Mười nguyên lí để xây dựng thành công một viện nghiên cứu


Việt Nam đang xây dựng một viện nghiên cứu có tên là V-KIST. Việc xây dựng viện được tài trợ của World Bank và Hàn Quốc. Nhìn cái tên, chúng ta biết rằng viện sẽ mô hình theo Viện KIST của Hàn Quốc. Nhưng khả năng V-KIST thành công là bao nhiêu thì không ai đoán được. Bài dịch dưới đây viết về 10 nguyên lí để xây dựng thành công một viện nghiên cứu (“Principles for Successful Research: Ten Commandments"). Tác giả là Assar Lindbeck, Cựu giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế (Thuỵ Điển). Với kinh nghiệm làm việc trên 20 năm tại Viện Garvan, đọc bài dịch dưới đây tôi thấy hoàn toàn đồng ý với Lindbeck. Nhưng vì giọng văn dịch nên đọc lên có khi rất khó hiểu, nên trong bài tôi sẽ diễn giải lại những ý của tác giả, nhưng dữ liệu là của tôi và một số ý cũng là của tôi.



1. Chọn chủ đề nghiên cứu quan trọng. Viện nghiên cứu nên tập trung nghiên cứu những chủ đề mang tính tiên phong, những nghiên cứu có thể dẫn đến đột phá trong tư duy và tạo ra một trường phái mới hay mở rộng tri thức. Tránh những nghiên cứu tầm thường, phẩm chất thấp. Không nên phí thì giờ để theo đuổi những nghiên cứu chất lượng thấp vì hệ quả là chỉ phát tán những thông tin sai trái khiến người khác phải tốn thì giờ phản biện.

2. Công bố quốc tế. Nghiên cứu sẽ được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá. Vì thế, điều quan trọng nhất là viện nghiên cứu nên công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học quốc tế, tức những tập san khoa học có ảnh hưởng cao. Một số nhà khoa học trong Viện thậm chí không công bố nghiên cứu trên các tập san quốc gia (của Úc). Viện Garvan chúng tôi không có nhà xuất bản và tập san riêng dù chúng tôi có khả năng làm, vì chúng tôi nghĩ rằng nếu có tập san riêng thì các nghiên cứu kém chất lượng được đăng trên tập san của Viện.

3. Mời khách giảng (invited lecturers). Nghiên cứu khoa học quan tâm đến ý tưởng và phương pháp. Do đó, trao đổi và thảo luận về ý tưởng và phương pháp với các đồng nghiệp trên khắp thế giới là một điều rất cần thiết cho một viện nghiên cứu. Viện nên có những chương trình seminar mời các chuyên gia hàng đầu thế giới đến giảng. Viện Garvan chúng tôi có chương trình “Leader in Science Lectures”, mỗi tuần mời một nhà khoa học nổi danh đến chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng. Ngoài ra, Viện nên có chương trình “sabbatical” để cho các nhà khoa học nước ngoài đến tiêu ra một thời gian làm nghiên cứu và hợp tác với các nhà khoa học của viện.

4. Hợp tác quốc tế. Phần lớn những nghiên cứu do nhà khoa học thực hiện là mang tính “tự phát”, hiểu theo nghĩa họ có ý tưởng mà họ nghĩ là sẽ đem đến đóng góp quan trọng vào tri thức. Những ý tưởng đó có thể họ tiếp thu từ các hội nghị quốc tế. Nhưng một cách có ý tưởng mới là tạo điều kiện để các nhà khoa học viếng thăm các viện nghiên cứu hàng đầu ở nước ngoài, tiêu ra một thời gian ở đó và hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Khoa học đang dần dần chuyển sang “Big Science”, nên một cách khác để nâng cao vị trí của viện là khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào các dự án liên quốc gia, những dự án Big Science, hoặc nhà khoa học có thể tạo ra một dự án như thế. Những dự án Big Science theo kinh nghiệm của tôi sẽ giúp cho viện tiếp cận với các đồng nghiệp hàng đầu trên thế giới.

5. Hợp tác giữa các nhà khoa học trong viện. Nghiên cứu khoa học ngày nay là một nỗ lực tập thể. Khi một đề tài nghiên cứu có một nhóm đồng nghiệp cùng làm hay cùng quan tâm thì ý tưởng sẽ trở nên phong phú hơn. Trong những buổi họp lab hay seminar, nếu có nhiều đồng nghiệp quan tâm tham gia cho ý kiến thì đó là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng hợp tác trong tương lai. Kinh nghiệm của tôi cho thấy hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu trong cùng một viện thường dẫn đến ý tưởng mới và đề án mới cho nghiên cứu.

6. Giới hạn lĩnh vực nghiên cứu. Nguồn tài nguyên cho khoa học và nghiên cứu khoa học lúc nào cũng hạn chế, nên không nên quá tham vọng và dàn trải cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. Chỉ cần phải tập trung vào một số lĩnh vực nghiên cứu mà viện có nhân lực và cơ sở vật chất tốt. Một khi đã ổn định, viện có thể mở rộng lĩnh vực nghiên cứu để có một bước phát triển mới. Kinh nghiệm của tôi cho thấy trước đây chúng tôi chỉ quan tâm đến các nghiên cứu lâm sàng về xương, sau này chúng tôi đã có cơ sở vật chất và mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu về gen và hệ gen (genomics).

7. Tương tác giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Những nghiên cứu ứng dụng nếu không dựa trên một nền tảng lí thuyết và phương pháp tốt thì thường là những nghiên cứu tầm thường. Ngược lại, nghiên cứu ứng dụng có thể cho ra kết quả làm cho chúng ta phải xem xét lại nền tảng lí luận hay phương pháp luận. Tuyệt đối không nên so sánh ấu trĩ theo kiểu nghiên cứu cơ bản quan trọng hơn, hay nghiên cứu ứng dụng quan trọng hơn, vì trong thực tế cả hai loại nghiên cứu bổ sung cho nhau. Do đó, tương tác giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là cực kì quan trọng cho phát triển của một viện nghiên cứu.

8. Tuyển dụng nhân sự và tự quản. Bất cứ lúc nào, viện nghiên cứu cần phải chú ý đến những người tài, kể cả những người có tiềm năng trở thành “sao” để thu hút họ về làm việc cho viện. Ở Úc, một nguồn để thu hút là những người được trao các giải thưởng fellowship vì đó là những ứng viên rất loại elite và có thể có đóng góp quan trọng cho nghiên cứu của viện. Ngoài ra, hệ thống hành chính của viện phải được tinh giản tối thiểu. Một cách tinh giản là giao cho các trưởng nhóm nghiên cứu quyền tự chủ chi tiêu tài chính và tuyển dụng nhân sự. Tuyệt đối không nên tạo ra một hệ thống hành chính theo kiểu cấp trên – cấp dưới và cấp trên ra lệnh cho cấp dưới, vì một hệ thống tổ chức như thế rất phản tác dụng và sẽ không thu hút được nhân tài. Ngoài ra, cần phải có một nhóm thư kí và trợ lí giỏi để tổ chức các buổi seminar và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho khách mời quốc tế.

9. Liên kết với đại học. Hoạt động nghiên cứu của viện sẽ thuận lợi hơn nếu viện có liên kết với một trường đại học. Sự liên kết này giúp cho viện có thể tuyển nghiên cứu sinh từ trường đại học, các nhà khoa học có thể có những chức danh khoa bảng như giáo sư, và hợp tác. Ở Viện Garvan chúng tôi, hầu hết các nhà khoa học cao cấp đều có chức danh với các trường đại học. Họ cũng đóng góp vào việc giảng dạy cho trường, và ngược lại, trường tham gia vào hội đồng quản trị và hội đồng khoa học của viện.

10. Tương tác với cộng đồng, với công chúng. Đã qua rồi cái thời các nhà khoa học ngồi trong tháp ngà hàn lâm mà chẳng quan tâm gì đến cộng đồng chung quanh. Viện nghiên cứu tồn tại là do sự đóng góp gián tiếp hay trực tiếp (qua tiền thuế) của công chúng. Do đó, viện nghiên cứu có nghĩa vụ “trả nghĩa” cho cộng đồng. Cách trả nghĩa thường qua hình thức tham gia phản biện xã hội trên hệ thống truyền thông, nói chuyện trước công chúng, và tham gia vào việc cố vấn cho chính sách công.

Trên đây là 10 nguyên lí để xây dựng một viện nghiên cứu thành công, trong số này có nhiều nguyên lí mang tính “văn hoá khoa học”. Đọc 10 nguyên lí thì thấy dễ, nhưng thực hiện thì không dễ chút nào, nhất là trong điều kiện ở Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu lớn nhỏ trên khắp nước. Nhưng theo tôi thấy ở Việt Nam chưa có một viện nghiên cứu nào có thể xem là đẳng cấp quốc tế. Vì chưa có viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, nên chưa tạo ra được một “văn hoá khoa học”. Do đó, việc tạo dựng một viện nghiên cứu thành công là một thách thức rất lớn cho Việt Nam. Thách thức đó cũng áp dụng cho trường hợp Viện V-KIST sắp hình thành trong tương lai.



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét