần Kiểm Tra Kỹ Thuật 2011 về dự án đập Xayaburi “những ảnh hưởng trong suốt giai đoạn xây dựng / construction phase cũng nghiêm trọng như giai đoạn vận hành của con đập.”
Dựa trên kinh nghiệm của những con đập khác, sau đây là một số những ảnh hưởng mà chúng ta có thể thấy trong vòng 12 tháng tới nếu các công trình xây dựng tiến hành: (9)
1/ Với con “đập tạm / coffer dam” và những cấu trúc nhằm đổi dòng con sông Mekong sẽ ngăn chặn các đoàn di ngư qua vùng xây đập và ngăn phù sa chảy xuống hạ nguồn. Sự xáo trộn dòng chảy có thể tác hại trên các loại rong tảo và vi sinh vật vốn có một vai trò quan trọng trong sự ổn định của hệ sinh thái con sông.
2/ Do thêm những chất lắng từ khu xây đập đổ xuống dòng sông làm thay đổi phẩm chất nước, giảm lượng O2 trong nước, biến đổi hệ sinh thái với hậu qủa là gây tổn hại cho ngư nghiệp / sút giảm nguồn cá và nông nghiệp / do mất nguồn phù sa dưới nguồn.
3/ Việc các cộng đồng địa phương phải di tản và tái định cư xáo trộn nếp sống và gây ra vấn nạn kinh tế xã hội và an toàn lương thực trong lưu vực.
Rõ ràng là các hoạt động xây dựng “con đập tạm” hiện nay đã bắt đầu gây ảnh hưởng tác hại trên sông Mekong. Những gì xảy ra trên đất Lào trong những tháng tới sẽ không chỉ khu trú tại địa phương. Giai đoạn xây dựng ban đầu này hầu như có hậu quả ngay và đáng kể nơi các quốc gia hạ nguồn.
VIRAPHONH VIRAVONG ĐỨA CON TRÍ TUỆ CỦA LÀO
Wendy Chamberlin, nguyên đại sứ Mỹ ở Lào [1996-1999], đã nhận định: “Sau bao năm tự giam hãm trong bức màn tre, nhìn sang các nước láng giềng phát triển thịnh vượng, họ cũng muốn trở thành một thành viên trong đó.” Họ đây là giới lãnh đạo Nhà Nước Lào, với điều mà họ gọi là Chin Thanakhaan Mai có nghĩa là Tư Duy Mới; với ước mong sao xứ sở họ thoát ra khỏi danh sách 25 nước nghèo nhất thế giới. Nam Viyaketh, Bộ trưởng Công Thương của chánh phủ Lào tuyên bố: “Nếu mọi nguồn năng lượng [ Sông Mekong ] được khai thác, Lào trở thành Bình Phát Điện của Đông Nam Á – Battery of Southeast Asia, chúng tôi sẽ bán nguồn điện ấy cho các nước láng giềng và sẽ trở nên giàu có.” (8)
Những ai có theo dõi các bước khai thác năng lượng thủy điện của Lào sẽ nhận ra ngay rằng không phải Tổng Thống, Thủ Tướng hay Ngoại trưởng Lào, nhưng là một tên tuổi khác Viraphonh Viravong nổi bật và trí tuệ của đất nước Lào. Viraphonh Viravong trong suốt hơn ba thập niên qua đã có những nỗ lực bền bỉ và kiên định với giấc mơ canh tân, biến đất nước Lào trở thành một xứ “Kuwait về thủy điện ” của Đông Nam Á.
Theo World Economic Forum, Viraphonh Viravong có một tiểu sử rất dày trong lãnh vực năng lượng. Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ khí / Mechanical Engineering, Viện Khoa học Kỹ thuật Footscray, Đại học Victoria, Úc (1976); Văn bằng Cao học Chánh trị, Học viện Quốc gia Chánh trị Hành chánh Lào (2009); chuyên gia Bộ Điện lực Lào / Electricité du Laos (1978-1995); Giám đốc Quản trị Bộ Điện lực Lào (1995-2006); Thành viên Hội đồng Quốc gia Năng lượng Lào (1995-2006); Thành viên Ban Giám Đốc đập Thủy điện Theun Hinboun (1995-2012); Thành viên Ban Giám Đốc đập Thủy điện Nam Theun-2 (2001-2005); Thành viên Phòng Thương mại và Kỹ nghệ Quốc gia Lào (2002-2005); Tổng Giám Đốc Bộ Năng lượng và Hầm Mỏ Lào (2006-2011); Thứ Trưởng Bộ Năng lượng và Hầm Mỏ Lào từ 11/ 2011 tới nay. [ Hình II ]
Hình II. Viraphonp Viravong, Thứ Trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ chánh phủ Lào PDR, khuôn mặt “trí tuệ” đứng sau mọi dự án phát triển thủy điện của quốc gia Lào
-- Viraphonp Viravong thường xuyên thăm viếng con sông Mekong tìm tới những nơi có thể xây thêm đập thủy điện, với hy vọng đem lại sự giàu có mau chóng cho đất nước Lào, với thuyết phục người dân Lào nơi các khu xây đập về những lợi lộc do các con đập đem lại: họ sẽ có điện quanh năm, có thêm đường xá, nhà thương, trường học do lợi tức từ nguồn điện đem về. Viraphonp Viravong qua kinh nghiệm với các con đập phụ lưu lớn của Lào như Theun Hinboun, Nam Theun-2 … và nay với con đập dòng chính đầu tiên Xayaburi, cho dù gặp sự chống đối mạnh mẽ từ mọi phía nhưng khi nhu khi cương, Viraphonp Viravong lần lượt hóa giải những mũi dùi chống đối ấy và không ngừng tiến hành triển khai con đập.
Khi kết thúc Hội nghị Siem Reap 12/ 08/ 2011, với quyết định của 4 quốc gia Mekong là hoãn xây con đập Xayaburi, nhưng Lào đã không chính thức đưa ra một cam kết nào. Viraphonh Viravong, trưởng phái đoàn Lào chỉ phát biểu: “Chúng tôi ghi nhận mọi ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ xem xét nhằm có thể đáp ứng tất cả những mối quan ngại.” Và Lào hứa sẽ tuân thủ những hướng dẫn thiết kế sơ khởi của Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong – MRC Secretariat, và sẽ thực hiện tối ưu theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tác động trên mọi khía cạnh như thủy lộ giao thông, các đoàn di ngư, lượng phù sa, phẩm chất nước, hệ sinh thái nước và cả mức an toàn của con đập ở mức độ có thể chấp nhận được.
Sau Hội nghị Siem Reap, khi có tường trình trên báo chí là Lào vẫn tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng nơi khu xây đập, như vậy là vi phạm thỏa ước thì Viraponh Viravong giải thích với Bangkok Post là đừng có lo. “Chúng tôi chưa bắt đầu xây những công trình nào có tính cách vĩnh viễn trên sông Mekong.” Về các con đường mới dẫn tới khu xây đập, cũng vẫn Viraponh Viravong nói bào chữa: “Dĩ nhiên là chỉ khi nào công trình đập Xayaburi được khởi động, các con đường dẫn mới được sử dụng. Bằng không thì mọi tiện nghi sẽ thuộc về chánh quyền sở tại, giúp họ có đường xá đi tới những làng mạc thôn bản.”
Viraponh Viravong không chỉ có trình độ kỹ thuật, còn có khả năng ngoại ngữ và có niềm xác tín, nên đã có cả những vận động thuyết phục giới truyền thông Tây phương. Trong một email gửi cho báo The Times, ông viết: “Thật đáng buồn và cũng rất là không công bằng / not very fair khi không để cho Lào khai triển dự án Xayaburi vì đây là cơ hội hiếm hoi cho Lào thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài. Chúng tôi chẳng thể hãnh diện cứ tiếp tục phải đi xin viện trợ để phát triển.” Viraphonh Viravong, cũng đã bày tỏ sự bất mãn: “Nếu phải cần một thỏa thuận đặc biệt trước khi làm điều gì, thì điều đó đã chẳng xảy ra. Tốt hay xấu thì tôi chưa biết nhưng sẽ không có sự phát triển.”
Khi bị chống đối gay gắt là cuộc khảo sát 2011 của công ty tham vấn Poyry là thiếu sót, Lào đã lại thuê ngay một công ty tham vấn Pháp để duyệt xét lại và tái thiết khế dự án, đó là Công ty Quốc gia Rhône. Viraphonh Viravong phát biểu với Đài Á Châu Tự Do RFA : “Khởi đầu, chúng tôi thuê công ty tham vấn Poyry thực hiện cuộc khảo sát, nhưng mọi người đã không hài lòng. Và bây giờ thì chúng tôi lại thuê một công ty Pháp; chánh phủ Lào muốn con đập được tái thiết kế để không có ảnh hưởng tác hại nào trên môi trường.” Với dự án Xayaburi tái thiết kế sẽ không ngăn chặn phù sa chảy xuống hạ nguồn và như vậy là giải quyết được những mối quan tâm về môi trường.
Hình III. Ngày 15-10-2012 Viraphonp Viravong tới Viện Kỹ Thuật Á châu / AIT, Bangkok để duyệt xét thử nghiệm mô hình Dự án Thủy điện Xayaburi, tại đây, ông khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.” (14)
Cho dù với dự án tái thiết kế giải quyết được nguồn phù sa, nhưng cũng như công ty Poyry, Công ty Quốc gia Rhône cũng vẫn thiếu sót về khảo sát bảo vệ nguồn cá; nhưng Lào thì đã đủ tự tin để chính thức làm lễ động thổ xây con đập Xayaburi vào ngày thứ Tư 07/11/2012.
Viraphonh Viravong, nói với nhóm phóng viên một ngày trước đó, “Con đập ấy đã được lượng giá, đã được tranh cãi suốt hai năm qua. Chúng tôi đã đáp ứng hầu hết những mối quan tâm.” Sau lễ động thổ, các chuyên gia xây đập bắt đầu xây con đập tạm / coffer dam nhằm đổi dòng con sông Mekong, và con đập cố định / permanent dam được xây. Con đập tạm này dự trù hoàn tất vào tháng 5, 2013. (10) Và con đập Xayaburi sẽ hoàn tất và hoạt động phát điện đúng thời hạn vào tháng 3 năm 2018.
PAK BENG CON ĐẬP MEKONG THỨ HAI CHỜ KHỞI CÔNG
Pak Beng, là con đập dòng chính thứ hai, sau đập Xayaburi vùng hạ lưu Mekong. Các nhà xây đập Trung Quốc cho biết họ đã hoàn tất phần thiết kế / Design và lượng giá ảnh hưởng môi sinh / EIA của con đập, và nay chỉ còn chờ “đèn xanh” của chánh phủ Lào chuẩn thuận và sẽ khởi công xây con đập.
Đập Pak Beng nằm về phía bắc cố đô Luang Prabang, thuộc tỉnh Oudomxay bắc Lào, được thiết kế bởi công ty Trung Quốc Datang Overseas Investment Co., Ltd. qua một thỏa thuận ký kết giữa Lào và Trung Quốc tháng 8, 2007.
Đập Pak Beng trị giá 1.88 tỉ MK, công xuất 1,300 MW, dự trù hoàn tất vào năm 2018 [ghi chú người viết: sẽ cùng năm hoàn tất con đập Xayaburi] . Đây sẽ là con đập dòng chính thứ hai của Lào sau con đập Xayaburi.
Cũng theo nguồn tin từ Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào gửi cho ban Lào ngữ đài RFA với điều kiện ẩn danh. “Phần thiết kế mà mọi khía cạnh khác đã hoàn tất. Chúng tôi chỉ còn chờ chánh phủ Lào chấp thuận là cho tiến hành.” [13]
Cho dù theo khuyến cáo của nhóm chuyên gia Ủy Hội Sông Mekong là nên “hoãn lại 10 năm mọi con đập dòng chính hạ lưu sông Mekong” để có thêm những cuộc khảo sát về các ảnh hưởng tác hại trên môi trường và kinh tế xã hội. Nhưng xem ra Lào đã không mấy quan tâm tới lời khuyến cáo này.
Tưởng cũng nên một lần nữa ghi lại đây, trong bài viết này danh sách chuỗi 11 con đập dòng chính Mekong Hạ Lưu, có thể xem như một thứ “vòng kim cô định mệnh” đối với đối với con Sông Mekong, đặc biệt là với Việt Nam và Đồng Bằng Sông Cửu Long trong vòng hai thập niên tới. [Hình IV]
1/ Đập Pak Beng, Lào 1,320 MW; bảo trợ dự án: công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co. và chánh phủ Lào.
2/ Đập Luang Prabang, Lào 1,410 MW; bảo trợ bởi PetroVietnam Power Co. và chánh phủ Lào.
3/ Đập Xayaburi, 1.260 MW, tỉnh Xayaburi, Lào; bảo trợ bởi công ty Thái Lan Ch. Karnchang và chánh phủ Lào.
4/ Đập Pak Lay, Lào, 1,320 MW tỉnh Xayaburi; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Sinohydro Co. tháng 6, 2007 để khảo sát của dự án.
5/ Đập Xanakham, Lào, 1,000MW; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc” Datang International Power Generation Co.
6/ Đập Pak Chom, biên giới Lào Thái, 1,079 MW
7/ Đập Ban Koum, biên giới Lào Thái, 2,230 MW, tỉnh Ubon Ratchathani; bảo trợ bởi Italian-Thai Development Co., Ltd và Asia Corp Holdings Ltd. và chánh phủ Lào.
Hình IV. Những Con Đập Thủy Điện Dòng chính Sông Mekong
[nguồn: Stimson, Mekong Tipping Point, April 07, 2010]
8/ Đập Lat Sua, Lào, 800 MW; bảo trợ bởi Charoen Energy and Water Asia Co. Ltd. /Thái Lan và chánh phủ Lào.
9/ Đập Don Sahong 360 MW, tỉnh Champasak, Lào: được bảo trợ bởi công ty Mã Lai Mega First Berhad Co.
10/ Đập Stung Treng, Cam Bốt, 980 MW; bảo trợ bởi chánh phủ Nga
11/ Đập Sambor, Cam Bốt; bảo trợ bởi công ty “Trung Quốc”/ China Southern Power Grid Co./ CSGP.
Trung Quốc đã sở hữu 14 con đập bậc thềm Vân Nam thuộc Lưu Vực Trên, các quốc gia hạ nguồn thì tiếp tục chia rẽ và tranh cãi, trong khi Bắc Kinh vẫn âm thầm hoàn tất con đập khổng lồ Nọa Trác Độ / Nuozhadu 5,800 MW, cao ngất ngưởng trên thượng nguồn. Trên toàn cảnh, Trung Quốc đã khống chế hoàn toàn nửa khúc trên của con sông Mekong với những tác hại môi sinh không thể đảo nghịch và nay thì họ đã rảnh tay để thực hiện thêm 4 dự án đập thủy diện dòng chính Mekong Hạ Lưu. Dự án Đập Pak Beng đang nằm trong tay của họ. (13) Sẽ thêm con đập dòng chính thứ ba Don Sahong cũng đang được chánh phủ Lào quan tâm và triển khai. (15)
THAY LỜI KẾT
-- Xayaburi, quân cờ Domino đầu tiên ấy đã nghiêng đổ, và đã có ngay hiệu ứng kéo một con đập Mekong thứ hai Pak Beng sắp triển khai, mở ra những bước khai thác ồ ạt những con đập hạ lưu khác và hậu quả ra sao trên hệ sinh thái sông Mekong và nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long phải nói là không lường trước được.
-- Không một quốc gia Mekong nào, nhất là Việt Nam muốn phải chứng kiến tái diễn cảnh hỗn loạn như tiến trình xây con đập Xayburi, báo hiệu một viễn cảnh không sáng sủa trong những bước thực hiện 10 dự án đập dòng chính kế tiếp trong một tương lai không xa.
-- Ý thức được tầm nghiêm trọng của “trận chiến môi sinh” trên Sông Mekong, với tương lai là vựa lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, Xayaburi phải được xem là một cứ điểm chiến lược nhưng nhanh chóng bị thất thủ, đã mở ra những thách đố mới cho tương lai hợp tác toàn vùng Sông Mekong.
-- Cần mạng lưới Tùy Viên Môi Sinh và các đặc phái viên Việt Nam đặc trách theo dõi diễn tiến với tường trình từng bước và tiến trình xây dựng không chỉ con đập Xayaburi, và cũng không thể thụ động trông đợi nguồn thông tin nhiễu loạn và hỏa mù như hiện nay.
-- Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam cùng với các đồng sự cần có một lập trường kiên định với Tinh Thần Sông Mekong để có một tiếng nói đoàn kết bền bỉ và liên tục không chỉ trước Ban Thư Ký của Ủy Hội Sông Mekong của 4 quốc gia mà cả trên các diễn đàn quốc tế.
-- Trên cấp bậc chánh phủ, Hà Nội có thể triệu Đại Sứ Lào tới Bộ Ngoại Giao, để có câu trả lời về sự cam kết “ngưng xây đập Xayaburi” của Thủ tướng Lào nhưng đã không được tôn trọng.
-- Tinh thần của Điều 7 trong Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995: “Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Điều ấy vẫn phải được các Chánh phủ Mekong tôn trọng.
NGÔ THẾ VINH, M.D.
Thanksgiving Day
11 – 22 – 2012
THAM KHẢO:
1/ Illegal Construction on the Xayaburi Forges Ahead; Ame Trandem, International Rivers 08-04- 2011; http://khampoua.wordpress.com/2011/08/04/illegal-construction-on-the-xayaburi-dam-forges-ahead/2/ Bangkok Post Updated on Xayaburi Construction; Bangkok Post Sunday, 09-18-2011
3/ Petition to Cancel the Xayaburi Dam. Ame Trandem, Southeast Asia Program Director, International Rivers, 11- 09- 2011 http://salsa.democracyinaction.org/o/2486/p/dia/action/public/?action_KEY=8547
4/ Laos Uses New Report to Greenwash the Xayaburi Dam; Press Release International Rivers, 09- 11- 2011 http://www.internationalrivers.org/en/2011-11-8/laos-uses-new-report-greenwash-xayaburi-dam
5/ US Senate Hearing Recognizes Mainstream Dam Threat to Mekong River; International Press Release 09- 24- 2010 http://www.internationalrivers.org/en/2010-9-23/us-senate-congressional-hearing-recognizes-mainstream-dam-threat-mekong-river
6/ Lower Mekong Countries Take Prior Consultation on Xayaburi Project to Ministerial Level. MRC Vientiane Lao PDR, 04- 19- 2011, http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/lower-mekong-countries-take-prior-consultation-on-xayaburi-project-to-ministerial-level/
7/ Agreement on the Cooperation for the Sustainable Development of the Mekong River Basin, Chiang Rai, Thailand, 04- 05- 1995
8/ Laos Turns to HydroPower to be Asia’s Battery; Jared Ferrie, The Christian Science Monitor, July 2, 2010
9/ How the Next 12 Months of Xayaburi Dam Construction Will Affect the Mekong River; Kirk Herbertson; International Rivers Network; Thu, 07/26/2012, http://www.internationalrivers.org/blogs/267/how-the-next-12-months-of-xayaburi-dam-construction-will-affect-the-mekong-river
10/ Laos Evades Responsibility and Plows Ahead with Xayaburi Dam, Ame Trandem; Monday, November 5, 2012 http://www.internationalrivers.org/resources/laos-evades-responsibility-and-plows-ahead-with-xayaburi-dam-7714
11/ Laos Breaks Ground for Controversial Mekong Dam, Thomas Fuller; November 7, 2012; http://www.nytimes.com/2012/11/08/world/asia/laos-breaks-ground-for-controversial-mekong-dam.html?ref=thomasfuller&_r=0
12/ The Siem Reap Meeting A Fragile Agreement [12-08-2011] for the Free Flowing of the Mekong’s Mainstream, Ngô Thế Vinh http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/7813/ Second Mekong Dam Awaits Nod. Indochina Energy, 10/ 18/ 2012; Reported by RFA’s Lao service.
http://indochinapower.wordpress.com/2012/10/18/second-mekong-dam-awaits-nod/
14/ Lao Deputy Minister reviews AIT testing of Xayaburi Hydroelectric Power Project; Asian Institute of Technology Oct 25, 2012
http://203.159.12.32:8082/AIT/news-and-events/2012/news/lao-deputy-minister-reviews-ait-testing-of-xayaburi-hydroelectric-power-project/15/ Laos Begins Work on a Second Mekong River Dam; IRN Press Release, Sunday, September 2, 2012; http://www.internationalrivers.org/resources/laos-begins-work-on-a-second-mekong-river-dam-7663
0 nhận xét:
Đăng nhận xét