Quan trọng nhất là việc làm
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm đảo lộn nhiều giá trị, trong đó có cả các chuẩn mực đánh giá tăng trưởng kinh tế. Đến nay có lẽ mọi người đều đã đồng ý chưa chắc chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt lên trên 1.000 điểm là điều hay; cũng như con số thu hút vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục trong năm ngoái lên đến 64 tỷ đô-la đã là chính xác. Ngay cả các nước cũng đang xem lại việc dùng con số tăng trưởng GDP để đánh giá một nền kinh tế. Một nhóm 24 nhà kinh tế hàng đầu thế giới trong đó có hai nhà kinh tế từng được giải Nobel là Joseph Stiglitz và Amartya Sen dự tính đến tháng 4 năm nay sẽ làm xong một báo cáo về cách cải thiện việc đánh giá các chỉ số kinh tế.
Hiện nay Chính phủ đã tung ra nhiều gói kích thích nền kinh tế như giảm thuế, bù lãi suất vay ngân hàng… Vấn đề là trong những tháng sắp tới nên dựa vào chỉ số kinh tế nào để đánh giá hiệu quả kích cầu của chúng. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên số một là duy trì việc làm và tạo việc làm mới cho xã hội. Khủng hoảng kinh tế đã làm hàng chục triệu người thất nghiệp ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này; trước Tết âm lịch, thông tin sơ khởi cho thấy hàng chục ngàn công nhân bị mất việc vì doanh nghiệp đóng cửa, mất đơn đặt hàng hay giảm quy mô sản xuất. Thất nghiệp là hệ quả đầu tiên của khủng hoảng và đến lượt nó, lại làm trầm trọng thêm khủng hoảng vì người tiêu dùng giảm sức mua, người chưa thất nghiệp cũng phải thắt lưng buộc bụng cho những ngày tháng khó khăn sắp tới. Nếu doanh nghiệp sản xuất ra hàng không bán được cho ai vì sức mua yếu thì khó lòng thuyết phục họ vay tiền ngay cả với lãi suất ưu đãi.
Vì vậy, việc làm phải được xem là tiêu chí cần chú ý đầu tiên trong mọi báo cáo về tình hình kinh tế của các địa phương, các ngành. Các gói kích cầu cũng phải lượng định tác dụng tạo ra chỗ làm mới trong phần đánh giá hiệu quả - một điều cho đến nay chưa thấy được thực hiện.
Nói cách khác, việc thiết kế các gói kích cầu phải xem mục tiêu tạo công ăn việc làm là ưu tiên hàng đầu. Việc làm phải là một trong những tiêu chí xem xét một doanh nghiệp, một lãnh vực có nhận được những biện pháp hỗ trợ từ ngân sách hay không. Nên nhớ từ đầu năm 2009, người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng thêm một khoản phí bảo hiểm thất nghiệp lên đến 2% quỹ lương, một gánh nặng mới không phải là nhỏ. Thiết nghĩ, thay vì giảm thuế VAT cho những ngành không có tác dụng nhiều lắm đến tiêu dùng xã hội, nên hoãn thu khoản này trong cả năm nay thì tác dụng duy trì việc làm sẽ cao hơn. Hiện nay mới chỉ cho doanh nghiệp tạm dãn nộp khoản phí này trong 5 tháng đầu năm nhưng công nhân thì vẫn phải nộp. Hoãn thu phí bảo hiểm thất nghiệp trong khi vẫn triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn có tác dụng trực tiếp đến người làm công ăn lương, bất kể thu nhập, cao hơn cả việc hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong năm tháng đầu năm vì hầu như chỉ có người có thu nhập cao được thụ hưởng mà thôi.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét