Những câu hỏi với Dung Quất

Những câu hỏi với Dung Quất

Tại hội nghị giám sát việc thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất được tổ chức vào đầu tuần này tại Hà Nội, bên cạnh những ý kiến nhấn mạnh đến thành công của dự án, vẫn còn nhiều thắc mắc chung quanh báo cáo của Chính phủ về dự án này do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày..

Với nhà máy lọc dầu Dung Quất, điều đầu tiên nhiều người muốn biết là hiệu quả kinh tế ra sao? Theo báo cáo của Chính phủ, dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) “đạt 7,66% cao hơn so với giá trị tính toán năm 2005 là 5,87%”. Đó là tính toán dựa trên tổng mức đầu tư là 3,05 tỷ đô-la.

Còn nhớ khi tổng vốn đầu tư ban đầu của Dung Quất chỉ là 1,5 tỷ đô-la thì IRR của nó đạt trên 15%. Đến năm 2005 khi điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ đô-la, IRR của dự án Dung Quất giảm xuống còn 5,87%. Nay tổng vốn đầu tư được điều chỉnh thành 3,05 tỷ đô-la thì IRR lại tăng lên 7,66%. Đây là điều cực kỳ phi lý.

Một dự án sẽ có dòng tiền bỏ ra để đầu tư và một dòng tiền thu về trong tương lai. Giá trị của dòng tiền trong tương lai sẽ không bằng giá trị hiện tại của nó nên người ta phải chiết khấu nó bằng một tỷ lệ. IRR chính là tỷ lệ chiết khấu dòng tiền tương lai của dự án sao cho giá trị hiện tại của nó bằng với vốn bỏ ra đầu tư.

Như vậy vốn đầu tư càng tăng thì IRR càng giảm (nếu các thông số khác không thay đổi) và việc tính toán lại trong năm 2005 cho thấy điều đó. Nay vốn đầu tư tăng thêm đáng kể mà IRR lại tăng nên có thể kết luận việc tính toán đã sai sót chỗ nào đó. Không thể lập luận giá dầu tăng nên IRR tăng vì giá đầu ra tăng thì giá đầu vào cũng tăng tương ứng.

Ngoài ra, với các dự án đầu tư IRR ít nhất cũng phải bằng chi phí sử dụng vốn thì dự án mới được đánh giá là có hiệu quả. Chi phí sử dụng vốn ở dạng thấp nhất hiện nay là trái phiếu Chính phủ thì cũng đã cao hơn 10%. Làm sao với một dự án có IRR là 7,66% (và chưa chắc con số này là chính xác) lại có hiệu quả kinh tế cao được. Nhìn lướt qua các dự án nhà máy lọc dầu tại Ai Cập chẳng hạn, IRR của chúng dao động trong khoảng từ 15% đến 20%. Dự án nhà máy lọc dầu ở Vũng Rô cũng có IRR là 16,92%.

Báo cáo của Chính phủ về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất còn có nhiều điểm không thể lý giải được. Tổng vốn đầu tư được duyệt của nhà máy là 3,05 tỷ đô-la (tương đương 51,72 ngàn tỷ đồng, tỷ giá 16.937 đồng/USD). Thế nhưng giá trị quyết toán chỉ là 43,8 ngàn tỷ đồng, giảm đến 8 ngàn tỷ đồng (tương đương giảm gần 500 triệu đô-la). Một mức giảm bất ngờ như thế mà báo cáo lý giải “chủ yếu là do khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong giai đoạn chạy thử Nhà máy”.

Doanh thu và chi phí vận hành nhà máy thì có liên quan gì đến vốn đầu tư? Trong tổng vốn đầu tư nói trên đã bao gồm vốn lưu động ban đầu là 3,39 ngàn tỷ đồng (200 triệu đô-la) và giá trị quyết toán cũng bao gồm số vốn lưu động này, vì sao lại tính doanh thu làm giảm vốn đầu tư? Giai đoạn chạy thử nhà máy có nhiều trục trặc như chúng ta đã biết, vì sao nó lại làm giảm vốn đầu tư nhiều đến thế?

Báo cáo cũng cho biết “Tổng thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 27,8 tỷ đô-la”, cao hơn “tổng thu ngân sách nhà nước 1,55 tỷ đô-la được tính toán vào thời điểm tháng 6 năm 2005”. Đây là đánh giá khó hiểu nhất của báo cáo vì không lẽ chỉ sau mấy năm tính toán, tổng thu ngân sách bỗng tăng vọt mấy chục lần.

Ở đây cần làm rõ khái niệm “thu nộp ngân sách nhà nước” vì nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn). Doanh nghiệp này phải mua dầu thô từ PetroVietnam hoặc nhập khẩu từ bên ngoài và bán thành phẩm sau khi lọc dầu. Lãi lỗ của nhà máy là tính trên tỷ suất lợi nhuận với đầu vào và đầu ra như thế. Nếu có lãi, doanh nghiệp mới nộp thuế và đây có thể gọi là khoản “nộp cho ngân sách”. Nhà nước là chủ đầu tư nhà máy cho nên sau này lợi nhuận sau thuế cũng có thể xem là khoản “thu nộp ngân sách”. Nhưng dù tính như thế nào đi nữa, cũng không thể có chuyện tiền thuế hay lợi nhuận sau thuế của nhà máy lên đến 27,8 tỷ đô-la được (bởi như vậy, tính trên tổng vốn đầu tư là 3 tỷ đô-la thì IRR của dự án phải là con số khổng lồ). Còn các khoản khác như tiền thu được từ bán dầu thô nộp vào ngân sách là của PetroVietnam chứ không thể tính cho nhà máy lọc dầu được, nếu không PetroVietnam xem như không còn khoản gì đáng kể để nộp cho ngân sách nhà nước hoặc là báo cáo trùng lắp hai lần!

Đến đây, có lẽ chúng ta đã có thể đánh giá phát biểu của ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PetroVietnam tại hội nghị nói trên. Theo tường thuật của VnExpress, ông Thăng “cho rằng các đại biểu đến đây để nghe báo cáo chứ không phải đến để phản đối. Bởi lẽ, báo cáo đã được Thủ tướng duyệt sau khi lấy ý kiến tất cả các bộ ngành và soạn thảo. ‘Các bộ ngành đã đồng ý giờ đến đây để phản biện là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần có ý kiến nhắc nhở các đơn vị có ý kiến phản đối trong cuộc họp này’, ông Thăng nói”. Nếu VnExpress tường thuật chính xác, thì có lẽ không có gì để bình luận thêm.

Cập nhật: Với các nhà máy lọc dầu, đầu vào là dầu thô, đầu ra là đủ loại sản phẩm xăng, dầu và thứ phẩm khác. Chênh lệch giữa giá bán đầu ra và giá mua đầu vào là lợi nhuận gộp (Gross Refining Margin). Trừ chi phí, khấu hao, thuế, lãi vay… thì sẽ có lợi nhuận ròng (Net Refining Margin).

Lợi nhuận này thay đổi rất nhanh chóng, theo mùa, có khi chỉ là 2 đô-la/thùng, có khi lên 15 đô-la/thùng. Nên nhớ giá dầu thô càng cao, lợi nhuận của nhà máy lọc dầu càng thấp.

Chỉ số lợi nhuận gộp lọc dầu Singapore trong mấy tháng đầu năm 2010 phục hồi mạnh lên mức 5 đô-la/thùng (quý 4-2009 chỉ là 1,9 đô-la/thùng; tháng 9-2008 lại là 10 đô-la/thùng). Mỗi tấn có khoảng 7 thùng dầu (có thể từ 6 đến 8 thùng, tùy loại dầu), cho nên lợi nhuận gộp lọc mỗi tấn dầu là chừng 35 đô-la/tấn.

Bình quân các nhà máy lọc dầu hiện nay trên thế giới chạy khoảng 85% công suất.

Năng suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn/năm. Giả định nhà máy này chạy 85% công suất (5,525 triệu tấn) thì mỗi năm sẽ thu được 193 triệu đô-la lợi nhuận gộp. Cho dù chạy 100% công suất thì lợi nhuận gộp cũng vào khoảng 227 triệu đô-la/năm.

Với khoản đầu tư lên đến 3 tỷ đô-la, giả thử nhà nước không bù lỗ lãi suất mà tính sòng phẳng bằng lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế chừng 7%/năm thì tiền lãi phải trả chừng 210 triệu đô-la (còn lấy lãi suất bù lỗ là 3,6% thì tiền lãi hàng năm cũng chừng 108 triệu đô-la). Như vậy lợi nhuận gộp của Dung Quất làm ra có thể chưa đủ để trả lãi hoặc trả lãi xong cũng chưa đủ để khấu hao, trả lương nhân viên, chi phí… Lấy đâu ra các con số nói tổng thu ngân sách khoảng 27,8 tỷ đô-la nói trên.

Cập nhật:

Một số bạn hỏi nguồn của con số lợi nhuận gộp lọc dầu Singapore. Có thể đọc tin ở đây (In the same period, the benchmark Singapore Complex GRM lost $1.2 per barrel and stood at $3.7 – cùng kỳ ở đây là quý II-2010).

Hay tin này cập nhật hơn (Average Singapore gross refining margins (GRMs) have improved in the September quarter to $4.2 (Rs 186.48) per barrel compared with $3.7 per barrel in the June quarter).


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét