Ứng xử thế nào với thực phẩm chức năng?

Ứng xử thế nào với thực phẩm chức năng?
Trước khi thử nhìn vào các vấn đề đặt ra (như có cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng hay không) từ một cuộc hội thảo về thực phẩm chức năng được tổ chức vào cuối tuần trước, có lẽ phải cùng nhau khẳng định một số thực tế liên quan đến loại sản phẩm đặc biệt này.
Đó là luật lệ hiện nay cho phép quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng phải ghi kèm câu “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chữ viết phải bảo đảm cỡ chữ Times New Roman 14. Dù đã có quy định rõ ràng như thế, nó vẫn bị vi phạm nhiều, chủ yếu là lập lờ nhằm để người đọc hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa được những chứng bệnh, thậm chí là nan y.  Khảo sát người dùng, chắc chắn đa phần tin thực phẩm chức năng có giúp giảm cholesterol, hạ huyết áp, làm hết cơn chóng mặt... thì họ mới chịu bỏ tiền ra mua bởi vì đa số đắt hơn thuốc nhiều. Trong khi thuốc kê đơn bị cấm quảng cáo, trong bối cảnh người Việt lại có thói quen tự mua “thuốc” về để tự điều trị thì không lạ gì thực phẩm chức năng bán đầy các tiệm thuốc tây, lại chiếm vị trí trang trọng, diện tích lớn; quảng cáo thực phẩm chức năng mà cố ý làm cho người xem người nghe tưởng lầm nó là thuốc chữa bệnh lại tràn ngập các kênh truyền hình, các trang báo.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay bác sĩ không được kê đơn thực phẩm chức năng nhưng việc tư vấn cho bệnh nhân mua thực phẩm chức năng như một dạng thuốc tây diễn ra thường xuyên ở các phòng khám dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều toa thuốc hay giấy ghi kèm toa thuốc lên đến hàng triệu đồng chủ yếu là do có kèm thực phẩm chức năng đắt tiền. Đó là bởi các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng tìm mọi cách để các bác sĩ là người trung gian đưa sản phẩm của họ đến người dùng, kể cả tư vấn trên báo chí, trích hoa hồng giới thiệu thật cao...
Trong bối cảnh đó tổ chức hội thảo về thực phẩm chức năng để giúp mọi người hiểu rõ hơn về nó, để giới quản lý tìm cách quản lý nó tốt hơn là điều nên làm, nên khuyến khích. Tuy nhiên thiết nghĩ điểm mấu chốt đối với thực phẩm chức năng hiện nay ít nhất là tuân thủ những quy định đã có sẵn, kể cả về quảng cáo và cấm bác sĩ kê toa và không nên đưa ra những thông tin có thể làm người tiêu dùng hiểu nhầm thêm về thực phẩm chức năng. Những cách nói như kiểu chia người ta ra thành ba loại, “người khôn”, “người ngu” và “người dốt” với hàm ý người nào biết dùng thực phẩm chức năng để phòng bệnh mới là khôn ngoan là coi thường người tiêu dùng, là quảng bá một cách áp đặt cho thực phẩm chức năng.
Tương tự, khi một quan chức y tế tuyên bố tại hội thảo “bản thân chúng tôi một ngày cũng sử dụng 3 đến 4 loại” thì người đó đã làm sai chức trách một quan chức của ngành y tế, trong khi lẽ ra phải giữ cho mình một sự khách quan cần thiết, nhất là đối với những vấn đề chưa có kết luận sau cùng. Bởi một phát biểu như thế tại diễn đàn hội thảo có thể bị hiểu nhầm là quảng bá cho thực phẩm chức năng, tạo thêm sự hiểu nhầm ở người dùng.  
Khi được hỏi ở Úc hay nói chung ở nước ngoài, bác sĩ có được quyền kê toa thực phẩm chức năng cho bệnh nhân không, thực phẩm chức năng có được phép quảng cáo theo kiểu "chữa được bệnh tim mạch, cao huyết áp, giảm cholesterol" không và quan chức y tế nước ngoài có thể nào phát biểu tôi cũng dùng thực phẩm chức năng không thì GS Nguyễn Văn Tuấn thuộc viện Garvan, Đại học New South Wales của Úc khẳng định KHÔNG cho cả ba ý. Ông nói thêm “Bác sĩ không kê toa, không quảng bá cho mấy cái gọi là thực phẩm chức năng; công ty không được quảng cáo quá đà; bất cứ cái gì liên quan đến sức khoẻ, phải có câu ‘tư vấn thêm với bác sĩ’”.
Mới đầu tháng 11-2013, tờ New York Times đã có bài cho biết theo một nghiên cứu mới đây của Canada, khảo sát 44 loại “thuốc” ở dạng thực phẩm chức năng đang bán chạy nhất thị trường, nhiều loại không có chất như quảng cáo, hoặc có ở liều lượng rất thấp hoặc bị thay thế bởi bột đậu nành, bột mì hay bột gạo. Lẽ  ra hội thảo phải cung cấp những thông tin như thế thay vì có nhiều phát biểu quảng bá thêm cho thực phẩm chức năng, vận động cho bác sĩ được quyền kê toa thực phẩm chức năng và biến nó thành một gánh nặng cho bệnh nhân chứ không phải là chất bổ sung giúp tăng cường sức khỏe cho họ. Một yếu tố khác mà giới quản lý cũng phải tính đến là thực phẩm chức năng hiện là sản phẩm chủ lực của nhiều dạng kinh doanh đa cấp, đang lôi kéo nhiều người vào vòng xoáy của phương thức kinh doanh gây nhiều tranh cãi này.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét