Hướng dẫn con sử dụng hộp sơ cứu

Trong bài viết Sơ cứu cho con và dạy con cách sơ cứu, mình có đề cập đến bộ sơ cứu nhỏ gọn mà mình trang bị cho con gái để con có thể đem theo bất cứ nơi đâu, khi có sự cố thì có thể tự sơ cứu cho mình hoặc nhờ người khác sơ cứu. Sau đó  cũng nhiều bạn nhờ mua bộ sơ cứu này nên hôm nay mình viết thêm bài hướng dẫn con sử dụng hộp sơ cứu để các bạn có thể chỉ lại cho con mình.

Hộp mới tinh chưa khui trông như thế này (có thêm màu xanh biển nữa).


Tháo bao bì ra và mở hộp:


Có mấy cái sticker xinh xinh với các hình: khỉ, ếch, chim cánh cụt và chó con, thích hình nào thì lột ra dán ngoài hộp, mình còn dán thêm cái nhãn tên cho Anh Thi nữa. Hình dưới là mặt sau của hộp.



Và đây là những thứ có trong hộp: băng dán cá nhân, băng khuỷu tay và đầu gối, giấy lau khử trùng, giấy lau hút nọc côn trùng, thuốc mỡ kháng sinh để chống nhiễm trùng vết thương, kem trị phỏng.


Hình này chụp rõ hơn mấy gói thuốc và giấy khử trùng: 3 gói trên cùng là giấy lau khử trùng dùng cho mặt, tay chân mình mẩy, 2 gói hàng dưới bên trái là thuốc mỡ kháng sinh, tiếp theo là kem trị phỏng, ngoài cùng bên phải là giấy lau hút nọc côn trùng. Toàn bộ chữ trên bao bì là tiếng Anh nên mẹ dán nhãn tiếng Việt lên từng gói cho bé nhé, điều này thuận tiện cho bé khi đang lúc lúng túng hoặc nhờ người khác sơ cứu giúp.


Băng dán cá nhân là thứ thường xuyên dùng nhất để bảo vệ các vết trầy xước do chơi đùa, té ngã... Mỗi băng đều có hình ảnh màu sắc ngộ nghĩnh đáng yêu.


Đây là thứ mình mua thêm để bỏ vào hộp khi đã dùng hết:


Do hộp này là sản phẩm của Mỹ nên toàn bộ hướng dẫn sử dụng trên bao bì đều bằng tiếng Anh. Mình nghĩ chỉ cần dạy các bé cách phân biệt một số vật dụng cơ bản và dán thêm nhãn tiếng Việt vào những nơi cần thiết thì việc sử dụng sẽ trở nên đơn giản. Sau khi dạy bé cách phân biệt các vật dụng, hãy hướng dẫn bé trình tự sơ cứu:

- Dùng giấy lau khử trùng lau sạch tay trước khi sơ cứu. Điều này vô cùng cần thiết vì khi các bé đang chơi đùa ở ngoài thì cơ thể dễ lấm lem, tay không được sạch mà lại không có sẵn nước và xà phòng. Giấy này giúp bé hoặc người chăm sóc bé lau sạch tay và khu vực cần sơ cứu.

- Nếu bé bị vết thương nhỏ hoặc bị côn trùng cắn, hãy dùng giấy lau hút nọc côn trùng để làm giảm đau và chống nhiễm trùng.

- Thuốc mỡ kháng sinh cũng được dùng để chống nhiễm trùng và sơ cứu vết thương.

- Dùng băng dán cá nhân/ băng khuỷu tay, đầu gối... để bảo vệ vết thương.

- Nếu bé bị phỏng (chẳng hạn lỡ quẹt vào ống bô xe máy), hãy dùng kem chống phỏng để làm dịu vết đau rát, chống nhiễm trùng và giảm thiểu khả năng gây sẹo. Hãy dặn bé nếu ở nơi xảy ra sự cố có vòi nước hoặc chai nước suối thì lập tức rửa vết phỏng trước, lưu ý là phải dùng nước sạch.

Ngoài ra, phải dặn bé những việc trên chỉ là thao tác sơ cứu cho các vết thương nhỏ chứ không thay thế cho việc điều trị. Vì vậy, nếu có thương tích nặng, thì sau khi sơ cứu hãy nhờ người hỗ trợ hoặc báo cho người lớn để được đưa tới trung tâm y tế gần nhất.

Những vật dụng sơ cứu trên đây là sản phẩm y tế nên đều có hạn sử dụng. Vì sự cố không phải lúc nào cũng xảy ra (luôn cầu mong như vậy) nên mình cũng chú ý chọn hàng mới, hạn sử dụng còn dài. Như các loại thuốc có sẵn trong hộp sơ cứu mua cho Anh Thi và các bạn đợt vừa rồi đều có hạn dùng còn 3 đến 5 năm nữa. Nếu hết món nào, các bạn không cần mua hộp mới mà chỉ mua các gói rời bỏ thêm vào và cũng nhớ chọn đồ còn dùng được lâu dài. Hộp có kích thước nhỏ gọn (dài * rộng * cao là 15,5 * 5,5 * 4,5 cm), rất dễ bỏ trong cặp, balô, túi xách, xe hơi... khi đi học, đi chơi thể thao, du lịch...
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét