Thể chế là gì?
Đã dấn thân vào thương trường, có lẽ doanh nhân nào cũng đã biết hay dần dà rồi cũng biết mọi luật lệ, quy định, phép tắc, tập tục chi phối hoạt động kinh doanh. Ví dụ có lẽ ai cũng biết Hiến pháp mới được thông qua quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (vì thế doanh nghiệp tư nhân mà thấy hơi bị chèn ép trong vay vốn, tìm đất, tìm dự án cũng hiểu được tại sao); ai cũng rõ cha làm chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thì con không được làm tổng giám đốc cùng ngân hàng đó dù là ngân hàng tư nhân (Luật các tổ chức tín dụng cấm). Ngay cả chuyện nội quy nhiều doanh nghiệp quy định chuyện bảo mật thì nhân viên cũng phải biết và tuân thủ; còn trong môi trường kinh doanh nước ta, quan hệ đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng lên sự thành bại của cả một dự án là chuyện ai cũng hiểu.
Tất cả những luật lệ, quy định, phép tắc, tập quán nói trên và nhiều cái khác nữa hình thành nên “thể chế kinh tế”. Thể chế có thể là tốt mà cũng có thể là xấu, gây cản trở cho bước đường phát triển. Thể chế có thể là luật lệ viết ra thành văn bản mà cũng có thể là những quy luật bất thành văn nhưng chi phối mọi mặt của hoạt động kinh doanh.
Nếu nhớ lại, đã có thời nước ta có những quyết sách theo kiểu mỗi huyện là một pháo đài kinh tế, phải phát triển đủ mọi lãnh vực, từ công nghiệp đến nông nghiệp, từ dịch vụ đến tiểu thủ công nghiệp… Một thể chế như thế sẽ dẫn tới tình trạng ngăn sông cấm chợ, không cho hàng hóa thông thương, từng làm kiệt quệ sản xuất của cả nước. Cũng một thời mọi người nằm lòng câu nói, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển công nghiệp nhẹ một cách hợp lý. Đó chính là một nền tảng mang tính thể chế và đây là thể chế tiêu cực, làm nguồn lực của xã hội bị rót vào những dự án không tưởng. Ngược lại, chính chủ trương khoán 10 trong nông nghiệp, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lại là những cải cách thể chế mang tính đột phá, tạo ra nền tảng cho một môi trường kinh doanh lành mạnh hơn bội lần.
Tuy nhiên, hiện nay mỗi khi nói đến thể chế và đổi mới thể chế, điều nhiều người nghĩ đến là thể chế chính trị bởi chính thể chế chính trị sẽ chi phối ngược trở lại thể chế kinh tế trong một mối quan hệ bao trùm. Cũng có những hiểu nhầm cho rằng đổi mới thể chế chính trị là một điều gì có nhạy cảm trong khi thực ra thể chế chính trị cũng bao gồm các luật lệ, quy định, phép tắc, tập tục trong sinh hoạt chính trị của mỗi nước và sinh hoạt chính trị đúng nghĩa là quá trình hoàn thiện những luật lệ quy tắc này buộc chúng phục vụ trở lại cho dân sinh, dân kế. Đi từ “chuyên chính vô sản”, “đấu tranh giai cấp” đến chỗ nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật chính là đổi mới thể chế chính trị.
Trong một bài viết đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói khá rõ và đầy đủ về thể chế chính trị và thể chế kinh tế ở Việt Nam cũng như hướng cải cách các thể chế này nhằm tạo ra động lực tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao phân biệt được thể chế tốt và thể chế xấu bởi vào thời “ngăn sông cấm chợ” thì khái niệm “huyện là pháo đài kinh tế” được tán dương còn nhìn dưới góc độ bây giờ mới thấy chuyện cấm đem sản phẩm của địa phương này bán ở địa phương khác là phi kinh tế. Vấn đề còn nằm ở chỗ, nội hàm của thế chế phải được hiểu như thế nào để thể chế mang tính động lực thúc đẩy phát triển.
Ví dụ thể chế kinh tế với khái niệm nền tảng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nếu cứ hiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa” là công hữu hóa tư liệu sản xuất, được cụ thể hóa bằng quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo hay đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý thì liệu có phải là câu chuyện “huyện là pháo đài kinh tế” được lập lại ở một hình thức khác?
Ngược lại, nếu hiểu kinh tế thị trường trước tiên là phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội thì đây hoàn toàn là một thể chế tích cực có tác dụng tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong đó không những các pháp nhân kinh tế được tôn trọng mà các cá nhân kinh tế được tạo điều kiện để phát triển hết năng lực của mình, không một ai bị bỏ lại đằng sau trên con đường phát triển.
Trong tác phẩm “Vì sao nước thịnh nước suy”, James Robinson và Daron Acemoglu dựa vào khái niệm thể chế để giải thích vì sao có nước giàu lên lại có nước cứ lụi tàn. Trong một thể chế mọi người xắn tay áo lên cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội, cùng chia sẻ những lo toan, làm việc gì cũng vì lợi ích chung hay ít nhất là lợi ích của đại đa số, đất nước có một thể chế như thế sẽ hưng thịnh – hai tác giả gọi đó là thể chế dung nạp. Ngược lại ở một đất nước nơi giới lãnh đạo cứ khăng khăng cho rằng mình sẽ lo được hết mọi chuyện, việc gì cũng để cho nhà nước lo, thực tế lại đưa ra những quyết sách có lợi cho một nhóm nhỏ trong một thể chế loại trừ, đất nước đó ắt sẽ suy vong.
Dung nạp hay loại trừ - cũng thật khó mà dán nhãn cho những quy tắc, luật lệ, tập quán làm nên thể chế. Nhưng hình ảnh xắn tay áo lên cùng nhau làm chính là hình ảnh xã hội nào cũng muốn hướng đến, bằng không giỏi lắm là thái độ kẻ bề trên ban ơn cho người nghèo, người thất thế trong xã hội nếu không phải là lối sống ngồi trên đầu trên cổ kẻ khác. Muốn cùng nhau làm, phải có dân chủ; muốn loại trừ việc áp chế người khác bằng quyền lực hay tiền bạc, phải có pháp quyền. Đó là nguyên lý đơn giản.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét