Họ chỉ là đại diện của công luận
Nguyễn Vạn Phú
Có hai vấn đề nổi lên từ sự việc hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị bắt hôm thứ Hai vì tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Họ bị bắt vì đưa tin bài về vụ được cho là tham nhũng tại Ban Quản lý dự án 18 (PMU 18).
Trước hết, phải nhìn thẳng vào một cái yếu của làng báo Việt Nam: bị nguồn tin chi phối. Chuyện này không lạ và khá phổ biến. Đôi lúc chỉ nghe một nguồn tin, phóng viên có thể viết một bài ảnh hưởng đến người thứ ba mà không phối kiểm nguồn tin và đặc biệt, khi là tin mang tính phê phán, nhiều phóng viên ít lúc nào hỏi thẳng từ người bị phê phán. Một số bài mang danh là điều tra nhưng thật sự chỉ là chép từ hồ sơ vụ án đang thụ lý. Điều nguy hiểm là từ những thông tin loại này, những người viết báo không chuyên có thể bình luận, lên án người trong cuộc thành một áp lực dư luận mạnh mẽ có thể nhấn một con người tận bùn sâu. Vụ PMU 18 là một trường hợp phức tạp – cho đến nay không ai trong giới nhà báo có thể nói là đã nắm rõ mọi tình tiết. Và vì thế, đã xảy ra sai sót, đã có đính chính. Nhà báo Nguyễn Văn Hải trong một nhận xét (comment) trên blog của đồng nghiệp từ ngày 5-10-2007 đã viết: “Trong dòng thông tin ầm ầm tuôn chảy ở vụ PMU18, có nhiều lý do để báo chí bị cuốn theo, và không phải ai cũng nhận ra được mình bị "cuốn đi" như thế nào - trong đó có tôi”.
Dù gì đi nữa, cái yếu kia, giả thử hai nhà báo trên (đây chỉ là giả thử như vậy) có mắc phải, nó cũng không phải là tội hình sự. Với những thông tin đã công khai trên hai tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên hôm thứ Ba, có thể nói hai nhà báo đã dựa vào nguồn tin để đưa tin, viết bài sai mà sau đó các báo đã đính chính. Đấy là sai sót nghiệp vụ, rất đau xót trong nghề báo vì loại sai sót này có thể ảnh hưởng đến người khác. Chính anh Hải đã viết: “Tôi đau và thấm thía”. Nhưng không thể xem đó là tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Giả thử báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên đưa tin sai, người bị thiệt hại kiện ra tòa án dân sự, phóng viên phải hầu tòa và chịu trách nhiệm về ngòi bút của mình, thiết nghĩ các phóng viên bị bắt hồi đầu tuần và cả làng báo Việt Nam sẽ “tâm phục, khẩu phục”. Cứ ra trước tòa đối chất, nói hết lý lẽ để nếu nhà báo quên chuyện phối kiểm nguồn tin, họ sẽ được bài học nhớ đời. Nhưng đây là một cuộc điều tra do ngành công an tiến hành, có họp báo, có công bố thông tin – không lẽ nhà báo, người đại diện cho công luận, đem thông tin đến cho công luận lại bị buộc tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cái sai nếu có là từ nguồn tin có thẩm quyền chứ không phải từ người chuyển tải thông tin.
Chúng tôi nghĩ với việc bắt giam hai nhà báo, cơ quan điều tra cần có một giải thích rõ ràng, sòng phẳng, không chỉ cho bản thân các nhà báo mà còn cho công luận đang trông chờ nhà báo hằng ngày, hằng giờ đem thông tin đến cho họ.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét