Ai quyet dinh chi tieu GDP

Ai quyết định “chỉ tiêu” GDP?

Nguyễn Vạn Phú

Đã mấy năm rồi, Trung Quốc cố gắng giảm mức tăng GDP để giảm độ nóng của nền kinh tế phát triển quá mức. Nhưng dù tìm cách đưa ra nhiều biện pháp, GDP của nước này vẫn tăng cao hơn mức họ mong muốn cả vài điểm phần trăm. Ngược lại, những nước đã phát triển như Nhật, muốn GDP tăng chỉ nửa điểm phần trăm thôi cũng đã khó.

Nói chuyện này để thấy tăng trưởng GDP đâu phải là một chỉ tiêu chủ quan, muốn như thế nào sẽ được như thế đó. Chưa thấy nước nào lấy một con số tăng trưởng GDP cụ thể làm mục tiêu mang tính pháp lệnh (do Quốc hội thông qua) như ở nước ta. Có chăng, đầu năm chính phủ các nước đưa ra dự báo để các thành phần kinh tế dựa vào đó mà hoạch định chiến lược trong năm. Và trong năm, thỉnh thoảng họ điều chỉnh dự báo này, cũng nhằm mục đích giúp mọi chiến lược kinh tế - xã hội sát với thực tế hơn. Ví dụ Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore đầu tháng này đưa ra dự báo GDP của Singapore sẽ tăng chậm cho đến hết năm 2009. Mức dự báo cũng rất rộng cho năm 2008 – từ 4% đến 6%. Còn Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng vừa điều chỉnh dự báo GDP nước này sẽ tăng 1,5% thay vì mức 2,1% dự báo trước đó mấy tháng.

GDP là do người dân và doanh nghiệp, kể cả dân doanh hay quốc doanh, kể cả trong nước hay nước ngoài, tạo ra. Hoạt động kinh tế tạo ra mức tăng GDP không phải là hoạt động trực tiếp của Chính phủ, càng không phải của các đại biểu Quốc hội – làm sao những nơi này có thể định ra một mức tăng GDP chủ quan được.

Tuy nhiên cũng đúng là mức tăng GDP tùy thuộc rất nhiều vào các chính sách kinh tế của Chính phủ hoạch định hay do Quốc hội thông qua. Hiện nay, nền kinh tế phát triển quá nóng của Việt Nam trong năm 2007 đang gây ra những vấn đề lớn đặc biệt là lạm phát và nhập siêu. Mong muốn của Chính phủ là giảm sự tăng trưởng quá nóng này, ví dụ tốc độ tăng trưởng tín dụng hay đầu tư nhà nước, để giải quyết vấn đề lạm phát. Và một hệ quả có thể dự báo trước là mức tăng GDP năm nay, vì thế sẽ giảm.

Thay vì bàn luận, tranh cãi việc có nên giảm “chỉ tiêu” tăng trưởng GDP xuống còn 7% như đề nghị của Chính phủ hay không, các đại biểu Quốc hội nên yêu cầu Chính phủ làm rõ những biện pháp nào sẽ được thực hiện để đưa ra con số dự báo 7% này. Các biện pháp đó phải được định lượng cụ thể, ví dụ tăng trưởng tín dụng còn bao nhiêu (và có đạt được mức tối đa 30% như dự kiến không khi 4 tháng đầu năm đã tăng 14% trong khi cùng kỳ năm 2007 chỉ tăng 9%); đầu tư công giảm bao nhiêu, giảm ở những dự án nào (khi đã đến tháng 5 rồi mà tiêu chí xác định dự án công cần cắt giảm vẫn chưa có); thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa khác sẽ như thế nào để hạn chế nhập siêu…. Điều Quốc hội cần quyết là các biện pháp đó chứ không phải con số phần trăm tăng trưởng GDP – một con số đến sau như hệ quả của chính sách.

Tăng trưởng GDP, như đã được phân tích nhiều, chưa hẳn đã đem lại lợi ích cho xã hội vì những dự án lãng phí cũng được tính vào GDP. Thay vì chú tâm đến con số này, Quốc hội nên bàn và có chủ trương giảm bớt khó khăn cho đại đa số người dân đang ngày đêm xoay xở với vật giá leo thang, cho doanh nghiệp đang đương đầu với nhiều khó khăn vì làm ăn ngày càng khó.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét