Nguyễn Ngọc Huân
.Hòa Trần tên đủ là Trần Viết Hòa, quê Thanh Hóa, đến Mông Cổ năm 1976, học khoa Chăn nuôi cùng Nguyễn Quốc Đạt, tức là học trên chúng tôi một khóa. Tôi vẫn nhớ cái mặt vuông, cằm bạnh và đặc biệt cái cười hết cỡ của Hòa Trần, tỏ là người tốt bụng. Rồi cái dáng đi rất cẩn thận của Hòa Trần, cái lưng hơi khòng… đều còn mồn một như mới gặp năm trước, tháng trước vậy.
Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với Hòa Trần. Nào là bắt bồ câu ở trần nhà Đại học Tổng hợp hồi mới sang, Hòa Trần được phân công cầm đèn pin che giấy mờ cho người khác bắt. Nào đi bắt cá đêm ngoài sông Thôn. Rồi tưới rau cải những ngày hè nhàn rỗi. Hòa Trần hòa đồng và nhiệt tình thêm chút ham ham. Nhưng có những kỷ niệm sống đời cùng sinh viên ta ngày ấy…
Là dịp chúng tôi mới sang, học dự bị tiếng Mông ở cái nhà có cửa sổ quay về Sứ quán của các Tồng chí Trung Của. Lớp bên là dự bị Nga văn của Hòa Trần, Minh Hùng, Quốc Đạt, Lê Đình Hòa và Phạm Văn Liêm. Giờ ra chơi là những thời khắc cực vui: các bạn Mông quây từng sinh viên Việt Nam hỏi chuyện đủ thứ, hỏi tên, hỏi thời tiết, tập quán,… nói chung là everything về Việt Nam. Đặc biệt dễ chịu khi nói chuyện cùng các bạn nữ. Họ uốn sửa cho từng chữ, từng từ phát âm sai, thành ra có một môi trường, một ngữ cảnh tuyệt vời cho những người tập nói chúng tôi. Riêng mấy ông kễnh người Mông thì chả bao giờ có cái đức tính ấy: dăm câu, ba điều là chuồn, hơi đâu mà би би, чи чи, mà хайртай như mấy em xinh đẹp được. Nhiều khi, giữa chúng tôi còn áp dụng cả kiểu dạy, học “cầm tay, chỉ việc” nữa. Nghĩ đến còn tiếc, kiểu như Thế Lữ nói “Ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ?” Người ta bảo, những người nói giỏi tiếng nước ngoài thường hát hay, có nhiều bạn, nhất là có người yêu nước sở tại, cũng không sai.
Cũng là một buổi ra chơi như vậy, nhưng hôm nay Hòa Trần sắm bộ Com-lê mới cứng mua từ cửa hàng Nga, vênh vang có ý khoe khéo. Có ai đó khen “Oách nhỉ !” Vài tay khẽ chạm vào và xuýt xoa. Hòa Trần mãn nguyện. Một giọng đề nghị:
- Này, tớ thấy từ nay nên có quy định. Thứ nhất là không được ôm hôn khi gặp mặt, và không được lắc mạnh khi bắt tay nhau, nếu không, dễ làm nhàu gãy quần áo mới mua. Và thứ hai, không được gọi giật giọng, kẻo người bị gọi quay đột ngột thì hỏng cái cổ áo.
Đặng Ngọc Dư – Ngài láu cá – nheo một bên mắt nửa cận, nửa không, về phía sau mà rằng:
- Tớ đố ai dám bẻ cái ve áo của lão Hòa đấy !
Chưa dứt lời, thì Hùng Quyến lẹ như luồng gió, từ phía sau lên, tay bẻ ve áo Hòa, miệng liến thoáng “Đây này, có khó gì !”.
Khi ấy, nếu anh em không can, thì chuyện to xẩy ra. Cũng may là chuông báo vào giờ học, nên ai về phòng nấy.
Thầy Chac-Va-Ran lớp tôi đang giảng bài, thì “Cọc, cọc”. Tiếng gõ cửa. Một cơn gió mang hơi lạnh ùa vào phòng. Nhưng không khí trong lớp đột nhiên nóng lên. Và Hòa Trần… Vâng đúng là Hòa Trần, mặt đỏ bừng bừng, vào xả bực:
- Này, anh Tý, anh là lớp trưởng mà để thằng Dư làm vậy à ?Anh không biết bảo lớp anh à…Anh, anh...
Thầy giáo hết đỗi ngạc nhiên, hỏi “Nó nói gì vậy ?”
Lão Tý giàn hòa:
- Thôi anh về đi, người ta đang học. Để sau.
Ít nhất còn 2 kỷ niệm nữa.
Là lần có cái thông tin rằng, nếu mỗi ngày cười được 15 phút thì người ta sẽ trẻ lại đâu mấy… phút. Thế là hằng ngày anh đều đứng trước gương mà cười 15 phút. Thế nên mới được chút bảnh trai vậy.
Và lần đua xe phành phạch. Chả là Bình Bạc và Hòa Trần tự nhiên tậu mỗi người một chiếc gắn máy (không tên tuổi từ chợ trời). Rồi anh em đố nhau cái nào chạy nhanh khỏe hơn. Thế là nhảy lên đua vòng quanh sân bóng đá. Ngài Dư cưỡi cái của Hòa Trần, phóng bạt mạng, đến nỗi rơi cả “Pô”, tiếng kêu không còn “phành phạch” nữa mà thành tiếng rú của xe tăng, xe thiết giáp làm cho Hòa Trần một phen tím mặt vì xót của.
Chả biết có vì vậy mà người ta bảo là Hòa ... (Thôi, em chã nói đâu). Nhưng mà tiếng “...” nghe nó rất vui tai, và không ác ý nên người nói và người được nói thảy đều dễ chịu như nhau, chứ chả ai tức giận.
Những người quen Hòa thì biết (...) là từ gì. Còn các bạn mới: Đố các bạn đoán là từ gì đấy ?
Tp Hồ Chí Minh, tháng Bẩy 2010
.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét