Một thời để nhớ

(Viết cho tất cả các bạn đã từng học lớp 6/2, 7/2 trường Nguyễn Tri Phương - Huế những năm 1987-1989)

NGÀY ẤY...

Mãi mãi không thể nào quên những ngày chớm hạ râm ran tiếng ve và vòm phượng đỏ rực như lửa cháy trong ngôi trường cũ, những ngày đầu thu bàng xao xác lá, những chiều mưa nước ngập cả đường về...

Kết thúc mùa hè năm 1987, chúng tôi bắt đầu một giai đoạn mới của đời học sinh khi cùng vào học lớp 6/2 trường Nguyễn Tri Phương – Huế. Những gương mặt cũ có, mới có, dần dần trở nên thân thương hơn bao giờ hết. Ngôi trường chúng tôi học nằm giữa trung tâm thành phố, có 4 dãy phòng học bao quanh cái sân thật rộng, mỗi lần mưa lũ là nước tràn mênh mông, bọn học trò chúng tôi rất thích những ngày dầm mưa đi lội nước.


Người ta bảo, thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1973-1979 là thế hệ “bi đát” nhất của lịch sử, bởi ở cái tuổi chưa kịp lớn là phải trải qua bao sự khốn khó và khắc nghiệt của cuộc sống sau chiến tranh. Và chúng tôi – những đứa trẻ sinh năm 1976, đã lớn lên, cùng vui chơi, cùng đi học trong thời kỳ khó khăn ấy, nếm trải đầy đủ dư vị của cuộc sống, có cả những ngày vui bất tận, lẫn những ngày nghẹn ngào cảm xúc của buổi chia ly.

Sân trường ấy – nơi những trái bàng khô lăn lông lốc mỗi chiều chớm đông heo hút gió, cũng là nơi chúng tôi trải qua nhiều trò vui. Làm sao tôi quên được những buổi sáng nhịn đói để đi học cho thật sớm, những giờ ra chơi và tan học nán lại trong sân trường, cùng chơi nhảy dây, đá kiện, banh xỉu, bóng đá, thậm chí... đánh nhau. Mỗi lần tan học, chúng tôi ùa ra các ngả. Nhóm lên Ngô Quyền, nhóm về Bến Nghé..., cùng nhau đi bộ một đoạn đường để rồi chia tay ở ngã tư, ngã năm nào đó. Vì những ngày đi học cùng nhau, những buổi đến chơi nhà nhau..., mà mỗi góc phố, cái cây trong vườn, chiếc cổng nhà phủ rêu... đối với chúng tôi đều tràn đầy kỷ niệm.

Hai năm trôi qua trong chớp mắt, để rồi mùa hè cuối cùng của thập niên 80, khi chỉ mới trải qua nửa chặng đường cấp II, chúng tôi lại trở thành nhân chứng cho sự đổi thay của một giai đoạn mới: chia tỉnh. Tỉnh Bình Trị Thiên – vốn chỉ là một dải eo thắt lại giữa hai miền đất nước – được tách ra thành Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tôi và rất nhiều bạn tiếp tục học dưới mái trường Nguyễn Tri Phương, nhưng 1/3 lớp 7/2 của chúng tôi phải chia tay để đến với những ngôi trường xa lạ ở Đông Hà, Đồng Hới... Những lá thư dấm dúi cho nhau nhòe màu mực tím rưng rưng.

VÀ BÂY GIỜ

Ngôi trường Nguyễn Tri Phương năm xưa đã được xây dựng lại thành ngôi trường rộng đẹp và hiện đại bậc nhất cả nước. Nhưng chúng tôi, mỗi lần đi qua khu trường cũ, là lòng lại dấy lên một cảm xúc bồi hồi, nơi đã từng lưu giữ những gì trong trẻo và bình yên nhất, cả những ngày phượng hồng thắp lửa hay nước lũ mênh mang dưới nền trời xám.

26 năm đã trôi qua kể từ mùa hè chia tay đầy lưu luyến ấy, chúng tôi cùng hội ngộ trong chuyến đi dọc tỉnh Bình Trị Thiên năm xưa với sự xuất phát ở đầu cầu Huế. Trở về từ Sài Gòn, Hà Nội hay châu Âu xa xôi..., tất cả đều thấy lòng hồi hộp không ngủ được trước ngày họp mặt. Bao kỷ niệm thân thương trở về khiến ký ức vỡ òa. Ngày ấy, chỉ bằng tuổi con cái chúng mình bây giờ thôi, mà sao có nhiều chuyện đáng nhớ thế. Chiếc xe đi băng băng trong màn mưa lất phất cùng thoáng gió lạnh của những ngày bão lũ đầu mùa, nhưng không khí lại rất “nóng” và sôi động bởi những câu chuyện nhắc lại kỷ niệm xưa, tiếng ghita bập bùng và những trò chơi làm thức dậy cả một thời cắp sách.

Để rồi, sau 2 ngày vui chơi bất tận lại tiếp tục... chia tay và khóc. Nhưng mãi mãi lưu dấu trong trái tim tôi những tiếng cười vui trong đêm lửa trại bập bùng bên biển Nhật Lệ đến 2 giờ sáng, buổi khám phá đầy mạo hiểm trong Hang Tối, buổi sớm tinh khôi mát lạnh và trong veo bên cát trắng, biển xanh cùng khoảnh khắc vui tươi trên đồi cát. Tôi tự hỏi rằng, có bao giờ trong cuộc đời mình, sẽ lại được hòa mình vào những buổi hội ngộ đầy ắp tình yêu như thế?







Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét