Vài ghi chép ở An Giang 22/12/2013

Hôm thứ Bảy, tôi đã có dịp nói chuyện cùng các bạn ở ĐH An Giang (AGU) và các đại học trong vùng về vấn đề nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Tôi nói 4 bài, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Có nhiều câu hỏi của các bạn trong cử toạ mà tôi nghĩ hay và rất đáng suy nghĩ về cách làm khoa học ở Việt Nam. Dĩ nhiên, tôi không giải quyết được vấn đề gì mang tính cơ chế và thể chế; tôi chỉ có thể giải thích và trả lời những câu hỏi liên quan đến qui trình làm nghiên cứu và làm như thế nào để nâng cao khả năng công bố quốc tế. Điều thú vị là tôi còn có dịp trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình An Giang!


Buổi toạ đàm có độ 250 người tham dự, với phần lớn từ An Giang nhưng cũng có một số bạn đến từ Đồng Tháp, Cần Thơ, Sài Gòn, v.v. Tôi có dịp gặp một số bạn từng du học ở Úc về và từng “quen biết” tôi qua trang blog. Gặp những bạn như thế cứ như là tái ngộ những người quen bao năm qua vắng bóng! Phải ghi nhận đóng góp tích cực của Internet ở đây. Các bạn ấy là người miền Tây, đã từng đọc những bài viết và ý kiến của tôi về miền Tây và con người miền Tây, nên chúng tôi có cùng trăn trở, cùng bức xúc, và cùng suy tư về tương lai của vùng đất cung cấp lúa gạo cho cả nước và [một phần nào đó] cho thế giới, vậy mà bây giờ thì người miền Tây vẫn nghèo và “dốt” nhất nước. Ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này?

Đại học An Giang chỉ 14 tuổi, còn trẻ trung lắm. Nhưng tôi nghĩ cách tính tuổi này quên Đại học Hoà Hảo trước đây. Nên nhớ rằng trước năm 1975, miền Tây chỉ có 2 đại học: đó là Cần Thơ và Hoà Hảo. Do đó, tôi nghĩ đúng ra Đại học An Giang phải hơn 14 tuổi.

Nhưng tôi chưa biết tương lai của trường ra sao vì chưa có dịp nói chuyện nhiều với hiệu trưởng để biết viễn kiến của trường. Khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình An Giang, tôi có nói một ý là AGU cần phải tạo cho mình một thương hiệu, vì hiện nay ít ai biết đến AGU, và càng ít người biết AGU có thế mạnh là gì. Tôi cũng nói rằng AGU hay bất cứ đại học nào cần phải vứt bỏ cái tâm lí tự ti “đại học tỉnh lẻ”. Tâm lí (hay “tư duy”?) này cho rằng mình là đại học tỉnh lẻ nên không cần phấn đấu cạnh tranh với các đại học lớn được Chính phủ đầu tư nhiều, chỉ cần đào tạo và không cần nghiên cứu khoa học, chẳng cần suy nghĩ đến ý nghĩa của các bảng xếp hạng đại học, v.v. nói chung là những suy nghĩ mang tính yếm thế. Hoàn toàn không có lí do gì phải “phục tùng” các đại học lâu đời và càng chẳng có lí do gì để “tỉnh lẻ hoá” đại học, bởi vì đại học là đại học, và đại học cần phải có tầm nhìn cấp quốc tế. Tôi có đưa ra vài ví dụ các đại học vùng bên Mã Lai, Thái Lan, Mĩ, Úc, v.v. nhưng vì có tầm nhìn và viễn kiến cộng với chủ trương đúng, nên họ đã vươn lên thành những đại học danh tiếng, thậm chí ở vài lĩnh vực họ còn danh tiếng hơn cả các đại học lâu đời.

Thành phố Long Xuyên nho nhỏ và dễ thương. Đó là nơi mà nói ví von và cường điệu là “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Đi chợ Long Xuyên và nói chuyện với vài người buôn bán ở đây mới thấy họ dễ mến ra sao. Thành ra, mua gì tôi cũng cố tình trả thêm tiền cho họ. Nhất là khi mua trái thốt nốt từ một chị bán hàng người Khmer rất lam lủ tôi càng cho tiền “đậm” hơn, vì nghe giọng nói lơ lớ làm tôi nhớ đến những người hàng xóm dưới quê tôi. Chị ấy đòi thối tiền, nhưng tôi giả bộ lờ đi. Sao tôi thấy người Long Xuyên có vẻ hiền hoà hơn người Rạch Giá (dĩ nhiên đó chỉ là cảm nhận cá nhân). Long Xuyên chẳng xa lạ gì với tôi, vì tôi đã từng ghé qua đây nhiều lần trước và sau 1975. Vậy mà mỗi lần ghé đây tôi đều cảm thấy có cái gì mới mới.

Nói chung, tôi đã có 2 ngày lưu lại Long Xuyên rất [nói theo tiếng Anh là] “productive” và … vui. Có ích vì những bàn luận và những ưu tư của mình cùng các bạn của AGU và trong vùng. Vui là vì gặp lại nhiều bạn bè trước đây và có dịp ghé lại những nơi chốn, kể cả những quán ăn, mình từng trải nghiệm trong quá khứ. Sau buổi toạ đàm thì có nhiều ý kiến tôi nên quay lại AGU làm những chương trình dài hơi hơn, và dĩ nhiên là tôi rất hân hạnh chào đón ý tưởng đó. Nhưng thời gian có cho phép hay không là chuyện khác. Dù sao đi nữa thì tôi vẫn muốn mượn cái note này để nói lời cảm ơn các bạn xa gần đã quan tâm và đến nghe tôi “entertain” suốt 8 giờ đồng hồ ở Đại Học An Giang hôm này 21/12. Chúc các bạn một mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc, và một năm mới nhiều may mắn (thời đại này mình cũng cần may mắn!) và thành đạt. Hẹn gặp lại các bạn một dịp sau.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét