Bên lề giải Nobel Kinh tế
Chỉ một từ “search frictions” xuất hiện trong các bản tin về giải Tưởng niệm Nobel Kinh tế năm nay, đã có rất nhiều cách dịch trên báo chí Việt
Báo Tuổi Trẻ dịch là “những chuyển đổi tìm kiếm”; Báo Thanh Niên, Tiền Phong và VnEconomy để nguyên “search friction”; Báo Người Lao Động để nguyên rồi mở ngoặc ghi “tương tác tìm kiếm”, tờ Sài Gòn Tiếp thị cũng dùng cách này nhưng làm ngược lại, viết “những phương pháp đối chiếu kết quả tìm kiếm” xong rồi mới mở ngoặc chú thích là search frictions; Vietnamnet dịch thành “lực ma sát tìm kiếm”.
TBKTSG Online diễn giải thành “những va chạm trong tìm kiếm”. Báo Lao Động cũng dùng cách diễn giải – “độ vênh trên thị trường”. Báo Sài Gòn Giải Phóng diễn giải dài nhất: “các yếu tố ma sát (từ mà chuyên ngành kinh tế dùng để gọi các yếu tố trung gian, các trở ngại về không gian và thời gian)”. Dân Trí chọn cách mô tả: “các thị trường có xung đột về tìm kiếm”…
Không thể nói báo này đúng, báo kia sai. Ngay chính bản tin của VOA là nơi chuyên dịch tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng để nguyên cụm từ search frictions; BBC, RFA, RFI chọn cách bỏ qua cụm từ này.
Vấn đề là gặp những từ mới như thế, cách hay nhất là hiểu nó rồi giải thích theo cách của mình, sao cho mục đích cuối cùng là làm bạn đọc hiểu đúng.
Kinh tế thị trường vận hành dựa vào quy luật cung cầu. Một người bán báo tại một sạp ven đường, chẳng hạn, sẽ quan sát, đo lường nhu cầu mua báo để nhận đúng số báo bán được hàng ngày, cũng như nhận đúng loại báo cho các nhu cầu khác nhau của người mua. Ở đây chất lượng giấy hay chất lượng in ấn từng tờ báo cùng loại không đóng vai trò gì đáng kể.
Nhưng thị trường không phải lúc nào cũng toàn các sản phẩm và dịch vụ đồng nhất như thế. Trên thị trường địa ốc, nhà rao bán đủ loại, đủ kiểu, người mua phải đi tìm, phải xem từng căn nhà, săm soi từng ưu khuyết điểm trước khi quyết định mua. Người bán cũng phải tìm cách tìm cho ra người mua phù hợp với căn nhà đang muốn bán. Thị trường xe hơi cũ cũng vậy.
Những thị trường loại này được gọi chung là thị trường tìm kiếm (search markets), với lao động là thị trường tiêu biểu nhất. Tìm kiếm như thế chắc hẳn sẽ gặp nhiều trở ngại. Ví dụ tôi cần tuyển một người giữ trẻ nhưng không biết tìm ở đâu, quảng cáo thì tốn kém, chắc gì người tôi cần tìm đọc đúng loại báo đó; ngược lại, người muốn tìm công việc giữ trẻ cũng không biết tìm việc ở đâu, không biết chủ nhà có máu dê hay không. Những trở ngại đó được gọi chung là search frictions, dịch bằng khái niệm gì cũng được như trở ngại, xung đột, va chạm, trục trặc, ma sát… trong tìm kiếm. Chúng là những vách ngăn, những vật cản trên thị trường làm người mua người bán không tự động tìm thấy lẫn nhau.
Thật ra những trở ngại trong tìm kiếm đó phức tạp hơn nhiều chứ không phải là chuyện bất đối xứng thông tin nói trên. Ví dụ, chính sách trợ cấp thất nghiệp (có thể làm méo mó cung cầu), kỹ năng của người tìm việc (kỹ năng cao dễ kiếm việc làm hơn nhưng cũng eo xèo tiền lương nhiều hơn), độ mở của thị trường thể hiện ở cách thức sa thải và tuyển dụng của các công ty (thất nghiệp ở châu Âu thấp hơn Mỹ cũng nhờ yếu tố này), tình hình thất nghiệp do chu kỳ kinh tế (suy thoái chắc hẳn kéo theo thất nghiệp nhiều) hay thất nghiệp do cấu trúc thị trường (sự bất tương xứng về cung cầu cho một kỹ năng nào đó), mối quan hệ giữa mức độ công việc có sẵn và mức độ thất nghiệp…
Giải Tưởng niệm Nobel năm nay trao cho Peter A. Diamond, Dale T. Mortensen và Christopher A. Pissarides chính là nhờ những nghiên cứu của họ về những trở ngại đó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét