Thoát khỏi ảo tưởng

Thoát khỏi ảo tưởng

Lâu nay chúng ta thường lấn cấn với suy nghĩ, nợ của doanh nghiệp nhà nước có lẽ không liên quan gì đến nợ công vì doanh nghiệp, dù của nhà nước, nhưng đã tự vay thì phải tự trả, nhất là đối với các khoản vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ. Suy nghĩ này càng được củng cố khi nhiều quan chức từng khẳng định về một trường hợp cụ thể là các khoản vay của Vinashin, rằng “Vinashin tự vay thì Vinashin phải tự trả thôi”.

Chỉ mấy năm sau ngày có những phát biểu như đinh đóng cột này, tuần trước đã lộ rõ khả năng Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay Vinashin, không chỉ với khoản vay bằng trái phiếu quốc tế 750 triệu đô-la do Chính phủ phát hành lấy tiền về giao cho Vinashin kinh doanh, mà còn với khoản vay 600 triệu đô-la nguyên thủy không có bảo lãnh của Chính phủ. Để đổi lấy việc các chủ nợ không kiện Vinashin ra tòa, để đổi lấy việc chưa phải thanh toán ngay, Vinashin và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã phát hành trái phiếu đảo nợ khoản vay 600 triệu đô-la nói trên, trì hoãn lại thời gian trả cả gốc lẫn lãi thêm 12 năm nữa. Vấn đề nằm ở chỗ khoản vay cũ không có Chính phủ bảo lãnh, còn trái phiếu mới được Chính phủ bảo lãnh, có nghĩa 12 năm nữa cho dù Vinashin có tiếp tục làm ăn thất bát đi nữa thì chắc chắn một điều nghĩa vụ nợ này là do ngân sách gánh chịu. Có thể chủ nợ mới chịu bởi tính ra số tiền nhận được trong tương lai 12 năm nữa chỉ bằng chừng 30% số tiền hiện nay.

Tranh luận quanh chuyện này cũng đã nhiều, dù sao giải quyết êm xuôi cũng còn hơn uy tín tín dụng của cả nước bị ảnh hưởng. Vấn đề cần nhấn mạnh là suy nghĩ nợ của doanh nghiệp nhà nước không liên quan đến nợ công xem như phá sản.

Một minh chứng khác: Vào cuối tháng 9 vừa qua, cũng Vinashin thông qua DATC đã hoán đổi 11.900 tỷ đồng tiền nợ với 18 tổ chức tín dụng thành trái phiếu DATC. Cho dù các tổ chức tín dụng chỉ nhận về lượng trái phiếu trị giá chừng 30% giá trị thật của khoản nợ, đối với họ như thế còn hơn không vì trái phiếu này cũng được Chính phủ bảo lãnh. Sắp sửa có thêm một đợt hoán đổi như thế nữa vào cuối năm nay. Nói cách khác, món nợ 86.000 tỷ đồng của Vinashin mà trước đây được khẳng định do Vinashin chịu thì nay dần dần biến thành nợ có Chính phủ bảo lãnh, ít nhất là theo một tỷ lệ nào đó. Mười năm nữa, tình hình tài chính của Vinashin ắt cũng chưa có chuyển biến tích cực, vẫn chưa có thặng dư để trả nợ, theo chính tính toán của tập đoàn này. Vậy 10 năm nữa, ngân sách lại phải đứng ra lo trả nợ thay cho Vinashin.

Xin nhắc lại một lần nữa, có biện pháp giải quyết dù sao cũng hơn là tình trạng bế tắc kéo dài trong mấy năm qua. Các tổ chức tín dụng dù sao cũng phải gánh chịu phần lớn thiệt hại vì sự cho vay không cẩn trọng của mình. Hướng đi hoán đổi nợ là điều phải làm. Điều duy nhất mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nợ doanh nghiệp nhà nước trước sau gì cũng trở thành nợ công và ngân sách phải gánh chịu - đó là một thực tế không thể chối cãi.

Thấy được điều đó, có nghĩa chúng ta hết ảo tưởng về các doanh nghiệp nhà nước, rằng 1,33 triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp này đang nợ (tính đến 1-2013) là chuyện của họ lo. Không - con số nợ khổng lồ đó có thể là các khoản nợ kinh doanh bình thường mà doanh nghiệp nào cũng phải có nhưng cũng dễ dàng biến thành cơn ác mộng cho ngân sách nếu chúng ta không thận trọng trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

Và con đường quản lý thận trọng nhất là cải tổ cả khu vực này theo hướng như ai cũng đều nhất trí: cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê hầu hết chỉ giữ lại những doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế, an ninh quốc phòng. Vấn đề là thực hiện điều ai cũng nhất trí đó như thế nào - vì từ đầu năm 2013 đến nay chỉ có chừng 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa.



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét