Bàn thêm về hai chữ “university” và “college”

Nhân đọc bài báo trên VNexpress.net bàn về sự khác biệt giữa college và university, tôi muốn nói thêm cho rõ – dĩ nhiên trong phạm vi hiểu biết của tôi mà thôi. Tôi không bàn đến cách nói “go to college” hay “top colleges” (theo cách nói của người Mĩ). Tôi cũng không bàn đến chuyện các trường dù mang tên là college (như Dartmouth College, Boston College, ), mà chỉ bàn đến college và university như là một cơ cấu – structure.


Cơ cấu truyền thống: Faculty -> School -> Department

Theo cơ cấu tổ chức của các đại học truyền thống bên Úc và Anh, thì một đại học bao gồm nhiều phân khoa (theo cách gọi bằng tiếng Việt). Hai chữ “phân khoa” ở đây phải hiểu theo nghĩa chung, chứ không chỉ là Faculty (1). Phân khoa ở đây, ngoài Faculty, còn được gọi bằng một số danh từ khác như College, Division. Một phân khoa có nhiều School. Một School có nhiều Department.

Ví dụ 1: Phân khoa là Faculty. Đại học Sydney và Đại học NSW có các phân khoa như Faculty of Engineering, Faculty of Medicine, Faculty of Law, v.v.  Trong Faculty of Medicine, có nhiều School, như School of Medical Sciences, School of Psychiatry, School of Public Health and Community Medicine, v.v.

Ví dụ 2: Phân khoa là Division: Đại học Oxford bên Anh có nhiều phân khoa, ngay xưa họ gọi là Faculty, nhưng nay thì đổi tên thành Division. Vẫn phân khoa đó, nhưng chỉ đổi từ Faculty sangDivision.  ĐH Oxford có Division of Medical Science, Division of Social Sciences, Division of Humanities, v.v.  Mỗi Division có nhiều Department hay School. Chẳng hạn như Division of Medical Sciences có Department of Biochemistry, Department of Pharmacology, Department of Clinical Medicine, v.v. Nhưng Division of Social Sciences thì họ gọi cơ quan trực thuộc là School hoặc Department: School of Business, School of Government,  Department of Economics. Cách gọi Department hay School tuỳ thuộc vào qui mô của bộ môn.  Một số đại học Mĩ (như UCSD) có vẻ theo xu hướng tổ chức này của Oxford.

Ví dụ 3: Phân khoa là College. Đại học OSU (Ohio State University) gọi phân khoa là College. Do đó, OSU có những College of Medicine, College of Law, College of Engineering, v.v. Dưới mỗi college là nhiều Department (hoặc Center, tuỳ theo qui mô). ĐH Cornell, và nhiều đại học lớn ở Á châu như ĐH Quốc gia Đài Loan (NTU), ĐH Quốc gia Seoul (SNU), v.v. cũng theo mô hình tổ chức này.

Ví dụ 4: Phân khoa là School. Đại học Stanford gọi phân khoa là School. Do đó, ĐH Stanford có những School of Medicine, School of Law, School of Engineering, School of Business, v.v. Dưới mỗi School là nhiều Department (hoặc Center, tuỳ theo qui mô). 

Cách gọi phân khoa là college, faculty hay division, suy cho cùng chỉ là quyết định của hội đồng quản trị của trường. Chẳng hạn như ĐH Macquarie (Úc), trước đây họ gọi phân khoa là Faculty, nhưng khi có ban giám hiệu mới lên, họ đổi Faculty thành College, và nay họ lại quay về tên gọi Faculty!

Mô hình tổ chức phân khoa à school à department như trên có thể xem là chuẩn. Nhưng trong thực tế, cũng có nhiều trường hợp mà một đại học có một số Faculty, nhưng lại có 1 hay 2 School ngang cấp Faculty. Đây là những trường hợp mà những School đó chưa đủ qui mô để thành một Faculty / College, nên phải tạm gọi là School.

Cơ cấu mới

Trong vài năm gần đây, có xu hướng tổ chức đại học theo cơ cấu mà tiếng Anh gọi là flat structure – cơ cấu phẳng.  Cơ cấu truyền thống Faculty/ College/Division -> School -> Department là cơ cấu phân tầng (hierarchical structure). Theo cơ cấu phẳng, một đại học sẽ có nhiều department, và nối kết các department với nhau là Division. 

Chẳng hạn như đại học có 5 department tạm gọi là A, B, C, D, và E. Trường có thể qui tụ một số department thành một division. Một department có thể “thuộc về” 2 hay 3 division.  Ví dụ như Department of Mathematics có thể nằm dưới Division of Engineering, nhưng cũng có thể nằm dưới Division Natural Science. Nói cách khác, Division 1 có thể có department A, B, C, D; Division 2 có thể có department C, D, E. Nhưng sự phụ thuộc này chỉ mang tính học thuật, chứ không phải hành chính. Cơ cấu tổ chức này được xem là linh động và tạo điều kiện cho các chuyên ngành làm việc chung với nhau. 

College ở Úc và Anh

Ở Úc chịu ảnh hưởng sâu sắc hệ thống và truyền thống giáo dục anh Anh, nên chữ college có nhiều nghĩa. Nghĩa thứ nhất (hơi hiếm) là một phân khoa trong đại học. Nghĩa thứ hai là trường cao đẳng (theo nghĩa Việt Nam), những trường này có chức năng đào tạo nghề (cấp certificate và diploma hay associate diploma).  Nghĩa thứ ba là trường trung học, thường là trường trung học tư thục.   

Cần nói thêm rằng ngày xưa (>20 năm trước), Úc có 3 hệ thống giáo dục sau trung học: TAFE college, college of advanced education (CAE), và university.  TAFE college tương đương với community college bên Mĩ.  CAE là loại trường có chức năng đào tạo cấp cử nhân và masters, nhưng không đào tạo tiến sĩ, và giảng viên cao nhất là senior lecturer chứ không có professor.  Hệ thống CAE này tồn tại từ năm 1967 đến thập niên 1990s, và sau này nâng cấp thành university. 

Ở Úc, chữ college còn có nghĩa là một trường chuyên khoa (chỉ cho ngành y và luật). Chẳng hạn như Royal Australasian College of Physicians là một trường nhưng cũng có thể xem là một hội đoàn y khoa dành cho các bác sĩ chuyên khoa.

Nói tóm lại, ý nghĩa của chữ college tuỳ thuộc vào địa phương. Ở Mĩ, college thường dùng để chỉ một phân khoa trực thuộc một university, nhưng cũng có trường dưới danh xưng college nhưng thực chất có chức năng là một university. Ở Úc và Anh, college có thể là những trường trung học, là trường dạy nghề (tương đương với trung cấp ở Việt Nam), là trường hay giống như hội đoàn chuyên môn trong y khoa.

Nói chung, ngày nay tên đại học là một thương hiệu, nên cách gọi university, college, institute, hay thậm chí school không còn quan trọng. Như tôi có đề cập ở trên, có những trường đào tạo cấp cử nhân, masters và tiến sĩ, nhưng họ không lấy tên university, mà vẫn giữa tên cũ. Có thể kể đến những trường nổi tiếng này như Dartmouth College (Mĩ), California Institute of Technology (CalTech), Massachusetts Institute of Technology (MIT), London School of Economics (LSE), v.v.  Một số trường có những tên gọi hơi lạ lùng với hai chữ university và college đi đôi trong tên, như University College London mà họ chỉ muốn biết đến như là UCL.  Còn Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) trước kia là một học viện công nghệ, nhưng sau này khi trở thành đại học, họ vẫn giữ thương hiệu RMIT và chỉ thêm một chữ university đằng sau: RMIT University. Mới đây nhất là Đại học New South Wales, sau một thời gian biết dưới tên UNSW, nay đã đổi thành UNSW Australia, thậm chí không cần chữ university!  Đó là những trường có đủ uy danh và tự tin, nên họ không cần đến danh xưng “university”. 

Trường hợp Việt Nam thì có phần khác với cơ cấu trên. Nhiều trường đại học Việt Nam là đại học chuyên ngành, chứ không phải đa ngành như ở các nước phương Tây. Ví dụ như Đại học Y Hà Nội là một đại học chuyên ngành, dù có các “phân khoa”, nhưng nhìn theo cơ cấu đại học phương Tây thì có lẽ cách gọi thích hợp nhất là Hanoi College of Medicine, còn các “khoa” thì thực chất chỉ là Department (thậm chí thấp hơn). 

Ở Việt Nam còn có tình trạng lạ lùng khác là có những đại học như Đại học Ngân hàng, hay Đại học Ngoại thương, mà đúng ra là một chuyên ngành của phân khoa kinh tế (?).  Lại có những trường đại học mà tên có vẻ phản ảnh hai chuyên ngành xa nhau như Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM. Trong những trường hợp này, tôi nghĩ cần phải có một cuộc cải cách “radical” bằng cách cho đại học một cái danh chứ không phải tên của chuyên ngành.

Chú thích:
(1) Dĩ nhiên, chữ faculty trong các đại học còn có nghĩa là các giáo sư hay những người giảng dạy và nghiên cứu có biên chế.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét