Nguyyễn Ngọc Huân
.Về cái tên, chúng tôi trêu “phạm Lê mới sợ, chứ phạm Đại thì sợ gì !”
Trong lịch sử sinh viên tại Mông Cổ, có 2 là dân thiểu số mà mọi người quen gọi là ‘tông dật’ thì ngoài bác Chu Phương Điệp đã ‘hai năm mươi’, Đại là người thứ hai. Nói là ‘thiểu số’, chứ Đại khôn phết.
Này nhé.
Cái năm 86-87 cả nước Nam khốn khó chỉ mong đủ miếng ăn, ai cũng mong xuất ngoại, mà đã xuất rồi thì chẳng muốn về, nên xin ở lại cực khó, thế mà cậu ta xoay xở thành công cái suất làm phiên dịch cho Đoàn phục chế chùa cổ Việt sang giúp nước bạn có tiền mua đồ gửi về cho bầm, cho cố. Nghe đâu vụ này có liên quan đến tay trong, tay ngoài nơi Sứ. Mà chuyện hai mươi mấy năm rồi. Cái xe cánh én kiếm hồi đó nay làm gì còn, nó biến thành đất, thành cổ phiếu rồi không chừng. Nghe đâu, nay cậu nhiều đất lắm, có cả một trại heo tổ bố ở Đồng Nai.
Buổi đầu tiên gặp nhau, nghe giọng Đại, người ta hỏi quê choa ở mô, Đại trả lời tỉnh bơ:
- Dạ em ở Con-Cu-Ông, ạ.
Cánh tôi sững người, nghĩ mình nghe nhầm, mặt hơi đỏ về cái cách Đại trả lời. Vì lịch sự, tôi cố nở nụ cười, nhưng hết sức gượng gạo. Hóa ra, giải thích thì quá đơn giản:
- Thì em bảo em ở Con Cuông, mà. Bây giờ cậu không ngắt từ nữa - Tại các anh cứ nghĩ ra làm bậy.
Chợt nghĩ chuyện nhà sư nọ (*) cõng cô gái cực xinh qua lỗ lội, làm cho người trần tục nghi ngờ về cái đức độ của vị chân tu. Sư thầy quay lại mắng cho một trận:
- Tại các người trần tục, ham dục nên nghĩ ra làm vậy. Thầy chỉ nghĩ về việc mình giúp người như sách Phật dạy, chứ trong đầu làm gì còn nhục dục như mấy người!
Đại có khiếu ngoại ngữ. Ít ra cậu biết 6 thứ tiếng: Anh, Nga, Mông, Lào, Trung và ... tiếng Kinh. Chẳng thế, những lúc cậu ta nói chuyện với cô gái Lào xinh đẹp Ma-La-Chít, chúng tôi chỉ mang máng những từ đại loại như "Nọong ơi, hắc nọong lai lai" mà chẳng hiểu nghĩa gì.
Cậu còn khiếu về thể thao. Dáng cao to, nên Đại đá hậu vệ giỏi. Kiểu đá ‘chém đinh, chặt sắt’ làm nản lòng nhiều tiền đạo. Đại là nòng cốt đội tuyển sinh viên ta, cùng với Thái, Thành, Huân, Bình được chọn vào đội tuyển của Trường Đại học Nông nghiệp.
Lê Phạm Đại đứng thứ 2 từ trái qua
Riêng cái tình cảm thì Đại hơn đứt cánh Kinh ta. Thi thoảng, vào thứ Ba chúng tôi đi công tác định kỳ, Đại Alô mời về ăn lòng lợn chất lượng cao nhập từ Mỹ. Vẫn như ngày nào trên nước bạn.
Ai dám bảo người dân tộc kém người Kinh. Một Thổ bằng rổ Kinh, thì có. Hoặc ít ra, có ngoại lệ Lê Phạm Đại.
Tháng 3 năm 2010
Ghi chú: (*) Nguyên cốt từ truyện “Hai Nhà Sư” của Mẫn Phàm Lợi, Trung Quốc. Truyện kể 2 nhà sư là Liễu Không và Liễu Trần đang đi trên bờ con sông rộng thì gặp một người con gái xinh đẹp đứng chờ có ý muốn sang sông. Liễu Không chẳng dừng chân, đi thẳng đến trước mặt cô gái, chắp tay niệm A Di Đà Phật, sau đó cúi lưng cõng cô qua sông. Liễu Trần ngạc nhiên thì Liễu Không "à" một tiếng, nói: “Đúng rồi, đệ có cõng một cô gái qua sông, nhưng sang đến bờ bên này là đệ đặt cô ấy xuống rồi quên luôn, chứ không như sư huynh đến bây giờ vẫn còn cõng cô ấy”. Xin phóng tác cho dễ hiểu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét