Trường chuyên: Nên? Không nên?

Trường chuyên: Nên? Không nên?

Giả thử có một cuộc khảo sát chuyện nên hay không nên phát triển hệ thống trường chuyên, có lẽ đa số những người có liên quan sẽ trả lời rằng nên. Phụ huynh chắc ai cũng muốn con mình là học sinh giỏi, thậm chí nhiều người mang hoài bão con mình là thần đồng. Thầy cô giáo được dạy ở trường chuyên là niềm tự hào. Địa phương nào lại không muốn có một ngôi trường chuyên toàn những học trò xuất sắc, đạt giải quốc gia, quốc tế. Và nhân vật chính – học sinh – có lẽ nhiều em mơ ước được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi, được tuyển thẳng vào đại học hay được đi du học sau khi tốt nghiệp từ một trường chuyên.

Thế nhưng vì sao có nhiều ý kiến phản đối từ khái niệm trường chuyên, đến hiện trạng dạy và học ở các trường chuyên ở nước ta?

Theo tôi, có một môi trường ở đó các em có năng khiếu nổi trội ở những bộ môn nào đó được phát triển hết tiềm năng, một nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, một địa chỉ mà các trường đại học phải tìm đến để tuyển cho bằng được sinh viên giỏi tương lai cho mình – ước muốn đó hoàn toàn chính đáng.

Vấn đề nằm ở chỗ, khái niệm trường chuyên ở nước ta được hình thành với mục tiêu sai lệch và từ đó làm nảy sinh những hệ lụy đáng tiếc. Dù không ai thừa nhận công khai, các trường chuyên được thành lập như những ổ nuôi gà chọi, nhằm tuyển lựa và đào tạo những em học sinh trong đội tuyển sẽ đi thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Một khi đây là mục đích hàng đầu, phương pháp dạy và học sẽ đi theo phục vụ nó. Ví dụ, học sinh trong các lớp chuyên Anh sẽ được dạy rất kỹ về ngữ pháp trong khi các kỹ năng nghe, nói bị bỏ qua. Các em sẽ được “rèn” làm những bài tập mà mục đích chỉ bẫy thí sinh bằng các quy luật ngữ pháp xa lạ, người bản ngữ ít khi dùng. Chuyên Toán cũng vậy, thầy trò cùng nhau vật lộn với các bài tập lắt léo. Vì thế, nhiều ý kiến phản đối trường chuyên học lệch là theo ý này – học không phải vì mục tiêu kiến thức mà chỉ dùng nó vào chuyện thi cử.

Trở lại chuyện khảo sát nói ở đầu bài, nếu hỏi những người thật sự ở trong cuộc, chắc rằng câu trả lời sẽ khác. Đã có một thời học sinh không muốn vào trường chuyên, hoặc vào rồi không muốn tham gia đội tuyển; phụ huynh ngần ngại, hỏi han rất kỹ trước quyết định cho con dự tuyển vào trường chuyên. Mà cũng phải nói thật với nhau, lý do chưa hẳn vì chuyện kiến thức. Chủ yếu vì phụ huynh và học sinh không muốn mình bị biến thành gà chọi chỉ giỏi đấu đá một môn trong khi thi đại học phải ba môn. Lại nữa, đến khi phong trào xin học bổng du học rộ lên, học sinh trường chuyên mới ngộ ra, đại học nước ngoài muốn một bảng điểm đẹp đều các môn, một thành tích không chỉ học giỏi mà còn sinh hoạt ngoại khóa, làm công tác xã hội, công tác từ thiện thật sự. Quá trình này dẫn đến một sự điều chỉnh ở các trường chuyên lớn, cũng để thu hút học sinh và xây dựng uy tín thật sự.

Như vậy để có một hệ thống trường chuyên không bị lệch lạc, có rất nhiều việc phải làm. Trong bối cảnh của Việt Nam, rất khó để thay đổi quan điểm của lãnh đạo địa phương và phụ huynh về mục tiêu thực chất của trường chuyên là đào tạo những học sinh xuất sắc toàn diện. Áp dụng mô hình trường chuyên của các nước (như các chương trình AP, IB) thì Việt Nam chưa đủ khả năng để làm. Khả thi nhất là bắt đầu từ việc mở rộng khái niệm trường chuyên, học sinh không chỉ chọn một mà có quyền chọn vài ba môn chuyên, các em được quyền đăng ký và nếu đạt yêu cầu, có thể vô ra các lớp chuyên này dễ dàng, không chịu nhiều ràng buộc. Môn đăng ký học chuyên sẽ được đánh giá cao trong tuyển sinh đại học. Các kỳ thi học sinh giỏi phải được cải tiến để đánh giá các kỹ năng như tư duy độc lập, óc phê phán, tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề… Môn tiếng Anh, chẳng hạn, phải thi cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Trường chuyên phải có các chương trình vươn ra cộng đồng để học sinh tham gia hoạt động xã hội.

Quan trọng hơn, cách đánh giá trường chuyên có hiệu quả hay không cũng phải được thay đổi. Không nên xem trọng số lượng giải thưởng trong các kỳ thi (nếu làm tốt, đấy sẽ là hệ quả tất yếu). Nên nhìn dài hạn xem thử trường đã đào tạo những học sinh như thế nào cho xã hội, không những chỉ ở số lượng vào đại học, đi du học mà xa hơn, các em đó sau khi ra đời làm gì, có những đóng góp gì, trở thành con người như thế nào. Các trường lớn hiện đã có bề dày hoạt động vài ba chục năm, ắt phải làm được việc tổng hợp thông tin về cựu học sinh của mình như thế.

Đề án phát triển hệ thống trường chuyên cho nước ta chỉ có thể thành công nếu kèm theo nó là những khảo sát nghiêm túc, bài bản về những vấn đề của hệ thống trường chuyên hiện hữu, kể cả thăm dò ý kiến các em cựu học sinh. Bởi, trong giáo dục số tiền đầu tư, dù có lên mấy ngàn tỷ đồng, cũng không mang tính quyết định.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét