Baby Led Weaning

Khi Anh Thi còn nhỏ, mình đã áp dụng cho bé phương pháp ăn dặm gần giống với ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và đã thu được những hiệu quả nhất định. Bây giờ Kitty cũng sắp sửa bước vào giai đoạn ăn dặm, mình đã tìm hiểu và quyết định sẽ cho bé theo phương pháp Baby Led Weaning (BLW). Mình không có ý định so sánh xem phương pháp nào tốt hơn, bởi đây đều là những phương pháp tiên tiến, khoa học nếu được áp dụng đúng cách. Cả hai phương pháp đều khuyến khích bé tự ăn theo nhu cầu và tạo điều kiện để bé thưởng thức các loại đồ ăn khác nhau một cách riêng biệt. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là ADKN trải qua các giai đoạn từ mịn đến thô, khởi đầu là đút muỗng và sau đó để bé tự xúc ăn; còn BLW thì bé được ngồi ăn chủ động, tự quyết định và tiếp xúc với thức ăn thô ngay từ đầu. Mình thích phương pháp BLW ở chỗ nó không đòi hỏi sự chế biến tỉ mẩn và cầu kỳ như ADKN, đồng thời tạo điều kiện cho bé phát huy tính tự lập và tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân từ khi còn bé.

Dưới đây là những kiến thức về phương pháp BLW mà mình đã tìm hiểu, tổng hợp và biên dịch.

BLW là gì?

BLW là phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định (giống như cái tên Baby-led của nó), do đó đòi hỏi ba mẹ phải tôn trọng quyết định của bé. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể theo phương pháp này, trên nguyên tắc sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính trong năm đầu đời. BLW giúp bé tận hưởng bữa ăn một cách chủ động. Phương pháp này không mới, nó khá phổ biến ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ.

Nếu bạn đã quen với hình ảnh các bé được mẹ dùng muỗng đút thức ăn nghiền nhuyễn vào miệng, bé nhè ra và mẹ lại vét vào cho đến khi nào bé nuốt thì thôi, thì BLW sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác. Với phương pháp này, sẽ không có chuyện đút muỗng hay nghiền nhuyễn, mà ba mẹ sẽ cung cấp cho bé những thức ăn có hình dạng và kích cỡ phù hợp để bé có thể cầm lấy và tự đút cho mình bằng các ngón tay, tự chọn thức ăn, tự quyết định ăn bao nhiêu và ăn với tốc độ như thế nào.

Rất có thể nhiều mẹ sẽ lo lắng bé ăn như thế nhỡ bị hóc thì sao. Thực ra, bé cũng như người lớn, dễ bị hóc hay nghẹn hơn khi có người đút cho, bởi về cơ bản đó là kiểu ăn thụ động - bé không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào. Khi bé tự cho thức ăn vào miệng thì bé cũng nhận thức là mình đang ăn và sẽ điều khiển lưỡi, hàm, môi, họng một cách phù hợp. Nếu thức ăn to quá thì bé sẽ nhè ra. Tất nhiên, việc bé bị ọe vào thời gian đầu là hoàn toàn có thể. Nhưng ọe chỉ là một phản ứng của bé khi không chấp nhận đồ ăn. Sau vài lần ọe thì bé cũng hình thành ý thức và kỹ năng để biết ăn bao nhiêu, ăn như thế nào cho khỏi ọe. Thất bại là mẹ thành công mà.

Đã áp dụng phương pháp BLW thì mẹ phải tin tưởng bé. Tất cả những em bé khỏe mạnh đều có thể làm điều đó từ 6 tháng tuổi, khi bé đã có thể ngồi khá vững và hệ tiêu hóa cũng như miễn dịch đã đủ trưởng thành giúp bé hấp thụ các thức ăn khác ngoài sữa. Bé không cần được đút muỗng, bé chỉ cần được tạo cơ hội để tự ăn mà thôi. 

BLW giúp bé ăn uống một cách thoải mái, tự lập và rèn luyện kỹ năng ăn cho bé, cụ thể là: 

- cho phép bé khám phá mùi vị và cảm giác về độ thô mịn

- khuyến khích sự độc lập và tự tin

- giúp bé phát triển các kỹ năng nhai và phối hợp giữa mắt và tay

- làm cho bữa ăn của bé bớt áp lực.

Khi nào có thể cho bé bắt đầu theo BLW?

6 tháng tuổi là thời điểm phù hợp để cho bé bắt đầu ăn dặm theo phương pháp BLW. Lúc này, bé đã có thể tự ngồi hoặc ngồi với sự hỗ trợ của người lớn khá vững, có thể điều khiển tay một cách linh hoạt, hệ tiêu hóa và miễn dịch trưởng thành hơn cũng cho phép bé tiếp nhận thêm nhiều thức ăn lạ ngoài món sữa của bé. Vì bắt đầu từ 6 tháng nên bé hoàn toàn không cần đến việc đút muỗng. Bé có thể dùng tay để đưa thức ăn vào miệng.

Những lợi ích chính của phương pháp BLW

Với phương pháp BLW, bé được tận hưởng việc ăn uống, được tìm hiểu các thức ăn khác nhau và “tự xử”. Bé đóng vai trò chủ động trong bữa ăn và kiểm soát được mình ăn gì, ăn bao nhiêu cũng như ăn với tốc độ như thế nào. Điều đó làm cho bữa ăn của bé thêm thú vị và không áp lực. Mà không chỉ bé thú vị, cả ba mẹ cũng thú vị vì được xem bé “học ăn”, lại không phải chịu áp lực về việc phải cho bé ăn hoặc ép bé ăn bằng được.

Dưới đây là những lợi ích chính của việc ăn dặm theo phương pháp BLW:

1. Bé ăn và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên

Bé ăn theo bản năng của mình khi đã sẵn sàng – giống như bất kỳ động vật con nào khác.

- BLW dùng các kỹ năng mà mọi em bé khỏe mạnh đang phát triển ở giai đoạn thứ hai trong năm đầu đời đều có để giúp bé khám phá thức ăn theo nhịp độ riêng của mình.

- BLW cho phép bé sử dụng tay và miệng của mình theo bản năng để tìm hiểu về mọi loại vật thể, bao gồm cả thức ăn.

2. Học cách tận hưởng và tin tưởng thức ăn

- Phương pháp ăn dặm kiểu BLW giúp bé khám phá những vị khác biệt và bắt đầu học cách nhận biết thức ăn mà bé thích.

- Bé háo hức thử nghiệm những đồ ăn mới. Bé hiếm khi trở nên kén ăn hoặc nghi ngờ thức ăn khi lớn hơn – có thể là vì bé được phép sử dụng bản năng của mình để quyết định ăn gì và không ăn gì.

- Việc tiếp nhận nhiều loại thức ăn khác nhau tốt cho vấn đề dinh dưỡng lâu dài của bé cũng như việc tận hưởng thú vui ăn uống.

3. Bé được học ăn

- Bé học cách kiểm soát thức ăn với những kích thước, hình dạng và độ thô mịn khác nhau ngay từ đầu trên nguyên tắc tự xử lý và đưa vào miệng, vì thế bé nhanh chóng trở nên khéo léo khi tiếp cận nhiều loại thức ăn.

- Bé học được cách dùng lưỡi điều khiển thức ăn trong miệng và biết mình có thể đưa vào bao nhiêu là an toàn. Bé sẽ biết cách cắn thành miếng nhỏ để nhai, trong khi những em bé lớn hơn đã quen với việc được đút muỗng thường nhét quá đầy vào miệng khi lần đầu tiên được phép tự ăn.

- Việc học nhai hiệu quả tạo điều kiện cho bé tiếp nhận được mọi dưỡng chất cần thiết và cũng hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa của bé.

- Tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp bé phát triển các cơ mặt cần thiết khi bé học nói

4. Giúp bé tìm hiểu thế giới

Với bé thì chơi cũng cần thiết cho việc học. Bé học các khái niệm như ít/nhiều, kích cỡ, hình dạng, độ nặng, độ thô mịn... chỉ bằng cách “chơi” với thức ăn của mình.

- Vì mọi giác quan của bé (nhìn, sờ, nghe, ngửi và nếm) đều được tham gia khi bé tự ăn nên bé khám phá được cách liên hệ những điều này với nhau để hiểu hơn về thế giới quanh mình.

5. Phát triển khả năng tiếp cận

- Phương pháp BLW tạo điều kiện để bé tập điều phối tay và mắt mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng. Ngoài ra, việc thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ và độ thô mịn khác nhau hàng ngày sẽ làm  tăng sự khéo léo của bé.

- Việc bé tự chăm lo cho bản thân sẽ giúp bé học hỏi và cho bé sự tự tin về khả năng và quyết định của chính mình.

6. Bé được tham gia bữa ăn gia đình

- Việc tham gia bữa ăn gia đình, ăn cùng thức ăn và tham gia “sinh hoạt xã hội" là một niềm vui dành cho bé.

- Bé bắt chước hành vi của người lớn trong bữa ăn, vì thế bé chuyển sang việc sử dụng các đồ dùng ăn uống một cách tự nhiên và chấp nhận cách ăn ở bàn như mong muốn của gia đình.

- Bé học được cách ăn các món khác nhau, cách chia sẻ, đợi đến phần mình và cách giao tiếp.

- Cùng tham gia bữa ăn có tác động tích cực đến các mối quan hệ gia đình, các kỹ năng xã hội, việc phát triển ngôn ngữ và thói quen ăn uống lành mạnh

7. Phát triển thói quen ăn uống lành mạnh

- Bé sẽ thấy ngon miệng hơn khi được chọn ăn thứ mình muốn, ăn theo tốc độ riêng của bé, và quyết định khi nào thì đủ. Điều này giúp bé tránh được sự kén chọn cũng như tình trạng béo phì sau này.

- Vì bé tham gia vào những bữa ăn chung lành mạnh ngay từ đầu nên bé ít khả năng chọn những thức ăn không tốt khi lớn hơn (hoặc cần đến thức ăn riêng cho mình) và vì thế nhận được nhiều dưỡng chất hơn về lâu dài. Tuy nhiên cần lưu ý là ba mẹ cũng phải có chế độ ăn khoa học để ảnh hưởng tốt đến bé.

8. Bữa ăn dễ dàng và đơn giản

- Việc nghiền thức ăn mất thời gian và tỉ mỉ, có thể tốn kém nữa (đây cũng là điều khiến mình không thích lắm ở phương pháp ADKN - vốn phù hợp hơn với các bà mẹ Nhật chủ yếu làm việc nội trợ, có nhiều thời gian chăm sóc chồng con). Với BLW thì điều đó không cần thiết. Miễn là ba mẹ có chế độ ăn lành mạnh thì họ có thể tạo điều kiện cho con thích nghi với bữa ăn của mình.

- Không vấn đề gì nếu cả nhà muốn ra ngoài ăn. Bé đã quen được ăn cùng bàn với người lớn và thưởng thức đồ ăn của người lớn nên gia đình không nhất thiết phải chọn những nhà hàng có thực đơn dành riêng cho bé. (Điều này rất hữu ích với những nhà khoái đi du lịch như nhà mình.)

- Với BLW thì mọi người ăn cùng nhau; người lớn không phải dùng muỗng để đút bé trong khi đồ ăn cứ nguội dần đi và mọi người đều tham gia vào “nhịp điệu ăn uống” chung.

9. Không phải “đánh vật” với bữa ăn

- Khi không có áp lực về việc bé phải ăn thì cũng không có cơ hội để bữa ăn trở thành một bãi chiến trường, vì thế những vấn đề như bé không chịu ăn hoặc ám ảnh với bữa ăn hiếm khi xảy ra.

- Bé được tôn trọng quyết định của mình về việc ăn hoặc không ăn gì và khi nào thì ngừng ăn, vì thế không cần phải bày trò chơi để dỗ bé ăn khi bé không muốn hoặc lừa bé ăn.

- Cả gia đình có thể cùng tận hưởng những bữa ăn một cách thoải mái, cả ba mẹ và bé đều được thư giãn và hạnh phúc.

Những nguyên tắc cơ bản khi áp dụng BLW

1. Thức ăn
- Có thể chia sẻ với bé những thức ăn tốt cho sức khỏe của gia đình, ví dụ như trái cây, rau củ, thịt, phô mai, trứng luộc, bánh mì, cơm, mì sợi và hầu hết các loại cá. Tuy nhiên tùy giai đoạn mà bé được ăn những loại thức ăn phù hợp (tham khảo: Thức ăn cho bé trong độ tuổi ăn dặm). Hãy chọn những thức ăn dễ cắt hình que hoặc sợi lớn khi bé bắt đầu ăn. Nên tránh những thức ăn có muối và đường, thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn, mật ong, sò hến, trứng lòng đào và các loại hạt.

2. Cách ăn
- Cho bé ngồi thẳng người, quay mặt về phía bàn (ngồi trên ghế ăn hoặc trên đùi ba mẹ). Hãy đảm bảo là bé ngồi vững và có thể dùng bàn tay và cánh tay thoải mái.

- Cung cấp thức ăn cho bé chứ không phải cho bé ăn. Hãy đặt đồ ăn trước mặt bé hoặc cho bé lấy nó từ tay mẹ và để bé tự quyết định.

- Hãy bắt đầu với những thức ăn dễ nhặt và cầm nắm - những mẩu thức ăn hình que hoặc sợi dài là tốt nhất lúc khởi đầu. Hãy cho bé làm quen với những hình dạng và độ thô mịn mới dần dần để bé biết cách xử lý chúng.

- Cho bé tham gia bữa ăn của gia đình bất cứ khi nào có thể. Hãy cho bé ăn thức ăn giống như của người lớn để bé có thể bắt chước.

- Hãy chọn những thời điểm bé không mệt và đói để bé có thể tập trung. Bữa ăn là giờ vui chơi và học hỏi. Bé vẫn tiếp nhận nguồn dinh dưỡng chính từ sữa.

- Hãy cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi ăn dặm kiểu BLW bởi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé cho tới 1 tuổi. Hơn nữa bé không quá đói thì sẽ không bị "vồ vập" quá khi ăn, bé sẽ bình tĩnh và tự chủ hơn. Bú cách giờ ăn dặm 1 tiếng là tốt nhất vì nếu bé có ọe thì cũng không ảnh hưởng đến khẩu phần sữa trước đó.

- Có thể cho bé uống nước cùng bữa ăn nếu bé thấy cần.

- Đừng hối thúc bé hoặc làm bé rối trí khi xử lý thức ăn. Hãy cho phép bé tập trung và tận dụng thời gian của mình.

- Đừng đút thức ăn vào miệng bé hoặc cố thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức mình muốn.

3. Nguyên tắc an toàn:

- Cho bé ngồi thẳng khi ăn

Không cho bé ăn nguyên hạt

- Cắt nhỏ những loại quả có lõi hạt như ô liu hoặc anh đào ra làm hai và vứt hạt đi

- Đừng để ai khác ngoài bé đút thức ăn vào miệng bé

- ĐỪNG BAO GIỜ để bé một mình với thức ăn

Bí quyết thành công

- Hãy xem giờ ăn là giờ chơi trên nguyên tắc tạo hứng thú cho bé (chứ không phải biến giờ ăn thành giờ chơi bằng cách cho bé đồ chơi và đi rong như nhiều mẹ vẫn thường làm). Bé cần ngồi ăn nghiêm túc với một tâm trạng thoải mái và được phép khám phá chủ động. Hãy chấp nhận là bé đang học tập và thử nghiệm chứ không nhất thiết phải ăn. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé.

- Tiếp tục duy trì việc cho bé bú sữa theo nhu cầu, thức ăn dặm chỉ là phần phụ thêm chứ không phải thay thế cho sữa. Bé sẽ giảm sữa từ từ theo thời gian biểu của chính mình.

- Đừng trông mong bé ăn nhiều vào lần đầu. Nhiều bé ăn rất ít trong những tháng ăn dặm đầu tiên. Điều quan trọng là bé học được thói quen ăn uống tốt chứ không phải là ăn bao nhiêu. Đừng áp lực với việc phải nhét vào người bé một lượng bao nhiêu đó. Bé còn cả cuộc đời để ăn cơ mà.

- Hãy thử ăn cùng bé và cho bé tham gia bữa ăn của ba mẹ khi có thể để bé có nhiều cơ hội bắt chước và thực hành các kỹ năng mới.

- Hãy chấp nhận bé bày bừa đồ ăn và thậm chí bôi nhoe nhoét đầy người. Hãy nhớ rằng bé đang học ăn.  Nếu mẹ cảm thấy mệt mỏi với việc dọn dẹp nhà cửa thì hãy trải một tấm lót sạch dưới ghế để giữ nhà được sạch.

- Hãy cho phép cả bé lẫn ba mẹ có điều kiện tận hưởng bữa ăn. Nhờ cách đó mà bé háo hức thử những thức ăn mới và trông chờ đến giờ ăn.

Tóm lại, BLW cho bé cơ hội được tự quyết định ăn theo bản năng và nhu cầu, kết hợp sự rèn luyện kỹ năng theo tự nhiên lẫn xu hướng xã hội, nhờ đó bé có ý thức tự giác, độc lập, tự tin và bé cũng học hỏi được nhiều hơn về cuộc sống. Tuy nhiên, để thành công thì ba mẹ phải kiên trì, tin tưởng và tạo điều kiện cho bé "khẳng định chính mình".

Dưới đây là một clip về BLW, chúng ta cùng xem để thấy phương pháp này thú vị như thế nào nhé.


Và clip này nữa: http://www.youtube.com/watch?v=xVBdMDl4RXo&feature=player_embedded

----------------------------------------------

Nguồn tham khảo:

Kỳ sau:
- Thực hiện phương pháp BLW - những điều nên và không nên làm
- Thực đơn BLW cho bé 6-8 tháng
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét