Đứng xa nhìn... triết lý giáo dục
Đối với khái niệm “triết lý giáo dục” tôi thường dùng cách “kính nhi viễn chi” bởi dù được đào tạo trong ngành sư phạm và đã từng dạy học hơn 10 năm, nếu có ai hỏi triết lý giáo dục Việt Nam là gì, tôi đành chịu, không trả lời được. Và cũng chẳng biết triết lý giáo dục chi phối nền giáo dục của nước này nước nọ cụ thể là gì.
Trong khi đó ở các nước, mỗi khi bàn đến cải cách giáo dục rất hiếm khi nghe họ nói đến triết lý giáo dục, có chăng chỉ nói về mục đích, tầm nhìn hay ý nghĩa của nền giáo dục mà họ muốn hướng đến.
Dù sao, cũng như mọi yếu tố khác trong giáo dục, “triết lý giáo dục”, nếu có, không thể chỉ đến từ giới quản lý, hoạch định chính sách giáo dục. Nó còn thể hiện ở người dạy và quan trọng hơn cả, ở người học.
Xin lấy ví dụ từ một môn học rất đơn giản để cùng hình dung. Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy các trung tâm dạy lái xe thường bày cho người học các mánh lới để làm bài thi đạt điểm cao (kiểu như có từ “đường bộ” thì chọn câu 2, “đường sắt” thì chọn cách 5 mét...). Như vậy với họ, học lý thuyết chỉ nhằm mục đích để thi cho đạt chứ đâu phải học lý thuyết để biết mà lái xe cho đúng luật! Người học cũng vậy, thấy các mánh lới làm bài này đều nhớ nằm lòng, chẳng cần biết ý nghĩa của nội dung họ đang học.
Cái mắc mứu ở đây là người soạn đề sát hạch chọn cách tạo ra những cái bẫy để đánh đố người thi chứ không phải soạn đề như thế nào đó để người học phải học thật sự chứ không học vẹt, học theo kiểu đối phó. Có những câu hỏi mà các chọn lựa trả lời thật dài, giống nhau gần hết chỉ khác một hai chữ then chốt. Vậy tại sao không hỏi như thế nào đó để làm nổi bật cái điều then chốt muốn hỏi, tại sao phải tạo ra những đám mây mù hòng buộc người thi sập bẫy đánh sai làm gì? Tôi có tham khảo đề thi của các nước và thấy, đa phần họ hỏi rất cụ thể, thấy biển như thế này thì phải làm gì. Hỏi như vậy sẽ củng cố phản xạ của người học. Còn hỏi “biển nào cấm máy kéo?” như ở Việt Nam là cách hỏi lắt léo, mang tính đánh đố chứ không thực tiễn chút nào.
Cái triết lý giáo dục, nếu có, trong trường hợp này bị hỏng từ trên xuống dưới.
Trở lại các môn trong bậc học phổ thông. Cái quan niệm học để thi chi phối mọi hoạt động của thầy trò dù đó là thi học kỳ hay thi tốt nghiệp. Sự say mê học để tiếp nhận kiến thức, học để rèn luyện kỹ năng, học để tạo cho mình óc xét đoán, cách nhận định đúng sai hầu như không được đặt nặng. Môn toán được biên soạn theo cách giới thiệu kiến thức và bài tập là những lắt léo để bắt học sinh nhớ kiến thức – trong khi các hoạt động khác như dùng toán để giải các vấn đề của cuộc sống đặt ra, rèn luyện cách tư duy lô-gích lại không được chú trọng. Môn văn không nhằm giúp học sinh các kỹ năng diễn đạt bằng ngòi bút hay cảm thụ được cái hay cái đẹp của văn chương; nó chỉ củng cố một số khuôn mẫu được định sẵn, ép học sinh phải chấp nhận như chuẩn mực duy nhất đúng. Môn tiếng Anh cũng coi nhẹ việc rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ mà tập trung vào các tiểu xảo chuyển đổi câu, biến đổi câu ngay chính người nói tiếng Anh cũng ít khi dùng.
Sẽ có người nói, cái đó không phải là triết lý giáo dục. Nó chỉ mới dừng lại ở mức độ gì gì đó, thấp hơn triết lý giáo dục nhiều.
Như đã nói ở trên, thiệt tình tôi không biết đó có phải là triết lý giáo dục hay không. Nhưng dù phải dù không, tôi nghĩ cải cách giáo dục phải bắt đầu từ những chuyện cụ thể, dễ hiểu, dễ thay đổi như thế. Lúc đó, liệu có cần bàn đến triết lý giáo dục không nhỉ?
Hay là lúc đó mọi người mới chợt nhận ra “triết lý giáo dục” thay đổi tùy theo từng cá nhân, là cách họ tiếp cận giáo dục, cách họ tin giáo dục sẽ đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của họ (như người học) hay của học sinh (khi họ là người dạy). Không thể áp đặt triết lý sống của một người cho toàn xã hội thì, theo tôi, cũng không hề có một triết lý giáo dục cho tất cả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét