Kinh doanh trên cái đói
Nguyễn Vạn Phú
Đã dần hiện rõ thủ phạm chính đằng sau cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay chính là các quỹ đầu cơ tài chính. Các lý do khác chỉ là thứ yếu hay diễn ra sau.
Trên số báo ra ngày 19-4, tờ Economist cho biết tính từ đầu tháng 1-2008 đến khoảng giữa tháng 4-2008, giá gạo đã tăng 141%, còn tính từ tháng 1-2007, giá gạo đã tăng gần gấp ba lần. Đó là con số chưa cập nhật vì tính đến cuối tuần trước, giá gạo loại thường tại Thái Lan đã vượt quá mốc 1.000 đô-la/tấn; giá gạo Việt Nam thắng thầu cung cấp cho Philippines từ nay đến tháng 6-2008 là 1.200 đô-la/tấn.
Mức tăng khủng khiếp này không thể lý giải bằng quy luật cung cầu thông thường. Jose Graziano, trưởng đại diện Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc tại châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean tuyên bố hôm 10-4 rằng các quỹ đầu cơ toàn cầu và đồng đô-la yếu là tác nhân chính gây ra hiện tượng tăng giá lương thực trên toàn cầu. “Khủng hoảng này là một cuộc tấn công đầu cơ và sẽ kéo dài” – ông nhận định. Đồng đô-la yếu đã làm cho các quỹ đầu cơ đi tìm cơ hội lợi nhuận ở các loại hàng hóa, đầu tiên là dầu mỏ, vàng bạc và nay là lương thực. Việc đầu cơ như thế, dĩ nhiên, cũng xuất phát từ khả năng lương thực tăng giá vì lượng tiêu thụ tăng trong khi sản lượng giảm. Khi đã thấy được khả năng này, các tay đầu cơ ra tay và làm cho diễn biến tăng giá xảy ra nhanh hơn, khốc liệt hơn. Chính phủ các nước, trước mối nguy rủi ro an ninh lương thực, phải có biện pháp đóng cửa thị trường – cung giảm thì chắc chắn giá càng tăng mãnh liệt.
Tờ New Statesman của Anh cũng có lập luận tương tự khi cho rằng sự “thiếu hụt” lương thực là do hiện tượng đầu cơ vào các hợp đồng tương lai sau khi thị trường phái sinh tài chính trong lãnh vực địa ốc sụp đổ. “Liều lĩnh lùng sục các món lời nhanh, giới đầu cơ rút hàng ngàn tỷ đô-la ra khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu địa ốc rồi đổ chúng vào lương thực và nguyên liệu thô” – tờ này nhận xét và cho rằng tình hình này có thể gây ra nạn đói kém trên quy mô rộng lớn. Nếu trước đây, giới tài phiệt toàn cầu chỉ tập trung vào cổ phiếu hay ngoại tệ, nay đã chuyển sang tìm “công cụ” tích trữ tài sản – từ vàng đến dầu hỏa, từ bắp đến gạo hay lúa mì và có người còn mua bán hợp đồng tài chính dựa vào nước nữa.
Nếu quan sát việc giao dịch vàng trên sàn giao dịch ở TPHCM, chúng ta thấy vàng chỉ là cái cớ, là công cụ, chẳng khác gì “các con súc sắc”. Người ta đặt cược giá lên hay giá xuống để kiếm lời và giá càng lên hay càng biến động chừng nào, người ta càng dễ làm ra tiền chừng đó. Vấn đề ở chỗ nếu là vàng – biến động giá không gây hại đến ai nhưng nếu là gạo – rõ ràng giới đầu cơ đang kinh doanh trên nỗi khổ của một nửa nhân loại, những người đang sống bằng số tiền dưới 2 đô-la mỗi ngày.
Nhớ lại những năm 2000 khi giá cổ phiếu các công ty kinh doanh trên mạng Internet (dạo đó hay được gọi là các công ty dot.com), giới đầu cơ cũng đã đẩy giá của chúng lên tận trời xanh và sau đó bong bóng dot.com sụp đổ. Những năm gần đây là chứng khoán liên quan đến thị trường địa ốc ở Mỹ, nay bong bóng này nổ tung thì xuất hiện vấn nạn lương thực tăng giá.
Cơ chế của việc đầu cơ thông qua các công cụ phái sinh khá phức tạp. Đại khái giới đầu cơ đánh cược rằng giá gạo sẽ tăng và họ sẽ mua những hợp đồng khống thể hiện mức giá tăng này. Nếu thực tế, giá tăng đúng như họ dự báo, họ sẽ thắng lớn. Để phòng tránh rủi ro, họ sẽ đồng thời mua những hợp đồng với giá ngược lại để lỡ giá không tăng như tính toán, họ vẫn không thua lỗ quá nhiều vì thế động cơ thúc đẩy giá tăng càng lớn. Các loại hợp đồng này sẽ loại trừ lẫn nhau nên khi thanh toán, người ta chỉ “chung chi” lời lỗ; chúng không liên quan gì đến gạo hay lúa mì hay ngô thật sự cả. Tất cả chỉ xảy ra trên giấy tờ nhưng mức giá mua bán kiểu đó tác động ngay đến giá thực tế. Khi hàng loại quỹ đầu cơ nhảy vào cùng cược như vậy, giá cả không thể nào không tăng mạnh theo đúng cái thường được gọi là “xu hướng thị trường”.
Xin đưa ra một ví dụ cụ thể. Một hãng xuất khẩu gạo bỗng lo rằng giá gạo giao tháng 8-2008 sẽ giảm, bèn ký hợp đồng giao sau bán 100.000 tấn gạo với giá 1.300 đô-la/tấn. Một nhà nhập khẩu, kỳ vọng ngược lại là giá gạo vào thời điểm đó sẽ lên cao hơn nên sẵn sàng ký hợp đồng mua ngay lô gạo này. Giả thử đến tháng 8-2008, giá gạo tăng thật lên 1.400 đô-la/tấn, rõ ràng nhà nhập khẩu này lãi 100 đô-la/tấn. Nhưng đó chỉ là khởi đầu của câu chuyện đầu cơ. Hiện nay có hàng ngàn nhà nhập khẩu và hàng ngàn quỹ đầu cơ sẵn sàng nhảy vào tranh mua cho bằng được hợp đồng giao sau này. Giả thử một quỹ đầu cơ nào đó mua được hợp đồng này xong, họ sẽ đem nó ra rao bán cho nhà đầu cơ thứ hai, nhà đầu cơ này rao bán cho nhà đầu cơ thứ ba và cứ thế các quỹ cứ mua đi bán lại loại hợp đồng như thế hàng ngày hàng giờ trên khắp thế giới. Tin tức người dẫn phẫn nộ, biểu tình vì giá gạo tăng vọt càng làm các quỹ tranh nhau mua với giá càng cao hơn vì họ tin chắc giá còn tăng nữa.
Tờ BusinessWeek số ra ngày 23-4 đã vẽ chân dung một tay quản lý quỹ như thế - Dwight Anderson, quản lý quỹ Ospraie, quỹ hedge fund chuyên đầu cơ vào lương thực lớn nhất thế giới. Thế nhưng chân dung này chỉ kể lại những câu chuyện đi khảo sát thị trường lương thực của những năm trước vì năm nay Anderson lánh mặt báo chí, thậm chí mua bản quyền hết mọi hình ảnh của ông ta để không báo nào được quyền đăng ảnh mình. Có lẽ tin tức về mức lãi khổng lồ của Ospraie đi kèm với hình ảnh người dân ốm đói chìa tay nhận phần gạo phát chẩn ít ỏi làm ông này xấu mặt.
Hiện nay các ngân hàng đầu tư lớn đều xuất bản đều đặn các bản tin phân tích tình hình tài chính cho thân chủ của họ. Đọc các bản tin này, chúng ta sẽ phần nào hiểu được chuyện gì đang xảy ra đằng sau cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ví dụ một ngân hàng tầm cỡ điểm lại tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, tin mất mùa ở một số nước và đưa ra lời khuyên nên đầu tư vào một số quỹ chuyên mua bán lương thực như vầy, như vầy. Rõ ràng, người dân thế giới càng đói khổ, các quỹ như thế càng trông chờ vào mức lợi nhuận tăng vọt, “so với cùng kỳ năm trước”. Một sự làm giàu không thể chấp nhận được.
Chính vì vậy, lời kêu gọi kiểm soát chặt chẽ các quỹ đầu cơ (hedge funds) đang ngày càng được chú ý. Ngay chính ở Mỹ vào tuần trước, hàng loạt hãng sản xuất lương thực lớn lên án các quỹ đầu cơ gây ra bất ổn trên thị trường vì dù giá lên, đa phần lợi nhuận rơi vào tay các quỹ này do cơ chế hợp đồng tương lai. Họ cho rằng việc đầu cơ vào các hợp đồng giao sau đang phá vỡ thị trường, quy luật cung cầu không còn phát huy tác dụng. Ủy ban Giao dịch Hợp đồng Hàng hóa triển kỳ triệu tập nhiều quỹ đầu cơ đến giải trình. Hiện đang có ít nhất 8.000 quỹ như thế với khoản tiền gần 2.000 tỷ đô-la để khuấy đảo thị trường. Vì thân chủ của chúng là các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân tỉ phú, chúng không bị buộc tiết lộ thông tin hay báo cáo hoạt động như các quỹ đại chúng.
Điều nguy hiểm là cũng như bóng bóng dot.com, địa ốc đã xẹp, bong bóng giá lương thực cũng đến lúc nổ tung – khả năng giá xẹp nhanh dễ xảy ra vì giới đầu cơ đang bị áp lực dư luận quốc tế bắt đầu lên án. Họ sẽ xoay qua kinh doanh trên xu hướng giá giảm. Nếu điều này xảy ra sẽ là đại họa ở chiều hướng khác. Hiện nay nhiều nước đã lên kế hoạch tăng diện tích canh tác; giả thử cung vượt cầu một chút thôi, bong bóng lương thực xẹp nhanh sẽ dìm giá nông sản xuống vực – lúc đó cũng chính người nông dân sẽ đói trên cánh đồng trĩu lúa của mình.
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét