Kích cầu và hành vi tiêu dùng
Nguyễn Vạn Phú
Mục đích của các biện pháp kích cầu suy cho cùng là khuyến khích người dân chi tiêu, tạo đà cho nền kinh tế vận hành, cho mua bán sôi động. Thế nhưng các chính sách kích cầu hiện nay dường như chưa chú ý đến tâm lý tiêu dùng của người dân.
Người dân Á Đông thường chi tiêu tằn tiện hơn người dân phương Tây – gặp giai đoạn khó khăn, họ càng có xu hướng thắt lưng buộc bụng. Người thu nhập càng thấp càng muốn dành dụm nhiều hơn, ngay cả khi thu nhập tăng lên với quan niệm phòng lúc cơ nhỡ. Thời buổi khó khăn, phản ứng rất tự nhiên của nhiều người là giảm bớt chi tiêu, nhất là chi vào các khoản họ cho là chưa cần thiết.
Nay muốn khuyến khích họ tiêu xài, cần cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin giúp họ quyết định hành vi tiêu dùng của mình. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm. Biện pháp này có thể có tác dụng ở một số nước phương Tây nơi người tiêu dùng có thói quen mua trước trả sau (qua tín dụng). Bỗng dưng họ có một khoản tiền chưa phải chi, người quen mua trước trả sau ắt sẽ mạnh dạn chi tiêu, sau tháng 5 rồi mới tính chuyện trả các khoản thuế chưa đóng. Nhưng với người Việt Nam, e rằng tâm lý tiêu khoản tiền mà trước sau gì cũng có thể phải đóng là chuyện khó xảy ra. Có chăng là họ sẽ chuyển khoản tiền thuế chưa nộp thành những dạng tương đương tiền khác (như vàng, ngoại tệ) để tránh lạm phát nhưng phải dễ dàng chuyển lại thành tiền (để nộp thuế khi có yêu cầu). Nếu thế, thị trường tiền tệ lại chịu những áp lực mới, không đáng có.
Lẽ ra đi kèm với chính sách này là những quy định chi tiết hơn, ví dụ, các khoản thuế hoãn nộp sau này sẽ được khấu trừ (nếu phải nộp) trong vòng bao nhiêu năm, mỗi tháng không quá bao nhiêu phần trăm thu nhập. Tốt hơn cả là làm đúng như một số đề nghị cuối năm trước, gởi phiếu cho các đại biểu Quốc hội để có một quyết định rõ ràng: miễn hẳn việc thu thuế thu nhập cá nhân trong vòng 6 tháng đầu năm, chẳng hạn. Ở đây, vấn đề thông tin là thiết yếu để từ đó chi phối đến hành vi tiêu dùng của người đóng thuế.
Các gói kích cầu hiện nay của Chính phủ tập trung nhiều vào nhà sản xuất hơn là người tiêu dùng. Cách làm gián tiếp này khó tác động vào tâm lý tiêu dùng của người dân so với cách kích cầu trực tiếp như của Thái Lan. Bởi hiệu ứng từ kích cầu phải chờ lan tỏa từ nhà sản xuất thông qua người lao động mới trở thành hành vi tiêu dùng của xã hội. Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn đang loay hoay làm rõ chủ trương bù 4% lãi suất đi vay; rõ rồi họ mới cân nhắc chuyện vay để làm ăn; tính toán chuyện mở rộng quy mô mới tuyển người; công nhân có thu nhập mới tính chuyện chi tiêu… một quá trình sẽ không thể nào xảy ra trong vài tháng đầu năm.
Trong tiêu dùng, người ta phân biệt hai loại nhu cầu – loại ít thay đổi dù kinh tế có gặp khó khăn và loại biến động mạnh tùy thuộc vào mức độ thu nhập. Việt Nam có may mắn hơn các nước phát triển ở chỗ loại đầu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng xã hội. Tin tức về việc nhập xe ô-tô đắt tiền dễ gây hiểu nhầm nhưng thật ra tiêu dùng hàng xa xỉ như thế chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Đối chiếu tình hình này với chủ trương giảm thuế VAT cho một loạt các mặt hàng mới thấy các mặt hàng này không phải là những món tiêu dùng thiết yếu (như các loại than, hóa chất, ô-tô, sản phẩm cơ khí…) nên việc giảm thuế VAT không có tác dụng gì nhiều đến sức mua của xã hội nói chung. Tại sao không cân nhắc giảm thuế VAT cho các mặt hàng mà bất kể kinh tế có khủng hoảng hay không người ta vẫn phải mua, vẫn phải xài để thật sự khuyến khích tiêu dùng và mở rộng loại nhu cầu thiết yếu như thế. Và nếu có miễn giảm như thế cũng cần có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi thì người tiêu dùng mới có thông tin để quyết định mua hay sử dụng dịch vụ.
Với người tiêu dùng Việt Nam, thứ hạng ưu tiên tiêu dùng còn có những khoản không nhỏ dành cho giáo dục. Giả thử nhà nước có chính sách miễn giảm học phí rộng rãi cho học sinh và sinh viên, đó là cách kích cầu trực tiếp có tác dụng nhanh và hiệu quả nhất. Nó lại góp phần giải tỏa những bức xúc của xã hội về ngành giáo dục chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét