Thẩm quyền
Giả dụ bạn không phải là thành viên của một hội đoàn nào đó nhưng bỗng dưng bị bắt nộp hội phí hay đoàn phí, có lẽ chẳng ai chịu nộp tiền một cách phi lý như vậy. Giả thử tiếp các tổ chức hay doanh nghiệp không có hoạt động của hội đoàn này bên trong tổ chức hay doanh nghiệp của mình nhưng lại bị buộc phải nộp hội phí hay đoàn phí thì sự phi lý càng bị nhân lên bội lần.
Thế nhưng theo Nghị định 191 vừa mới ban hành vào cuối tháng trước, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt là đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn. Thử tưởng tượng một doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 5, 7 công nhân nên không thành lập công đoàn cơ sở mà người chủ vẫn phải trích 2% quỹ lương để đóng phí công đoàn thì làm sao thuyết phục được họ (quỹ lương ở đây là quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động). Hay một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm đầu tiên hoạt động chưa tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp của mình vì nhiều lý do, nay bắt nhà đầu tư phải trích 2% quỹ lương để nộp công đoàn phí, làm sao giải thích cho họ hiểu và chấp nhận nộp?
Nghị định 191 nói việc đóng kinh phí công đoàn này là dựa vào quy định tại khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn. Nhưng khoản 2, điều 26 chỉ ghi: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” chứ đâu quy định là buộc các nơi chưa thành lập công đoàn nộp công đoàn phí?
Theo Luật Công đoàn, “công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện” do đó vẫn có thể suy ra tại nhiều doanh nghiệp, người lao động tự nguyện không thành lập công đoàn là chuyện bình thường. Và một khi họ đã không thành lập công đoàn, làm sao bắt họ nộp kinh phí công đoàn cho được - đây là một quy định phi lý cần chỉnh sửa lại ngay. Điều này càng rõ hơn với hình thức hợp tác xã, nơi xã viên có sự bình đẳng với nhau chứ không phải dưới hình thức chủ-thợ nên hoạt động công đoàn hầu như không cần thiết và không phù hợp. Thế nhưng hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân đều là đối tượng phải nộp công đoàn phí bất kể có hay không có tổ chức công đoàn!
Chúng ta phải dự kiến trước những tình huống theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là công nhân có quyền tổ chức công đoàn của họ, lúc đó lại càng không thể bắt giới chủ nộp công đoàn phí theo như quy định tại Nghị định 191.
Trong thực tế, trước đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp 1% quỹ lương cho kinh phí công đoàn; kể từ khi Luật Công đoàn có hiệu lực từ đầu năm 2013, tỷ lệ này được nâng lên thành 2% và đã gặp nhiều sự phản đối từ các nhà đầu tư. Nay buộc cả doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn mà vẫn phải nộp 2% thì càng khó hơn. Và trong thực tế, một phần kinh phí công đoàn thường được để lại cho công đoàn cơ sở; nay không có công đoàn cơ sở thì để cho ai? Nộp hết thì càng phi lý hơn.
Thiết nghĩ kinh phí công đoàn thuộc thẩm quyền quyết định của người lao động với nhau và với công đoàn cấp trên chứ không phải thuộc thẩm quyền hành chính. Nên rành mạch chỗ này mới thuyết phục được nhà đầu tư.
* * *
Theo một quy định vừa có hiệu lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phụ nữ không được làm một số công việc, chủ yếu là loại công việc nặng nhọc, độc hại như “khoan thăm dò, khoan nổ mìn bắn mìn” hay “cậy bẩy đá trên núi”... Đây là một ý định tốt đẹp nhằm bảo vệ phụ nữ nói chung hay phụ nữ có thai hay đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo phản ảnh của báo chí, trong hàng triệu lao động nữ, có rất nhiều trường hợp đang làm đúng trong 77 loại công việc bị cấm làm này, chẳng hạn “khai thác tổ yến”, “mang vác trên 50 ki lô gam”, “vận hành máy hồ, máy nhuộm”...
Khi cấm sử dụng lao động nữ trong những công việc này (từ ngày 15-12-2013) tức sẽ có nhiều người bị mất việc đột ngột. Giới chủ nếu tiếp tục giao phụ nữ làm những công việc này ắt sẽ ép tiền công xuống để bù trừ rủi ro bị phạt. Như vậy một chính sách dù tốt đẹp nhưng dẫn đến những hệ quả không mong muốn thì phải cân nhắc để điều chỉnh bằng không chuyện tốt đẹp đâu chưa thấy, lại thấy bất lợi thêm cho phụ nữ.
Về mặt ban hành văn bản pháp luật, Thông tư 26 này là dựa vào điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, điều 160 có yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con sau khi đã phối hợp với Bộ Y tế. Trong khi đó, Thông tư 26 không có dòng nào nói là đã thực hiện công đoạn phối hợp với Bộ Y tế nên không rõ căn cứ khoa học để bộ ban hành thông tư là đã rõ ràng chưa. Với những văn bản liên quan đến bình đẳng nam nữ như thế này, ắt cũng phải có ý kiến của những người trong cuộc là phụ nữ và đại diện của họ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét