Hãy tự xúc ăn đi con!

Tập cho con tự xúc ăn có lẽ là vấn đề nan giải của rất nhiều bà mẹ Việt.

Sở dĩ có một chút phân biệt như thế vì quả thực mình thấy đa số trẻ con ở các nước phát triển rất tự lập trong chuyện ăn uống và nhiều chuyện khác nữa. Mình không tin là con nít Tây giỏi giang, dễ tính hơn con nít Ta, mà chẳng qua là các bé Tây đã được rèn luyện một cách nghiêm túc và đúng phương pháp. Mình ủng hộ những người mẹ biết tập cho con tự xúc ăn từ khi còn rất nhỏ. Bé tự xúc ăn là hành vi chủ động, nếu được hướng dẫn và khuyến khích thì bé sẽ có một thói quen tốt khi ăn - điều đó có lợi cho bé cả về sức khỏe lẫn hành vi. Bữa ăn của bé diễn ra một cách nhẹ nhàng thì ba mẹ cũng đỡ tốn thời gian hơn, tinh thần thoải mái hơn, sinh hoạt gia đình được hài hòa hơn. Quan trọng hơn: tập cho con tự xúc ăn cũng là một bước cơ bản để bé rèn luyện tính tự lập và kỹ năng chăm sóc bản thân.

Anh Thi nhà mình được tập cho tự ăn từ thời còn ăn dặm. 2 tuổi, bé đã ăn chung bữa ăn với người lớn và theo ba mẹ đi du lịch nhiều vùng miền trên cả nước. Chưa đầy 3 tuổi, con tự chọn đồ ăn cho mình, tự xúc ăn thành thạo và biết xử lý tình huống trong vụ ăn uống (ví dụ: thức ăn quá nóng/ lạnh, có xương, miếng quá to...). Đi học mẫu giáo, bé không những không làm khổ cô giáo vì mấy vụ ăn uống mà còn giúp cô bảo ban các bạn phải ăn tốt nữa.

Tất nhiên, để hưởng quả ngọt thì mẹ phải kiên trì tập cho bé từ những ngày đầu. Mình xin chia sẻ một số phương pháp để tập cho bé tự ăn.

1. Hãy để bé chủ động

Không nhiều bà mẹ có thói quen để bé chủ động với bữa ăn của mình. Lý do mà họ đưa ra là: bé ăn quá lâu mà mẹ thì phải làm nhiều việc khác, bé làm vung vãi đồ ăn ra sàn, bé chỉ ăn những thứ bé thích mà có khi 10 ngày vẫn thích mỗi một món, v.v..

Quả có thế thực, nhưng nếu mẹ cầu toàn quá thì đến bao giờ bé mới được thay mẹ để tự chăm lo cho mình đây? Bé không phải là con rô bốt được lập trình sẵn để mẹ nhấn nút là chạy. Bé chưa được trải nghiệm chuyện ăn uống thì dĩ nhiên bé còn rất vụng. Hơn nữa, bé đang ở độ tuổi tò mò và mong muốn khám phá, bé cũng quan tâm đến sở thích của bé hơn là cái nhà sạch của mẹ... Vì vậy, mẹ hãy chấp nhận là bé đang HỌC ĂN, mà đã học thì ban đầu phải có sai, sai rồi rửa, cứ thế mà quy trình của bé được hoàn thiện dần. 

Khi bé đang thời kỳ ăn dặm, thì việc tập cho bé một thói quen ăn tốt quan trọng hơn là bé ăn được bao nhiêu. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên đừng lo lắng nếu mấy tháng đầu tập ăn bé còn ăn được ít quá. Mẹ có thể kết hợp việc đút bé ăn với việc cho bé tự khám phá, tuy nhiên không nên thực hiện cả hai điều này trong cùng một bữa ăn, mà hãy tách ra các bữa riêng biệt. Nếu bé đã biết ngồi, hãy sắm cho bé một cái ghế ngồi ăn, bày ra đó một bộ đồ ăn đẹp và an toàn (VD: mình đã mua cho Kitty bộ chén ăn dặm bằng nhựa có các nhân vật hoạt hình, BPA free, có thể tiệt trùng và dùng được trong lò vi sóng; muỗng cán nhựa với đầu xúc là silicon rất mềm để không làm tổn thương nướu của bé), chuẩn bị thức ăn phù hợp cho bé, ban đầu hướng dẫn cho bé ăn với các động tác mẫu ngộ nghĩnh và sau đó để bé "tự xử" với sự giám sát một cách tế nhị nhưng cẩn thận của mẹ. Thỉnh thoảng, mẹ phải sửa lại tư thế cho bé. Đừng bực mình nếu bé "vẽ râu" nhiều hơn là ăn. Nếu bé chưa sẵn sàng hoặc không hào hứng với việc luyện tập thì hãy đút cho bé và tiếp tục khơi gợi sự tò mò, ham muốn thử thách của bé khi thấy mẹ tự xúc ăn một cách rất ngon miệng. Bé cũng rất khoái trò ăn bốc (finger food) nên mẹ hãy rửa tay sạch sẽ cho bé, chuẩn bị những món dễ bốc và dễ "gặm nhấm" như những mẩu cà rốt, khoai tây luộc thật mềm, những sợi mì mềm hoặc những miếng bánh ngũ cốc mềm vừa tay và tan trên lưỡi để bé không bị hóc... Nếu bé có một cái mặt mèo và thức ăn nhoe nhoét đầy tay, đừng lấy làm phiền mà hãy nghĩ bé thật đáng yêu vì những khoảnh khắc như vậy không dễ gì mẹ có được sau này, như vậy tâm trạng của mẹ và con sẽ thoải mái hơn nhiều. Và cũng nhớ cẩn thận với độ nóng/ lạnh, cứng/ mềm khi dọn đồ ăn cho bé.

Với bé lớn hơn, hãy cho bé ngồi chung bàn với người lớn và đối xử với bé như một chủ thể độc lập. Hãy nói với bé rằng bây giờ bé đã lớn, bé không còn cần ba mẹ phải đút như một em bé nữa. Nói chung, các bé độ 2-3 tuổi rất thích oai, thích tỏ ra mình "đã trưởng thành", thích tự thử nghiệm, nên hãy khích lệ sự độc lập của bé và hướng nó thành một thói quen. Cho phép bé tự lập thực đơn cho mình trước bữa ăn, tự chọn món mà bé thích trên nguyên tắc: ba mẹ tôn trọng con nên con cũng phải biết tự trọng và tôn trọng ba mẹ.

2. Hướng dẫn chi tiết cho bé

Nếu bé làm sai, thay vì cáu giận hoặc mẹ tự làm lấy cho nhanh thì hãy hướng dẫn cho bé. Hãy cho bé biết nên ngồi như thế nào, cầm muỗng đút vào miệng ra sao, khi ăn thì phải nhai kỹ, từ tốn và tập trung, không ngậm ê a, không vừa xem phim vừa ăn... Mẹ có thể kể cho bé nghe những câu chuyện đơn giản và sinh động để hướng dẫn cách ăn, làm mẫu cho bé với những động tác rõ ràng nhưng ngộ nghĩnh, đồng thời cho bé biết tác hại của việc ăn không đúng cách như dễ sâu răng, đau dạ dày... hoặc nếu ăn quá chậm thì sẽ không còn thời gian chơi, nghe mẹ kể chuyện...

Đừng trông mong bé giỏi ngay từ lần hướng dẫn đầu tiên của mẹ. Bé còn rất nhỏ nên mẹ phải kiên trì. Sai lầm của nhiều bà mẹ là bỏ cuộc quá sớm và nói rằng "con tôi khó quá". Sự thực là nếu không có vấn đề gì về thể chất và trí tuệ thì rất hiếm đứa trẻ khó đến mức không thể tập luyện được. Căn bản là mẹ có kiên nhẫn và có phương pháp hay không mà thôi.

3. Làm cho giờ ăn của bé thêm hào hứng

Hãy giúp bé hào hứng với bữa ăn của mình. Hãy chọn cho bé bộ đồ ăn đẹp để kích thích thị giác và sự hứng thú. Với bé lớn hơn một chút, hãy cho bé đi mua sắm cùng mẹ và để bé tự chọn đồ dùng cho mình. Ngoài yếu tố dinh dưỡng thì hãy quan tâm đến khẩu vị của bé. Điều này rất quan trọng vì nó không chỉ giúp bé ngon miệng hơn mà còn có tác dụng kích thích vị giác. Mình từng thấy rất nhiều mẹ xay nhuyễn các loại thức ăn chung với cháo rồi cho bé ăn, ngày nào cũng thế. Chẳng hạn: hôm nay ăn cháo tôm và bông cải xanh, tất cả cho vào máy xay nhuyễn thành một hỗn hợp sền sệt; ngày mai là cháo thịt với đậu Hà Lan cũng với kiểu chế biến như thế; ngày kia lại là cháo cá với rau... Về cơ bản thì mẹ đã chịu khó đổi món cho bé và để ý đến thành phần dinh dưỡng, nhưng kiểu ăn như thế không giúp bé nhận biết rõ ràng mùi vị và màu sắc của món ăn, không có tác dụng kích thích trí não để bé phân biệt cụ thể món bé ghét hoặc yêu thích, đồng thời khiến bé rất ngán ăn. Đó là chưa kể, nhiều mẹ cho bé ăn như thế suốt cả năm trời thì làm sao phát triển kỹ năng nhai của bé? Hãy chịu khó chuẩn bị riêng từng món để bé có cơ hội thưởng thức và phân biệt, đồng thời thay đổi khẩu phần và cách ăn theo độ tuổi phù hợp.

Một sai lầm phổ biến khác là thay vì cho bé một bữa ăn sinh động, phong phú mùi vị và sắc màu cũng như một bầu không khí vui tươi để tạo sự hứng thú thì nhiều mẹ lại biến giờ ăn của bé thành giờ chơi thực sự: đưa con đi rông khắp nơi để nhét vài muỗng cháo vào miệng, huy động cả một đội ngũ "hoạt náo viên" để làm trò vui cho bé, cho bé xem TV hoặc VCD lúc ăn, bày xung quanh bé một đống đồ chơi... Những trò này ban đầu có vẻ hiệu quả, bé tỏ ra sẵn lòng ban cho vài cái há miệng để trả công cho sự mua chuộc của mẹ. Tuy nhiên, bé sẽ trở nên bị lệ thuộc và không được chơi thì dứt khoát không ăn. Hơn nữa, đến một lúc nào đó bé cũng sẽ chán và ngày càng biếng ăn. Bé có những phản ứng tiêu cực như ngoảnh mặt đi khi mẹ đút, phun thức ăn hoặc nhè ra hai bên mép, ngậm thức ăn, khóc, thấy mẹ dọn đồ ăn là bỏ trốn... Tiếp đến là cuộc rượt đuổi khổ sở của mẹ với đủ cung bậc từ dỗ dành, căng thẳng rồi bất lực. Bữa ăn của bé trở thành một khoảng thời gian hết sức nặng nề. Bé đã hình thành một thói quen xấu mất rồi.

Đừng trách bé hư, hãy trách người lớn đã làm hư bé!

4. Đừng ép bé ăn

Quan điểm của mình là: hãy cho bé TẬN HƯỞNG bữa ăn, đừng bắt bé phải ăn. Bé còn cả cuộc đời phía trước để ăn cơ mà.

Nhiều mẹ lý luận: "Tôi tôn trọng nhu cầu của bé, nhưng bé lại ít có nhu cầu quá, nếu không ép thì làm sao bé lớn?"

Và đây là một số vấn đề mà theo mình người mẹ nên nghiêm túc nhìn lại:

- Thứ nhất, có phải thực sự nhu cầu của bé ít quá không, hay là áp lực ăn uống mẹ đặt vào con quá lớn? Mình nói vậy vì đã gặp không ít mẹ luôn stress chuyện ăn uống của bé, than con còi dù rằng con không hề còi theo chuẩn của WHO, ép con ăn càng nhiều càng tốt và cứ thấy con lên cân là sướng. Để làm gì vậy? Bé cần có một cơ thể khỏe mạnh, cân đối, bé cũng cần được vui chơi và vận động, được đi đây đi đó tìm hiểu thế giới xung quanh, được học hỏi và rèn luyện các kỹ năng sống. Bé đâu có phải sống chỉ để ăn! Thực tế là ngày càng nhiều trẻ dư cân vì sai lầm của ba mẹ.

- Nếu bé có dấu hiệu suy dinh dưỡng, và bé biếng ăn thực, thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân do đâu bé biếng ăn để có giải pháp khắc phục, chứ không đơn giản là cứ ép bé ăn. Có bé biếng ăn vì mải chơi, có bé biếng ăn vì người không được khỏe, có bé biếng ăn vì thức ăn không ngon... Giải quyết tận gốc vấn đề thì mới giúp bé có hứng thú ăn uống trở lại. Nếu bé ham vui, hãy dẹp hết đồ chơi đi. Nên nhớ rằng chơi bời chỉ làm bé thêm sao nhãng bữa ăn mà thôi. Hãy dành những trò giải trí yêu thích của bé lại sau bữa ăn. Đó cũng là quyền lợi mà bé được hưởng nếu bé ăn nghiêm túc. Nếu bé đang ở trong giai đoạn có những mối quan tâm khác như tập bò, tập đi... hoặc bé đang bệnh, hãy chăm sóc bé nhiều hơn và kiên nhẫn chờ đợi. Nếu bé chán những món mẹ nấu, hãy chịu khó thử nghiệm thêm những món khác... Mình từng chứng kiến một số người mẹ cho con ăn tô cháo đến 2 tiếng đồng hồ, thức ăn đã vữa nhoét cả ra và con thì dợm ói mà vẫn cứ ép con ăn. Xin lỗi, thử đặt mẹ vào tình thế của bé lúc đó thì có nuốt nổi không? Nguyên tắc của mình là bữa ăn của con không nên kéo dài quá 30 phút. Nếu sau 30 phút mà con vẫn chưa ăn xong thì nên dẹp đồ ăn, tìm giải pháp khác để con có hứng ăn hơn chứ không phải là ép con ăn bằng mọi giá.

5. Có đối sách trước những đòn "tâm lý chiến" của bé

Bé tuy còn nhỏ nhưng quả thực là không đơn giản. Bé rất nhạy cảm với các phản ứng của mẹ, bé cũng biết nhõng nhẽo, yêu sách, lì lợm và bướng bỉnh để hướng mẹ theo đòi hỏi của bé. Nếu đòi hỏi ấy là thỏa đáng thì hãy cho phép bé được vòi vĩnh một chút. Nhưng khi bé sai, thì mẹ cũng phải biết nói KHÔNG. Ngoài ra, mẹ cũng phải có những đối sách hợp lý trước những đòn "tâm lý chiến" của bé. Ai bảo nuôi con là không cần binh pháp? :D

- Có thể bé sẽ hờn dỗi, rồi khóc nước mắt ngắn dài bên chén cơm để làm mẹ động lòng. Vẫn biết rằng mẹ nào cũng thương con nhưng đôi khi vì lợi ích lâu dài của con mà hãy cứng rắn một chút. Thay vì dỗ dành bé, tệ hơn là mua chuộc bé, thì hãy mặc kệ bé. Cho bé khóc lóc một chút cũng chẳng sao. Bé thấy mẹ tỏ ra dứt khoát không chấp nhận trò ỉ ôi đó thì lại có xu hướng muốn làm lành. Lúc đó, hãy giải thích cho bé hiểu là bé đã lớn, đừng có làm những trò trẻ nít như vậy (chà chà, bé sẽ tự ái lắm đây). Với bé nhỏ hơn, hãy im lặng chờ bé nín khóc. Bé sẽ nhìn mẹ dò xét xem mẹ có nhượng bộ không. Hãy xuống nước một tí, dịu dàng thể hiện cho bé biết bé cần ăn chứ không có chuyện mẹ nhượng bộ đâu. Nếu bé vẫn phản ứng dữ dội thì hãy xem lại đồ ăn có hợp với bé không.

- Cũng có thể bé tỏ ra bướng bỉnh, thậm chí "tuyệt thực" để mẹ phải xót ruột mà mau chóng đầu hàng. Đừng mắc mưu bé. Bé không vì nhịn một vài bữa mà xuống cân hoặc đổ bệnh đâu. Đôi khi còn phải cho bé tập đói nữa kìa (kiểu như Trạng Quỳnh cho chúa ăn mầm đá vậy, hehe). Hãy nghiêm túc hỏi bé vì sao bé không chịu ăn. Nếu bé bảo không thích thì hỏi xem bé thích món gì và làm món đó cho bé. Cũng có khi bé nói chẳng biết thích gì cả, thì hãy đưa ra mấy món gợi ý cho bé lựa chọn.

- Bé bảo bé thích ăn trứng mà suốt 10 ngày vẫn chỉ thích ăn trứng!!! Chà, bé đang khiêu khích mẹ đây. Nếu chỉ đơn giản là bé không biết chọn món ăn thì mẹ có thể gợi ý cho bé, nhưng nếu bé nghiện món trứng hoặc bé cố tình nói vậy để xem mẹ giải quyết có thỏa đáng không thì mẹ lại phải cao tay hơn. Đương nhiên mẹ không thể chiều bé mà cho ăn mỗi món trứng suốt 10 ngày vì như thế là thiếu cân bằng dinh dưỡng. Nhưng mẹ có thể thỏa hiệp với bé: sẽ cho một ít món bé thích với những kiểu chế biến khác nhau vào khẩu phần ăn kèm theo những đồ ăn khác đồng thời cam kết với bé là mẹ đã tôn trọng con nên con cũng phải hứa là sẽ ăn ngoan.

Nói chung, bé có rất nhiều đòn "tâm lý chiến" nên mẹ cần phải linh hoạt và sáng tạo chứ không thể cứng nhắc trong mọi tình huống. Ngoài ra, hãy luôn động viên và khuyến khích bé. Có thể lần đầu bé chưa được như mong muốn nhưng nếu có tiến bộ thì mẹ phải ngợi khen. Bọn trẻ rất thích được tỏ ra mình oai, mình lớn rồi chứ không còn là mấy đứa con nít ranh hỉ mũi chưa sạch, nên phải nắm bắt tâm lý đó mà vừa khen vừa khiêu khích kiểu như: "Hôm nay con ăn ra dáng người lớn quá!", "Ủa, con lớn vậy rồi mà không bằng em Nhím nhà cô A à?"

Hãy kiên nhẫn, nhẹ nhàng, nhưng cương quyết; đồng thời hiểu được tâm lý của bé.


Tóm lại, hãy tập cho con tự ăn và xem đó là một công việc nghiêm túc, cần đầu tư thời gian và công sức, cần có cả phương pháp đúng đắn nữa. Đừng để bé bị thui chột sự tự lập và tự tin, đừng tước đi cơ hội tự thử nghiệm của bé, cũng đừng tạo cho bé sự thụ động, thói đành hanh, ích kỷ, luôn xem mình là "cái rốn của vũ trụ" vì sự chiều chuộng quá đáng của người lớn. Có những bé đến 5 tuổi rồi vẫn phải đút ăn, hoặc chỉ ăn được vài ba món như thịt xay, trứng chiên mà không ăn cá, rau quả và hải sản..., khi ăn thì lê la khắp nơi, kéo dài vài ba tiếng... Đó là những sai lầm có tính hệ thống cần phải nghiêm túc điều chỉnh vì nó không chỉ làm ba mẹ mệt mỏi mà còn bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển nhân cách cũng như kỹ năng sống của bé.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét