Mỹ in tiền – nhưng in như thế nào?
Trong tuần này, báo chí đồng loạt đưa tin về chuyện ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) quyết định tung ra thêm 600 tỷ đô-la để kích thích kinh tế. Nhiều tờ báo của Mỹ dùng từ “in tiền” để chỉ chuyện này. Nhiều bài báo, khi giải thích khái niệm “nới lỏng định lượng” hay “nới lỏng số lượng” (Quantitative Easing), cũng giải thích đó là quy trình Fed “in tiền” để mua trái phiếu Chính phủ.
Dùng từ “in tiền” như thế nhiều người sẽ hiểu nhầm là động tác in thật sự, cho máy in chạy rầm rập, in ra những tờ 50, 100 đô-la để xài thoải mái. Thực tế không phải vậy, từ “in tiền” ở đây được dùng theo nghĩa bóng.
Thông thường khi nói đến tiền, chúng ta chỉ nghĩ đến các tờ giấy bạc, xanh xanh, đỏ đỏ - tức là tiền mặt. Lượng tiền mặt này thật ra rất ít so với hình dung của chúng ta. Ví dụ, theo thông tin trên trang web của Federal Reserve Bank of New York, tổng lượng tiền mặt là đô-la Mỹ (tiền giấy, tiền xu) đang lưu hành khắp nơi chỉ vào khoảng 829 tỷ đô-la, đa phần đang lưu hành bên ngoài nước Mỹ (số liệu năm 2008). Ở Mỹ, tiền mặt do Bộ Tài chính in ở những nhà máy in tiền của bộ này; việc phân phối tiền vào lưu thông giao cho Fed.
Trong thực tế, tiền còn là các khoản tiền gởi trong ngân hàng, có kỳ hạn, không có kỳ hạn… Để khỏi đi sâu vào chi tiết phức tạp, có thể hiểu cách Fed tung 600 tỷ đô-la vào nền kinh tế như thế này. Theo một lịch trình định trước, Fed tuyên bố mua vào trái phiếu chính phủ. Các ngân hàng lớn, có trái phiếu này, sẽ tranh nhau đấu thầu để bán cho Fed. Fed không đem tiền mặt trả cho các ngân hàng này mà chỉ ghi trong bảng cân đối của Fed là ngân hàng này, ngân hàng kia có thêm chừng đó tiền trong tài khoản. Vậy thôi.
* * *
Đến đây sẽ có người thắc mắc, làm vậy để làm gì, đâu có đưa tiền thật vào nền kinh tế thật đâu mà kích thích sản xuất?
Chính xác. Logic thông thường cho thấy, nếu người ta đang giữ trái phiếu, nay thấy được giá, có lời thì bán, nhưng chắc gì bán xong họ đem tiền ra tiêu đâu. Không có gì bảo đảm họ không lấy tiền đó mua tiếp trái phiếu hay các công cụ tài chính khác.
Chính sách “nới lỏng” của Fed, vì vậy, có mục đích chính yếu là nâng giá trái phiếu chính phủ lên, để từ đó giảm lợi suất của trái phiếu. Lợi suất trái phiếu giảm được kỳ vọng sẽ kéo lãi suất chung giảm xuống.
Trước đây khi lãi suất còn cao, Fed cứ tuyên bố giảm lãi suất cho khỏe, không cần dùng biện pháp “nới lỏng” này. Nay lãi suất đã giảm về gần đến 0% nên Fed hết cách, phải áp dụng cách này.
Một hệ lụy là các ngân hàng hay các nhà đầu tư tự nhiên có thêm tiền trong tài khoản, ắt sẽ đi lùng khắp thế giới để mua tài sản, kiểu như trái phiếu chính phủ hay cổ phiếu hay vàng, nhằm hưởng lợi. Đó chính là nỗi lo dòng tiền nóng sẽ chảy vào các nước châu Á. Đó là ý nghĩa đằng sau những bản tin tài chính chúng ta đọc trong tuần này.
(Có tham khảo blog của Felix Salmon, nhà báo Reuters)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét