.
Chúng tôi hiểu, danh xưng là một cái gì đó vô cùng quan trọng đối với một số người, nên không dám khinh xuất mà gọi là “ông”, là “anh”, là “lão”, hay càng không thể gọi là “tay” như những trang lứa bình thường được. Nó cũng khác hẳn tiếng “Ngài” mà chúng tôi dùng cho Đặng Ngọc Dư, hay cho Trịnh Quang Phong mà chúng ta đã gặp trong những lần trước đây.
Và cũng ý thức rằng, chức danh này rất là nghiêm túc nên càng không thể nói chuyện bông đùa được.
Chúng tôi xếp nó vào nhóm “Chính khách” để mà cư xử cho phải phép.
Ngay từ thời mài đũng quần trên ghế Đại học, Quý Ngài đã tỏ rõ là một chính khách có hạng. Năm 1979, tức là chỉ sau 1 năm sang Mongolia, Quý Ngài đã làm Trưởng Sinh viên hay cái chức gì na ná vậy. Bởi quá lâu rồi ai mà nhớ được. Vậy nên cái dịp tay Phạm Văn Liêm vì quá căng thẳng chuyện học hành mà phát điên, phát loạn buộc phải go home country, thì Quý Ngài được lĩnh trọng trách đưa người loạn trí về quê nhà qua ngả Mạc Tư Khoa xa xôi ngàn trùng. Đích thân Sứ Hòe giao nhiệm vụ rất ư là quan trọng ấy, nên nói là “trọng trách” thì cũng chẳng phải là cường điệu.
Cũng nhờ cái vẻ “chính khách” mà Quý Ngài chiếm trọn trái tim người đẹp Đại Sứ quán nay là đương kim Quý Phu nhân danh giá.
Về nước, Quý Ngài trở thành giáo viên của Trường Đại học Lâm Nông Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh.
Năm 1989 tôi cùng Bình Đen được vinh hạnh tới thăm Quý Ngài ở chung cư 9 tầng chỗ đường Pasteur kia. Đường lên khúc khuỷu theo cái cầu thang xoắn ốc dẫn khách tới sân thượng nơi có căn phòng chủ nhân chót vót trên cao. Tầm mặt người sau chạm vào chân người trước, mới bước mươi mười bậc tự nhiên mắt hoa, mày xẩm, phải đứng lại một lúc để định thần, để hít sâu vào lồng ngực cái không khí lành lạnh sau cơn mưa chiều tháng Tám. Ánh sánh từ chùm đèn phía xa mờ mờ chiếu tới cầu thang chỉ đủ cho nhãn lực 11/10 tỏ thấy. Họa là sở hữu sức nhìn kém, cầm chắc là va đầu vào cọc sắt hoặc giả vấp vào bậc thang mà té bổ ngửa.
Tôi hơi quá đà một chút cũng vì cái kỷ niệm ấy nó cứ mãi ghi trong tôi, mong độc giả thông cảm.
Quý Ngài khi đó vừa đi dạy ở tỉnh về, bao gạo được biếu còn xếp ngay lối cửa, mùi gạo mới thơm lừng kích thích từng thụ thể khứu giác khách. Chúng tôi được khuyên chuyển vào ở hẳn trong Nam cho cuộc sống nó khoáng đạt hơn, đỡ bon chen hơn. Nhưng xin làm sao vào Sài Thành “hòn ngọc Viễn Đông” được ? Ai nhận cho ? Hộ khẩu đâu ? Mới nghĩ đã thấy bế tắc.
Rồi đùng cái, Quý Ngài xin làm Đội trưởng lao động xuất khẩu sang Nga. Mấy năm sau, lại thấy Quý Ngài về mở công ty. Buôn gì, bán gì ? Đành chịu. Vải từ Hàn Quốc, Ô tô Hàn Quốc, thiết bị y tế Hàn Quốc ? Chúng tôi được nghe vậy, chứ thực sự cái tên công ty, nơi ngụ trụ sở, mặt hàng kinh doanh, ... làm sao biết được. Nó cũng kín đáo như bản chất chính khách của Quý Ngài.
Thời gian sau, Qúy Ngài đã là thành viên hay là chức sắc gì đấy của Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam có ông Hoàng Minh Thắng làm Chủ tịch.
Việc chính là gì ? việc phụ là gì ? đố ai biết.
Hay đây là nhân viên CIA ? KBG ? Theo lô gic của “Trinh thám An Nam” thì có vẻ như vậy.
Tháng 12/2006, chúng tôi được mời tham dự Lễ khai trương Lãnh sự quán CH Mông Cổ tại Tp Hồ Chí Minh tại Riverside Hotel, mới thấy hết cái vinh hạnh trong không khí ngoại giao trọng đại. Người ta trịnh trọng giới thiệu Ngài Tổng lãnh sự quán Danh dự sau một vài màn ngoại giao rất nghi thức. Rồi tất cả vào bàn tiệc. Chả trách, cánh sinh viên ta trong thời gian học, cứ mon men cửa Sứ lộ rõ cái ý cầu cạnh nghề ngoại giao chuyên mặc Vet, rặt xài Đô.
Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân tiếp Ngài Đại sứ Mông Cổ (ngồi giữa) và Ngài Tổng Lãnh sự quán Danh dự CH Mông Cổ tại Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hạnh
- Này, ai vậy ?
Thực sự, bạn vẫn chưa hiểu nói về ai ư?
Đấy, hãy nhìn vào cái cổng vuông vuông ấy, có thấy một người tầm thước, béo tốt, bảnh bao, trịnh trọng đang thung thăng bước vào nhà số: 84 Thích Minh Nguyệt, P.12, Q.Tân BìnhThành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, không ? Nói nhỏ nhé: Quý Ngài Nguyễn Xuân Hạnh đấy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét