Chuyện cái tủ lạnh

Nếu cái tủ lạnh biết nói, nó sẽ nói gì nhỉ?

Hẳn là nó sẽ gào thét khi bạn xem nó như một cái kho chứa thực phẩm để tùy tiện nhét đủ thứ thượng vàng hạ cám vào đó, không cần quan tâm đến việc bảo quản thức ăn và giữ gìn tủ lạnh cho đúng cách. Hẳn nó sẽ rên la than vãn nếu cả tháng trời bạn chẳng thèm vệ sinh để nó được sạch sẽ thơm tho. Và hẳn nó sẽ nhẹ nhàng cảm ơn bạn nếu bạn biết chăm sóc đúng cách, không chỉ giúp tủ lạnh nhà bạn được gọn gàng sạch đẹp mà còn bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn.

Và bây giờ là chuyện cái tủ lạnh nhà mình.

Đó là một em Hitachi không lớn lắm cũng không nhỏ lắm, nói chung là vừa đủ để đáp ứng nhu cầu ăn uống cả tuần của một gia đình 4 người (dù hiện tại chỉ mới có 3 người thôi). Mình không có thời gian cũng như thói quen đi chợ hàng ngày, nên thường là mình mua sắm thực phẩm cho cả tuần (có khi hơn) và bảo quản trong tủ lạnh hoặc các ngăn tủ bếp nếu phù hợp. Việc bảo quản thực phẩm sao cho đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, tươi lâu, gọn gàng tiện lợi và tiết kiệm thời gian chuẩn bị bữa ăn vì thế rất quan trọng. Thường thì thực phẩm sau khi mua về được mình phân loại như thế này:

- Đối với các món chính (thịt, cá, tôm...) nếu không ăn ngay thì rửa sạch, chia thành từng bữa vừa ăn và bỏ vào hộp theo kích cỡ tương ứng. Để dễ sắp xếp và tiết kiệm diện tích, mình thường dùng một loại hộp với nhiều cỡ từ nhỏ đến lớn. Bữa nào ăn gì chỉ cần rút hộp đó ra, thường là chiều ăn thì buổi sáng mình lấy hộp thức ăn từ ngăn đông bỏ xuống ngăn mát để rã đông tự nhiên, hôm nào quên mới cần dùng đến lò vi sóng. Ngăn cửa tủ đông là nơi bảo quản khoai tây lạnh để chiên, các loại rau củ quả đông lạnh dùng làm salad. Phần này đơn giản không cần minh họa.

- Rau củ quả: Nhà mình ăn nhiều rau quả, dân nghèo mà, hehe, nên đương nhiên rất chú trọng đến việc bảo quản rau quả sao cho vừa tươi lâu lại vừa đựng được nhiều. Mình thường mua rau ở cửa hàng rau sạch, vừa yên tâm về an toàn thực phẩm, vừa tiện vì đã được đóng gói sạch đẹp, chỉ việc nhét vào ngăn rau tủ lạnh, nếu thiếu chỗ thì trưng dụng thêm các ngăn mát, bảo quản được khá lâu. Với những thứ mua ở chợ thì mình làm sạch rau củ, loại thì để ráo, loại nào cần thiết thì quay khô bằng máy spinner, sau đó cho vào hộp nhựa có nắp, bao zipper hay các khay đựng cho những loại không cần đậy kín. Làm như vậy, rau củ quả sẽ được giữ tươi suốt tuần và khi đem ra nấu chỉ việc xả sơ dưới vòi.


- Các loại gia vị cần bảo quản lạnh và thức ăn chín cần lưu trữ cũng được cho vào hộp kín và đặt nơi phù hợp. Đối với đồ ăn chín thì mình cho vào hộp thủy tinh tròn có nắp, khi lấy ra dùng chỉ việc bỏ nắp và hâm trực tiếp trong lò vi sóng, rất tiện lợi. Thức ăn nhanh, trứng, sữa, phô mai, nước uống... cũng có ngăn riêng để cất.

Tiết kiệm không gian tủ lạnh

Không cần phải sắm cái tủ lạnh quá to mới đủ chỗ đựng thực phẩm cho cả tuần. Tủ lạnh có dung tích phù hợp với số lượng thành viên cũng như thói quen sinh hoạt của gia đình sẽ đem lại sự thuận tiện và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, diện tích. Để tối ưu hóa không gian tủ lạnh, nên có sự sắp xếp hợp lý. Tránh nhét bừa vào tủ lạnh đủ thể loại bao bì, chai lọ, hộp to hộp nhỏ hoặc đồ ăn còn nguyên gói xách từ chợ về..., vừa mất vệ sinh vừa lộn xộn, rối mắt, chật chội và khó sử dụng. Hãy phân loại thực phẩm trong các loại hộp, khay, bao bì... phù hợp; sắp xếp trật tự theo các ô, ngăn tương ứng và sử dụng các đồ đựng, phân ngăn chuyên dụng cho tủ lạnh để tận dụng không gian một cách tối ưu.


Chăm sóc tủ lạnh

Đây là chế độ chăm sóc tủ lạnh ở nhà mình:

- Vệ sinh định kỳ mỗi tuần một lần bằng chanh và nước sạch. Chanh có tác dụng tẩy rửa tốt, lưu lại mùi hương thiên nhiên nhẹ nhàng và không làm thực phẩm ảnh hưởng bởi hóa chất. Vệ sinh ngay lập tức nếu lỡ để trào, dính thức ăn trong tủ lạnh.

- Luôn đặt trong ngăn mát tủ lạnh một vài lát chanh hoặc vỏ quýt để khử mùi, tạo mùi hương thơm mát tự nhiên khi mở tủ.

- Những thực phẩm có mùi luôn được đậy kín để tránh ô nhiễm mùi cho tủ lạnh cũng như các loại thức ăn khác.

- Phân loại và sắp xếp các loại thực phẩm có chức năng và chế độ bảo quản riêng theo từng khu vực tương ứng: thịt cá, rau củ quả, trứng, sữa, bơ & phô mai, thức ăn nhanh, đồ ăn chín, nước sốt & gia vị...

Chiếc tủ lạnh là người bạn thân yêu của gia đình, nên cũng cần được "lắng nghe và thấu hiểu". Nếu không được giữ gìn và sử dụng đúng cách, rất có thể nó sẽ trở thành một "kẻ giết người thầm lặng".
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét