Indonesia hay Nam Dương (quốc danh mà những người thuộc thế hệ của tôi hay gọi) là một nơi tôi rất muốn tìm hiểu thêm. Đây là một trong những nước vùng Đông Nam Á có nhiều nét văn hoá và văn minh định hình văn minh Sundaland mà công trình Eden in the East của Stephen Oppenheimer từng nhắc đến và tôi từng viết lời giới thiệu. Nam Dương cũng có nhiều nét văn hoá tương đồng với văn hoá Đông Sơn. Do đó, có cơ hội tìm hiểu và cảm nhận vùng đất này phải là một kinh nghiệm có ích.
Thật ra, đây là chuyến đi vài ba việc chứ không chỉ một việc duy nhất. Trước hết là dự hội nghị thấp khớp học ở Ninh Bình, sau đó là một lớp tập huấn CME 2 ngày ở Sài Gòn, rồi sau đó mới bay đi Jakarta. Ở Ninh Bình tôi nói 2 bài. Bài thứ nhất nằm trong chủ đề "favorite" của tôi, đó là tại sao bệnh nhân gãy xương hay chết sớm. Bài thứ hai nói về cách hiểu những kết quả nghiên cứu RCT về ảnh hưởng của các chế phẩm sinh học (biologics) càng ngày càng được sử dụng ở bệnh nhân thấp khớp. Tôi nghĩ những ai dùng các chế phẩm này cho bệnh nhân nên biết qua khái niệm "effect size" là gì và nó có ý nghĩa gì trong lâm sàng và cá nhân bệnh nhân. Biết rồi thì việc quyết định dùng hay không dùng có khi cần phải thay đổi. Bài này đáng lẽ phải nói vào ngày Chủ nhật, nhưng vì tránh bão (để tôi bay vào Sài Gòn sớm) nên ban tổ chức sắp xếp lịch giảng cùng ngày. Tuy vậy, do các diễn giải trước nói quá giờ, nên bài của tôi đáng lí ra là 3:30 pm mà mãi đến 5:00 pm mới nói. Có một vị nói quá cả 30 phút mà ban chủ tọa chẳng làm gì để nhắc nhở. Đến khi có người trong ban tổ chức nóng lòng lên nhắc nhở nhẹ thì vị này ngang nhiên nói "Tôi không quan tâm"! Đúng là bótay.com. Tình trạng (hay "bệnh") nói quá giờ ở VN càng ngày càng trở thành một bệnh mãn tính. Ở nước ngoài, nói quá giờ trong các hội nghị được xem là một hình thức "ăn cắp giờ" (time stealing). nên bị đồng nghiệp xem thường. Nếu không trị dứt căn bệnh ăn cắp giờ này thì VN sẽ còn xấu hổ với bạn bè quốc tế.
Tôi bay chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn cuối cùng trong ngày, và vào khách sạn Sài Gònlúc 1:10 sáng! May phước tránh được bão và có 1 ngày thưởng thức cà phê ở Sài thành để chuẩn bị cho lớp học ngày mai. Lớp học CME này đã được lên chương trình từ năm ngoái, do Hội lão khoa và Novartis tổ chức. Tôi nói một mạch 10 bài giảng liên quan đến RCT:
1. Tại sao y học thực chứng?
2. Phương pháp tìm y văn trong Pubmed
3. Mô hình nghiên cứu RCT
4. Tiêu chuẩn để đánh giá một nghiên cứu RCT
5. Diễn giải kết quả nghiên cứu RCT phần 1
6. Diễn giải kết quả nghiên cứu RCT phần 2
7. Những bẫy thường gặp trong kết quả RCT
8. Ứng dụng kết quả nghiên cứu RCT cho bệnh nhân
9. Giới thiệu khái niệm QALY
10. Tiêu chuẩn đánh giá nghiên cứu quan sát
Tất cả đều được soạn mới. Tôi rất ghét “recycle” những bài giảng cũ để làm bài mới ở một lớp mới, vì nghĩ làm như thế là thiếu tôn trọng người nghe/học. Tôi tâm đắc với bài 7 vì có nhiều trường hợp làm cho nhiều bạn rất ngạc nhiên. Đó là những trường hợp tôi phải dày công "sưu tập" từ những journal clubs và bài nói chuyện của đồng nghiệp ở Viện Garvan và các hội nghị mà tôi từng tham dự và tham gia. Đã từng nghe và dự nhiều nơi, tôi chủ quan và có thể tự tin cho rằng chất lượng của những bài giảng trên ngang tầm hay cao hơn so với bất cứ bài giảng nào của bất cứ chuyên gia nào từ bất cứ đại học nào trên thế giới. Lớp học có khoảng 110 học viên. Điều phấn khích là 99% đều theo dõi đến giờ cuối, chứ không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Sau lớp tập huấn ở Sài Gòn, tôi đáp máy bay đi Jakarta ngay. Tất tả đi lại cũng mệt, nhưng cũng vui vì đem lại vài điều có ích cho bạn bè đồng nghiệp quốc tế và Việt Nam.
Tôi bay chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn cuối cùng trong ngày, và vào khách sạn Sài Gònlúc 1:10 sáng! May phước tránh được bão và có 1 ngày thưởng thức cà phê ở Sài thành để chuẩn bị cho lớp học ngày mai. Lớp học CME này đã được lên chương trình từ năm ngoái, do Hội lão khoa và Novartis tổ chức. Tôi nói một mạch 10 bài giảng liên quan đến RCT:
1. Tại sao y học thực chứng?
2. Phương pháp tìm y văn trong Pubmed
3. Mô hình nghiên cứu RCT
4. Tiêu chuẩn để đánh giá một nghiên cứu RCT
5. Diễn giải kết quả nghiên cứu RCT phần 1
6. Diễn giải kết quả nghiên cứu RCT phần 2
7. Những bẫy thường gặp trong kết quả RCT
8. Ứng dụng kết quả nghiên cứu RCT cho bệnh nhân
9. Giới thiệu khái niệm QALY
10. Tiêu chuẩn đánh giá nghiên cứu quan sát
Tất cả đều được soạn mới. Tôi rất ghét “recycle” những bài giảng cũ để làm bài mới ở một lớp mới, vì nghĩ làm như thế là thiếu tôn trọng người nghe/học. Tôi tâm đắc với bài 7 vì có nhiều trường hợp làm cho nhiều bạn rất ngạc nhiên. Đó là những trường hợp tôi phải dày công "sưu tập" từ những journal clubs và bài nói chuyện của đồng nghiệp ở Viện Garvan và các hội nghị mà tôi từng tham dự và tham gia. Đã từng nghe và dự nhiều nơi, tôi chủ quan và có thể tự tin cho rằng chất lượng của những bài giảng trên ngang tầm hay cao hơn so với bất cứ bài giảng nào của bất cứ chuyên gia nào từ bất cứ đại học nào trên thế giới. Lớp học có khoảng 110 học viên. Điều phấn khích là 99% đều theo dõi đến giờ cuối, chứ không có tình trạng bỏ học giữa chừng. Sau lớp tập huấn ở Sài Gòn, tôi đáp máy bay đi Jakarta ngay. Tất tả đi lại cũng mệt, nhưng cũng vui vì đem lại vài điều có ích cho bạn bè đồng nghiệp quốc tế và Việt Nam.
Cách đây gần 20 năm tôi có dịp đến Jakarta trình bày một lần, nhưng lần đó thì chẳng có nhiều thì giờ nên chỉ chợt đến rồi lại vội vã ra đi. Cơ hội đến Nam Dương lần hai qua Hội nghị AFES lần thứ 17 ở Jakarta. Cơ hội này bắt đầu từ Hội nghị AFES (Liên hiệp hội nội tiết học vùng Đông Nam Á) lần thứ 16 được tổ chức ở Sài Gòn, và tôi là một trong những thành viên của ban tổ chức. Sau buổi lễ kết thúc lần đó, Nam Dương được chọn để đăng cai tổ chức Hội nghị AFES 17. Ban tổ chức AFES-2013 Nam Dương có nhã ý mời tôi đến đây để đóng góp bài giảng. Thế là tôi hào hứng lên đường.
Tôi đến phi trường quốc tế Soekarno lúc 1:05 pm. Làm thủ tục lấy visa (vì tôi mang quốc tịch Úc) ngay tại phi trường không đầy 1 phút. Họ làm việc hiệu quả một cách thật ấn tượng! Do giờ giảng của tôi là 3 pm, nên ban tổ chức cử người đích thân ra phi trường dẫn dắt tôi qua hải quan không đầy 2 phút. Tôi đi qua các cổng dành cho phi hành đoàn và khách VIP (mà tôi không phải là khách VIP và dĩ nhiên chẳng phải là người của đoàn máy bay). Đi cứ như là chạy. Chạy ra bến xe, đã có xe chờ sẵn, và người hướng dẫn “xí xô xí xào” gì đó, rồi nói “go”. Tài xế cũng biết đây là ca gấp, nên anh ta lái xe lạn lách qua các xa lộ làm tôi có lúc đứng tim. Tôi đến khách sạn lúc 2:40 pm, không phải check-in vì không có thì giờ, và “bay” một phát lên hội trường trong tư thế chỉnh tề. Chỉnh tề hiểu theo nghĩa quần áo chỉnh chu và “chính chủ”, máy tính đã mở sẵn, slides đã lên dàn, v.v. Đến nơi, trong lúc mọi người đang thảo luận phiên họp đầu, tôi lấp máy vào projector và nói ngay. Đúng giờ. Thật là một chuyến đi như chạy, nhưng may mắn thay, tất cả đều xảy ra ok và đúng giờ.
Trên đường đi, tôi đọc chương trình hội nghị thì thấy họ để tôi là người đến từ Việt Nam. Thì đúng là tôi đến từ Việt Nam, nhưng tôi mang quốc tịch Úc. Tôi nghĩ mình có thể “đem chuông đi đấm xứ người”, và có khi cảm thấy vinh hạnh trong dịp này. Nhưng tôi phải có một địa chỉ liên quan với Việt Nam, chứ chẳng lẽ tôi nói chuyện cho Úc hay sao? Tôi “hoảng hồn” và suy nghĩ hoài, nhưng chưa tìm ra địa chỉ nào cả. Trước đây, tôi là visiting professor của Đại học Y Hà Nội, nhưng đã hết hạn. Nghĩ một hồi tôi chợt nhớ mới đây Đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm tôi làm visiting professor của Trường, và thế là tôi phải sửa slide đầu tiên với tên của Đại học Tôn Đức Thắng. Có địa chỉ Việt Nam đàng hoàng nhé! :-)
Hình 1: Slide đầu tiên của bài giảng trong Hội nghị AFES 17
Đêm dự buổi dạ tiệc tiền hội nghị cũng hay hay. Ban tổ chức có mời một ban nhạc cổ truyền đến biểu diễn cho khách thưởng lãm. Tôi phải khách quan mà nói rằng tôi thấy chương trình nhạc chẳng hay ho gì cả (kém hơn VN là chắc). Anh chàng nhạc công chơi nhạc bằng một nhạc cụ cổ truyền nhưng rất ư là đơn điệu. Thức ăn cũng chẳng có gì ngon, kém Việt Nam và Thái Lan xa (nhưng tốt ơn Mã Lai). Vui nhất là họ có món “phở” Việt Nam. Tôi và Bs Khoa (Bệnh viện 115) mon men đến quầy phở và thử xem nghệ thuật nấu phở của người Nam Dương ra sao, và thẩy họ nấu phở rất ngộ nghĩnh. Họ có một nồi súp với thịt bò trong đó (tức đã nấu chín), bên cạnh là cọng hủ tíu khô, và phía trước là một hàng gia vị và rau, bao gồm nước tương xì dầu, nước mắm, nước … linh tinh. Tô phở của họ là cái li giống như li cà phê (lớn hơn li cà phê một chút). Ai đến gọi phở, họ múc nước súp ra “tô”, rồi bỏ hủ tiếu vào, và khách ăn thì tự mình thêm gia vị và nước chấm. Dĩ nhiên cọng hủ tiếu thì rất sống sượng, cộng thêm loại súp mặn, nên chẳng ăn được gì cả. Ấy thế mà cái hàng phở này là nơi có nhiều người xếp hàng nhất! Phở muôn năm!
Sáng nay (14/11) là ngày khai mạc chính thức. Buổi lễ khai mạc họ làm cũng rất trang trọng. Trang trọng là vì có sự hiện diện và bài nói chuyện của bộ trưởng bộ y tế. Sau bài giảng keynote của một diễn giả Phi Luật Tân, họ mời ông bộ trưởng y tế của Nam Dương đến nói một bài và khai mạc hội nghị. Bài nói chuyện (hay bài giảng?) của ông đề cập đến diễn biến bệnh tiểu đường ở Indonesia trong thời gian 20 năm qua, và những nỗ lực mà chính phủ của ông đã làm để giảm gánh nặng của bệnh trong cộng đồng dân số. Năm 2007, tỉ lệ dân Nam Dương mắc bệnh tiểu đường là 1.1%, 6 năm sau thì tăng lên 2.3%. Ở thành thị trong cùng thời gian, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng từ 5.7% lên 6.8%. Nam Dương bắt đầu triển khai bảo hiểm y tế cho toàn dân, và ông hi vọng rằng qua các biện pháp y tế công cộng Nam Dương sẽ cố gắng “khống chế” sự phát triển của bệnh tiểu đường trong tương lai. Bên cạnh podium là cái cồng chiêng y chang như cồng chiêng chúng ta thấy ở các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nói xong bài, ông được mời gõ vào cái cồng chiêng để chính thức khai mạc Hội nghị AFES17.
Hình 2: Bộ trưởng Y tế Indonesia khai mạc Hội nghị AFES 17
Tôi thích anh chàng bộ trưởng này. Anh ta khoảng 50 tuổi, thấp người, mặt vui tươi. Anh ta nói tiếng Anh thông thạo và rất Tây. Thỉnh thoảng anh ta pha trò làm cho khán phòng cười ầm lên. Chẳng hạn như anh ta nói “Tôi hi vọng rằng các bạn đã trải nghiệm được giao thông ở Indonesia”. Giao thông và kẹt xe ở đây phải nói là kinh khủng. Tôi tưởng kẹt xe kiểu Sài Gòn là khiếp đảm rồi, nhưng so với Jakarta thì Sài Gòn còn may mắn chán. Lí do là vì dân ở đây dùng xe hơi quá nhiều, đường xá trong thành phố thì phát triển không kịp nhịp độ phát triển kinh tế, nên kẹt xe xảy ra triền miên. Nói chung cách anh ta nói đùa rất ư là ý nhị và vui. Anh ta kể chuyện anh khuyên thầy của anh ta ngưng hút thuốc lá, nhưng thầy anh ta nói “Ở Nam Dương, nguy cơ chết vì tai nạn giao thông cao hơn nguy cơ chết vì hút thuốc lá”!
Hình 3: Bộ trưởng Y tế Indonesia, trẻ măng, lịch lãm, vui vẻ, một chính khách hiện đại
Khả năng diễn thuyết bằng tiếng Anh, diễn giải kết quả nghiên cứu minh bạch, và cách pha trò cho thấy anh ta là một người rất am hiểu về thông tin của mình, và thân thiện với đồng nghiệp. Rất khó thấy một quan chức cấp Bộ nào ở Việt Nam có khả năng này. Điều đáng nói là anh ta không nề hà khi mình nói sau một giáo sư ở Phi Luật Tân, và điều này thì chắc chẳng bao giờ xảy ra ở Việt Nam, nơi mà quan đều nói trước và chuyên gia nói sau.
Hình 4: Hình lưu niệm sau bài giảng của tôi
Một thoáng hội nghị AFES 17
Sáng nay (15/11) mới đọc một bản tin AFES thấy hình tôi trên trang đầu trong lúc giảng. Những hội nghị lớn bây giờ họ cũng bắt chước phong cách Mĩ, tức là mỗi ngày ra một bản tin gọi là “highlights” trong ngày. Bản tin AFES 2013 này có nhắc đến bài tôi nói, nhưng hình như người viết chưa hiểu hết ý nên viết chưa đạt. Thôi kệ, cũng chẳng sao, và chắc cũng chẳng có mấy ai đọc. Ban tổ chức cho biết có 1300 đại biểu đăng kí trả tiền dự hội nghị, nhưng tôi có cảm giác con số thực sự đi dự xuyên suốt thì chỉ 1/2 con số đó. Phần còn lại chẳng biết họ đi đâu. Có thể đi shopping hay đi chơi …
Hình 5: Bản tin Hội nghị AFES 17 có đề cập đến bài của tôi. Bên trái là thư mời dạ tiệc của Thống đốc Jakarta
Khách sạn này (Ritz-Carlton) tuy là loại upmarket, nhưng tôi có cảm giác như mình ở … nhà tù. Khách sạn rất lớn, toạ lạc trên một mảnh đất kim cương thuộc trung tâm thành phố, và có trên 1000 phòng. An ninh cực kì chặt chẽ. Bất cứ xe nào vào khách sạn cũng phải đi qua cái check-point, nơi có 5 bảo vệ như cảnh sát kiểm tra. Họ dùng chó kiểm tra bánh xe, dùng công cụ điện tử để rà mìn/bom, và yêu cầu tài xế mở cốp xe trước và sau, họ còn mở cửa nhìn khách xem có thuộc thành phần nguy hiểm! Vào đến khách sạn, khách vẫn phải qua một cái check-point khác, nơi cũng có 4 nhân viên bảo vệ rà soát hành lí bằng máy scan y chang như ở phi trường. Mỗi lần khách ra ngoài khách sạn, dù chỉ 1 phút, và về lại thì vẫn phải qua cái check-point này. Thật là cực khổ!
Hình 6: Tiền sảnh khách sạn Ritz-Carlton ở Jakarta. An ninh gần như tuyệt đối (nghe nói khách sạn này từng bị đánh bom nhưng không thành)
Phía ngoài khách sạn cũng rất khó đi lại. Phía trước là một khách sạn khổng lồ khác. Chẳng có shopping hay nhà hàng nào gần đây cả. Thức ăn của hội nghị thì tôi nuốt không nổi, mà ra ngoài thì sợ phí thì giờ và mất mấy bài nói đáng nghe hay … đáng hỏi. Thành ra, đành phải ngậm ngùi nhịn đói suốt ngày. Nhà hàng gần nhất thì cũng 5 cây số. Khách sạn có xe shuttle miễn phí, nhưng xe chỉ chở khách đến chợ, chứ không có xe đón về. Đi về thì phải bằng taxi. Mà, đón taxi thì là một cực hình vì hầu hết taxi đều có khách. Một buổi trưa tôi dại dột đứng chờ cả 30 phút mà không tìm được một chiếc nào. Thế là lội bộ về khách sạn. Đi bộ 5 cây số ở đây là một cực hình. Xe cộ đặc đường phố như nêm. Đi không cẩn thận là coi chừng bỏ mạng, vì tài xế ở đây cũng kinh khủng chẳng kém gì phe ta bên VN. Nói chung là đi phó hội mà tình hình rất ư là căng thẳng.
Nói ra thì mang tiếng “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng tôi nghĩ mình khách quan mà nói thì Hội nghị này theo tôi thấy không bằng chương trình ở VN năm 2011. Không như lần ở VN chúng ta dành cho khách ngoài nói, còn lần này ở đây ban tổ chức dành cho người địa phương (Indonesia) nói rất nhiều, còn mấy nước thành viên thì chỉ le ngoe vài người. Tôi bực mình đến nỗi phải nói thẳng trong phiên họp ban tổ chức là “bọn các anh làm ăn không mang tính quốc tế”. Tôi nghĩ họ thừa thông minh để biết tôi muốn nói gì. Chất lượng khoa học cũng không tốt như tôi mong đợi. Có vài người trình bày nghiên cứu mà chẳng biết gì cả. Một ông Singapore nói tiếng Anh (dĩ nhiên) là khá, nhưng khi tôi hỏi ông ta về abdominal obesity thì ổng nói rằng ông không biết vì không có nghiên cứu, và ông chỉ quan tâm đến di truyền học. Tôi bắt ngang qua di truyền học và hỏi ông ta về một gen cụ thể thì ổng cũng ú ớ … nói nhảm. Chán quá, nên tôi không ép tiếp làm gì. Còn một ông Thái Lan kia nói về mấy cái mô hình tiên lượng CVD mà cũng chẳng hiểu thực chất, nên khi nói xong thì chẳng ai hỏi gì cả. Thấy tội nghiệp, nên tôi làm bộ khơi mào bằng một câu hỏi đơn giản để ông ấy bớt ngượng, vậy mà ổng cũng chào thua và nói linh tinh. Tôi nghĩ chắc là họ chọn speakers chưa kĩ nên xảy ra tình trạng đáng tiếc. Lần tổ chức ở Sài Gòn, khách mời giảng từ các nước Âu Mĩ đều là những chuyên gia tên tuổi, còn lần này thì quá khác. Hi vọng lần tới ở Mã Lai họ làm ăn khá hơn.
Đêm giao lưu văn hoá
Tối qua là đêm giao lưu văn hoá, còn gọi là Cultural Night, một “hoạt động” mang tính truyền thống của Hội nghị AFES. Theo chương trình thì mỗi nước trong AFES sẽ có một đoàn trình diễn văn nghệ cho khán giả thưởng thức. Có tập dượt đàng hoàng, và có người trưởng đoàn đứng ra giới thiệu. Cũng có thể xem là một hình thức giao lưu văn hoá. Tôi tham gia đêm văn hoá này lần đầu nên cũng háo hức muốn tìm hiểu xem các nước có “trò” gì cho mình xem. Tôi vốn mê tìm tòi văn hoá mà …
Thông thường các đoàn trình diễn những màn văn nghệ mang tính truyền thống. Các nước có nền văn hoá cổ truyền trong vùng thường trình diễn những màn múa đậm bản sắc dân tộc. Còn đoàn VN thì chẳng ai biết múa. Chẳng lẽ những màn cầm nón quơ qua quơ lại thì chán quá. Thế là sau khi bàn tán, đoàn Việt Nam quyết định trình diễn một ca khúc có tên là “Sài Gòn đẹp lắm” của Nhạc sĩ Y Vân. Đoàn Việt Nam cũng tập dượt khá cẩn thận, nhưng tôi không có tham gia vì nghĩ mình không còn ở độ tuổi vui nhộn đó.
Mọi chuyện chuẩn bị đâu ra đó thì xảy ra “sự cố”. Người trưởng đoàn là chị Kh bị dị ứng thực phẩm nên bị ói mửa xanh cả người. Chị không thể đi tham dự đêm văn hoá để giới thiệu đoàn. Chị nhờ tôi giới thiệu bài hát và đoàn VN. Tôi hơi bất ngờ nhưng sẵn sàng thay thế chị ấy để “đem chuông đi đánh xứ người”, và tôi tự tin rằng mình sẽ làm tốt công việc đó. Thế là tôi nhận lời, nhưng thú thật tôi cũng chưa biết mình sẽ nói cái gì và phải làm gì để khác hẳn những bọn làng nhàng trong ASEAN kia. Nói ra thì mang tiếng tự cao tự đại, nhưng tôi đã khẳng định với đoàn là mình phải làm khác, mình là “nước lớn” (đông dân) nên mình phải hành xử một cách “đàn anh” so với đám Singapore hay Mã Lai!
Tôi đến quảng trường Monument đúng giờ, nhưng chẳng thấy phe ta đâu cả! Tôi đâm lo. Hay là phe ta bị kẹt xe, hay là họ bỏ cuộc, hay là họ sao đó. Tôi đi lại và tự phân tích: bỏ cuộc thì khó xảy ra, rất có thể là do kẹt xe. Kẹt xe thì ở cái nơi này là một “fact of life”, nó xảy ra triền miên, hết ngày này sang ngày nọ. Dù tự phân tích như thế nhưng tôi vẫn lo và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. May quá, trong lúc đang lo lắng thì đoàn VN xuất hiện cả 20 người. Tôi đến thông báo tin không hay là chị K không đến được và tôi sẽ thay chị ấy làm … MC cho đoàn ta. Ai cũng ngạc nhiên, nhưng ai cũng có vẻ tin tưởng tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ. Tôi hỏi một lần nữa các em trình diễn bài gì, và tôi nói cho các em biết tôi sẽ nói gì, nói như thế nào để làm rạng danh phe ta.
Tôi đã theo dõi kĩ các đoàn khác và cách họ làm. Họ có sẵn một tờ giấy (chắc là diễn văn) và họ cầm đọc hay nói theo nội dung trong tờ giấy. Tôi thì đại kị kiểu đó, và vẫn xem là một kiểu làm … thấp kém. Họ đọc cũng nhàm chán, nói thì giọng cứ đều đều rất dễ buồn ngủ. Vì thế tôi đã đề ra chính sách cho mình là không có chuyện đọc, mà phải ứng khẩu và nói hào hứng, nói về một Sài Gòn trẻ trung và năng động, và một Việt Nam cổ kính.
Đêm nay có 2 người làm MC chương trình: một nam và một nữ. Người MC nam là một bác sĩ trong ban tổ chức AFES 17, còn nữ MC là người hình như là từ ngoài. Cả hai đều ăn nói duyên dáng, và nói tiếng Anh rất giỏi. (Chứ không giống như MC Việt Nam vốn chỉ được dịp õng ẹo hơn là phô trương trí tuệ). Hai người MC có nhiệm vụ giới thiệu đoàn, rồi sau đó đoàn có người nói về màn trình diễn của họ. Người thì nói về đất nước xinh đẹp của họ, kẻ thì đề cập đến nét văn hoá đặc thù, lại có người (như Singapore) nhấn mạnh tính đoàn kết.
Điều đặc biệt là cô MC có chồng Việt Nam, và cô ấy rất tự hào rằng chồng mình là người Việt. Cô ấy khoảng 40 tuổi, biết cách ứng phó thông minh chẳng kém Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Cô hỏi khán giả rằng nước nào mạnh nhất thế giới, Mĩ phải không, và cô tự trả lời là "không", Việt Nam mới là mạnh nhất thế giới (chắc cô ấy muốn nói VN đánh bại Mĩ). May phước cô ngưng ở đó, nhưng tôi là người Việt cũng có khi phân vân vì nhiều đồng nghiệp Mĩ đang ngồi trong hội trường. Dù sao đi nữa thì cô ấy cũng là "người phe ta", và người duyên dáng và có cảm tình với VN như thế thì làm sao tôi phụ lòng được. (Sau này tôi gặp riêng cô ấy và nói rằng “em là dâu Việt Nam đó nhé”).
Khi được giới thiệu đoàn VN một cách ưu ái, và các bạn phe nhà đã sẵn sàng bên cánh gà, tôi lên khán đài giới thiệu. Tôi nói đại khái rằng: “hồi nãy giờ các bạn đã thưởng thức những màn múa quá tuyệt vời của các bạn Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, chúng tôi cảm thấy khó mà bắt kịp. Do đó, chúng tôi xin chuyển tông sang nhạc. Nhạc là ngôn ngữ phổ quát và sẽ gột rửa linh hồn chúng ta. Ca khúc mà các bạn sắp nghe nói về thành phố Sài Gòn, nay gọi là “Ho Chi Minh City”, và được xem là một “Hòn ngọc Viễn Đông”. Sài gòn là thành phố 300 tuổi. Nhưng theo tiêu chuẩn của Việt Nam, một đất nước với 4000 năm lịch sử (cái này tôi hơi … phóng đại) thì 300 tuổi là “trẻ”. Vì trẻ nên Sài Gòn là thành phố vibrant và dynamic. Các bạn sẽ thấy cái vibrant và dynamic đó trong nhịp điệu bài hát mà ca đoàn bác sĩ nội tiết sẽ trình bày sau đây. Bây giờ, tôi đề nghị các bạn vỗ tay để chào đón ca đoàn bác sĩ nội tiết VN trong bài … Beautiful … Saigon.” Tôi nói một mạch như giảng bài, nói lớn, và tương tác với khán giả (chứ không đứng một chỗ), nên tạo nên một khác biệt hẳn so với các đoàn khác. Nhìn khán giá há hốc theo dõi, tôi biết mình đã làm một “difference”.
Phe nhà vì đã chuẩn bị kĩ nên hợp ca bài này rất đạt. Các bạn trong đoàn hỏi tôi ca như vậy có đạt không, và dĩ nhiên tôi nói đạt chứ. Phải nói điệu nhạc vui tươi và lời ca đẹp làm cho bài hát rất hợp tình hợp cảnh. Sau này có đoàn Singapore đến chỗ tôi ngồi và khen ca khúc đó là đẹp –beautiful song. Tuy nhiên, Việt Nam gặp một đối thủ lợi hại là Philippines. Đoàn này chuẩn bị công phu hơn ta và có hai giọng ca nam xem ra rất chuyên nghiệp. Vui nhất là một em bác sĩ trong đoàn VN nhận xét: tụi nó là bác sĩ mà ca còn hay như thế, dân chuyên nghiệp của nó chắc còn còn gấp bội, tụi mình khó mà đấu lại nó. Tôi nghĩ em này nói đúng, nhưng giai điệu bài hát của mà đoàn Philippines trình bày tôi thấy không hay, nó cứ đều đều và đơn điệu, thua xa bài Sài Gòn Đẹp Lắm. Vì thế, tôi vẫn chủ quan cho rằng phần trình diễn của đoàn VN là hay, không có gì phải mặc cảm cả.
Đến cuối bài hát khi đoàn VN đi vào phía sau cánh gà, cô MC “lôi” tôi ra để song ca! Tôi hoàn toàn chẳng có chuẩn bị gì cả, nên cũng một vài giây lúng túng. Nhưng may quá, cô ấy ca bài “Và tôi cũng yêu em” của Đức Huy (ca bằng tiếng Việt hẳn hoi, chắc là do chồng cô ấy dạy), một bài rất quen thuộc, nên tôi sẵn sàng song ca vài câu cho vui cùng cô MC xinh đẹp. Cô ấy ca một câu, tôi nối một câu và cố gắng … nhớ lời ca. May quá, cô ấy ngưng ở chỗ “Và tôi cũng yêu anh” để tôi nối lời "yêu em nồng nàn, yêu em chứa chan". Vui nhất là khi ngồi vào bàn của đoàn VN, mấy em phe ta hỏi: “yêu em là yêu em nào”? Trời, hỏi gì mà khó thế, chỉ vui thôi mà, chứ có yêu với iếc gì.
Hình 7: Chụp hình lưu niệm đoàn Việt Nam trong đêm giao lưu văn hoá (ảnh của Panda Phạm và Trương Dạ Uyên, hai bác sĩ trong đoàn)
Nói chung, chúng tôi đã có một đêm cultural night vui vẻ trước khi kết thúc hội nghị AFES lần thứ 17. Hai năm nữa, chúng tôi sẽ gặp ở Malaysia.
Miến Điện
Hôm đi dự buổi dạ tiệc, tôi ngồi bên cạnh một đồng nghiệp từ Miến Điện. “Miến Điện” là tên gọi (bằng tiếng Việt) của Burma trước kia, và nay là Myanmar. Vị này là một giáo sư y khoa của Trường Y thuộc Đại học Miến Điện. Bà khoảng 60 tuổi, nói tiếng Anh cực kì chuẩn, và cũng biết khá nhiều chuyện. Nói chuyện với bà tôi phát hiện Miến Điện có nhiều điểm giống giống với Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Trước hết là quốc danh. Tôi hỏi bà tại sao ngày nay thay đổi quốc danh từ Burma sang Myanmar, bằng một thái độ thở dài, bà nói mà tôi có thể diễn giải nôm na bằng tiếng Việt như sau: ối giời ơi, cái bọn quân phiệt chúng nó thay đổi quốc danh thành Myanmar là tên có từ thời thuộc địa, chứ người dân đâu có chấp nhận cái tên này; người dân thích quay về Burma hơn. Burma là tên một sắc tộc (ethnicity) lớn, cũng giống như Kinh là sắc tộc lớn nhất ở Việt Nam.
Tôi giả bộ hỏi rằng nghe nói Miến Điện sắp tổ chức bầu cử theo mô hình dân chủ, thì bà hào hứng hẳn lên và nói: đúng rồi, năm tới sẽ có bầu cử và chúng tôi sẽ có quyền chọn người đại diện. Tôi đề cập đến Aung San Suu Kyi và tỏ lòng ngưỡng mộ người phụ nữ phi thường này, và khoe rằng tôi đã đọc sách của bà ấy viết. Bà đồng nghiệp cười nói rằng bà ấy (Suu Kyi) là người Miến Điện nổi tiếng nhất hiện nay. Bà Suu Kyi cũng là một “icon” của Miến Điện, và bà xứng đáng với biểu tượng đó.
Hết chuyện chính trị quay sang chuyện giáo dục. Bà ấy than phiền rằng tình hình giáo dục đại học Miến Điện hiện nay rất rối rắm vì đang lúng túng khi bước vào cuộc chơi toàn cầu. Chương trình đào tạo y khoa mặc dù được dạy bằng tiếng Anh, nhưng sách giáo khoa quá lạc hậu trong thời gian dưới chế độ quân phiệt. Chế độ quân phiệt không ưa nền giáo dục phương Tây, nên họ tìm cách hạn chế giao lưu với các nước Âu Mĩ. Nay thì Miến Điện đã có chút tự do nên Miến Điện một lần nữa lại tiếp xúc với các nước Âu Mĩ, và họ lúng túng.
Lúng túng trong quyết định “chơi với ai và học ai?” Rất nhiều nước Âu Mĩ khi thấy Miến Điện mở cửa thì họ nhảy vào để “hợp tác” và bà phải tiếp rất nhiều phái đoàn. Bà hỏi tôi một câu cụ thể và thách thức rằng nếu tôi là hiệu trưởng và có 3 nước Mĩ, Úc và Anh vào muốn giới thiệu chương trình của họ thì tôi sẽ chọn ai. Tôi nói còn tuỳ thuộc vào trường đến mời chào, và giả định rằng nếu lựa chọn giữa các trường top của Mĩ và Úc thì tôi sẽ không ngần ngại chọn Mĩ. Còn nếu mấy trường làng nhàng và mickey mouse của Mĩ và Úc thì nên chọn Úc hay Anh. Mô hình học thuật của Úc rất phản dân chủ và phản khoa học, nên đừng chọn nó làm gì. Mĩ giàu có hơn, hào hiệp hơn, danh tiếng hơn, và họ rất sẵn sàng giúp đỡ các nước nghèo một cách bất vị lợi. Bà cho biết Đại học Johns Hopkins có nhã ý giúp Miến Điện, rồi hỏi tôi Johns Hopkins là trường ra sao. Tôi cực kì ngạc nhiên về câu hỏi này, vì đáng lẽ bà phải biết rằng đó là một trường y hàng đầu thế giới; họ có nhã ý giúp thì nên đón nhận. Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy thông cảm cho bà vì bao nhiêu năm nay bị bọn quân phiệt đóng cửa nước nên chẳng biết thế giới bên ngoài ra sao và ai là ai.
Ba than phiền rằng những năm gần đây khi Miến Điện mở cửa, và bác sĩ có dịp ra nước ngoài dự hội nghị như hội nghị này bà mới thấy cách đào tạo của Miến Điện quá lạc hậu. Lạc hậu về kiến thức. Lạc hậu về luật chơi trong khoa học. Bà nói đó chính là lí do tại sao bà chỉ đóng vai trò quan sát mà chẳng có ý kiến gì trong buổi họp editorial board hôm trước. Bà thú nhận rằng bà nghe tôi hỏi và nói trong buổi họp mà không biết tôi nói gì vì những thuật ngữ quá xa lạt đối với bà! Tôi rất thông cảm cho bà, vì nghĩ trong bụng tình hình Việt Nam cũng thế thôi. Khi Việt Nam mới mở cửa thì mình mới thấy là mình không cùng “bộ lạc” với người ta, và có lúc cảm thấy cô đơn. Bây giờ thì VN đỡ hơn rồi, có thế hệ trẻ sau này năng động và worldly hơn, tuy rằng cũng chưa ngang hàng với các đồng nghiệp quốc tế do hạn chế về ngoại ngữ và chưa có thời gian cọ xát đủ để hiểu luật chơi cho thật tốt. Nghĩ thế tôi mới an ủi bà rằng cứ chờ 20 năm nữa thì đồng nghiệp Miến Điện sẽ hội nhập thôi. Thật ra, tôi nghĩ họ không chờ 20 năm đâu, mà chỉ 10 năm thôi vì họ nói tiếng Anh giỏi hơn Việt Nam.
Hình 8: Tạp chí JAFES (www.asean-endocrinejournal.org)
Cái khổ của thiếu sự cọ xát là nghi kị. Thấy ai khác mình cũng nghi kị là “chắc nó có âm mưu đen tối”. Cái tư duy “Tào Tháo” này rất có hại. Hôm qua gặp một đồng nghiệp Phi Luật Tân trong hội nghị, và bà ấy phàn nàn là đã gửi một đống tập san nội tiết (JAFES) về cho đồng nghiệp Việt Nam, mà đến hải quan thì bị ách lại. Chỉ là tài liệu khoa học chứ có gì bậy bạ đâu, và ai cũng có thể mở ra xem được. Can thiệp mãi không xong, nên đành phải để trả về cho Phi Luật Tân. Nghe câu chuyện đó, một em ở Hà Nội nói mua sách giáo khoa (textbook) từ Amazon.com về VN thỉnh thoảng cũng bị ách lại vì kiểm duyệt hay gì đó. Nghe nói có khi phải “biết điều” thì mới qua được. Buồn thật! Vậy mà nói hội nhập quốc tế làm gì cho mất thì giờ?!
Trò chuyện cùng bà đồng nghiệp này nhắc nhở tôi về ảnh hưởng của những sách lược sai lầm. Bác sĩ có sai thì cũng chỉ gây tác hại cho vài người hay vài chục người, nhưng những người làm chính sách và dẫn dắt quốc gia mà sai thì ảnh hưởng đến hàng triệu người và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau. Miến Điện là một thí nghiệm xã hội mà việc thiết kế sai lầm nên dẫn đến hệ quả thê thảm như ngày hôm nay.
Cảm nhận Nam Dương
Tôi có thói quen ghi chép những cảm nhận về những nơi mình đã đi qua. Thói quen này hình thành từ lúc còn học trung học và nhất là sau năm 1975. Có lẽ vì mình ít nói thành lời, nên hay giãi bày tâm tình trên trang giấy và nhật kí. Bốn ngày ở Nam Dương tôi có nhiều cảm nhận vui buồn lẫn lộn. Mà, là người Việt Nam, nên đi đến đâu cũng qui chiếu và so sánh với Việt Nam. Có những lúc tôi tự vấn mình so sánh như thế có công bằng không, nhưng tôi vẫn làm vì đó là suy nghĩ cá nhân.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến Nam Dương là nước này giàu có hơn VN. Từ sân bay rộng lớn và sạch sẽ, xa lộ 8-10 lằn xe, xe tải dày đặc trên khắp xa lộ, những toà nhà cao chọc trời, những siêu thị thật lớn, những khách sạn qui mô cả ngàn phòng, và nhất là ánh mắt người dân, tất cả đều nói lên rằng nước này giàu hơn VN. Ánh mắt người dân ở đây hiền lành và tự tin. Mà, cũng đúng thôi, thu nhập trung bình của Nam Dương (hiện nay là khoảng 4500 USD) cao hơn VN khoảng 3 lần. Nhưng mặt trái của Nam Dương có thể cảm nhận dễ dàng qua những căn nhà tồi tàn dọc theo xa lộ và những căn nhà tạm bợ bên cạnh những con kênh nước đen ngầu. Tôi đoán rằng khoảng cách giàu nghèo ở đây chắc là cao lắm. Tôi không có con số cụ thể để nói, nhưng tôi nghĩ khoảng cách giữa người “có” và người “không có” ở đây chắc chắn chẳng thua gì VN, nơi mà người giàu ở thành phố có có thu nhập cao gấp 1000 lần so với người nghèo khổ ở quê tôi.
Nam Dương có một nét rất giống VN là nạn hối lộ và tham nhũng. Tôi nói chuyện với vài tài xế taxi và đồng nghiệp thì ai cũng ngao ngán nói tình trạng về tham ô hối lộ ở đây kinh khủng lắm. Cảnh sát hối lộ. Quan chức từ cấp cao đến cấp thấp đều hối lộ. Ngay cả bác sĩ muốn theo học chuyên khoa cũng phải hối lộ! Nếu tôi nhớ không lầm thì mức độ hối lộ và tham nhũng ở Nam Dương xếp hoặc là ngang hàng hoặc thấp hơn VN một chút.
Chỉ nghe và nhìn thấy vài ba người, nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy có cảm tình và ấn tượng tốt với chính khách Nam Dương. Có lẽ khi hiểu biết nhiều hơn thì sẽ thay đổi nhưng hiện nay sau khi rời đất nước Nam Dương tôi thấy có ấn tượng tốt về họ. Từ ông bộ trưởng y tế lịch lãm, đến ông phó thị trưởng và thống đốc, tất cả đều toát lên một cái “air” của những chính khách hiện đại. “Hiện đại” ở đây hiểu theo nghĩa họ trẻ trung, có học thức, nói năng một cách thông minh, và thân thiện với dân, với khách. Họ rất khác với cái môtíp chính khách mà tôi hay thấy là già nua, trình độ văn hoá thấp, nói ra câu nào là bị báo chí cười cợt câu đó, và xa rời dân chúng.
Nếu có một rào cản gì làm người ta ngại đến Nam Dương, tôi nghĩ đó phải là nạn kẹt xe. Kẹt xe ở Jakarta có lẽ là kinh hoàng nhất (so với những nơi tôi từng ghé qua). Đi trên xa lộ có thể ghi nhận hàng chục cây số chỉ xe và xe và dừng một chỗ, chẳng đi đâu được! Đoạn đường từ phi trường về trung tâm thành phố nếu không kẹt xe thì tốn chỉ 40 phút, nhưng trong thực tế thì 2 đển 3 giờ. Người tài xế taxi cho tôi biết rằng có lần một du khách từ Tây Ban Nha phải tiêu ra 5 giờ đồng hồ từ phi trường về khách sạn Melia ở trung tâm thành phố! Ngay cả trong trung tâm thành phố, xe nối đuôi nhau làm cho việc băng ngang qua đường là cả một thách thức. Tôi nghĩ nạn kẹt xe ở Sài Gòn là kinh khủng, nhưng đã đến đây thì mới thấy nạn kẹt xe ở Sài Gòn chẳng là gì! Kẹt xe ở Jakarta đã thành một biểu tượng của thành phố 20 triệu dân này. Tự hào cái gì thì được, chứ tự hào về kẹt xe thì tôi nghĩ chẳng có chính khách nào dám tự hào. Với tình trạng kẹt xe triền miên như thế này tôi đoán rằng cuộc sống ở thành phố này chắc là căng thẳng lắm.
Hình 9: Một cảnh kẹt xe ở Jakarta qua ống kính của National Geographic - y chang như những gì tôi thấy trong chuyến đi vừa qua
Tôi không dám đưa ra nhận xét về nền khoa học của Nam Dương, nhưng nhìn qua những gì họ trình bày trong hội nghị AFES 17, tôi không đánh giá cao. Đại đa số những abstract của họ rất xoàng. Đó chỉ là những nghiên cứu mô tả, đơn giản, không có gì đóng góp cho y văn. Tuy nhiên, tôi cũng thấy vài ba công trình có giá trị tốt về mặt di truyền và sinh học phân tử (và họ cũng có công bố trên vài tập san quốc tế). Nhìn toàn cảnh, tình hình nghiên cứu y khoa ở đây chỉ ở mức độ Việt Nam, Khoa học làng nhàng và tủn mủn, chứ chưa đạt mức độ Thái Lan và Mã Lai. Thật ra, nếu tính số bài báo khoa học thì Nam Dương hiện nay đã bị VN qua mặt.
Tuy nhiên, Nam Dương có một đại học được xếp hạng khá cao trong khu vực châu Á: đó là Đại học Indonesia. Nghe một đồng nghiệp cho biết đại học này được xếp hạng 300 hay gì đó trên thế giới (nhưng tôi chưa check). Nhưng “một cây làm chẳng nên non”, nên khoa học của Nam Dương cũng chẳng cất cánh vì có một đại học trong nhóm top 500. Hình như nhận thức được vấn đề nên Chính phủ Nam Dương đã gật đầu cho một dự án của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thiết lập một campus ở Jakarta. Campus này gần phi trường và rất rộng, chạy xe hơi cả 10 phút mà vẫn còn nằm trong phạm vi. Giới khoa học Nam Dương kì vọng rằng MIT sẽ góp phần vực dậy nền khoa học ở đây.
Nam Dương có một lợi thế so với Việt Nam là giới khoa bảng có khả năng tiếng Anh rất tốt. Ông giáo sư khoa y nói rằng hầu hết các giảng viên và giáo sư các đại học hàng đầu của Nam Dương đều được đào tạo hay tiêu ra một thời gian ở nước ngoài. Những nước Nam Dương có quan hệ khoa học và giáo dục tốt là Mĩ, Úc, Anh, và Canada, tức là những nước nói tiếng Anh. Chính vì thế mà các giáo sư Nam Dương rất thạo tiếng Anh, chẳng kém gì Thái Lan. Trao đổi với họ rất thoải mái và dễ hiểu nhau. Ở Nam Dương không có nạn giáo sư tiến sĩ dỏm, nên họ còn duy trì được một nền học thuật thật.
Nhìn chung, Nam Dương là một nước đang đi lên. Dân số hiện nay là gần 250 triệu. Hệ thống chính trị ở đây, sau một thời gian sóng gió sau triều đại Soharto, bây giờ có vẻ ổn định. Họ có một định chế dân chủ gọi là “Guided Democracy” (có lẽ dịch là “Dân chủ có định hướng”?) Nghe nói người khởi xướng định chế này là cựu tổng thống Soekarno, vì ông nghĩ dân chủ kiểu phương Tây không thể áp dụng cho Nam Dương. Dân chủ có định hướng là dân chủ dựa vào hệ thống đồng thuận dưới sự hướng dẫn của lãnh đạo. Có thể tôi hiểu không chính xác, nhưng có thể mô tả đại khái vậy. Ngày nay Nam Dương có bầu cử hẳn hoi, và do đó người dân có quyền lựa chọn người lãnh đạo. Kinh tế phát triển tương đối nhanh với tỉ lệ tăng trưởng 5.6% mỗi năm, tức tương đương hay cao hơn Việt Nam một chút. Tuy nhiên, “một chút” này là bạc tỉ. Hiện nay, theo thống kê thì GDP của Nam Dương là 880 tỉ USD, cao hơn 5 lần so với Việt Nam (141 tỉ USD). Hạ tầng cơ sở của Nam Dương tuy chưa phải là tốt, nhưng vẫn tốt hơn Việt Nam. Đi qua những nước như Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai, và Phi Luật Tân, tôi chợt nhận ra một sự thật hiển nhiên là Việt Nam mình nghèo nhất so với các nước vừa kể.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét