.
Công hàm của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam gửi đầu tháng Tư mời tham gia lớp tập huấn về dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhưng ngày 7 tháng 5 năm 2010 chúng tôi mới có quyết định cử tham dự. Hôm ấy là thứ Sáu, hai ngày tới là ngày nghỉ, nên các thủ tục phải làm đầu tuần sau. May nhờ công nghệ thông tin từ thời bác Trực, scan và e-mail, nên mọi việc rồi cũng suôn sẻ. Chẳng kịp ngày 11/5 như thư mời, ngày 14 tháng 5, chúng tôi lên tàu bay đi Cát Lâm. Sau hơn một giờ đã tới Quảng Châu.
Ở Việt Nam, trời nóng nắng, nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C, cảm giác như phả hơi nóng vào mặt. Lên máy bay như trút bỏ hết những hầm hập quê nhà. Nhìn các em tiếp viên xinh đẹp của Southern China Airlines, tự nhiên quên hết áp lực công việc vẫn dồn lên người ta khi ở cơ quan. Quảng Châu mưa nhẹ, trời hết sức dịu.
Cái ga máy bay ở Quảng Châu quả rộng. Nếu mệt mỏi, người ta di chuyển bằng các xe điện 4 chỗ hoặc đường băng tải. Ga Nội Bài hay Tân Sơn Nhất bao giờ bằng ấy?
Sáng sớm 15/5 chúng tôi bay tiếp đi Trường Xuân. Sau 4 tiếng, chúng tôi đến thủ phủ tỉnh Cát Lâm.
Anh bạn Chang là nghiên cứu sinh năm thứ 3 đón tại cửa sân bay. Một thanh niên trẻ, khuôn mặt phúc hậu, biết tiếng Anh và tiếng Nga.
Ô tô chạy 40 phút từ sân bay về khách sạn June. Hai bên đường là thông và bạch dương vốn là cây chịu lạnh giỏi, xanh non, loang loáng lướt qua tầm nhìn từ trong xe. Nhờ kỷ niệm những năm đại học ở Ulan Bator, chúng tôi không quá ngỡ ngàng về sức sống bật nẩy lên từ cành trơ trụi cảm giác như sau chỉ một đêm này. Mùa Đông xứ lạnh dài, qua nhanh một chút Xuân, rồi Hè, lướt Thu, tới Đông. Thực ra chỉ có 2 mùa: lạnh và mát. Chia tay Đông hôm trước, ngày sau mầm xanh bật nẩy, qua vài bữa đã đầy hoa.
Hoa ở Trường Xuân rực rỡ đào phơn phớt hồng, nõn nà mộc lan trắng muốt làm ngỡ ngàng và say đắm khách phương xa. Màu sắc ấy phả lên má các em gái Cát Lâm làm cho da trắng, má hồng ít nhất đã làm cho một người phải dừng chân lặng ngắm. Những cây ấy, vừa kịp nẩy mầm ra lá bữa Xuân về, bỗng òa nở đến ngỡ ngàng làm cho người khách phương xa kia phải đến tận nơi sờ tay vào. Tết Nguyên đán ở ta hoa cũng chỉ rực rỡ đến thế là cùng !
Những ngày đến Trường Đại học Nông nghiệp Cát Lâm hay thi thoảng ngày nghỉ cuối tuần, bạn tổ chức cho đi chơi, hai bên đường những cây còn khẳng khiu, trụi lá, bốn phía tựa vào cọc để vững. Chúng tôi chụp vài cảnh kỷ niệm, cố zoom vài búp non hừng hực sức sống. Vì thế, Cát Lâm gầy dựng từng cây, từng cành, nâng niu, chắt chiu. Người ta bứng trồng những cây bạch dương chặt cụn ngọn, cao lêu đêu. Mấy cây hàng trong trồng trước đó đã lớt phớt đâm chồi. Rồi trồng những bụi hoa rực rỡ hình như được ươm từ nhà phủ nylon chuyển ra. Cây hoa đua với Xuân, Hè giành giật từng ngày để mai rồi Đông tới còn đủ sức gồng mình qua giá rét.
Dọc các ngả thành phố, đâu đâu cũng ngổn ngang dàn giáo, cần cẩu cao vút như những chàng khổng lồ nâng dần tầng các tòa nhà in trên nền trời trong xanh.
Chúng tôi được thăm các cơ sở chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò, nuôi hươu ở Trường Xuân. Quả là độc đáo. Người ta làm nhà phủ nylon để nuôi lợn, rất đơn giản mà hợp lý. Nền chuồng phủ lớp đất dầy khoảng 1 mét, nuôi hết đời lợn mới thay, sờ vào ấm áp, nước thấm sâu vào đất, tuyệt không thấy mùi hôi. Đấy là phương pháp nuôi lợn trên đệm lót sinh học, rất phổ biến tại nhiều quốc gia. Trên đường vào trại san sát những chuồng như vậy. Rồi người ta nuôi lợn giống địa phương gọi là Songliao Black pig thả lang thang trong vùng đất đồi thoai thoải. Mùa đông lợn chạy thành bầy như đàn cừu đen trên nền tuyết trắng tạo nên bức tranh thật đẹp. Thịt lợn ấy người ta bán giá cao gấp đôi lợn nuôi thường, số lượng cũng không nhiều.
Nuôi hươu ở Trường Xuân là ngành chăn nuôi mang tính công nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi đa dạng nào là sừng hươu làm cảnh giá bán kỷ lục đến 5o ngàn Đô la Mỹ. Rồi nhung hươu, gạc hươu, xạ hươu, thịt hươu, da hươu, gân hươu. Đặc biệt pín hươu (pizzle) được truyền tụng đâu như bổ dương, bổ âm gì ghê lắm, thành ra quý. Đến thăm nhà máy chế biến các sản phẩm hươu chúng tôi thấy đây là ngành có triển vọng. Sau khi giới thiệu nào rượu, nào trà, nào nhung… ông chủ đã nhã ý tặng mỗi học viên 1 sản phẩm gọi là chút quà, hay là gián tiếp quảng bá cho cái thương hiệu còn mới mẻ của mình.
Được dịp thăm Cát Lâm, chúng tôi mới có cảm nhận về sự thân thiện của người Trung Quốc hiền hòa, tốt bụng. Hóa ra ở đâu dân cũng tốt. Tự hỏi, làm sao có thể có thù hận giữa những người như thế được? Và ước ao lãnh đạo cũng có cái nhìn như người dân.
Trường Xuân, tháng 5 năm 2010
(Còn tiếp)
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét