Nguyễn Ngọc Huân
.Phảng phất Đông Pha cư sỹ họ Tô Trung Quốc, Tô Như Tuấn, tên đầy đủ của Tuấn Lý, khoáng đạt nhất nhì sinh viên thời ấy. Không được như cảnh Tô Đông Pha cùng Sơn Cốc thiền sư lãng du trên dòng nước vào ngày Rằm có hàng cây bên bờ sông in bóng dài trên bãi cát, có cánh bèo theo gợn sóng tan ra lộ dáng mấy con cá lội thấp thoáng, Tô Như Tuấn là một dạng lãng tử khác. Tuấn xuất thân từ gia đình trí thức, bố là bác sỹ quân y, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên tỏ rõ là được nuôi chiều chứ không thả nổi như những trẻ em nông thôn vốn nhọc nhằn cuộc sống quanh năm mò cua, bắt ốc kiểu chúng tôi. Cùng Phạm Phú Hòa, Tuấn thuộc diện “con em miền Nam” nên rất được ưu ái. Thế nên, 2 đồng chí này mặc nhiên được chọn ngành học Vật lý theo nguyện vọng. Cái đó cũng là sự khác biệt với cánh “nông nghiệp” rồi: được ở Đại học Tổng hợp, ngay Trung tâm thành phố rất nhiều ưu đãi. Và Tuấn Lý thành tên húy.
Tuấn Lý rất bảnh trai và rất tươi, lúc nào cũng thường trực nụ cười trên khóe môi có cái nốt ruồi duyên. Thế nên nhiều em chết mệt. Nhưng Tuấn Lý chỉ khoái Tây (Natasha, hay Olga thôi, chứ Sê-sếc hay Yon-Na thì cậu không thích) hoặc kết thân cùng O-Ka-Ta Nhật Bổn.
Thuộc type đó, nên phải xếp người chung phòng, chẳng chọn ai hợp, Tuấn Lý ở cùng đồng chí Tý mà chúng tôi có dịp nói trong bài “Mít Tý” trước đây cũng tại Motthoimongolia này. Tuấn Lý cũng chẳng quan tâm lắm. Học ra học, chơi ra chơi, rất rõ ràng. Cần nghe nhạc Vàng, nhạc Tây là nghe chứ chẳng sợ ai hết; cần đi Бүжик thì cứ đi, muốn ngủ sớm, ngủ muộn tùy ý. Tuấn Lý không thích khuôn phép.
Tuấn Lý có khiếu về bóng bàn. Chúng tôi rất ấn tượng về những quả "cắt", đặc biệt cách Tuấn "ve" khá điệu nghệ, chuyên nghiệp pha chút tài tử về sau có nhiều người bắt chước mà không được.
Có một kỷ niệm với Tuấn Lý. Ấy là năm có bác Lê Thanh Nghị cắp cặp công du Đông Âu ghé qua Sứ quán. Đại sứ Nguyễn Xuân Hòe (mà ông Cán lái xe cho Sứ gọi là "Rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng" ấy) triệu tập anh em nghe bác Nghị nói chuyện. Chúng tôi và Tuấn Lý “tót” lên hàng trên cho gần nhìn, gần nghe. Xong buổi, Sứ Hòe gọi chúng tôi lại và “quạt” cho một trận:
- Đón nguyên thủ quốc gia mà các cậu ăn mặc vậy hả?
A hà, thì ra diện quần bò và không khoác Com-lê là sai, là không nghiêm túc với lãnh đạo. Biết vậy, chúng tôi làm thinh. Nhưng Sứ vẫn “hạ” thêm:
- Tôi, tôi… đuổi các cậu về nước ấy.
Thực là Bal-căng.
Tốt nghiệp về nước, Tuấn Lý làm cho một cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ. Ngày 8 tháng 7 năm 2005, sau bao năm xa cách, chúng tôi gặp lại Tuấn Lý tại lễ Trao giải “Tìm hiểu về Mông Cổ và quan hệ Việt Nam – Mông Cổ” nhân kỷ niệm 84 năm Quốc khánh nước bạn ở Hà Nội. Vẫn Tuấn Lý ngày nào, nhưng thấp thoáng một Tuấn Lý đã theo thời, đầm hơn, bình dân hơn.
Phải chăng thời cuộc uốn nặn, bào mòn người ta cho theo khuôn mẫu hay là đến cái tuổi dẫu “tri thiên mệnh” nhưng phôi phai sức trẻ tung hoành ngày xưa rồi ?
Хошимин Хот 2010 оный 7-дугаар сар
0 nhận xét:
Đăng nhận xét