Suy ngẫm
Kẻ tội đồ “kinh tế thị trường”
Khủng hoảng kinh tế đã buộc con người phải xem lại mô hình phát triển kinh tế theo quy luật thị trường tự do từng được ca tụng như phương thức duy nhất đưa loài người thoát cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, con đường thay thế đòi hỏi phải gạt bỏ những điều đã thuộc về bản chất con người – lòng tham và sự ganh đua “mạnh được yếu thua”.
Người ta từng định nghĩa giàu có nghĩa là thu nhập của bạn chỉ cần cao hơn thu nhập của ông chồng cô em vợ chừng 100 đô-la. Sự ghen tỵ, sự cạnh tranh ở từng cá nhân và rộng ra của cả xã hội là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường. Một nhà kinh tế nhận xét, mọi hệ thống kinh tế tồn tại cho đến nay đều lợi dụng những động lực có vấn đề về đạo đức hay nói cách khác, chúng phát triển là nhờ tận dụng bản tính xấu của con người chứ không phải là phát huy bản tính tốt.
Từ thập niên 1980, hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Anh với Mỹ đã chủ trương tháo gỡ hết mọi ràng buộc chính trị, luật pháp để kinh tế thị trường tự do phát triển mạnh nhất theo hướng nói trên. Hệ quả là cuộc khủng hoảng như chúng ta đang chứng kiến. Nếu kinh tế thị trường được mệnh danh là “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” (ý nói đến việc cạnh tranh dù có thể dẫn đến sự phá sản nhiều doanh nghiệp nhưng sẽ đẻ ra những doanh nghiệp mới mạnh hơn), điều này chỉ đúng với các ngành sản xuất. Khi thị trường tài chính đưa ra những “phát kiến” mới như các công cụ tài chính để làm giàu nhanh chóng, chúng chính là “sự sáng tạo mang tính hủy diệt”. Kèm theo đó là những đợt đầu cơ ngắn hạn tầm cỡ quốc gia, gây hết sốt giá dầu đến sốt giá lương thực – tất cả dồn lên đầu người dân nghèo nhất của thế giới.
Quan trọng hơn cả, kinh tế thị trường làm ra của cải và tiền bạc nhưng chúng không đồng nghĩa với sự thịnh vượng. Những nhà máy khổng lồ sản xuất hàng hóa tiêu dùng khắp thế giới không đồng nghĩa người dân nơi đặt nhà máy hưởng đồng lương cao như lẽ ra họ phải được hưởng. Bởi lợi nhuận làm ra phần lớn bị hút vào những công đoạn vẫn được duy trì ở nước giàu. Điều làm cho người dân ở nhiều nước phẫn nộ là trong khi các tập đoàn tài chính phải nhận tiền đóng thuế của họ để tiếp tục tồn tại, các tay điều hành từng dẫn dắt chúng đến con người nguy khốn hiện nay lại vẫn hưởng những khoản lương kếch sù.
Ai cũng nói, phải thay đổi mô hình đó đi – nhưng thay như thế nào thì chưa ai có câu trả lời hoàn chỉnh. Có người chỉ ra rằng thực tế có nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau. Ở những nước nào, chính phủ từng đóng vai trò can thiệp, hoặc ở hình thức ra quy định khắc khe hơn hoặc bằng cách phân phối thu nhập công bằng hơn như ở các nước Bắc Âu thì tình hình khủng hoảng dịu hơn những nước khác. Thực tế, sự can thiệp của chính phủ các nước đã bắt đầu mạnh, ngành tài chính hầu như đã được quốc hữu hóa ở nhiều quốc gia. Chắc chắn thị trường tài chính sẽ phải chịu những ràng buộc chặt chẽ hơn trước bội phần. Nhưng đó chỉ là các biện pháp tình thế - chưa phải sự thay đổi mô hình kinh tế.
Các biện pháp từng được áp dụng để giảm nhẹ tính khốc liệt của kinh tế thị trường như đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quy định điều kiện lao động tại nước gia công… cũng chỉ mang tính hình thức hay mang tính “giảm nhẹ gánh nặng lương tâm”.
Một cuộc cải cách thật sự phải bắt đầu từ việc đề ra những quy định toàn diện như đánh thuế lên dòng chảy đầu tư tài chính, ép khối ngân hàng chịu trách nhiệm cao hơn trước đồng tiền tiết kiệm của người dân cho dù lợi nhuận của họ sẽ giảm mạnh so với trước. Nói rộng ra, nếu trước đây chính trị “xê ra một bên” để thị trường tự điều tiết (vì suy nghĩ thị trường luôn luôn đúng) phải nhường bước cho sự đồng thuận của xã hội áp đặt lên nền kinh tế những chiếc thắng kềm chế lòng tham hay sự cạnh tranh lôi nhau xuống đáy.
Vấn đề là ở chỗ, những biện pháp này sẽ không bao giờ hữu hiệu nếu chỉ áp dụng ở một nước hay một khu vực. Doanh nghiệp với phương châm tối đa hóa lợi nhuận sẽ chuyển dịch sang nơi khác và vì quán tính cạnh tranh, sẽ có nước tự buông thả quy định để hút dòng vốn đầu tư về mình. Đấy là hạn chế của cạnh tranh xuống đáy ở mức độ quốc gia.
Thế giới cần một sự đồng thuận, một ý chí chung để giải quyết vấn đề mô hình trên bình diện toàn cầu. Đã có một Liên hiệp quốc lo chuyện chính trị, tại sao không nghĩ đến một Liên hiệp quốc lo chuyện kinh tế, ít ra để cấm các hành vi lũng đoạn thị trường, các nơi là thiên đường trốn thuế. Nếu các quốc gia ngồi lại với nhau để cùng tìm ra những biện pháp hạn chế tính hủy diệt hay ít ra, tính suy thoái chu kỳ của kinh tế thị trường, trái đất này mới có hy vọng cùng tìm ra một mô hình phát triển lành mạnh hơn bây giờ.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét