Bác Đỗ Tú Mật

.Nguyễn Ngọc Huân


Bác Mật thuộc lớp đàn anh. Tuy cách chúng tôi 4 lớp nhưng tuổi thì chênh nhiều. Bác bảo phải đi bộ đội mấy năm nên về học muộn. Nghe đâu lý lịch gia đình là địa chủ gì đấy nên nếu không đi bộ đội thì khi ấy khó lòng được đi học đại học chứ nói chi học ở nước ngoài. Nếu lấy tiêu chí là sở hữu nhiều ruộng thì ngày nay vô thiên lấp địa chủ! Ấy nhưng thời đó thì khác.




Có tý gốc gác địa chủ, mà là địa chủ Hải Hậu, nên cái cách ăn, nói, xử sự của bác cũng khác thường chút ít. Rất ư là chừng mực, rất ư là ý tứ.


- Này chú, thế cô ấy và các cháu có khỏe không ? Các cụ nhà ta khỏe không ? Chất giọng Hải Hậu không đâu lẫn được.


Đấy là lần đầu bác chuyển cả gia đình vào Nam sinh sống, đến thăm chúng tôi và nhã ý mời bữa cơm thân mật. Lớp người sinh sau này thì bảo khách khí, là có khoảng cách. Người ta đâu có hiểu: Người xưa chịu nền giáo dục bị coi là cổ hủ, vào thưa ra gửi, kính già yêu trẻ, ăn trông nồi ngồi trông hướng, chứ đâu như lớp người của cơ chế thị trường bon chen, kèn cựa, tiền trước tình sau. Vả, tính bác vậy. Quen biết quá lâu nên chúng tôi không lạ.


Lần ấy, tôi và Đạt nhận lời. Tiện thể, xem nơi ăn chốn ở của bác nữa.


Cái nhà tạm nằm lọt thỏm giữa mênh mông cánh đồng Thủ Đức, nay là khu An Khánh, quận Hai. Chúng tôi đến lúc chiều. Nắng đã nhạt, chiếu xiên như rắc vàng mờ ảo lên cánh đồng lúa xanh sắp vào độ kết đòng. Từ đường lớn chạy xe máy khoảng 200-300 mét thì đến. Hóa ra Mã là em ruột, ngắm và lấy chỗ này cho bác.


Vài tháng sau gặp lại, bác khoe chỗ ấy được hơn 300. A ha, đúng là thượng kế. Nơi ấy thuộc quy hoạch, mua bán giấy tay lúc đầu có mấy chục, tức là lãi ngay vài trăm. Phải người máu kinh doanh như bác mới dám. Rồi với tiền ấy, bác chuyển về gần chợ Bà Chiểu mua tạm một cái cấp Bốn, cho đến năm ngoái thì xây mới đàng hoàng.


Cũng phải nói là có bột mới gột nên hồ. Nguyên trước đây bác từng làm giám đốc mười mấy hai chục năm cho một Công ty Nhà nước ở huyện, quen biết Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện coi như người nhà, dưới trướng có vài trăm người, thì sao chẳng có vốn. Làm quan năm trước, năm sau tậu xe, xây nhà ấy là chuyện ngày thường ở huyện của Việt Nam. Bẵng đi một dạo, nghe nói sức khỏe suy sụp hoặc giả muốn thay đổi cái không khí quê sang thành thị, bác đưa bác gái và mấy sắp nhỏ vào Tp Hồ Chí Minh trước. Rồi mãi sau này, thu xếp xong việc công ty, bác mới chuyển vào. Nói làm ăn nó có máu từ tổ tiên thì cũng chẳng sai.


Bác nghỉ hưu sớm có đến gần chục năm trước tuổi quy định. Rồi bác chuyển hẳn vào Nam. Khi đó bác yếu, có dạo nằm viện cả tháng, dặn vợ con dấu, nên anh em chẳng ai biết mà đến thăm. Đám con cái muốn bác nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nhưng bác thì nghĩ khác.


- Này nhé, mình còn túc tắc làm được thì cứ làm. Chứ nhờ vả con cái thì cũng chỉ lúc đầu, thời gian đầu, rồi sau chúng phải nuôi mình sẽ lắm chuyện. Bác bảo tôi vậy.


Rồi bác trình bày phương án mở cửa hàng bán sản phẩm của quê hương như miến dong, mộc nhĩ, mắm ruốc, su hào, cà chua, một số hàng khô.


- Có lúc cà chua cho không ai mua, su hào bán rẻ như cho. Mình chỉ cần mất công chở vào đây thì chắc chắn là kiếm vài triệu nuôi mấy cháu con nhà mình, có gì là khó? Mà xe cũng là xe quen chở hàng ra đó, họ chạy xe không vào, thì mình trả cho họ tiền nong đàng hoàng, họ còn cảm ơn nữa ấy chứ.


Qua bác vấn đề trở thành quá đơn giản, như hơi thở tự nhiên cuộc sống, nghe rồi người ta mới “À…” lên thành tiếng. Rồi bác nói về phương án tổ chức 2 đầu Nam, Bắc rất là lôi cuốn. Bác có ý tốt rủ chúng tôi chung vốn. Nhưng là viên chức thời gian đâu để tham gia.


Nói ngay, lúc đầu cũng gian nan lắm. Ông con rể lớn sợ bố đổ bệnh thì ra sức can ngăn, đến chỗ chúng tôi vận động khuyên bố nó không làm. Nó bảo, đã nghỉ hưu rồi thì làm để làm gì, tuổi già thì nhu cầu có bao nhiêu.


Có dạo bác giận chúng tôi, mà rằng, người ta ai chẳng vay mượn, đến giầu như thằng Mỹ vẫn phải vay, nữa là. Thế nhưng bác đâu có hiểu, chúng tôi làm gì có nhiều vốn liếng mà không cho bác vay.


Bạn bè giúp nhau gì thì giúp ngay. Chẳng hạn, anh Luyện, anh Trung ở Công ty gia cầm miền Nam hứa sẽ giành mối bán gà giết mổ, bán trứng cho bác. Anh Đạt và chúng tôi hứa cho mượn tủ mát. Nói là làm. Mình còn giúp người ngoài nữa là anh em chí cốt.


Bác Mật (ngồi giữa)



Nay bác đã phát triển thành 4 hay 5 cái siêu thị mini rồi. Sức khỏe lại khá lên. Ngoài tiền bạc, lao động là nhu cầu. Câu này thì cái ông Markc nói không sai.


Hôm rồi gặp lại, bác cười thật tươi:


- Đấy, cứ nghe chúng nó thì chẳng làm được gì. Bọn trẻ ấy mà…


Nụ cười mãn nguyện làm tít cặp mắt cận lòi trên khuôn mặt đẫy đà ở cái tuổi lục tuần của bác.




Tp Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2010


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét