Sòng phẳng
Khi đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu con số nợ của Vinashin là không dưới 100.000 tỷ đồng hay khi đại biểu Lê Quang Bình đặt nghi vấn nợ của Vinashin có thể lên đến 120.000 tỷ đồng, họ có cái lý của họ bởi họ đang nói đến thực thể Vinashin lâm vào khủng hoảng, phát lộ vào khoảng đầu tháng 7 năm nay.
Nhưng khi Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đăng đàn để nói về Vinashin thì ông không thể dùng những con số này được nữa vì nó không chính xác. Theo báo VnExpress, ông Ninh nói: “Căn cứ vào số liệu báo cáo của Hội đồng quản trị Tập đoàn, tổng tài sản hiện có trên sổ sách của Vinashin là 103.774 tỷ” và khẳng định: “Như vậy là toàn bộ số tiền vay của Vinashin vẫn nằm trong các dự án”.
Cách nói này không chính xác vì những điểm sau:
Lúc có quyết định tái cơ cấu Vinashin, hàng loạt công ty con của Vinashin được điều chuyển sang cho Vinalines và PVN.
(Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tách nhỏ Vinashin
Vinashin sẽ điều chuyển về PVN nguyên trạng các doanh nghiệp, dự án: Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai), phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang), Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), gồm cả Công ty công nghiệp tàu thủy Lai Vu.
Vinashin cũng phải điều chuyển về Vinalines Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang, cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau), Công ty vận tải Biển Đông, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng), Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác.
Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 đến hết quý 3-2010).
Như vậy, cả tài sản và nợ của Vinashin đã giảm đáng kể chứ không thể dùng các con số cũ nữa. Thời điểm này cũng là đã hết quý 3, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng vừa mới khoe cuối tháng 10 hay đầu tháng 11 sẽ có một Vinashin mới, sao Bộ trưởng Tài chính không cập nhật số liệu và thực trạng Vinashin cho đến giờ này cho các đại biểu? Hay không lẽ các quan chức cho đến giờ này cũng không nắm được tình hình sau “tái cơ cấu”?
Dĩ nhiên việc giảm nợ này không thực chất vì nó chỉ chuyển khó khăn từ một doanh nghiệp nhà nước này sang doanh nghiệp nhà nước khác, chưa kể đến chuyện PVN phải trả cho Vinashin một khoản tiền đáng kể để ôm mớ tài sản và nợ kia.
Thứ hai, chuyện tiền vay nằm trong tài sản là chuyện sơ đẳng trong kế toán, vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là liệu tài sản của Vinashin có tạo ra được dòng tiền để trả nợ không, bởi một doanh nghiệp không trả được các khoản nợ đến hạn xem như đã phá sản. Và tài sản đó nếu không sử dụng hiệu quả lại là tác nhân tạo ra những khoản nợ mới.
Chẳng hạn, trong tài sản cố định của Vinashin tính đến cuối năm 2009 là 42.500 tỷ đồng (lấy số tròn) thì có gần một nửa (20.000 tỷ đồng) là đang xây dựng dở dang. Thử hỏi để các tài sản đang xây dựng dở dang này thành tài sản có thể khai thác được, cần phải vay nợ thêm bao nhiêu tiền? Trong tài sản ngắn hạn cũng chừng 50.000 tỷ đồng, có đến hơn một nửa (26.000 tỷ đồng) là các khoản phải thu. Biết bao nhiêu trong số đó là các con tàu mà người thuê đóng đã bỏ hợp đồng, và biến khoản phải thu thành không thu được? Hàng tồn kho của Vinashin đến cuối năm 2009 là 18.000 tỷ đồng, biết bao nhiêu trong số đó là tàu đóng xong không bán được? Tất cả đều là tài sản của Vinashin đấy!
Như tôi đã viết trước đây, vấn đề không phải là Vinashin nợ bao nhiêu (dù tính cho ra con số chính xác cũng rất quan trọng), vấn đề là làm sao trả những khoản nợ đến hạn. Nếu ngân sách phải đứng ra trả thì phải báo cáo một cách sòng phẳng cho Quốc hội, cho mọi người dân.
Bổ sung: Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm để xảy ra vụ đổ vỡ Vinashin, thiết nghĩ cũng cần phải yêu cầu Chính phủ giải trình rõ việc dọn dẹp hậu quả cú đổ vỡ này như thế nào. Không thể tin được vào những lời lạc quan tếu như kiểu hai ba năm nữa Vinashin sẽ bắt đầu làm ăn có lãi.
Nếu Vinashin là một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán ở một nước nào đó, giờ đây giá cổ phiếu của nó ắt đã bốc hơi gần hết. Lúc đó, nếu nó thuộc loại không thể không cứu, chính phủ nước này ắt sẽ quốc hữu hóa nó, biến những khoản tiền rót vào giải cứu thành equity (vốn). Đến lúc vực dậy được rồi, chính phủ sẽ bán lại để thu hồi tiền của người dân đóng thuế.
Vinashin đã là công ty quốc doanh nên không thể quốc hữu hóa được nữa. Con đường duy nhất là tách nó ra, không phải tách thành ba phần như đã làm, mà tách công ty mẹ ra và để các công ty con thành những công ty riêng lẻ. Chuyện này cũng không khó vì thực chất cái gọi là tập đoàn Vinashin chỉ là hữu danh vô thực, đâu có tư cách pháp nhân. Chỉ có cái thực thể công ty mẹ là có tư cách pháp nhân, nên việc tách ra như vậy chỉ là trả lại đúng thực chất. Từng công ty, là những tư cách pháp nhân riêng lẻ, phải thương lượng với chủ nợ để thuyết phục họ chuyển nợ thành vốn, bán nợ… Rủi ro mất trắng khi từng công ty riêng lẻ phá sản sẽ buộc chủ nợ ngồi vào bàn đàm phán. Những khoản giải cứu rót từ ngân sách, nếu có, cũng phải chuyển thành vốn chủ sở hữu, để sau này còn tính đường thu hồi nhờ cổ phần hóa hay bán lại doanh nghiệp.
Bổ sung: Bộ trưởng Võ Hồng Phúc hôm qua cũng phân bua, rằng các tập đoàn thường hay dở luật ra để đối phó khi Bộ đến kiểm tra về các dự án đầu tư. Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 có quy định cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính. Vì thế, ông Phúc giả định, Vinashin có tài sản 113.000 tỷ đồng theo sổ sách thì họ có thể quyết định đầu tư đến 55.000 – 57.000 tỷ đồng tức là hơn cả dự án đặc biệt quan trọng phải trình Quốc hội.
Ông Phúc nói vậy là chưa đầy đủ.
Luật Doanh nghiệp có quy định như vậy. Nhưng ngay sau đó, Nghị định 199/2004 như một nghị định hướng dẫn thi hành luật này, nói rõ: “Hội đồng quản trị quyết định các dự án đầu tư có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty được công bố tại quý gần nhất, nhưng không quá mức cao nhất của dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng”.
Mức cao nhất của dự án nhóm B là 600 tỷ đồng.
Quy chế quản lý tài chính các công ty nhà nước ban hành năm 2009 cũng có quy định rõ như thế. Làm gì có chuyện luật cho phép Vinashin tự quyết các dự án lên đến 55.000 tỷ đồng!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét