Chia đều hay chia không đều?
Có lẽ đã đến lúc đừng quá chú trọng GDP năm này tăng trưởng bao nhiêu, GDP đầu người nay đã lên đến chừng nào. Nó có thể không nói lên điều gì cả nếu chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn ra.
Mỗi lần nghe nói GDP đầu người của dân Việt Nam năm rồi đã lên đến 1.960 đôla Mỹ, người viết bài này lẩn thẩn tự nhẩm tính: một hộ gia đình có năm người ở nông thôn, tính ra mỗi năm sẽ có thu nhập gần 10.000 đôla Mỹ, tức trên 210 triệu đồng.
Khả thi không, chuyện thu nhập bình quân một hộ ở nông thôn lên gần 20 triệu đồng/tháng? Thật khó hình dung quá. Hay GDP đầu người ở TP.HCM năm 2013 đã lên đến 4.500 đôla Mỹ. Một gia đình ba người sẽ có thu nhập chừng 23 triệu đồng/tháng! Cũng khó hình dung quá.
Thôi thì cứ lấy một cái ví dụ như thế này cho rõ. Một dãy phố có năm nhà, thu nhập bốn nhà đầu tiên sàn sàn nhau, cỡ 10 triệu đồng/tháng; riêng nhà thứ năm là một đại gia ngành xuất khẩu, thu nhập cả 1 tỉ đồng/tháng. Có thể nói thu nhập bình quân của dãy phố này là 208 triệu đồng/tháng được chăng (1 tỉ cộng 40 triệu chia cho 5)? Không hề. Bốn nhà đầu tiên sẽ cười vào mũi bạn, nói thống kê kiểu trên trời.
Chính vì vậy mỗi khi nói đến thu nhập hộ gia đình, người ta thường dùng khái niệm thu nhập hộ gia đình trung vị (median household income), tức chia đôi số hộ làm hai rồi lấy thu nhập của hộ ở giữa, chứ không tính theo kiểu bình quân nữa. Một dãy phố có năm hộ, thu nhập hằng tháng lần lượt là 10 triệu, 35 triệu, 40 triệu, 47 triệu và 250 triệu đồng thì thu nhập hộ trung vị là 40 triệu đồng (còn tính theo kiểu bình quân sẽ có thu nhập bình quân lên đến 76,4 triệu đồng).
Dùng khái niệm thu nhập hộ gia đình trung vị so sánh với thu nhập bình quân đầu người sẽ cho thấy chênh lệch giàu nghèo lên đến mức độ nào (thật ra thu nhập bình quân đầu người không chỉ gồm thu nhập của người lao động mà trong đó còn thêm những yếu tố khác, thu nhập của người lao động chỉ chiếm chừng một nửa).
Ví dụ GDP đầu người tính theo ngang bằng sức mua của Singapore năm 2012 lên đến trên 60.000 đôla Mỹ, nhưng theo khảo sát của Gallup (một tổ chức thăm dò dư luận chuyên nghiệp của Mỹ) thì thu nhập đầu người trung vị của Singapore (cũng tính theo ngang bằng sức mua) chỉ là 7.345 đôla Mỹ và thu nhập hộ gia đình trung vị ở nước này là 32.360 đôla Mỹ.
Thử hình dung như thế, cái phần trên của dân cư nước này sẽ có thu nhập lớn chừng nào và mức nghèo khó (của các hộ ở phần dưới) ở đảo quốc này không phải là nhỏ. Theo một số ước tính nhân tranh luận có nên đặt ra ngưỡng nghèo ở Singapore hay không thì ước chừng một phần tư dân Singapore đang sống dưới mức nghèo khó. Dĩ nhiên ngưỡng này là khá cao so với các nước đang phát triển (chừng 900 đôla Singapore/người/tháng).
Nếu đừng dùng từ “nghèo” dễ gây hiểu nhầm, số liệu thống kê chính thức cho thấy chừng 26% lao động Singapore nhận ít hơn 1.500 đôla Singapore/tháng, trong khi mức lương bình quân ở nước này là 3.000 đôla Singapore/tháng. Thử hình dung trong một đất nước mà thu nhập đầu người danh nghĩa là trên 52.000 đôla Mỹ/năm mà đến một phần tư chỉ hưởng mức lương chưa đến 15.000 đôla Mỹ/năm sẽ thấy sự chênh lệch thu nhập cao như thế nào.
Trở lại Việt Nam, để tránh việc khó hình dung nói ở đầu bài, phải đi tìm số liệu thu nhập hộ gia đình trung vị tương tự như trường hợp Singapore.
Trước hết phải nói ngay là theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, thu nhập đầu người tính theo ngang bằng sức mua của Việt Nam là trên 3.700 đôla Mỹ chứ không chỉ là 1.750 đôla là thu nhập đầu người danh nghĩa. Nói nôm na do giá cả hàng hóa và dịch vụ ở nước ta còn thấp so với ở Mỹ nên sức mua (ví dụ ổ bánh mì hay hớt tóc) ở Việt Nam còn cao hơn nhiều nơi khác (1.750 đôla ở đây có sức mua bằng 3.700 đôla ở Mỹ).
Theo khảo sát của Gallup vừa công bố vào tháng trước, thu nhập đầu người trung vị của Việt Nam (tính theo ngang bằng sức mua) là 1.124 đôla Mỹ và thu nhập hộ gia đình trung vị là 4.783 đôla Mỹ (con số trung vị của cả thế giới lần lượt là gần 3.000 đôla và gần 10.000 đôla).
Chuyện Việt Nam còn nghèo so với thế giới thì ai cũng biết và ngay cả chênh lệch giàu nghèo bên trong Việt Nam là lớn thì ai cũng hay. Nhưng dù sao đây là những con số đáng tham khảo. Gallup cho biết họ thu lượm thông tin từ năm 2006-2012 ở 131 quốc gia, mỗi nước phải khảo sát hơn 2.000 người để tính toán đưa ra những con số này.
Thế thì Tổng cục Thống kê có tính toán con số này không? Tìm kiếm các nguồn niên giám thống kê các năm, không thấy con số “thu nhập hộ gia đình trung vị” như khái niệm thế giới thường dùng. Chỉ có khái niệm “thu nhập bình quân đầu người một tháng”, năm 2012 là 2 triệu đồng (hơn 3 triệu ở thành thị và hơn 1,5 triệu đồng ở nông thôn). Có lẽ đây chính là “thu nhập đầu người trung vị” vì tính ra mỗi năm chỉ chừng 1.143 đôla Mỹ.
Báo chí các nước vào dịp đầu năm ít khi đưa tin GDP của nước họ tăng bao nhiêu phần trăm. Nếu có thì họ thường gắn với chuyện “thu nhập hộ gia đình trung vị” tăng hay giảm để phân tích mức sống của người dân nói chung có cải thiện gì trong năm qua hay không.
Trong tuần lễ cuối cùng của năm, báo chí Mỹ nhấn mạnh một khảo sát cho thấy thu nhập hộ gia đình trung vị thực của nước này vẫn còn thấp hơn năm 2009 khi ông Obama nhậm chức chừng 4,4% (đối với hộ người da đen thì mức sụt giảm còn cao hơn, gần 11%).
Trong cùng thời gian đó GDP tăng 10%, lợi nhuận của khối doanh nghiệp tăng 50% và chỉ số S&P500 tăng đến 77%. Nhiều nhà bình luận dùng các con số này để nói thật ra với dân Mỹ, khủng hoảng vẫn còn hiển hiện rất rõ bất kể GDP có tăng như thế nào chăng nữa.
Vì vậy có lẽ đã đến lúc đừng quá chú trọng GDP năm này tăng trưởng bao nhiêu, GDP đầu người nay đã lên đến chừng nào. Nó có thể không nói lên điều gì cả nếu chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn ra. Nên tìm hiểu thu nhập hộ gia đình trung vị có tăng được đồng nào không bởi đó là mức tăng nhiều người sẽ cảm thấy rõ rệt nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét