Gần đây, các chuyên gia kinh tế và giới báo chí tỏ ra nghi ngờ những con số về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Nhưng ít ai chú ý đến một con số cũng quan trọng không kém vì nó liên quan đến tầm vóc của giống nòi dân tộc: chiều cao.
Đề án nâng tầm chiều cao người Việt (sẽ gọi tắt là “Đề án”) được phê chuẩn với một ngân sách 6000 tỉ đồng. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng chiều cao trung bình của nam thanh niên lên 167 cm cho nam giới, và 156 cm cho nữ giới. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên những con số về chiều cao hiện hành, về khả năng tăng trưởng trong vòng 10 năm, và giả định về ảnh hưởng của yếu tố di truyền.
Nhưng điểm qua y văn và những dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ Việt Nam, tôi thấy có 3 điều cần bàn thêm về những mục tiêu trên: chiều cao hiện nay, tính khả dĩ của mục tiêu, và ảnh hưởng của di truyền.
Chiều cao người Việt hiện nay là bao nhiêu?
Có lẽ chẳng ai trả lời được câu hỏi này một cách chính xác, bởi vì không ai có thể đo lường chiều cao của 90 triệu người Việt, mà chỉ có thể lấy mẫu. Nếu lấy mẫu mang tính đại diện thì chỉ cần vài ngàn người, chúng ta cũng có thể có những ước số đáng tin cậy. Thế nhưng trong thực tế thì những con số về chiều cao của các cơ quan hữu trách đưa ra đều … không giống nhau.
Tuần vừa qua, báo Sài Gòn Tiếp Thị có trích dẫn phát biểu của một vị thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết hiện nay chiều cao của nam thanh niên là 164,4 cm, và của nữ giới là 154,8 cm. Tuy nhiên, báo cáo của Đề án nâng tầm chiều cao người Việt cho biết chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay là 163,7 cm ở nam giới và 153 cm ở nữ giới [1].
Nói cách khác, con số của Viện Dinh dưỡng cao hơn con số của Đề án đến 0.7 cm (nam giới) và 1.8 cm (nữ giới). Nếu những con số này được thu thập từ cỡ mẫu trên 5000 người thì xác suất khác biệt cao như thế xảy ra một cách ngẫu nhiên là thấp hơn 1 phần triệu!
Nghiên cứu của đồng nghiệp chúng tôi ở Sài Gòn và Hà Nội trên 1200 người, dùng thước đo điện tử, cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên VN hiện nay (2012) là 170 cm ở nam giới và 156 cm ở nữ giới [2]. Nhưng có lẽ con số này không đại diện vì nó được thu thập từ thành phố lớn, và chúng ta biết rằng chiều cao của cư dân thành phố thường cao hơn chiều cao cư dân nông thôn khoảng 1-2 cm. Tuy nhiên, con số của chúng tôi cho thấy ở TPHCM và Hà Nội, chiều cao của thanh niên đã đạt chỉ tiêu mà Đề án đề ra.
Khả thi?
Dự trên giả định rằng chiều cao hiện nay của người Việt (tức 163,7 cm ở nam giới và 153 cm ở nữ giới), Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2020 (tức 7 năm nữ) tăng chiều cao cho thanh niên tăng 3.3 cm (nam giới) và 3 cm (nữ giới). Câu hỏi đặt ra là chỉ tiêu đề ra có khả thi?
Chỉ tiêu chiều cao trung bình cho người Việt đến năm 2020 và 2030
Năm | Nam | Nữ |
2013 (hiện hành) | 163.7 cm | 153.0 cm |
2020 | 167.0 cm | 156.0 cm |
2030 | 168.5 cm | 157.5 cm |
Chỉ tiêu này được đề ra dựa trên nhận định rằng ở các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc, cứ 10 năm thì chiều cao tăng hơn 2 cm. Nhưng điểm qua y văn một cách nghiêm chỉnh thì không có nước nào có mức độ tăng trưởng chiều cao nhanh như thế. Xin trình bày vài trường hợp tiêu biểu như sau:
· Thái Lan: Nghiên cứu ở Thái Lan trên 86105 người về sự biến đổi chiều cao từ 1940 đến 1990 cho thấy chiều cao của nam và nữ tăng khoảng 0.2 đến 1.2 cm mỗi thập niên [3].
· Trung Quốc: Một nghiên cứu ở Trung Quốc [4] cho thấy trong 3 thập niên, chiều cao thiếu niên Trung Quốc chỉ tăng 5.3 cm (thành thị) và 5 cm (nông thôn), tức khoảng 1.7 cm trên 10 năm..
· Nhật: Mới đây, một tổng quan khác của Tiến sĩ Tim Cole, người chuyên nghiên cứu chiều cao và cũng là chỗ quen biết của tôi, cho biết trong vòng 40 năm (1950 - 1990), chiều cao thanh niên Nhật chỉ tăng 4 cm [5]. Một nghiên cứu công phu khác ở Nhật từ 1900 đến 2000 cho thấy tính trung bình, cứ mỗi 10 năm, chiều cao người Nhật tăng khoảng 1.3 cm (ở nam giới) và 1.1 (nữ giới) [6].
· Mĩ: Một nghiên cứu công phu có tên là Fels Study cho thấy sau 50 năm, chiều cao người Mĩ chỉ tăng 4.8 cm [7].
· Hà Lan: Nghiên cứu trên nam và nữ 21 tuổi, chiều cao nam giới tăng từ 182 cm vào năm 1980 lên 184 cm vào năm 1997. Ở nữ, trong cùng thời gian, chiều cao cũng tăng từ 168.3 cm lên 170.6 cm. Nói cách khác, trong vòng 17 năm, chiều cao tăng khoảng 2 cm ở nam và 2.3 cm ở nữ [8].
Những dữ liệu khoa học trình bày trên cho thấy chưa có nước nào trên thế giới mà tăng chiều cao trên 2 cm trong vòng 10 năm. Thật vậy, những phân tích từ các nước Âu châu như Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, v.v. trong thời gian 1890 đến 1990, chiều cao chỉ tăng khoảng 1.0 đến 1.5 sau mỗi thập niên [9]. Nhưng Đề án đặt chỉ tiêu trong vòng 7 năm chiều cao của nam giới sẽ tăng 3.3 cm và nữ giới là 3 cm, theo tôi, đó là một mục tiêu rất lạc quan và đầy tham vọng.
Coi chừng lọt vào bẫy số trung bình!
Thật ra, vấn đề không phải là chiều cao trung bình, mà là độ khác biệt chung quanh con số trung bình. Con số trung bình là một chỉ số thống kê được tính toán từ số liệu thu thập từ nhiều cá thể. Khía cạnh quan trọng là cá thể, chứ không phải chỉ số trung bình.
Để minh họa cho ý đó, chúng ta thử tưởng tượng hai nhóm đơn giản như sau. Nhóm 1 có hai cá nhân 166 và 168 cm cho ra chỉ số trung bình 167 cm. Nhưng nhóm 2 có hai cá nhân với chiều cao 145 và 189 cm, cũng cho ra chỉ số trung bình 167 cm. Rõ ràng, “chất lượng” phát triển của nhóm đầu cao hơn (vì đồng đều hơn) nhóm hai.
Ví dụ đơn giản trên có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu của Đề án đặt ra vào năm 2020 (chiều cao trung bình nam giới là 167 cm). Cho dù mục tiêu đề ra có đạt được, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là đến năm 2020 chiều cao của tất cả nam thanh niên đều có chiều cao 167 cm và nữ 156 cm.
Trong thực tế, chiều cao của các cá nhân trong một quần thể rất khác nhau. Sự khác biệt giữa các cá nhân có thể đo lường bằng một chỉ số có tên là độ lệch chuẩn. Nghiên cứu trên người Việt Nam của chúng tôi cho thấy độ lệch chuẩn về chiều cao là khoảng 6 cm. Nếu chiều cao trung bình của tất cả thanh niên Việt Nam vào năm 2020 là 167 cm, và với độ lệch chuẩn là 6 cm, chúng ta có thể ước tính rằng có đến 12% nam thanh niên có chiều cao thấp hơn 160 cm. Chiều cao thấp hơn 160 cm ở nam có thể xem là “tương đối thấp”. Tương tự, nếu chiều cao trung bình của tất cả nữ thanh niên đạt chỉ tiêu 156 cm, có thể ước tính rằng vẫn còn 16% nữ có chiều cao thấp hơn 150 cm.
Do đó, vấn đề của chỉ tiêu không phải là con số trung bình, mà là chiều cao tối thiểu. Cần phải xác định chiều cao tối thiểu cần đạt được là bao nhiêu, và chỉ tiêu đặt ra phải là bao nhiêu phần trăm dân số đạt chỉ tiêu tối thiểu đó. Dĩ nhiên, không thể nào kì vọng 100% dân số đạt chiều cao tối thiểu, nhưng phần trăm đạt chỉ tiêu cần nên đặt ra như là một ngưỡng để đánh giá sự thành công (hay thất bại) của một biện pháp can thiệp. Chẳng hạn như nếu xem chiều cao tối thiểu cần đạt được ở nam giới là 165 cm và nữ giới là 150 cm, thì chỉ tiêu đặt ra phải là [chỉ là ví dụ] 90% thanh niên trưởng thành có chiều cao trên số tối thiểu đó.
Vấn đề đặt ra kế tiếp là ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu. Trả lời câu hỏi này đòi hỏi phải có những nghiên cứu về mối tương quan giữa chiều cao và sức khoẻ, và từ đó xác định được ngưỡng tối thiểu để có sức khoẻ tối ưu.
Một chỉ tiêu cần phải đặt ra là độ tuổi đạt chiều cao tối đa. Độ tuổi đạt chiều cao tối đa là một chỉ số quan trọng về sức khoẻ và tăng trưởng bình thường. Y văn cho thấy tuổi đạt được chiều cao tối đa có thể dao động từ 12 đến 30 tuổi. Nghiên cứu trong quá khứ cho thấy khoảng 50% cá nhân đạt chiều cao tối đa trong độ tuổi từ 13 đến 16, và khoảng 40% cá nhân đạt chiều cao tối đa sau tuổi 16. Do đó, chỉ tiêu cần phải đặt ra là phần trăm thanh niên đạt chiều cao tối đa ở độ tuổi 13-16.
Ảnh hưởng của di truyền chỉ 20%?
Quá trình tăng trưởng của chiều cao chịu sự ảnh hưởng và tương tác của các yếu tố di truyền và môi trường. Đề án (và một vài chuyên gia) phát biểu rằng yếu tố di truyền ảnh hưởng khoảng 20% đến chiều cao, và dựa trên giả định này việc can thiệp bằng các biện pháp như thể dục và dinh dưỡng là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là con số 20%, vì tôi nghĩ nó quá thấp so với thực tế.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến chiều cao đã được thực hiện từ thế kỉ 19. Người viết bài này cũng từng đóng góp vào nghiên cứu di truyền về chiều cao. Điểm qua y văn, tôi thấy phần lớn nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền có ảnh hưởng lớn đến chiều cao, và mức độ ảnh hưởng dao động từ 60 đến 80% hay cao hơn. Không có một nghiên cứu nào cho thấy di truyền chỉ ảnh hưởng 20% đến chiều cao.
Một cách đơn giản nhất và hữu hiệu để biết yếu tố di truyền ảnh hưởng như thế nào là qua nghiên cứu trên những cặp sinh đôi. Có hai nhóm sinh đôi: những cặp sinh đôi có gien giống nhau 100% (tiếng Anh gọi là monozygotic twin, MZ), và những cặp chỉ giống nhau 50% gien (dizygotic twin, DZ). So sánh sự tương đồng về chiều cao giữa hai nhóm sinh đôi MZ và DZ cung cấp cho chúng ta một ước số về ảnh hưởng của gien.
Trong quá khứ đã có nhiều nghiên cứu theo mô hình sinh đôi, và một nghiên cứu mới nhất cho chúng ta thấy yếu tố di truyền quan trọng đến chiều cao ra sao. Biểu đồ dưới đây được trích từ một nghiên cứu trên 12000 cặp sinh đôi trên thế giới [10]. Số liệu trong biểu đồ cho thấy những cặp sinh đôi MZ có chiều cao rất giống nhau (trên 90%) so với những cặp sinh đôi DZ (khoảng 40%). Những số liệu này cũng cho biết gien có ảnh hưởng 80% hoặc 90% sự tăng trưởng về chiều cao.
|
Biểu đồ phản ảnh hệ số tương đồng về chiều cao (trục tung) và độ tuổi (trục hoành) cho hai nhóm sinh đôi (MZ và DZ). Mức độ tương đồng dao động từ 0 (tức chiều cao của cặp song sinh hoàn toàn khác nhau) đến 1 (hoàn toàn giống nhau). Biểu đồ cho thấy yếu tố di truyền có ảnh hưởng từ 80 đến 90% độ khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân. Mức độ ảnh hưởng của di truyền còn tăng theo độ tuổi. Tham khảo tài liệu #10. |
Tóm lại, những dữ liệu vừa trình bày trên đây cho thấy (a) chiều cao trung bình hiện nay của cư dân vài thành phố lớn có thể đã đạt mục tiêu mà Đề án đề ra cho năm 2020; (b) nhưng nếu con số chiều cao của thanh niên (toàn quốc) mà Đề án báo cáo là đúng và chính xác thì mục tiêu tăng chiều cao 3.3 cm qua thể dục và dinh dưỡng trong vòng 7 năm là rất khó khả thi; (c) tính khả thi còn có thể thấp hơn vì ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đến chiều cao có thể lên đến 80-90%, chứ không phải 20% như Đề án nhận định.
Trong thực tế, chiều cao của một dân tộc tăng theo sự phát triển kinh tế, mà chẳng cần đến can thiệp. Khi kinh tế phát triển, thu nhập ổn định và gia tăng, thì người dân sẽ có điều kiện cải thiện chế độ dinh dưỡng, và chiều cao sẽ tăng dần. Đó cũng chính là xu hướng xảy ra ngay tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Chú thích và tài liệu đề cập trong bài viết:
[1] Một quan chức thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết “chiều cao trung bình của nam thanh niên VN là 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn, nữ thanh niên cao trung bình 153cm, thấp hơn 10,1cm so với chuẩn” (xem “Chiều cao trung bình người Việt thấp hơn chuẩn 10-13cm”, báo Lao Động 11/6/2013). Tuy nhiên, trong thực tế thì không có chuẩn chiều cao cho mọi sắc dân. Trong thực tế, không có một sắc dân phương Tây nào có chiều cao trung bình lên đến 177 cm. Ngay cả người Hà Lan được nổi tiếng là cao thì chiều cao trung bình cũng không thể đạt được như vậy.
[2]Ho-Pham LT, et al. BMC Musculoskeletal Disorders 2011; 12:182. Huong TT Nguyen, et al. Bone2012;51:1029-1034.
[3] Jordan, et al. J Epidemiol Community Health 2012; 66:75-80.
[4] Zong XN, et al. Am J Hum Biology2011;23:209-215.
[5] Cole TJ. Economics & Human Biology 2003; 1: 161-168.
[6] Kagawa, et al. Asia Pac J Clin Nutr 2011;20:180-189.
[7] Roche AF. Growth, Maturation, and Body Composition: The Fels Longitudinal Study 1929-1991.
[8] Cole TJ. Proc Nutr Soc 2000; 59:317-324.
[9] Malina R. Anthropological Review2004;67:3-31.
[10] Dubois L, et al. PLoS ONE 2012;7:e30153.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét